Tin tức
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em cha mẹ cần hết sức đề phòng
- 01/08/2023 | Những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ cảnh báo nguy hiểm cha mẹ cần lưu ý
- 01/02/2024 | Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ theo từng giai đoạn và cách xử lý
- 01/03/2024 | Cảnh báo triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em cha mẹ chớ nên bỏ qua
- 01/08/2023 | Cảnh báo nguy hiểm trước tình trạng sốt xuất huyết ở trẻ em
- 13/08/2024 | Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ phụ huynh cần biết
1. Khái niệm bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do người bệnh nhiễm phải virus Dengue. Nó tồn tại trong cơ thể muỗi vằn, sau đó thông qua nốt muỗi đốt, virus Dengue sẽ đi vào cơ thể người và gây bệnh. Virus Dengue có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.
Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm nhưng nguy cơ bùng thành dịch lớn nhất thường là vào mùa mưa. Đây là giai đoạn loài muỗi phát triển mạnh. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em không có nhiều sự khác biệt so với người lớn. Tuy nhiên, vì trẻ nhỏ không biết tự chăm sóc và theo dõi bệnh nên cha mẹ cần chú ý theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám nếu xuất hiện triệu chứng sốt bất thường.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus Dengue gây ra
2. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi trẻ và đôi khi có những diễn biến phức tạp. Khởi phát bệnh thường đột ngột, diễn biến bệnh nhanh chóng. Bệnh tiến triển qua 3 giai đoạn:
2.1. Giai đoạn sốt
Đây là giai đoạn đầu của bệnh, thường kéo dài khoảng 3-4 ngày. Trẻ có thể sốt cao đột ngột, sốt liên tục không hạ, dùng thuốc hạ sốt cũng không làm giảm triệu chứng. Sốt cao kèm theo đau nhức mỏi cơ bắp và mệt mỏi nên trẻ nhỏ thường quấy khóc, chán ăn, buồn nôn.
Ở giai đoạn này, nếu trẻ mắc sốt xuất huyết lần đầu thì có thể xét nghiệm NS1 sẽ dương tính từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Các xét nghiệm huyết học cũng có thể bắt đầu biến đổi: Bạch cầu bắt đầu giảm, Hematocrit (thể tích khối hồng cầu) thường chưa biến động, tiểu cầu cũng thường chưa giảm ở giai đoạn này.
2.2. Giai đoạn nguy hiểm
Sau khi trải qua giai đoạn sốt, triệu chứng sốt xuất huyết sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm (thường là sau 4 - 5 ngày). Giai đoạn này thường kéo dài trong khoảng 3-7 ngày. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em ở giai đoạn này thường ít, các triệu chứng rầm rộ ban đầu giảm dần: hạ sốt, đỡ mệt mỏi, đỡ nhức đầu, đỡ đau mỏi cơ bắp,... chính vì vậy, cha mẹ thường chủ quan và cho rằng bệnh đã khỏi nên thường lơ là sự theo dõi đối với trẻ nên có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Ở giai đoạn này, xét nghiệm Dengue IgM dương tính, xét nghiệm tế bào máu có những biến động lớn, bạch cầu tiếp tục giảm, hematocrit có thể tăng lên do máu bị cô đặc, tiểu cầu bắt đầu giảm.
Nếu không được theo dõi sát và điều trị phù hợp, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như tình trạng thoát huyết tương khiến trẻ bị tràn dịch đa màng, gan to, phù, có thể xuất hiện sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt. Hoặc trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng xuất huyết từ nhẹ đến nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi (chảy máu cam), xuất huyết tiêu hóa, nguy hiểm nhất là xuất huyết não.
Sau giai đoạn sốt sẽ là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết
Dựa vào nhiều dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, người ta đưa ra các dấu hiệu cảnh báo đối với bệnh sốt xuất huyết:
Bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
● Tinh thần vật vã, li bì.
● Đau bụng vùng gan nhiều và liên tục.
● Nôn từ 3 lần trở lên trong 1 - 6 giờ.
● Xuất huyết: da, niêm mạc, tiêu hóa,... hoặc bất kỳ cơ quan nào.
● Gan to dưới bờ sườn > 2 cm.
● Tiểu ít.
● HCT (Hematocrit) tăng.
● Tiểu cầu giảm nhanh.
● AST và/ hoặc ALT > 400 U/L.
● Tràn dịch các màng: phổi, bụng, tim,... phát hiện được trên siêu âm hay X-quang.
2.3 Giai đoạn phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm, nếu được theo dõi và điều trị đúng cách thì trẻ sẽ chuyển qua giai đoạn phục hồi. Lúc này, các triệu chứng lâm sàng biểu hiện hồi phục rõ: trẻ hết sốt, đỡ mệt mỏi, thèm ăn,... Kết quả của xét nghiệm về huyết học và sinh hóa cũng dần ổn định. Đặc biệt, giai đoạn này, xét nghiệm Dengue IgG có thể dương tính.
3. Hướng dẫn cách theo dõi, điều trị cho trẻ tại nhà khi bị sốt xuất huyết
Khi trẻ có dấu hiệu của sốt xuất huyết, các bậc phụ huynh cần cho trẻ thăm khám ở các cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất. Thường thì phần lớn trẻ sẽ được bác sĩ dặn dò, kê đơn thuốc và điều trị tại nhà nếu trẻ mới mắc bệnh. Tuy nhiên, việc theo dõi và điều trị tại nhà cũng cần có những lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho trẻ:
● Nếu trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, phối hợp với các biện pháp hạ nhiệt cơ học khác như: nới rộng quần áo, chườm ấm hạ nhiệt. Nếu trẻ vẫn sốt ≥ 38,5 độ C có thể sử dụng nhắc lại Paracetamol với liều như trên. Đặc biệt chú ý, không được sử dụng các thuốc hạ sốt như Ibuprofen hay Aspirin vì có thể làm gia tăng tình trạng giảm tiểu cầu của trẻ.
● Cho trẻ uống Oresol thay nước hàng ngày, có thể bổ sung các nước ép quả hoặc vitamin C.
● Tăng cường các đồ ăn giàu dinh dưỡng. Chú ý, tránh ăn đồ ăn có màu sẫm hoặc những đồ ăn khiến phân có màu đỏ hay màu nâu đen để tránh nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
● Nhắc trẻ cần hạn chế vận động, tránh va đập hay chấn thương trong thời gian bị sốt xuất huyết.
● Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng của dấu hiệu cảnh báo như đã mô tả ở trên thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
Khi trẻ có dấu hiệu của sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám
4. Bệnh sốt xuất huyết phòng chống ra sao?
Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vaccine cho bệnh sốt xuất huyết, vì vậy, các biện pháp phòng tránh bệnh được tăng cường áp dụng để hạn chế việc lây nhiễm bệnh. Hãy thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe gia đình và bé yêu của mình nhé:
● Loại bỏ nơi ẩn náu và sinh sống của muỗi, bọ gậy bằng cách:
+ Phát quang bụi rậm và đồ đạc quanh nhà, loại bỏ hoặc vệ sinh sạch sẽ những vật dụng có thể chứa nước bẩn như chậu, chum,... đã hỏng.
+ Tránh sự đẻ trứng của muỗi bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước.
+ Thả cá vào bể nước hoặc giếng, chum, vại để tiêu diệt bọ gậy/ lăng quăng.
● Phòng chống muỗi đốt cho trẻ:
+ Mặc quần áo dài tay cho trẻ.
+ Mắc màn mỗi khi đi ngủ.
+ Sử dụng bình xịt muỗi, vợt muỗi,...
Dịch vụ xét nghiệm tại nhà của MEDLATEC
Mong rằng thông qua những thông tin nêu trên, các bậc phụ huynh đã phân biệt được các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và nắm được những phương pháp xử trí, điều trị khi trẻ bị sốt xuất huyết.
Nếu con trẻ trong gia đình bạn đang có những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc sốt xuất huyết, bạn hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám ngay. Trong trường hợp bạn chưa lựa chọn được địa chỉ phù hợp thì có thể liên hệ đặt lịch khám và xét nghiệm tại Hệ thống Y tế MEDLATEC theo hotline 1900565656. MEDLATEC còn triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, áp dụng cho cả xét nghiệm sốt xuất huyết vô cùng tiện lợi. Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900565656 để tổng đài viên MEDLATEC tư vấn cụ thể hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!