Tin tức

Tìm hiểu về vị trí, đặc điểm và chức năng cơ bản của cơ trơn​

Ngày 23/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Cơ thể con người có 3 loại cơ, trong đó có cơ trơn. Đây là loại cơ có mặt trong các cơ quan nội tạng rỗng, có tác dụng đảm bảo cho sự hoạt động trơn tru của các hệ cơ quan. Nếu chức năng của cơ trơn không ổn định, sự sống của con người sẽ bị đe dọa. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm, chức năng của loại cơ này để nhận diện sớm dấu hiệu bất thường, kịp thời tìm phương án tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

1. Vị trí và đặc điểm của cơ trơn

1.1. Vị trí của cơ trơn

Cơ trơn là một loại mô cơ của cơ thể, cùng với cơ tim và cơ vân để tạo thành hệ thống cơ toàn thân. Do không có đường vân nên cơ trơn có tính chất trơn tru đúng như tên gọi của nó.

Trong cơ thể, cơ trơn có mặt ở các cơ quan nội tạng, hoạt động tự động qua sự điều khiển của hormone và hệ thần kinh. Cụ thể, cơ trơn có ở:

- Hệ tiêu hóa: cơ trơn tồn tại ở dạ dày, ruột non, ruột già, giúp co bóp, đẩy thức ăn.

- Hệ hô hấp: cơ trơn ở khí quản, phế quản, giúp điều chỉnh luồng khí ra vào phổi.

- Hệ tiết niệu: cơ trơn ở bàng quang, niệu quản, hỗ trợ cho quá trình bài tiết.

- Hệ sinh sản: cơ trơn ở tử cung, ống dẫn trứng, ống dẫn tinh, túi tinh, giúp hỗ trợ chức năng sinh sản.

- Mạch máu: cơ trơn bao quanh mạch giúp điều chỉnh huyết áp và lưu lượng máu.

Cơ trơn có mặt và đảm bảo hoạt động cho nhiều cơ quan nội tạng

Cơ trơn có mặt và đảm bảo hoạt động cho nhiều cơ quan nội tạng

1.2. Đặc điểm của cơ trơn

Đặc điểm khác biệt của cơ trơn so với các nhóm cơ khác của cơ thể là:

- Không có vân ngang vì cấu trúc protein sắp xếp không theo trật tự tuyến tính. Dưới kính hiển vi, cơ trơn trông mịn và đồng nhất.

- Hoạt động không chịu sự điều khiển của ý thức mà hoạt động nhờ hệ thần kinh thực vật (gồm hệ giao cảm và đối giao cảm) hoặc do ảnh hưởng của các hormone.

- Khả năng co bóp chậm nhưng bền bỉ và không dễ mỏi như cơ vân. 

- Khả năng duy trì co thắt trong thời gian dài mà không tiêu tốn nhiều năng lượng.

2. Cơ trơn đảm nhận chức năng gì trong cơ thể?

Cơ trơn đảm nhiệm hàng loạt chức năng sống còn đối với cơ thể con người:

2.1. Điều hòa huyết áp và lưu lượng máu

Cơ trơn điều khiển tác động trực tiếp đến huyết áp và lượng máu lưu thông khắp cơ thể. Thành mạch máu được bao quanh bởi một lớp cơ trơn. Khi cơ trơn co lại, thành mạch thu hẹp lại làm tăng huyết áp. Ngược lại, khi cơ trơn giãn ra, lòng mạch mở rộng và huyết áp giảm.

Nhờ vào khả năng co giãn linh hoạt, cơ trơn giúp cơ thể tự điều chỉnh lưu lượng máu đến đáp ứng nhu cầu của các hệ cơ quan. 

2.2. Hỗ trợ tiêu hóa và vận chuyển thức ăn

Cơ trơn đảm nhận nhiệm vụ co bóp nhu động ruột để vận chuyển thức ăn và chất thải qua từng đoạn của ống tiêu hóa. Các chuyển động của nhu động ruột chính là các lớp sóng co bóp tuần tự của cơ trơn trong thành thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già. Các sóng này giúp đẩy thức ăn từ miệng đến hậu môn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.

Không những vậy, cơ trơn còn điều tiết dòng chảy của thức ăn và kiểm soát việc bài tiết chất cặn bã. Thực phẩm sau khi đưa vào cơ thể, cơ trơn dạ dày sẽ co bóp nhẹ nhàng để nghiền nhỏ thức ăn và trộn với dịch tiêu hóa. Cơ trơn ruột non làm nhiệm vụ đẩy hỗn hợp tiêu hóa qua các đoạn ruột để cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt nhất.

2.3. Kiểm soát bài tiết

Cơ trơn trong niệu quản co bóp nhịp nhàng để đưa nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Ở thành bàng quang, cơ trơn giãn ra để chứa nước tiểu. Khi bàng quang đầy, các tín hiệu thần kinh sẽ kích hoạt cơ trơn co lại, đẩy nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo. 

Cơ trơn niệu đạo kiểm soát việc tiểu tiện, ngăn không xảy ra tình trạng tiểu mất kiểm soát. Khi chức năng cơ trơn bàng quang bị rối loạn, người bệnh dễ gặp tình trạng tiểu mất tự chủ, tiểu gấp, tiểu đêm,...

Rối loạn chức năng cơ trơn khiến người bệnh bị mất kiểm soát tiểu tiện

Rối loạn chức năng cơ trơn khiến người bệnh bị mất kiểm soát tiểu tiện

2.4. Hỗ trợ chức năng sinh sản

Ở nữ giới, cơ trơn thành tử cung sẽ giãn ra khi phụ nữ mang thai. Trong quá trình chuyển dạ, sự xuất hiện của các cơn co tử cung là do cơ trơn tạo nên, có tác dụng đẩy em bé ra ngoài.

Ở ống dẫn trứng, cơ trơn co bóp nhẹ nhàng để đưa trứng từ buồng trứng về tử cung, tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh.

Đối với nam giới, cơ trơn có mặt ở ống dẫn tinh và túi tinh để đẩy tinh trùng ra khỏi cơ thể trong quá trình xuất tinh. 

2.5. Điều tiết đường thở và hỗ trợ hô hấp

Trong hệ hô hấp, cơ trơn tồn tại ở thành khí quản, phế quản và tiểu phế quản, có nhiệm vụ điều chỉnh kích thước lòng đường thở. Khi cơ trơn co lại, lòng phế quản bị thu hẹp, lượng không khí đi vào phổi giảm. Khi cơ trơn giãn ra, đường thở được mở rộng, không khí đi vào phổi dễ dàng hơn.

Ở bệnh nhân hen suyễn, cơ trơn đường hô hấp co lại quá mức khiến người bệnh khó thở. Để cải thiện triệu chứng, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc giãn phế quản giúp làm giãn cơ trơn, cải thiện khả năng hô hấp.

2.6. Điều tiết đồng tử

Khi ánh sáng chiếu vào mắt, tùy vào cường độ của ánh sáng mà đồng tử sẽ có phản xạ giãn ra hoặc co lại. Cơ trơn ở mắt giúp đồng tử thực hiện được hoạt động co giãn này.

Cơ trơn giúp đồng tử có khả năng co giãn bình thường

Cơ trơn giúp đồng tử có khả năng co giãn bình thường

Từ những thông tin nêu trên, có thể thấy rằng cơ trơn có vai trò quan trọng đối với rất nhiều chức năng sống. Vì thế, chỉ cần cơ trơn gặp bất cứ tổn thương nào, các hệ cơ quan của cơ thể sẽ không thể đảm bảo chức năng hoạt động bình thường, sự sống của con người bị đe dọa.

Nếu có bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo rối loạn chức năng cơ trơn như: tiểu tiện không tự chủ, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, khó thở, đau bụng dưới âm ỉ,... quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56. Thông qua thăm khám, chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định có bất thường chức năng cơ trơn hay không để định hướng giúp quý khách điều trị bệnh hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ