Tin tức

Tìm hiểu về kỹ thuật nội soi khớp gối

Ngày 21/03/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn
Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ thể, nhưng lại rất dễ gặp phải những chấn thương hay bệnh lý. Đặc biệt ở những người thường xuyên vận động mạnh, người lớn tuổi. Nội soi khớp gối ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tại khớp gối. Để hiểu thêm về kỹ thuật này, mời bạn đọc tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Thế nào là nội soi khớp gối?

Sơ lược giải phẫu khớp gối

Khớp gối là khớp nằm giữa xương đùi và xương cẳng chân, đóng vai trò rất quan trọng trong vận động của cơ thể, đặc biệt là động tác di chuyển. Cấu tạo khớp gối gồm những thành phần sau:

  • Mặt khớp: gồm có xương bánh chè, lồi cầu xương chày, lồi cầu xương đùi và sụn chêm. 

  • Bao khớp: là phần bao ngoài khớp, có tác dụng bảo vệ khớp bên trong.

  • Dây chằng: Hệ thống dây chằng nối giữa các xương, giúp giữ vững khớp và tạo mối liên kết giữa các khớp với nhau. Dây chằng khớp gối gồm dây chằng bên trong, bên ngoài, chéo trước và chéo sau.

  • Bao hoạt dịch: Các màng hoạt dịch tiết ra dịch khớp tạo thành một túi gọi là bao hoạt dịch, dịch này có tác dụng bôi trơn khớp cho vận động được dễ dàng và giảm ma sát giữa các khớp với nhau.

Các thành phần của khớp gối luôn có mối quan hệ và kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo nên hoạt động nhịp nhàng của cơ thể. Nếu thành phần nào bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của khớp gối, dẫn đến đau đớn và ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

nội soi khớp gối

Hình ảnh khớp gối khỏe mạnh và khớp gối bị thoái hoá

Kỹ thuật nội soi khớp gối

nội soi khớp gối là một kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý khớp gối phổ biến hiện nay. Thông qua đường rạch nhỏ trên da, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào trong khớp gối để quan sát và đánh giá các tổn thương bên trong khớp. Tiến bộ hơn phương pháp chụp X - quang khớp gối, nội soi có thể phát hiện và xử lý tổn thương tại các cấu trúc nhỏ mà X - quang không nhìn thấy được.

Những ý nghĩa của nội soi khớp gối:

  • Kỹ thuật cho phép quan sát bên trong khoang khớp rõ ràng, đánh giá chính xác các tổn thương bên trong khớp.

  • Nội soi hỗ trợ chẩn đoán các bệnh khớp gối: rách dây chằng, rách sụn chêm, viêm khớp gối, viêm bao hoạt dịch,…

  • Hỗ trợ lấy dị vật (các mảnh sụn trong khớp gối ở bệnh viêm sụn tách rời).

2. Nội soi khớp gối được thực hiện trong trường hợp nào?

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật trong những trường hợp dưới đây:

  • Gãy xương đầu gối hoặc các chấn thương khác vùng gối.

  • Sưng đau đầu gối không rõ nguyên nhân.

  • Trật xương bánh chè: khi sờ vào vị trí xương bánh chè thấy bị lệch.

  • Có các mảnh sụn vỡ trong khớp gối: khi sờ khớp nghe tiếng lạo xạo hoặc cảm giác có các vật nhỏ trong khớp.

  • Đầu gối gấp duỗi khó khăn, khó đi lại.

  • Nội soi còn được chỉ định khi bệnh nhân bị các chấn thương mà không thể thực hiện khám lâm sàng. 

Khi có các triệu chứng nghi ngờ có tổn thương bên trong khớp gối, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được tư vấn và thực hiện nội soi. Phát hiện sớm tình trạng bệnh sẽ giúp đưa ra hướng điều trị thích hợp, hạn chế các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

nội soi khớp gối

Nên nội soi khớp gối nếu thường xuyên bị nhức mỏi đầu gối

3. Những lưu ý khi thực hiện nội soi khớp gối

Trước khi nội soi: 

  • Nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị bệnh thì nên báo cho bác sĩ biết đó là loại thuốc gì và lần cuối sử dụng thuốc là khi nào.

  • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có dị ứng với một loại thuốc nào đó, chẳng hạn như thuốc gây tê.

  • Hỏi bác sĩ về những điều mình cần làm trong suốt quá trình nội soi.

  • Tìm hiểu những biến chứng và nguy cơ có thể xảy ra sau khi nội soi xong.

Sau khi nội soi: 

  • Khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ có cảm giác đau tại chỗ rạch để đưa ống nội soi vào khớp gối. Đầu gối bạn có thể sưng và đau trong vòng một vài tuần.

  • Nếu chỗ rạch có hiện tượng nhiễm trùng hoặc đau dữ dội thì cần báo với bác sĩ ngay.

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về ăn uống và thói quen sinh hoạt bạn cần thực hiện trong suốt thời gian chờ khớp gối hồi phục.

4. Nội soi khớp gối có nguy hiểm không?

Nội soi là một kỹ thuật khá an toàn để hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý về khớp gối. Tuy nhiên, cũng như các kỹ thuật khác, nội soi khám khớp gối cũng có những rủi ro nhất định khi thực hiện. Các rủi ro và biến chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải khi thực hiện kỹ thuật này là:

  • Tổn thương động mạch, tĩnh mạch khoeo: biến chứng này rất hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm nhất.

  • Tổn thương thần kinh vùng gối, có thể mất cảm giác một vùng da trên gối. Biến chứng này ít có trường hợp nặng.

  • Tổn thương dây chằng rất thường gặp trong quá trình nội soi.

  • Tắc mạch, tụ máu trong khớp sau khi nội soi.

  • Viêm khớp sau nội soi chiếm tỷ lệ nhỏ và có thể điều trị bằng kháng sinh.

  • Tràn dịch khớp gối.

  • Sẹo để lại do vết rạch để đưa ống nội soi vào khớp gối.

nội soi khớp gối

Nội soi khớp gối có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ

Để hạn chế thấp nhất những biến chứng xảy ra, bạn nên lựa chọn một địa chỉ an toàn để thực hiện nội soi khám khớp gối. Đồng thời, hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ trước, trong và sau khi nội soi. Nếu có các dấu hiệu bất thường tại vùng gối, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải quyết kịp thời. 

5. Quy trình thực hiện nội soi khớp gối

  • Bước 1: Bác sĩ thăm khám lâm sàng để có những nhìn nhận sơ bộ về case bệnh. Sau đó sẽ quyết định nên thực hiện nội soi hay không. 

  • Bước 2: Bệnh nhân nằm lên giường, co khớp gối lại. Bác sĩ tiến hành gây tê cho bệnh nhân, mục đích là làm giảm cảm giác đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân khi bác sĩ rạch gối và cho ống nội soi vào.

  • Bước 3: Bác sĩ từ từ điều chỉnh máy nội soi để quan sát bên trong khớp gối. Quan sát và đánh giá tình trạng dây chằng, sụn chêm, bao hoạt dịch,… 

  • Bước 4: Dựa vào hình ảnh nội soi hiển thị trên màn hình, bác sĩ sẽ thông báo cho bệnh nhân biết có vấn đề gì xảy ra với khớp gối của mình.

  • Bước 5: Kê đơn và đưa ra hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Có thể kết hợp nội soi cùng với các kỹ thuật khác (X - quang, chụp cắt lớp CT, MRI) để có kết quả chính xác về tình trạng bệnh lý tại khớp gối.

Nội soi khớp gối là một kỹ thuật tiên tiến được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về khớp gối. Tuy nhiên cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra khi thực hiện thủ thuật này, vì thế bạn cần lưu ý và cân nhắc thật kỹ nếu muốn nội soi khám khớp gối. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ