Tin tức

Thoát vị đĩa đệm cổ: nguyên nhân, triệu chứng và phương phương pháp điều trị

Ngày 23/01/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Thoát vị đĩa đệm cổ gây đau nhức kéo dài ở vùng cổ vai gáy cùng nhiều triệu chứng khác làm giảm khả năng vận động tay. Theo thời gian, bệnh sẽ ngày càng làm giảm sút chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nhiều đến công việc. Dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh lý này.

1. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cổ thường xảy ra do sự mất cân bằng trong cấu trúc của đĩa đệm. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do:

1.1. Lão hóa tự nhiên 

Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể theo tuổi tác là nguyên nhân khiến đĩa đệm cổ bị hao mòn và thoát vị. Tuổi càng cao thì nhân nhầy đĩa đệm càng giảm. Vì thế, đĩa đệm trở nên kém dẻo dai hơn, khi thực hiện các động tác xoay vặn cổ, đĩa đệm có thể bị thoát vị.

Quá trình lão hóa xương khớp tự nhiên theo tuổi tác là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cổ

Quá trình lão hóa xương khớp tự nhiên theo tuổi tác là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cổ 

1.2. Chấn thương

Các chấn thương do tai nạn, va chạm hoặc hoạt động vận động mạnh cũng có thể góp phần vào thoát vị đĩa đệm cổ. Khi có một lực lượng mạnh tác động lên cột sống, đĩa đệm có thể bị rách bao xơ, trượt ra khỏi vị trí bình thường.

1.3. Sai tư thế

Tư thế ngồi không đúng trong thời gian dài có thể tạo áp lực lớn lên đĩa đệm cổ, khiến cho vùng này thường xuyên bị căng thẳng. Đây là tình trạng thường gặp phải ở những người làm việc văn phòng, người lái xe nhiều giờ liền hoặc những người duy trì lối sống ít vận động.

1.4. Di truyền

Một số người có khả năng di truyền cao về vấn đề về đĩa đệm, làm tăng nguy cơ thoát vị. Nếu trong gia đình có người đã mắc thoát vị đĩa đệm cổ, khả năng mắc bệnh này ở thế hệ tiếp theo cũng tăng lên.

2. Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm cổ

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ thường biến đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh:

- Đau ở cổ và vùng lân cận: đây là triệu chứng đặc trưng nhất của thoát vị đĩa đệm cổ. Cảm giác đau có thể từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể lan ra vai và cánh tay. Đặc biệt, cơn đau nhức có thể trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân hoạt động nhiều hoặc vào buổi tối, người bệnh có thể cảm thấy đau dữ dội khi nằm vì lúc này đĩa đệm cổ sẽ phải chịu áp lực lớn hơn.

- Giảm cảm giác và sức mạnh ở tay: người bệnh có thể kém nhạy cảm ở các vị trí như vai, cổ, tay. Nếu thoát vị gây áp lực lên dây thần kinh thì có thể làm giảm sức mạnh vận động của tay.

- Cử động cổ khó khăn: người bị thoát vị đĩa đệm cổ thường gặp khó khăn khi xoay, ngửa đầu lên cao hoặc làm các động tác cử động cổ thông thường. Kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.

- Đau đầu: người bệnh bị đau đầu, đau lan lên vùng phía sau đầu hoặc một bên của vùng đầu.

Người bị thoát vị đĩa đệm cổ thường xuyên trải qua cơn đau nhức vùng cổ vai gáy

Người bị thoát vị đĩa đệm cổ thường xuyên trải qua cơn đau nhức vùng cổ vai gáy

3. Phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cổ

3.1. Điều trị không dùng thuốc

+ Tập luyện

Chương trình tập luyện chuyên sâu diễn ra dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế có thể giúp cải thiện sức mạnh của hệ cơ, tăng cường sự ổn định của cột sống và giảm áp lực lên đĩa đệm. Các bài tập tăng cường cơ, pilates, yoga,... được triển khai có kế hoạch dựa trên thực trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể giúp cải thiện triệu chứng bệnh.

+ Vật lý trị liệu

Các buổi vật lý trị liệu với các kỹ thuật như siêu âm trị liệu, massage,... giúp giảm đau, giãn cơ và tăng cường sự linh hoạt của cổ.

3.2. Điều trị bằng thuốc

+ Thuốc giảm đau và chống viêm

Một số loại thuốc như paracetamol, ibuprofen, naproxen,... có thể giúp giảm đau và sưng. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroids để giảm sưng ở vùng bị thoát vị đĩa đệm cổ.

+ Thuốc giãn cơ và giảm đau thần kinh

Trường hợp đau nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau thần kinh mạnh hoặc thuốc giãn cơ để giúp bệnh nhân nghỉ ngơi tốt hơn và giảm áp lực lên cột sống.

3.3. Phẫu thuật

Khi các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ nêu trên đã được áp dụng nhưng không đạt được hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật cắt bỏ phần thoát vị của đĩa đệm. Phương pháp này sẽ giúp loại bỏ đĩa đệm và chồi xương, hàm xương vào khoang đĩa đệm để cột sống được giữ vững.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần giữ đúng tư thế để giảm áp lực lên cột sống, tăng khả năng tự lành của cơ thể. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc nghỉ ngơi, di chuyển và chế độ ăn uống để tăng tốc độ hồi phục.

Phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên sự phù hợp với mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ phù hợp

Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ phù hợp

4. Chăm sóc sau điều trị và phòng ngừa tái phát thoát vị đĩa đệm cổ

Để đảm bảo hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm cổ và ngăn ngừa tái phát, người bệnh cần lưu ý:

- Duy trì lối sống lành mạnh trong đó đặc biệt chú ý duy trì trọng lượng cơ thể ổn định để giảm áp lực lên cột sống. Ngoài ra, các hoạt động vận động như bơi lội, yoga, đi bộ,... nên duy trì đều đặn để tăng cường sức mạnh cơ bắp và tính linh hoạt của vùng cổ.

- Ngủ đúng tư thế dưới sự hỗ trợ của gối chuyên dụng và tránh dùng gối cao để giảm áp lực lên cổ.

- Duy trì tư thế ngồi đúng khi làm việc, sử dụng bàn ghế làm việc để giảm áp lực lên cột sống.

- Nếu xuất hiện triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cổ, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá đúng tình trạng bệnh và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, người đã điều trị thoát vị đĩa đệm cổ cần chú ý khám sức khỏe định kỳ hoặc theo lịch hẹn tái khám của bác sĩ để kiểm tra sức khỏe cột sống và nhận được các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Thoát vị đĩa đệm cổ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh. Duy trì lối sống lành mạnh, biết cách giữ gìn sức khỏe cột sống sẽ giúp mỗi người có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Nếu có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ bị thoát vị đĩa đệm cổ, quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cách thức thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh lý này.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.