Tin tức
Triệu chứng bệnh bạch hầu là gì? Chẩn đoán bằng cách nào?
- 09/07/2024 | Tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết về bệnh bạch hầu
- 11/07/2024 | Bệnh bạch hầu ở trẻ em: mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa
- 11/07/2024 | Dịch bạch hầu và biện pháp phòng ngừa
1. Triệu chứng bệnh bạch hầu là gì, gồm những loại nào?
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra ở hệ hô hấp trên, niêm mạc và da của một số vùng trên cơ thể. Có thể phân loại bệnh bạch hầu như sau:
1.1. Bạch hầu tại cơ quan hô hấp trên
Đây là thể bạch hầu gây ảnh hưởng đến các cơ quan thuộc hệ hô hấp trên như: mũi, amidan, cổ họng, thanh quản,...
- Bệnh bạch hầu ở mũi họng:
Thời gian ủ bệnh: từ 2 - 5 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.
Thời kỳ khởi phát:
+ Người bệnh thường sốt 37.5 - 38 độ C, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc 2 bên có thể lẫn máu.
+ Khám họng: họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên. Sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.
Thời kỳ toàn phát: vào ngày thứ 2 - 3 của bệnh.
+ Toàn thân: triệu chứng bệnh bạch hầu toàn thân thường gặp là người bệnh sốt 38 - 38.5 độ C, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ.
+ Khám họng: có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amidan; trường hợp nặng giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu. Giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau ngả màu hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, nếu bóc tách thì vài giờ sau mọc lại rất nhanh; giả mạc dai, không tan trong nước, niêm mạc quanh giả mạc bình thường.
+ Hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.
- Bệnh bạch hầu ở thanh quản:
Ít gặp bạch hầu thanh quản đơn thuần, thường là bạch hầu họng - thanh quản.
Bệnh cảnh lâm sàng bao gồm: viêm thanh quản cấp (ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở chậm thì hít vào, có tiếng rít thanh quản) giai đoạn muộn sẽ dẫn đến ngạt thở. Triệu chứng bệnh bạch hầu ở người lớn và trẻ em về cơ bản là như nhau.
1.2. Bệnh bạch hầu trên da
Thể bạch hầu trên da không phổ biến như bạch hầu ở đường hô hấp trên. Triệu chứng bệnh bạch hầu đặc trưng của thể này là tổn thương trên da dạng mụn nước, phát ban hoặc vết loét ở bất cứ vùng da nào của cơ thể. Đây là thể bệnh thường gặp ở vùng có điều kiện sống và môi trường vệ sinh không đảm bảo.
Các dạng tổn thương gây nên bởi vi khuẩn bạch hầu
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu
2.1. Cách thức chẩn đoán xác định bệnh bạch hầu
Để chẩn đoán xác định triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải là do nhiễm bệnh bạch hầu hay không, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm nhuộm Gram
+ Mẫu bệnh phẩm: dịch hầu họng.
+ Cách thức thực hiện: sàng lọc vi khuẩn bạch hầu.
+ Thời gian trả kết quả: 1.5 giờ.
Đây không phải là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán xác định nhưng đánh giá được sơ bộ hình thể vi khuẩn nên có tác dụng định hướng căn nguyên.
- Xét nghiệm nuôi cấy phân lập và định danh
+ Cách thức thực hiện: nuôi cấy, định danh và kháng thuốc hệ thống tự động.
+ Thời gian trả kết quả: 2 - 4 ngày.
Đây là xét nghiệm có khả năng phát hiện căn nguyên vi khuẩn gây nhiễm trùng và tính nhạy cảm/ kháng thuốc của các căn nguyên. Cho biết chính xác căn nguyên gây bệnh ở mức độ chi/ loài và có kết quả kháng sinh đồ định lượng (MIC). Xét nghiệm nuôi cấy có độ đặc hiệu cao 100% nhưng độ đặc hiệu không cao chỉ khoảng 15%.
- Xét nghiệm bằng Phương pháp PCR
+ Thời gian trả kết quả: 5 - 7 ngày (không tính thứ 7 chủ nhật).
Xét nghiệm PCR có độ đặc hiệu tương đương xét nghiệm nuôi cấy là 100%, độ nhạy cao gấp đôi xét nghiệm cấy.
- Xét nghiệm Huyết thanh học
+ Thời gian trả kết quả: 3 - 4 ngày (không tính thứ 7 chủ nhật).
Đây không phải là phương pháp dùng để chẩn đoán. Chỉ định trong trường hợp đánh giá tình trạng kháng thể kháng độc tố Bạch hầu. Xét nghiệm có ý nghĩa trong nghiên cứu, là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm kiểm soát sự bùng phát dịch trở lại.
Tất cả các xét nghiệm nhuộm, cấy và PCR đều được sử dụng loại mẫu: dịch ngoáy họng, tổn thương da, niêm mạc được lấy bằng tăm bông cán cứng và bảo quản trong môi trường bảo quản Stuart Amies ở nhiệt độ mát (4 tới 8 độ C trong 72 giờ). Riêng xét nghiệm Huyết thanh học được lấy bằng máu sau đó ly tâm lấy huyết thanh.
Mô phỏng triệu chứng bệnh bạch hầu
2.2. Phác đồ điều trị bệnh bạch hầu
2.2.1. Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD)
Sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, không phụ thuộc vào lứa tuổi và cân nặng. Cần test trước khi tiêm, nếu dương tính thì áp dụng phương pháp giải mẫn cảm (Besredka).
Trong thể nặng, có thể xem xét truyền tĩnh mạch SAD (cần theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ và chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu phản vệ nếu xảy ra).
2.2.2. Kháng sinh
- Penicillin G: 50.000 - 100.000 đơn vị/kg/ngày chia 2 lần, tiêm bắp 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
- Hoặc Erythromycin uống: trẻ em 30-50mg/kg/ngày; người lớn 500mg x 4 lần/ngày dùng 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
- Hoặc Azithromycin: trẻ em: 10-12mg/kg/ngày, người lớn: 500mg/ngày x 14 ngày.
2.2.3. Các điều trị khác
- Hỗ trợ hô hấp: tùy mức độ suy hô hấp mà can thiệp mở khí quản, liệu pháp oxy hoặc thở máy.
- Hỗ trợ tuần hoàn: cung cấp đầy đủ nước điện giải theo nhu cầu. Nếu có sốc sau bù dịch đủ nên dùng thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp trung bình ≥ 65mmHg và Lactat máu < 2 mmol/l kết hợp đánh giá quá tải dịch.
- Cân bằng nước điện giải.
- Nếu bệnh nhân có rối loạn nhịp tim có thể dùng máy tạo nhịp tạm thời.
- Với trường hợp viêm cơ tim điều trị theo phác đồ viêm cơ tim.
- Bệnh nhân có suy đa tạng, suy thận có thể lọc máu liên tục nếu có chỉ định.
- Có thể sử dụng corticoid trong trường hợp bạch hầu ác tính và bạch hầu có phù nề nhiều.
- Đảm bảo dinh dưỡng: tĩnh mạch hoàn toàn hay kết hợp qua đường tiêu hóa tùy thuộc tình trạng người bệnh.
3. Vì sao cần phát hiện để điều trị bệnh bạch hầu từ sớm?
Các triệu chứng bệnh bạch hầu đã kể đến ở trên thường xuất hiện sau thời gian lây nhiễm 2 - 3 ngày. Nếu người bệnh không được phát hiện bệnh để điều trị tích cực thì rất dễ phải đối mặt với các biến chứng:
- Đường hô hấp bị tắc nghẽn do giả mạc chèn ép đường thở.
- Viêm cơ tim do độc tố bạch hầu làm tổn thương tim.
- Tê liệt thần kinh cơ chi, vận nhãn do hệ thần kinh bị tổn thương bởi độc tố bạch hầu.
- Rối loạn chức năng bàng quang với các triệu chứng: tiểu mất kiểm soát, tiểu rắt, tiểu nhiều,...
- Viêm phổi, suy hô hấp do cơ hoành bị liệt.
Những biến chứng nêu trên đều có thể đẩy người bệnh vào nguy cơ tử vong chỉ trong 6 - 10 ngày.
Xét nghiệm nuôi cấy, phân lập vi khuẩn bạch hầu
Tuy bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, sức khỏe và tính mạng của người bệnh có thể được bảo toàn. Việc nhận biết sớm các triệu chứng bệnh bạch hầu và chủ động thực hiện biện pháp cách ly không chỉ bảo vệ người bệnh mà còn giúp kiểm soát nguy cơ lây nhiễm bạch hầu cho cộng đồng.
Hiện các loại xét nghiệm chẩn đoán bạch hầu được nói đến ở trên đều có thể thực hiện tại Trung tâm Xét nghiệm tiêu chuẩn quốc tế của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Xét nghiệm nhuộm soi với mẫu dịch họng của người bệnh, trả kết quả sau 90 phút. Xét nghiệm nuôi cấy định danh với mẫu dịch họng của người bệnh, trả kết quả sau 3 - 5 ngày.
Toàn bộ quá trình xét nghiệm được diễn ra bởi đội ngũ kỹ thuật viên đã được đào tạo chuyên môn bài bản, thực hiện đúng quy trình; dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo kết quả có tính chính xác cao. Kết quả xét nghiệm được đọc và tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn giỏi, luôn đưa ra định hướng điều trị hiệu quả cho những trường hợp cần thiết.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch xét nghiệm bạch hầu có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn cách thức xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!