Tin tức

Tìm hiểu thông tin bệnh lý viêm dạ dày ruột do vi khuẩn để phòng ngừa

Ngày 26/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn gây không ít khó chịu cho người bệnh. Thậm chí nếu không phát hiện sớm, can thiệp y tế trị kịp thời, người bệnh còn có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Salmonella, tụ cầu khuẩn,... là một số loại vi khuẩn có khả năng tấn công, gây viêm dạ dày ruột.

1. Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn là bệnh gì? 

Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn là bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường ruột gây ra bởi các loại vi khuẩn. Trong đó, thường gặp nhất là những loại vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, Salmonella, Escherichia coli, Campylobacter,... 

Nhiều loại vi khuẩn có khả năng tấn công đường ruột gây viêm dạ dày ruột

Nhiều loại vi khuẩn có khả năng tấn công đường ruột gây viêm dạ dày ruột 

Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại trong thức ăn, đồ uống, vật dụng quanh môi trường. Nếu sức đề kháng tốt, người nhiễm bệnh này có khả năng tự khỏi sau một thời gian. Thế nhưng với đối tượng dễ tổn thương như trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, người có sức đề kháng kém,... các loại vi khuẩn dễ gây nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. 

2. Triệu chứng ở người bị viêm ruột dạ dày do vi khuẩn

Triệu chứng ở người bị viêm ruột dạ dày do tác động của vi khuẩn khá dễ nhận biết. Cụ thể, dấu hiệu thường gặp nhất phải kể đến là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, đau nhức cơ. Trường hợp bị nhiễm Salmonella, Shigella, người bệnh còn lên cơn sốt, đi ngoài ra máu, cơ thể mệt mỏi. 

Đau bụng - triệu chứng khá đặc trưng ở người bị viêm ruột do các loại vi khuẩn

Đau bụng - triệu chứng khá đặc trưng ở người bị viêm ruột do các loại vi khuẩn

Phụ thuộc theo tác nhân gây bệnh cụ thể, triệu chứng liên quan đến viêm dạ dày ruột sẽ diễn biến trong 1 đến 3 ngày, kể từ thời điểm cơ thể bị nhiễm bệnh. Thậm chí có nhiều trường hợp, dấu hiệu bệnh xuất hiện dai dẳng đến 2 tuần. 

3. Ai có nguy cơ cao bị viêm ruột dạ dày? 

Hầu như đối tượng nào cũng có nguy cơ bị dạ dày ruột do sự tấn công của một số loại vi khuẩn. Tuy nhiên, trẻ em, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch kém thường là đối tượng dễ bị vi khuẩn tấn công nhất. 

Ngoài ra, người sống trong môi trường có điều kiện vệ sinh kém, người đang phải hóa trị cũng là đối tượng có nguy cơ bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn. 

4. Biến chứng có thể gặp phải ở người bị viêm ruột dạ dày

Biến chứng phổ biến ở người bị viêm dạ dày ruột thường gặp là mất nước, thiếu hụt khoáng chất thiết yếu do nôn ói, tiêu chảy liên tục. Nếu không áp dụng biện pháp can thiệp y tế kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó là một vài biến chứng khác như: 

  • Đại tràng bị thủng hoặc hoại tử. 
  • Nhiễm trùng huyết. 
  • Chức năng điện giải bị rối loạn. 
  • Cơ thể không thể dung nạp Lactose và Glucose. 
  • Lượng Ure trong máu tăng,…

Biến chứng phổ biến ở người bị viêm dạ dày ruột thường là mất nước

Biến chứng phổ biến ở người bị viêm dạ dày ruột thường là mất nước

Để hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm, bạn nên nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế để được kiểm tra nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu khác lạ và tình trạng không thuyên giảm. 

5. Một số phương pháp chẩn đoán phổ biến

5.1. Kiểm tra lâm sàng

Ở bước thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ điều tra yếu tố dịch tễ học, thăm hỏi triệu chứng,... Tiếp theo, bác sĩ tiến hành kiểm tra vùng bụng, xác định vị trí xuất hiện cơn đau để đưa ra chẩn đoán ban đầu và chỉ định làm thêm xét nghiệm khẳng định cần thiết khác. 

5.2. Các phương pháp thăm khám cận lâm sàng

5.2.1. Nội soi

Kỹ thuật nội soi thường được chỉ định khi người bệnh bị tiêu chảy nặng (chủ yếu là soi đại tràng). Bên cạnh đó, phương pháp nội soi này hay được áp dụng cho người có tiền sử bị viêm ruột, hệ miễn dịch suy giảm. 

Bệnh nhân đang được nội soi đại tràng

Bệnh nhân đang được nội soi đại tràng

Từ kết quả nội soi, bác sĩ sẽ có thêm căn cứ xác định mức độ tổn thương, tình trạng thực tế của vùng niêm mạc ruột. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định cho người bệnh làm sinh thiết. 

5.3. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân thường kết hợp song song với xét nghiệm máu và kiểm tra hình ảnh, nhằm giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ còn chỉ định nuôi cấy phân, kiểm tra sự tồn tại của loại vi khuẩn cụ thể gây viêm dạ dày ruột. 

5.4. Thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu khác

Bên cạnh thực hiện nội soi hay xét nghiệm phân, người bệnh cũng có thể được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác. Cụ thể như: 

  • Xét nghiệm công thức máu - CBC: Giúp kiểm tra tình trạng bạch cầu, bổ sung căn cứ giúp bác sĩ kết luận về tình trạng viêm nhiễm. 
  • Xét nghiệm điện giải đồ trong huyết thanh, chức năng thận: Giúp kiểm tra tình trạng mất nước của người bệnh bị tiêu chảy, hỗ trợ xác định xem tình trạng mất nước ảnh hưởng đến chức năng thận không. 

6. Hướng điều trị cho người bị viêm dạ dày ruột cho vi khuẩn

Phác đồ điều trị cho người bị viêm dạ dày ruột do các loại vi khuẩn tùy thuộc theo tình trạng bệnh của bệnh nhân. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc, nhằm kiểm soát triệu chứng. 

Người bị viêm dạ dày ruột thường được chỉ định dùng thuốc

Người bị viêm dạ dày ruột thường được chỉ định dùng thuốc

Song song với đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống đủ nước hoặc dung dịch bù nước theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp bệnh đã tiến triển nặng, mất nước nghiêm trọng, người bệnh phải nhập viện. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch hoặc thực hiện biện pháp can thiệp cần thiết khác, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm. 

7. Các phương pháp phòng bệnh hiệu quả

Để chủ động phòng ngừa viêm dạ dày ruột do sự tấn công của vi khuẩn, bạn nên duy trì thói quen vệ sinh đúng cách, ăn uống lành mạnh mỗi ngày. Cụ thể như: 

  • Luôn rửa sạch tay bằng xà phòng khử khuẩn trước khi ăn hoặc sau mỗi lần đi vệ sinh, thay tã cho trẻ. 
  • Không nên sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, nhất là vật dụng dễ lây nhiễm vi khuẩn như bàn chải đánh răng, khăn lau, ly uống nước. 
  • Sơ chế thực phẩm đúng cách (nên ngâm cùng nước muối loãng trước khi chế biến). 
  • Hạn chế hoặc không tiêu thụ thực phẩm tươi sống, chưa chế biến kỹ. 
  • Hạn chế tiếp xúc với các loài động vật hoang dã, có nguy cơ chứa mầm bệnh. 
  • Tiến hành khử trùng bồn cầu, bồn tắm thường xuyên để loại bỏ đi phần nào vi khuẩn gây bệnh. 
  • Luôn đeo khẩu trang, găng tay bảo vệ nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 
  • Giặt giũ quần áo hàng ngày, phơi đồ dưới ánh nắng để loại bỏ đi các loại vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào cơ thể. 

Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng đường ruột. Bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng tránh, bạn nên chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu thay đổi bất thường.

 Chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là đơn vị y tế uy tín bạn có thể yên tâm lựa chọn để thăm khám. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy gọi vào hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.