Tin tức
Trẻ đau bụng quanh rốn cha mẹ nên làm gì
- 16/06/2023 | Đau bụng giun ở trẻ em: Nguyên nhân - biểu hiện và cách chữa trị
- 30/09/2023 | 5 cách chữa đau bụng ở trẻ em an toàn, hiệu quả nhanh
- 31/12/2023 | Trẻ bị đau bụng nôn không sốt là biểu hiện của bệnh gì?
- 30/05/2020 | Đau bụng quanh rốn cảnh báo bệnh gì, có nguy hiểm không?
1. Trẻ đau bụng quanh rốn là bị làm sao?
Trẻ bị đau bụng quanh rốn thường có cơn đau ở xung quanh ở phía trên rốn, cơn đau đến đột ngột hoặc kéo dài, có thể kèm nôn hoặc không, vùng bụng có thể bị sưng hoặc căng lên,... tất cả những biểu hiện này sẽ khiến trẻ rất khó chịu và mệt mỏi.
Khi trẻ bị đau bụng quanh rốn thì cha mẹ có thể suy nghĩ đến một số nguyên nhân sau:
1.1. Thoát vị rốn
Trẻ bị thoát vị rốn sẽ có một khối phình ra ở rốn khiến trẻ bị đau ở vị trí thoát vị hoặc đau xung quanh rốn. Cha mẹ quan sát có thể sẽ thấy vùng bụng của trẻ bị sưng tấy hơn bình thường. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ sơ sinh hơn so với trẻ lớn.
Thoát vị rốn là một trong các nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng quanh rốn
1.2. Viêm ruột thừa
Khởi phát của viêm ruột thừa chính là cơn đau bụng ở rốn sau đó lan xuống bụng dưới phía bên phải. Ngoài hiện tượng đau quanh rốn thì trẻ cũng có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy, buồn nôn, sốt, đầy hơi, chán ăn,... Ngay khi thấy trẻ có những biểu hiện này thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu ngay vì bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
1.3. Viêm loét dạ dày - tá tràng
Bệnh lý này diễn ra khi xuất hiện tổn thương dạng viêm loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Trẻ đau bụng quanh rốn là một trong các dấu hiệu viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng. Ngoài ra trẻ cũng có thể gặp các hiện tượng: buồn nôn, nôn, ợ hơi, chán ăn, chướng bụng,...
Nguyên nhân gây nên bệnh lý này ở trẻ chủ yếu do: vi khuẩn HP, dùng thuốc aspirin hoặc ibuprofen trong một thời gian dài,...
1.4. Nguyên nhân khác
- Bị khó tiêu hoặc táo bón
Khó tiêu rất dễ gặp ở trẻ đang tập ăn dặm. Sau khi ăn phải những thực phẩm gây khó tiêu, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu ở vùng bụng, bụng cứng và đau. Ngoài ra, trẻ bị táo bón cũng có thể cảm thấy đau bụng ở xung quanh rốn. Nguyên nhân gây táo bón cho trẻ chủ yếu là do chế độ ăn kém chất xơ, uống nhiều nước ngọt hoặc ăn nhiều dầu mỡ. Khi trẻ bị táo bón đi ngoài trở lại được như bình thường thì cơn đau bụng quanh rốn chấm dứt.
- Tắc ruột non
Tắc ruột non có thể xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ phần ruột non của trẻ. Khi bị tắc ruột non trẻ không chỉ đau bụng quanh rốn mà gặp tình trạng: chướng bụng, nôn mật xanh mật vàng,...
- Ngộ độc thức ăn
Trẻ bị ngộ độc thực ăn sẽ có từng cơn đau quặn bụng quanh rốn kèm đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn, sốt,... Nếu không được cấp cứu ngay sẽ nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Khi bị ngộ độc thức ăn có thể khiến trẻ đau bụng quanh rốn và nôn mửa
- Nhiễm giun
Đây cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến khiến cho trẻ bị đau bụng quanh rốn tái đi tái lại. Thông thường, chỉ khi trẻ được thăm khám, làm xét nghiệm mới phát hiện trứng giun trong phân hoặc thấy hình ảnh giun qua siêu âm.
- Bị lo sợ, căng thẳng quá mức
Nếu bị căng thẳng hoặc lo sợ quá mức thì cũng có thể khiến trẻ đau bụng quanh rốn. Cơn đau bụng trong tình huống này thường không xác định được nguyên nhân. Khi tâm lý trẻ được giải tỏa thì cơn đau cũng biến mất.
2. Cách xử lý khi trẻ đau bụng quanh rốn
Khi trẻ bị đau bụng quanh rốn cha mẹ cần:
- Theo dõi các triệu chứng mà con gặp phải
Việc quan sát các triệu chứng đi kèm với cơn đau bụng và chú ý về thời gian, tần suất của cơn đau là rất cần thiết. Nếu nhận thấy con đau bụng kéo dài mà không có dấu hiệu cải thiện hoặc có tính chất nghiêm trọng hơn thì nên đưa con đến cơ sở y tế thăm khám.
- Bổ sung nước và điều chỉnh ăn uống
Khi trẻ đau bụng quanh rốn xuất phát từ vấn đề tiêu hóa thì cha mẹ cần thay đổi chế độ ăn cho trẻ. Thời gian này, trẻ chỉ nên ăn các món ăn nhẹ như: cháo, bánh mỳ,... để triệu chứng dần cải thiện. Ngoài ra, nếu trẻ đi ngoài nhiều thì cần bổ sung nước để tránh tình trạng bị mất nước do tiêu chảy.
Một số trẻ có cơ địa dị ứng nên khi ăn phải thực phẩm có chứa chất gây dị ứng thì có thể bị đau bụng quanh rốn. Vì thế, nếu nghi ngờ trẻ dị ứng thức ăn, cha mẹ hãy điều chỉnh lại chế độ ăn để tìm ra loại thực phẩm gây dị ứng cho trẻ.
Trẻ đau bụng quanh rốn kèm các dấu hiệu bất thường cần được thăm khám bác sĩ Nhi khoa
- Giải tỏa tâm lý
Cha mẹ nên tìm hiểu xem con có đang gặp phải mối lo sợ hay căng thẳng nào về tinh thần hay không để tạo cho con một bầu không khí thật thoải mái, dễ chịu. Khi trẻ được giải tỏa tâm lý thì dần dần sẽ chấm dứt được cơn đau bụng quanh rốn.
- Thăm khám chuyên khoa
Nếu trẻ đau bụng quanh rốn nhiều ngày không cải thiện hoặc kèm theo các dấu hiệu sau thì việc đưa trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa là cần thiết:
+ Đi ngoài có lẫn máu ở trong phân.
+ Trẻ bị sụt cân nhanh chóng.
+ Vàng da, sốt cao.
+ Bụng dưới của trẻ bị sưng, đau.
+ Cơn đau bụng dữ dội, lặp đi lặp lại không dứt.
+ Nôn nhiều.
Đối với việc xử trí khi trẻ bị đau bụng quanh rốn, việc đầu tiên cha mẹ không nên bỏ qua là luôn luôn quan sát để phát hiện các dấu hiệu đi kèm (nếu có) và trò chuyện với trẻ, lắng nghe để trẻ có cơ hội nói ra cảm giác mình đang trải qua, triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Nhờ việc làm này mà cha mẹ sẽ có được phán đoán đúng về hiện tượng đau bụng quanh rốn của trẻ có phải xuất phát từ các vấn đề sức khỏe bất thường hay không.
Khi phát hiện trẻ đau bụng quanh rốn, cha mẹ không được tự ý cho con dùng bất cứ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán đúng về tình trạng của trẻ. Việc dùng thuốc ngoài chỉ định rất dễ làm sai lệch đến kết quả thăm khám của trẻ sau đó, chưa kể đến có thể khiến trẻ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ đau bụng quanh rốn và triệu chứng đi kèm cũng tương đối đa dạng. Vì thế, theo dõi triệu chứng và tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết là cách tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp con yêu vượt qua cơn đau bụng một cách an toàn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!