Tin tức
Tìm hiểu các bệnh về phổi dễ gặp và phương pháp chẩn đoán
- 15/12/2024 | Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính sống được bao lâu, cải thiện tuổi thọ bằng cách nào?
- 19/12/2024 | Phổi nằm ở vị trí nào? Tìm hiểu về cơ quan quan trọng này và vai trò của nó
- 01/01/2025 | Nhận biết triệu chứng bệnh phổi và những đối tượng cần phải lưu ý
1. Các bệnh về phổi dễ mắc phải
1.1. Viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của đường dẫn khí đến phổi, bao gồm khí quản và phế quản. Bệnh gồm hai thể cấp tính và mạn tính. Bệnh khởi phát thường từ viêm long đường hô hấp trên với sốt nhẹ, viêm mũi họng, có thể viêm xoang viêm amidan. Trường hợp diễn biến nặng hơn có thể khó thở tăng dân, thở nhanh, ho từng cơn dai dẳng, cảm giác bỏng rát sau xương ức,...
Viêm phế quản nếu điều trị tốt tích cực thường chỉ kéo dài trong 2 - 3 tuần. Nhưng nếu để bệnh tái phát nhiều lần dẫn tới mạn tính thì tỉ lệ nguy cơ biến chứng viêm phổi cao.
1.2. Viêm phổi
Khi các mô phổi bị viêm sẽ làm tổn thương phế nang và gây nên viêm phổi. Bệnh lý này thường do, vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, virus, nấm và ký sinh trùng,... gây ra.
Bệnh nhân viêm phổi thường có các dấu hiệu:
- Sốt cao, ớn lạnh.
- Ho có đờm màu xanh hoặc vàng, đôi khi có lẫn máu trong đờm.
- Đau nhói ở ngực khi thở sâu.
- Khó thở, thở nhanh.
- Mệt mỏi, chán ăn.
1.3. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Đây là bệnh lý liên quan đến sự tắc nghẽn lâu dài ở đường thở, khiến cho quá trình lưu thông không khí vào và ra khỏi phổi gặp nhiều khó khăn. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường hình thành do các yếu tố:
- Nghiện hút thuốc lá trong thời gian dài (chiếm khoảng 90% trường hợp bệnh).
- Tiếp xúc với tác nhân ô nhiễm như hóa chất, khói bụi,... thường xuyên.
- Yếu tố di truyền.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường khiến người bệnh có những triệu chứng:
- Khó thở: Khi mới mắc bệnh, người bệnh thường chỉ khó thở khi gắng sức nhưng bệnh càng tiến triển thì tần suất khó thở càng tăng và gặp phải ngay cả khi nghỉ ngơi. Tình trạng khó thở xuất hiện khi leo cầu thang hoặc đi bộ nhanh.
- Ho kéo dài: Ho khan hoặc có đờm, nhiều nhất vào buổi sáng.
- Mệt mỏi, giảm cân nhanh chóng.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tổn thương phổi trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
1.4. Lao phổi
Đây là bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Bệnh trong giai đoạn tiến triển thường có biểu hiện ho kéo dài, gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi "trộm", tức ngực..... Bệnh dễ nhiễm với nhóm nguy cơ cao như người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em, người nghiện ma túy hoặc người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
Lao phổi là bệnh lý nguy hiểm, thời gian điều trị kéo dài, dễ xảy ra biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân lao phổi nhập viện muộn trong tình trạng suy hô hấp, tỷ lệ tử vong cao.
1.5. Thuyên tắc mạch phổi
Thuyên tắc mạch phổi là tình trạng huyết khối đi từ các bộ phận khác của cơ thể (thường là chân) lên đến phổi và khiến mạch máu ở phổi bị tắc nghẽn. Trong nhóm các bệnh về phổi thì đây là bệnh lý nguy hiểm vì có thể dẫn đến suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Ngoài ra, thuyên tắc mạch phổi cũng có thể do lạm dụng thuốc tránh thai, đã từng chấn thương nghiêm trọng hoặc đã phẫu thuật khiến cho cục máu đông có cơ hội hình thành.
Bệnh thuyên tắc mạch phổi gây nên các triệu chứng:
- Đau nhói ở ngực một cách đột ngột, khó thở.
- Thở nhanh, thở nông, thường xuyên cảm thấy thiếu oxy để thở.
- Ho ra đờm có lẫn máu.
- Sưng tấy chân do có huyết khối ở tĩnh mạch.
1.6. Bệnh xơ phổi
Tổn thương mô phổi kéo dài khiến sẹo hình thành sẽ dẫn đến xơ phổi. Nguyên nhân chính dẫn đến xơ phổi là do:
- Tiếp xúc với chất độc hại: Khói bụi, amiăng và các hóa chất công nghiệp.
- Bệnh tự miễn khiến mô phổi bị tổn thương.
- Nhiễm trùng phổi tái diễn thường xuyên hoặc xảy ra trong thời gian dài.
Xơ phổi làm giảm khả năng trao đổi oxy của phổi nên người bệnh sẽ bị:
- Khó thở, đặc biệt nghiêm trọng khi có sự gắng sức hoặc phải làm việc nặng.
- Ho khan kéo dài hoặc có đờm nhưng lượng đờm rất ít.
- Mất sức, mệt mỏi thường xuyên.
- Giảm cân không có lý do.
Tổn thương phổi do xơ phổi là một trong các bệnh về phổi nguy hiểm nhất
1.7. Ung thư phổi
Khi nói đến tính chất nguy hiểm của các bệnh về phổi không thể bỏ qua bệnh ung thư phổi. Bệnh thường phát triển âm thầm trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ rệt, đến khi có triệu chứng thì đại đa số ca bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Các yếu tố thúc đẩy ung thư phổi hình thành có thể kể đến như:
- Nghiện hút thuốc lá trong thời gian dài.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại, thường gặp nhất là amiăng, radon,...
- Di truyền.
Triệu chứng của bệnh nhân ung thư phổi thường trở nên rõ rệt ở giai đoạn cuối:
- Ho dai dẳng không khỏi, có thể ho có đờm hoặc có máu.
- Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Đau ở ngực khi hít vào hoặc ho.
- Cảm giác mệt mỏi thường xuyên xuất hiện và tồn tại trong thời gian dài.
- Giảm cân đột ngột, không căn nguyên.
2. Phương pháp chẩn đoán các bệnh về phổi
Mặc dù các bệnh về phổi có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến chức năng phổi và tình trạng sức khỏe nói chung của bệnh nhân; nhưng hầu hết đều được chẩn đoán thông qua:
2.1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ thăm khám thực thể, hỏi bệnh sử để thu thập thông tin cần thiết về các triệu chứng của bệnh nhân và đưa ra phán đoán ban đầu:
- Khám thực thể: Bác sĩ sẽ lắng nghe tiếng phổi qua ống nghe để phát hiện các bất thường như tiếng rít, thở khò khè,...
- Hỏi bệnh sử: Người bệnh được yêu cầu trả lời các câu hỏi về triệu chứng mà họ đang gặp phải, cung cấp thông tin về tiền sử bệnh lý hô hấp của gia đình, tiền sử hút thuốc và các yếu tố môi trường sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi.
2.2. Chụp X-quang phổi
Đây là phương pháp phổ biến và đơn giản để phát hiện dấu hiệu các bệnh lý ở phổi. Phim chụp X-quang giúp bác sĩ quan sát cấu trúc của phổi, phát hiện các dấu hiệu bất thường như khối u, nốt mờ, viêm phổi hay tắc nghẽn đường thở. Kết quả chụp X-quang phổi cũng giúp bác sĩ theo dõi sự tiến triển của bệnh sau khi điều trị.
Tuy nhiên, chụp X-quang không thể cho kết quả chính xác về mức độ nghiêm trọng của bệnh và không thể chẩn đoán tất cả các bệnh về phổi.
2.3. Chụp CT-Scanner phổi
CT-Scanner cho phép bác sĩ nhìn thấy chi tiết rõ ràng hơn về cấu trúc phổi và các mô xung quanh. Phương pháp này thường được sử dụng khi cần đánh giá sâu hơn về các bệnh lý phức tạp hoặc khi X-quang không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán.
Tuy nhiên, chụp CT-Scanner có sử dụng tia X nên nếu lạm dụng có thể gây ra tác dụng phụ do phơi nhiễm với tia X.
Bệnh nhân chụp X-quang phổi tại MEDLATEC
2.4. Nội soi phế quản
Nội soi phế quản được thực hiện bởi ống nội soi mỏng, có gắn camera ở đầu, được đưa vào phế quản qua đường mũi hoặc miệng. Hình ảnh do camera thu được giúp bác sĩ quan sát trực tiếp toàn bộ đường thở và phổi. Trong quá trình nội soi, nếu thấy cần thiết, bác sĩ cũng sẽ sinh thiết để lấy mẫu mô phổi.
2.5. Hô hấp ký
Đây là hình thức kiểm tra chức năng phổi bằng cách đo lưu lượng không khí khi phổi hít vào và thở ra. Người bệnh sẽ được yêu cầu hít vào và thở ra thật mạnh vào máy đo lưu lượng khí.
Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết dung tích phổi, tốc độ thở ra tối đa và các chỉ số khác. Nhờ đó mà bác sĩ đánh giá được mức độ tổn thương phổi và phát hiện sớm các bệnh lý: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn,...
Kết quả đo hô hấp ký cũng giúp bác sĩ theo dõi sự tiến triển của bệnh để có phương án điều chỉnh phác đồ đối với những trường hợp cần thiết.
2.6. Siêu âm phổi
Siêu âm phổi được sử dụng để đánh giá tràn dịch màng phổi hoặc khối u phổi một cách nhanh chóng.
Các bệnh về phổi cần được điều trị sớm để tránh gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế, nếu có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh về phổi như đã đề cập ở trên, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay để nhận được chẩn đoán đúng và tiến hành phương pháp điều trị tích cực.
Quý khách hàng có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh lý về phổi có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!