Tin tức
Triệu chứng rối loạn lo âu: Nhận biết sớm để điều trị hiệu quả
- 09/10/2021 | Rối loạn lo âu có nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh như thế nào?
- 17/02/2023 | Rối loạn lo âu: nhận diện và xử trí đúng để tránh biến chứng
- 18/05/2022 | Thế nào là rối loạn lo âu? Nguyên nhân và phương pháp điều trị?
- 31/12/2023 | Bài tập chữa rối loạn lo âu hiệu quả và dễ thực hiện
- 21/04/2025 | Triệu chứng rối loạn lo âu: Nhận biết sớm để điều trị hiệu quả
1. Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng quá mức, kéo dài và không kiểm soát được, dù đó chỉ là một tình huống nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Điều này gây ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ và các mối quan hệ khác. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp nhất là nhóm thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Các loại rối loạn lo âu phổ biến hiện nay bao gồm:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Lo lắng nhiều về các vấn đề xoay quanh cuộc sống (sức khỏe, kinh tế, công việc,...) mà không kiểm soát được.
- Rối loạn hoảng sợ: Các cơn hoảng loạn xảy ra đột ngột, dồn dập với các triệu chứng điển hình như tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở, cảm giác như sắp chết.
- Ám ảnh xã hội: Sợ hãi, lo lắng quá mức trong các tình huống giao tiếp thông thường, lo bị người khác đánh giá và chú ý.
- Rối loạn lo âu chia ly: Lo lắng, sợ hãi quá mức khi phải rời xa những người mà họ đã gắn bó thân thiết, như cha mẹ, người chăm sóc, người yêu hoặc thành viên trong gia đình.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Lặp lại những suy nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế nhằm làm giảm lo lắng.
Rối loạn lo âu khiến người bệnh lo lắng về mọi thứ xung quanh
2. Triệu chứng rối loạn lo âu
Triệu chứng rối loạn lo âu thường biểu hiện ở cả tâm lý và thể chất. Dưới đây là thông tin chi tiết.
Triệu chứng thể chất
Người bệnh rối loạn lo âu có thể gặp các triệu chứng liên quan đến thể chất như:
- tim đập nhanh, hồi hộp.
- Cảm giác nghẹt thở, khó thở.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Run tay, vã mồ hôi, căng cơ.
- Mệt mỏi, giấc ngủ không ổn định.
Triệu chứng tâm lý
Về tâm lý, người rối loạn lo âu có thể gặp một trong những triệu chứng sau:
- Lo lắng, sợ hãi quá mức, khó kiểm soát.
- Căng thẳng kéo dài, dễ cáu gắt.
- Khó tập trung, hay quên, hoặc có nhớ thì nhớ không chính xác.
- Luôn có cảm giác sắp có điều tồi tệ xảy ra.
- Tránh né các tình huống xã hội, ngại giao tiếp với người khác vì sợ bị chú ý, đánh giá.
3. Nguyên nhân rối loạn lo âu
Nguyên nhân rối loạn lo âu thường liên quan đến các yếu tố về di truyền, môi trường sống, lối sống và thể trạng sức khoẻ. Hiểu rõ được nguyên nhân gây bệnh giúp quá trình điều trị hiệu quả và tránh tái phát trong tương lai. Cụ thể:
- Di truyền: Bệnh có tính chất di truyền, nếu trong gia đình bạn từng có người bị rối loạn tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu), nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn nhiều so với người bình thường.
- Môi trường sống: Áp lực công việc, học hành, mâu thuẫn trong gia đình hay các mối quan hệ khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu. Nếu không điều trị đúng cách, trong trường hợp này, bệnh có thể tái phát nhiều lần và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Lối sống không lành mạnh: Thường xuyên thức khuya, sử dụng chất kích thích, căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn lo âu.
- Thể trạng sức khoẻ: Người mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tuyến giáp,.. cũng dễ bị rối loạn lo âu.
- Tính cách: Những người có tính cách nhút nhát, dễ bị kích thích, hay lo xa và tự ti cũng dễ bị rối loạn lo âu hơn những người bình thường.
Áp lực công việc kéo dài là nguyên nhân gây rối loạn lo âu
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Lo âu là cảm xúc bình thường trong cuộc sống, nhưng nếu bạn cảm thấy nỗi lo lắng chiếm lĩnh phần lớn suy nghĩ, dai dẳng và ảnh hưởng đến cuộc sống, thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn lo âu. Vậy trong trường hợp nào bạn cần đến gặp bác sĩ? Bạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu có một trong những biểu hiện sau:
- Lo lắng kéo dài và không rõ nguyên nhân: Cảm thấy lo lắng, sợ hãi mà không rõ nguyên nhân đến từ đâu. Cơ thể luôn rơi vào trạng thái hoang mang, mệt mỏi và không thể tập trung vào bất cứ việc gì.
- Triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Lo âu cản trở việc học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội khác.
- Cảm thấy mất kiểm soát hoặc suy nghĩ tiêu cực: Suy nghĩ thái quá và không kiểm soát được. Mỗi ngày, nỗi lo lắng càng lớn dần, dai dẳng và không có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí là khiến người bệnh suy nghĩ tiêu cực.
- Đã tự cải thiện nhưng không hiệu quả: Nếu bạn đã nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục, thay đổi lối sống lành mạnh nhưng vẫn không hiệu quả, hãy đến thăm khám bác sĩ ngay để có hướng điều trị phù hợp.
- Có các biểu hiện bất thường liên quan đến rối loạn lo âu: Tim đập nhanh, hồi hộp, căng thẳng, đau đầu, rối loạn giấc ngủ,..
Nên đến thăm khám bác sĩ để có phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp
Như vậy, triệu chứng rối loạn lo âu điển hình sẽ bao gồm các dấu hiệu như tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở, rối loạn giấc ngủ, lo nghĩ tiêu cực,... Không chỉ gây ảnh hưởng đời sống tinh thần của người bệnh, tình trạng này còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nếu không có biện pháp trị liệu kịp thời, phù hợp.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, hãy liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
