Tin tức
Thuốc giảm ho cho trẻ: nên dùng thế nào cho đúng cách?
- 20/09/2021 | Trẻ bị ho kéo dài là dấu hiệu của bệnh gì và cách phòng ngừa
- 13/11/2021 | Trẻ bị ho nên kiêng ăn gì và ăn gì để sớm khỏi bệnh?
- 29/04/2022 | Hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ bị ho gà
1. Trẻ bị ho nguyên nhân do đâu?
Ho là phản xạ của cơ thể nếu gặp phải các yếu tố lạ từ môi trường bên ngoài. Đó có thể là bụi bẩn, khói thuốc lá, phấn hoa hoặc dị vật mắc kẹt trong đường hô hấp,... Phản xạ ho sẽ giúp tống xuất và ngăn cản những tác nhân này ra khỏi cơ thể.
Trẻ em có thể gặp các biểu hiện ho như ho kèm sổ mũi, ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi, thậm chí là cơn ho về đêm. Nguyên nhân dẫn tới các cơn ho ở trẻ thường là do:
-
Mắc phải các bệnh về đường hô hấp trên: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, cảm lạnh, viêm amidan. Ở trường hợp này trẻ sẽ có triệu chứng ho khan hoặc ho có đờm;
-
Mắc phải các bệnh về đường hô hấp dưới: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản với triệu chứng ho khan, khàn tiếng, ho khạc đờm,...;
-
Nguyên nhân khác: ho do bị dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản kích thích ho, ho do hít phải khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, hóc dị vật,...
Trẻ em có thể gặp các biểu hiện ho như ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi
2. Cha mẹ có thể tự mua thuốc giảm ho cho trẻ không?
Trong bất kỳ trường hợp nào nếu thấy trẻ có biểu hiện ho thì cha mẹ nên tham khảo trước tư vấn dùng thuốc giảm ho cho trẻ từ bác sĩ chuyên khoa. Phần lớn các chuyên gia y tế đều không khuyến khích phụ huynh tự dùng thuốc cho trẻ.
Khi mua thuốc cho bé, cha mẹ cần lưu ý:
-
Lựa chọn loại thuốc dành cho độ tuổi của trẻ;
-
Cho trẻ dùng với liều lượng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ và nhà sản xuất;
-
Sự phối hợp thuốc giảm ho cần có sự tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
3. Lựa chọn thuốc giảm ho cho trẻ
Đối với từng tình trạng ho sẽ cần dùng những loại thuốc giảm ho phù hợp, cụ thể là:
-
Ho khan: nếu trẻ có triệu chứng ho khan, cơn ho mang tính chất dữ dội, khô và ngứa họng nhưng không ngạt mũi thì nên dùng riêng một loại thuốc ho. Có thể cho trẻ súc miệng họng sạch sẽ và sử dụng siro ho;
-
Ho có đờm: nếu tình trạng ho có đờm chỉ ở mức độ nhẹ, chỉ ho vài lần mỗi giờ, không ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ nhưng khó bật đờm thì có thể sử dụng thuốc hỗ trợ long đờm. Nhóm thuốc này có tác dụng làm loãng dịch đờm để trẻ dễ ho khạc hơn giúp trẻ cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc thì có thể làm giảm tiết chất nhầy tự nhiên bảo vệ dạ dày;
-
Ho kèm theo triệu chứng ngạt mũi, chảy nhiều nước mũi: dùng thuốc chống ngạt mũi và thuốc kháng histamin để giảm thiểu tình trạng kích ứng gây ho. nên sử dụng những thuốc này vào ban đêm vì tác dụng phụ của thuốc thường là gây buồn ngủ.
Dựa trên triệu chứng cơn ho cha mẹ cần lựa chọn thuốc giảm ho cho trẻ phù hợp
Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ có những chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể. Tốt hơn hết là cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc nếu không chắc chắn về nguyên nhân gây ho và tình trạng của bé.
4. Trẻ bị ho cần được chăm sóc như thế nào?
Các cơn ho thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột. Triệu chứng này thường khiến trẻ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, giật mình khi ngủ, đôi khi là nôn trớ,... Do vậy bên cạnh việc dùng các thuốc giảm ho cho trẻ thì cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ bị ho:
-
Vệ sinh mũi và họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý đối với trường hợp trẻ bị ho có kèm theo ngạt mũi, sổ mũi;
-
Tăng cường cho trẻ uống nước: khi cơ thể trẻ được cung cấp đủ nước sẽ giúp giảm tiết dịch nhầy đường hô hấp, giảm ho và dễ thở hơn. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, sữa, nước ép trái cây, canh, súp. Ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nên cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn;
-
Dùng mật ong sẽ giúp làm dịu cổ họng cho trẻ và giảm thiểu các cơn ho. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý rằng mật ong không dành cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc;
-
Dùng máy làm ẩm không khí trong phòng: loại máy này có chức năng làm ẩm không khí vào trời lạnh, giảm kích ứng đường thở nên giúp giảm ho hiệu quả;
-
Kê cao đầu cho bé khi ngủ: tư thế đầu cao hơn thân người có tác dụng giúp bé cảm thấy dễ thở hơn;
-
Thực đơn đầy đủ dinh dưỡng và chế biến dễ nuốt: triệu chứng ho khiến họng của bé bị phù, sưng đau nên cha mẹ cần ưu tiên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt để giảm tình trạng khó chịu do các cơn ho gây ra.
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau thì phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám để được điều trị và xử trí càng sớm càng tốt:
-
Ho nhiều kèm theo nôn trớ, thở mệt, thở khò khè, thở gắng sức;
-
Quanh môi và môi tím tái;
-
Cảm giác khó chịu khi thở hoặc khi nói chuyện;
-
Trẻ ngừng thở;
-
Trẻ sơ sinh bú kém hoặc bỏ bú;
-
Khi thở sâu cảm thấy đau ngực;
-
Khó nuốt, chảy nước dãi;
-
Trẻ dưới 4 tháng tuổi khi đo nhiệt độ hậu môn hơn 39 độ và không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt sau 2 tiếng.
Nếu biểu hiện ho kèm triệu chứng bất thường, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay
Mong rằng thông qua bài viết này các bậc phụ huynh đã biết cách sử dụng và lựa chọn thuốc giảm ho cho trẻ. Nếu trẻ bị ho lâu ngày không khỏi thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp các bậc phụ huynh còn đang băn khoăn không biết nên cho trẻ đi khám ở địa chỉ nào thì có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện sẽ giúp kiểm tra và tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho trẻ.
Mọi thông tin chi tiết về các gói khám và dịch vụ khác tại MEDLATEC, xin quý bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!