Tin tức

Thuốc Prednisolone: Cách dùng, liều dùng theo từng dạng bào chế

Ngày 23/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Hiện nay, thuốc Prednisolone được bào chế theo nhiều dạng. Ứng với mỗi dạng, cách dùng và liều lượng sử dụng lại có sự thay đổi. Nếu muốn thuốc phát huy tối ưu công dụng, bạn cần thực hiện nghiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sau đây là thông tin chi tiết hơn về loại thuốc này để bạn đọc tham khảo.

1. Tìm hiểu chung về thuốc Prednisolone

Prednisolone là một loại thuốc chứa thành phần hoạt chất Prednisolone, thuộc nhóm dược phẩm chống viêm Glucocorticoid. Các dạng bào chế cơ bản của Prednisolone thường là: 

  • Dạng viên nén. 
  • Dạng viên nén phân tán. 
  • Dạng viên nang. 
  • Dạng dung dịch uống.
  • Dạng hỗn dịch tiêm. 
  • Dạng dung dịch sử dụng để nhỏ mắt. 

Một sản phẩm thuốc Prednisolone 5mg

Một sản phẩm thuốc Prednisolone 5mg

2. Một vài công dụng chính của Prednisolone

Prednisolone sở hữu tính chất của một Steroid tương ứng tại vỏ thượng thận, kết hợp cùng đặc tính của Glucocorticoid. Trong đó, tác dụng của Prednisolone được quyết định bởi Glucocorticoid. Cụ thể, Glucocorticoid có khả năng ngăn chặn quá trình Apoptosis ứng với bạch cầu trung tính, đồng thời hỗ trợ hoạt động khử phân bào, kìm hãm hoạt động của các yếu tố gây viêm. 

Thuốc Prednisolone phát huy khá tốt công dụng điều trị chứng dị ứng da, viêm da,... cùng nhiều bệnh lý khác. 

3. Chỉ định và chống chỉ định 

Chủng loại thuốc lưu hành trên thị trường hiện giờ khá phong phú. Trước khi được kê đơn dùng thuốc, bạn cần nắm rõ thông tin về đối tượng chống chỉ định và chỉ định của thuốc có thành phần Prednisolone. 

3.1. Chỉ định 

Thuốc Prednisolone có thể được bác sĩ cân nhắc chỉ định trong nhiều trường hợp như: 

  • Người bị dị ứng nghiêm trọng: Bao gồm viêm da dị ứng, dị ứng thuốc, viêm mũi dị ứng diễn biến theo mùa hoặc xuất hiện quanh năm. 
  • Người mắc bệnh lý về da: Chẳng hạn như viêm da bóng nước, viêm da tiếp xúc, bệnh vẩy nến. 
  • Người mắc bệnh nội tiết: Bệnh lý viêm tuyến giáp, tình trạng suy vỏ thượng thận theo thể nguyên phát hoặc thứ phát. 
  • Người mắc bệnh về đường tiêu hóa: Bệnh Crohn (chủ yếu điều trị bằng thuốc trong giai đoạn cấp), bệnh lý viêm loét đại tràng. 
  • Người mắc bệnh về máu: Chẳng hạn như giảm tiểu cầu thứ phát ở người trưởng thành, một số bệnh lý liên quan đến thiếu máu miễn dịch. 
  • Người bị một số dạng u: Bao gồm u lympho. 

Ngoài ra, Prednisolone còn được chỉ định cho một số đối tượng khác như người mắc bệnh lý về hệ thần kinh, viêm bồ đào, viêm mắt, bệnh lý về phổi, bệnh thận,... Thời gian dùng thuốc và liều dùng áp dụng sẽ tùy thuộc theo tình trạng bệnh. 

Người bị viêm da dị ứng có thể được chỉ định điều trị bằng Prednisolone

Người bị viêm da dị ứng có thể được chỉ định điều trị bằng Prednisolone

3.2. Chống chỉ định 

Tuy rằng hỗ trợ điều trị khá nhiều bệnh lý nhưng vẫn có trường hợp bác sĩ không thể chỉ định Prednisolone. Cụ thể là những trường hợp sau: 

  • Người dị ứng với thành phần trong Prednisolone. 
  • Người bị viêm giác mạc cấp tính do sự tấn công của Herpes Simplex. 
  • Người đang tiêm vắc xin virus sống, thuốc giảm độc lực. 
  • Bệnh nhân bị nhiễm nấm toàn thân. 
  • Bệnh nhân bị thủy đậu. 

4. Cách dùng và liều lượng dùng

Bởi dạng bào chế tương đối đa dạng nên cách dùng và liều lượng sử dụng Prednisolone cũng sẽ thay đổi theo từng dạng bào chế. 

4.1. Cách dùng 

Cách sử dụng Prednisolone cụ thể phụ thuộc theo dạng bào chế. Trong đó, với dạng viên, mọi người sẽ bổ sung theo đường uống. Nếu mắc bệnh lý về mắt, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng Prednisolone theo dạng dung dịch nhỏ mắt. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần dùng thuốc theo đường tiêm. 

Prednisolone bào chế theo dạng viên nén được sử dụng theo đường uống

Prednisolone bào chế theo dạng viên nén được sử dụng theo đường uống

4.2. Liều dùng 

Liều lượng áp dụng trong điều trị một số bệnh lý cần điều chỉnh cân đối theo đặc điểm thể trạng của từng người bệnh. 

4.2.1. Liều dùng ở người trưởng thành

Liều dùng áp dụng ở người trưởng thành cần phụ thuộc theo từng dạng bào chế, tình hình bệnh lý. Cụ thể như: 

  • Nếu dùng theo đường uống: Liều dùng thông thường là từ 5mg đến 60mg/ngày. 
  • Nếu dùng để nhỏ mắt: Trường hợp bị viêm kết mạc hoặc giác mạc bị tổn thương, người bệnh có thể nhỏ 1 đến 2 giọt Prednisolone 1% mỗi lần dùng thuốc, số lần dùng thuốc sẽ được bác sĩ hướng dẫn dựa theo mức độ tổn thương. 
  • Nếu dùng theo đường tiêm: Với dạng hỗn dịch Prednisolone Acetate, liều dùng tiêm bắp có thể rơi vào khoảng 25mg đến 100mg/lần. 

4.2.2. Liều dùng ở trẻ em

Trong một số trường hợp, trẻ em thường được chỉ định điều trị bằng Prednisolone theo đường uống hoặc nhỏ mắt. 

  • Nếu dùng theo đường uống: Trường hợp điều trị cho trẻ bị viêm phế quản cấp, liều lượng sử dụng là từ 1mg đến 2mg/kg/ngày, thời gian dùng thuốc có thể duy trì trong 3 đến 10 ngày. Với những bệnh lý khác, bác sĩ sẽ cân đối thay đổi liều lượng phù hợp với thể trạng của trẻ. 
  • Nếu dùng để nhỏ mắt: Nhỏ từ 1 đến 2 giọt Prednisolone 1% theo hướng dẫn của bác sĩ dựa theo tình trạng bệnh lý. 

5. Tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện khi dùng Prednisolone

Các tác dụng phụ thường xuất hiện ở người dùng thuốc Prednisolone phải kể đến là: 

  • Huyết áp tăng. 
  • Thèm ăn hơn bình thường gây tình trạng tăng cân. 
  • Cơ thể có xu hướng tích nước. 
  • Gặp vấn đề về khả năng hấp thụ Glucose. 
  • Tâm trạng thay đổi. 

Bên cạnh đó, Prednisolone đôi khi sẽ gây ra những tác dụng phụ khác như rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, nổi mụn, nổi mề đay, chướng bụng, tăng men gan, chóng mặt,... Bất kỳ khi nào nhận thấy triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc Prednisolone, bạn đều phải thông báo tình hình cho bác sĩ hoặc tìm đến cơ sở y tế để được hỗ trợ. 

Đôi khi, Prednisolone có thể gây tăng huyết áp

Đôi khi, Prednisolone có thể gây tăng huyết áp 

6. Một vài lưu ý khi dùng thuốc

Để thuốc Prednisolone phát huy hiệu quả tác dụng, hạn chế ảnh hưởng của các tác dụng phụ không mong muốn, mọi người cần ghi nhớ một vài nguyên tắc sau: 

  • Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên môn. 
  • Không điều chỉnh liều dùng tùy ý trong quá trình điều trị thuốc. 
  • Không sử dụng đồ uống có cồn như rượu trong thời gian điều trị bằng Prednisolone. 
  • Prednisolone dễ tạo phản ứng tương tác với Acetylcholinesterase và nhiều loại thuốc khác. Chính vì thế, bạn phải thông báo chính xác tình hình bệnh lý, loại thuốc đang dùng (nếu có) khi được bác sĩ kê đơn sử dụng Prednisolone. 
  • Thuốc Prednisolone không được khuyến khích chỉ định cho phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú. Bởi hoạt chất trong thuốc có thể gây hại đến những đối tượng này. 
  • Thận trọng theo dõi biểu hiện của cơ thể trong suốt quá trình dùng thuốc để thông báo kịp thời cho bác sĩ. 

Prednisolone có khả năng tương tác với một số loại thuốc ức chế Acetylcholinesterase

Prednisolone có khả năng tương tác với một số loại thuốc ức chế Acetylcholinesterase

Các thông tin về hướng dẫn dùng và liều dùng Prednisolone ở trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi dùng thuốc, bạn cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. Tốt nhất, bạn hãy đi thăm khám khi cơ thể có dấu hiệu bất thường tại các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để bác sĩ kiểm tra và kê đơn thuốc phù hợp. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám trước hoặc cần tư vấn thêm về từng dịch vụ, Quý khách vui lòng liên hệ với MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ 24/7. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ