Tin tức
Trẻ sơ sinh phát ban nhiệt và cách chăm sóc, phòng ngừa
trẻ sơ sinh phát ban nhiệt
Trẻ sơ sinh phát ban nhiệt và cách chăm sóc, phòng ngừa
Trẻ sơ sinh phát ban nhiệt cần được điều trị và chăm sóc đúng cách để tránh gây nguy hiểm. Tham khảo nội dung bài viết bên dưới sẽ giúp bạn biết được nên làm gì với trường hợp phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh cũng như ở trẻ nhỏ nói chung.
1. Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh là gì?
Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ sơ sinh bị phát ban, nổi rôm sảy do thời tiết quá nóng. Bất cứ vùng da nào trên cơ thể trẻ cũng có thể bị phát ban nhiệt, nhưng nhiều nhất là ở những vùng da tiết nhiều mồ hôi như trán, cổ vai, lưng, ngực, vùng tã lót, các nếp gấp của cơ thể.
Đa số các trường hợp phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh là không quá nguy hiểm, chỉ cần chăm sóc đúng cách và thời tiết dịu mát là tình trạng sẽ thuyên giảm và khỏi. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc thì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến trẻ gặp nhiều biến chứng.
Ngoài ra, phát ban nhiệt đi kèm ngứa ngáy kéo dài sẽ khiến trẻ sơ sinh cảm thấy khó chịu, quấy khóc nhiều, bú và ngủ ít đi dẫn đến mệt mỏi, chậm tăng trưởng và phát triển.
Trẻ sơ sinh phát ban nhiệt còn gọi là nổi rôm sảy - tình trạng khá phổ biến
2. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh phát ban nhiệt
Trẻ sơ sinh phát ban nhiệt là rất phổ biến, tuy nhiên, ba mẹ không được chủ quan trong quá trình điều trị và chăm sóc. Bởi nếu chăm sóc không đúng cách thì sẽ khiến tình trạng thêm nghiêm trọng, bé có thể bị nhiễm trùng và gặp nhiều biến chứng.
Làm mát cho trẻ
Nếu trẻ sơ sinh phát ban nhiệt do thời tiết nắng nóng thì bạn cần làm mát cho trẻ bằng cách mặc quần áo được may từ chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Ngoài ra, nên cho bé sinh hoạt trong không gian mát mẻ, có máy lạnh hoặc máy quạt để giảm tác động của nhiệt độ. Đồng thời, làm dịu vùng da bị phát ban, nổi sảy bằng cách dùng khăn ẩm để lau. Lưu ý là lau nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các bọng của nốt ban.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng cho mẹ
Nếu trẻ sơ sinh bị phát ban nhiệt do nóng trong người thì bạn cần thay đổi lại chế độ dinh dưỡng của mình. Tránh ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ để không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa. Trong thực đơn ăn uống hàng ngày, tăng cường bổ sung trái cây, rau xanh để “tạo” nguồn sữa mát và chất lượng cho em bé.
Theo dõi nhiệt độ của trẻ
Nếu trẻ sơ sinh phát ban nhiệt kèm theo sốt thì hãy theo dõi sát sao nhiệt độ cơ thể của bé. Song song đó, cần nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo trên người bé và thực hiện chườm ấm (không quá 10 phút/ giờ). Trường hợp bé sốt từ 38,5 độ C thì đặt thuốc hạ nhiệt ở hậu môn hoặc cho uống thuốc hạ sốt liều 10 - 15mg/ 1kg/ lần, cách nhau ít nhất 6 tiếng.
Trẻ phát ban nhiệt kèm sốt cần được theo dõi thân nhiệt liên tục
Thận trọng khi tắm nước lá
Một số gia đình khi thấy trẻ sơ sinh phát ban nhiệt thì nấu nước lá để tắm cho bé. Phương pháp này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi lá không được rửa sạch, chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Trong khi đó, làn da của trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm nên có thể khiến tình trạng thêm nghiêm trọng. Do đó, bạn nên thận trọng khi sử dụng phương pháp này.
Không tự ý bôi kem, thuốc
Tương tự, việc tự ý bôi kem, thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ cũng là việc cần tránh. Bởi các thành phần trong kem, thuốc có gây ra tác dụng phụ, không những không giúp giảm nhẹ tình trạng phát ban còn có thể khiến bé càng thêm ngứa ngáy, khó chịu và gặp nhiều biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.
Đưa bé đến gặp bác sĩ
Nếu bạn đã áp dụng những cách trên mà tình trạng phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh vẫn không thuyên giảm, ngược lại, có các dấu hiệu dưới đây thì bạn cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.
● Phát ban không bớt sau 3 - 4 ngày chăm sóc.
● Phát ban nghiêm trọng, xuất hiện ngày càng nhiều và lan rộng khắp cơ thể.
● Có dấu hiệu nhiễm trùng tại các nốt ban như nóng, sưng đỏ, chảy mủ, đóng vảy,…
● Bé sốt cao liên tục và khó hạ.
● Bé quấy khóc, ngủ ít, bú kém kèm theo mệt mỏi, lờ đờ.
Trong những trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh phát ban nhiệt kèm sốt, khó chịu, quấy khóc cần được đi khám
3. Biện pháp phòng ngừa trẻ sơ sinh phát ban nhiệt
Bạn có thể phòng ngừa trẻ sơ sinh phát ban nhiệt bằng những cách đơn giản sau đây.
● Khi thời tiết nắng nóng, chú ý vệ sinh cơ thể cho bé, nhất là tại những vùng da nếp gấp hay vùng da tiết nhiều mồ hôi. Cố gắng giữ cho các vùng da này được sạch sẽ và khô ráo nhất.
● Không ủ bé quá chặt hay mặc nhiều lớp quần áo, kể cả khi thời tiết lạnh hay mát mẻ. Ngược lại, hãy tháo lỏng và cởi bỏ bớt quần áo để da của bé luôn được thông thoáng.
● Ưu tiên mặc quần áo rộng rãi, được may từ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt. Nếu bé ra nhiều mồ hôi khiến quần áo bị ướt thì cần nhanh chóng thay bộ quần áo mới.
● Cho bé sinh hoạt, đặc biệt là ngủ trong phòng có điều hòa và máy tạo ẩm để hạn chế tác động của nhiệt độ cao, từ đó, giúp cơ thể bé ít tiết mồ hôi hơn, ngăn ngừa phát ban nhiệt.
● Hạn chế đưa bé đến nơi đông người, nắng nóng, không chỉ phòng ngừa phát ban nhiệt mà còn giúp bé phòng tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm.
● Không sử dụng các loại phấn rôm vì sản phẩm có thể gây bít tắc lỗ chân lông, làm da bị nóng, bí dẫn đến phát ban nhiệt.
Chú ý vệ sinh, lau mát cho bé để tránh mồ hôi tích tụ, gây phát ban nhiệt
Chúng ta đã cùng tìm hiểu cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ sơ sinh phát ban nhiệt. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc có nhu cầu đưa con đến khám và điều trị, bạn hãy đến gặp bác sĩ của Chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách cũng có thể liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên tư vấn dịch vụ và hỗ trợ đặt lịch khám trước tiện lợi.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!