Tin tức

Thuốc mê và cơ chế tác dụng cần lưu ý

Ngày 11/04/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Thuốc mê chính là một phát minh vĩ đại có đóng góp rất quan trọng trong các can thiệp y tế. Thuốc mê giúp người bệnh không phải trải qua cảm giác đau đớn khi phẫu thuật nhưng vẫn không làm tạm ngừng hay mất đi các chức năng diễn ra trong cơ thể. Vậy loại thuốc này hoạt động theo cơ chế như thế nào? hãy cùng MEDLATEC khám phá thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Khái niệm về thuốc mê

Thuốc mê có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương để khiến bệnh nhân tạm thời mất đi các phản xạ, cảm giác và ý thức trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên trong lúc này cơ thể người bệnh vẫn duy trì được các chức năng sống cơ bản như chuyển hóa, bài tiết, hô hấp, tuần hoàn,...

Đa phần các loại thuốc mê đều gây độc và tùy từng loại sẽ có liều lượng tối đa khác nhau. Nếu dùng thuốc mê với liều quá thấp sẽ không đủ để gây mê bệnh nhân, tuy nhiên nếu dùng liều quá cao có thể khiến người bệnh bị ngộ độc. Do đó các bác sĩ gây mê đóng một vai trò rất quan trọng khi họ đều phải là những chuyên gia giỏi tính toán lượng thuốc mê phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Ngoài ra việc sử dụng thuốc mê cũng cần phải phù hợp với giai đoạn ca phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Thuốc mê chính là một phát minh vĩ đại có đóng góp rất quan trọng trong các can thiệp y tế

Thuốc mê chính là một phát minh vĩ đại có đóng góp rất quan trọng trong các can thiệp y tế

Khoa học đã khám phá ra nhiều loại thuốc mê có giá trị ứng dụng cao trong lâm sàng. Nhiều loại thuốc mê được đánh giá là khá an toàn, trong khi đó cũng có một số loại gây nhiều tác dụng phụ, độc tính cao và khả năng gây mê kém nên không còn được dùng nữa. Thuốc mê được phân thành 2 loại theo các phương thức gây mê chính như sau:

  • Thuốc mê đường hô hấp: thể lỏng bốc hơi hoặc thể khí, dùng trong gây mê. Thuốc sẽ đi theo đường hô hấp để vào cơ thể của bệnh nhân (qua phế nang rồi ngấm vào máu);

  • Thuốc mê dùng theo đường tĩnh mạch: gồm các nhóm như nhóm ức chế thần kinh (neuroleptic), nhóm barbiturat, nhóm gây ngủ (hypnotic), nhóm benzodiazepin,... Bác sĩ sẽ tiêm thuốc theo đường tĩnh mạch, qua đó thuốc có thể đi thẳng trực tiếp vào máu của bệnh nhân.

Cho dù là thông qua con đường nào thì đích đến cuối cùng của thuốc mê cũng là hệ thần kinh trung ương. Loại thuốc này sẽ làm ức chế hệ thần kinh trung ương theo các thứ tự như: vỏ não, vùng dưới vỏ não, tủy sống khiến bệnh nhân dần rơi vào trạng thái mất ý thức, tạm thời bị ức chế thần kinh vận động.

Đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về cơ chế tác động thật sự của thuốc mê đối với cơ thể. Tuy nhiên vẫn chưa có giả thiết nào chứng minh được rõ ràng cơ chế tác động này. Phần lớn các thuyết chỉ dựa trên phản ứng sinh hóa thần kinh, dữ liệu sinh lý, vật lý và hóa học để giải thích.

2. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi thuốc mê

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thuốc mê trong các ca phẫu thuật nhưng người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như dưới đây:

  • Ngứa ngáy: tình trạng này hay gặp phải ở những bệnh nhân sử dụng thuốc Opioid khi phẫu thuật. Hiện tượng ngứa sẽ hết dần sau khi thuốc mê tan;

  • Chóng mặt: vì dư âm thuốc mê vẫn còn nên người bệnh có thể sẽ bị chóng mặt. Lúc này hãy cho bệnh nhân uống thêm một chút nước;

  • Buồn nôn, nôn mửa: sau khi tỉnh lại tác dụng phụ do thuốc mê gây ra có thể khiến người bệnh bị buồn nôn. Nếu tình trạng nôn nhiều không thuyên giảm, bác sĩ thường sẽ kê bổ sung thuốc chống nôn để bệnh nhân sử dụng;

  • Mê sảng: đây là triệu chứng thường xảy ra ở những người được gây mê toàn thân khi phẫu thuật;

  • Đau tại vết thương: bệnh nhân thường sẽ có cảm giác đau trở lại khi thuốc mê hết tác dụng;

  • Đau cơ: thuốc mê có một công dụng là làm giãn cơ bắp. Do đó khi phẫu thuật kết thúc và người bệnh lấy lại ý thức, thuốc vẫn chưa tan hết sẽ khiến bệnh nhân bị đau nhức mỏi cơ;

  • Khô miệng, đau họng, giọng khàn: triệu chứng này xuất phát từ nguyên nhân trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân phải đặt nội khí quản khiến miệng có biểu hiện khô rát, đau họng gây khàn giọng;

  • Tiểu khó: đây là tình trạng rất hay gặp ở những người phải dùng thuốc gây mê toàn thân khi phải phẫu thuật. Tuy nhiên biểu hiện khó tiểu sẽ nhanh chóng biến mất;

  • Cảm giác run rẩy, ớn lạnh: thân nhiệt của bệnh nhân thường sẽ giảm sau khi dùng thuốc mê. Vì vậy sau khi phẫu thuật xong và tỉnh lại người bệnh sẽ có cảm giác run rẩy và ớn lạnh;

  • Biểu hiện mệt mỏi, hay quên: triệu chứng chung của bệnh nhân khi tỉnh dậy sau phẫu thuật thường là hay quên, mệt mỏi, nhất là những bệnh nhân sức khỏe kém và tuổi cao thì biểu hiện này sẽ kéo dài lâu hơn. Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi và sức khỏe tốt thì hiện tượng này sẽ cải thiện và hồi phục sau một vài ngày.

Liều lượng của thuốc mê tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật và thể trạng của bệnh nhân 

Liều lượng của thuốc mê tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật và thể trạng của bệnh nhân

3. Những việc cần làm để phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc mê

Để đảm bảo thủ thuật gây mê diễn ra an toàn, phát huy tác dụng của nó và hạn chế những tác động không mong muốn của thuốc mê thì quy trình gây mê cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Trước khi gây mê bệnh nhân cần thông báo trước với bác sĩ các bệnh lý mà bản thân đang mắc phải (tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn,...), các loại thuốc đang sử dụng và tiền sử bị dị ứng;

  • Nhịn ăn theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng nôn hoặc hít sặc các chất nôn gây viêm phổi;

  • Bác sĩ tiến hành thăm khám tiền mê theo đúng thủ tục, quy trình, đánh giá đúng thể trạng của bệnh nhân để lựa chọn đúng loại thuốc, sử dụng đúng liều lượng để tránh ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt cần giảm liều ở bệnh nhân suy gan, suy thận, người già, hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng về hô hấp, tim mạch, làm nghiêm trọng thêm các vấn đề về gan, thận;

  • Dùng thuốc đảm bảo đạt hiệu quả với liều dùng thấp nhất hoặc liều dùng thích hợp nhất;

  • Theo dõi người bệnh sát sao để kịp thời phát hiện và giải quyết các tác dụng phụ do thuốc mê gây ra;

  • Đối với các trường hợp dùng an thần để làm thủ thuật hoặc mổ xuất viện ngay trong ngày, người bệnh cần được hướng dẫn tránh tình trạng té ngã, sau khi ra viện trong vòng 8 giờ không nên tự lái xe và trong vòng 24 giờ không được ký kết các giấy tờ có ý nghĩa quan trọng. Trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi,... thì nên sớm thông báo với bác sĩ hoặc tái khám để được hỗ trợ xử trí đúng cách.

Bác sĩ thực hiện thủ thuật gây mê phải là người có chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm

Bác sĩ thực hiện thủ thuật gây mê phải là người có chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm

Nhìn chung, thuốc mê nếu đưa vào cơ thể mà không được tính toán chính xác hay kiểm soát cẩn thận, kỹ lưỡng thì có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Do đó người thực hiện kỹ thuật gây mê cần phải là bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn giỏi. Nếu thuốc mê được dùng với lượng vừa đủ thì sẽ đem lại hiệu quả mong muốn, ngoài ra sau khi thuốc tan thì chức năng phản xạ, vận động của cơ thể sẽ được phục hồi nhanh chóng.

Từ khoá: thuốc mê mệt mỏi

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.