Tin tức

Truyền máu và các quy tắc cần tuân thủ

Ngày 27/03/2023
Hương
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Máu là thành phần quan trọng bậc nhất trong cơ thể người. Trong máu bao gồm huyết tương và các tế bào và có nhiều nhóm máu khác nhau. Truyền máu thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân bị mất máu, điều trị bệnh thiếu máu hoặc thiếu hụt một số thành phần của máu. 

1. Có những loại nhóm máu nào?

Trước khi thực hành truyền máu, người cấp máu sẽ cần phải thực hiện xét nghiệm để phát hiện và phòng ngừa nguy cơ lây lan các loại virus qua đường máu. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải có những hiểu biết cơ bản về nguyên tắc truyền máu để đảm bảo an toàn miễn dịch.

Theo các nhà khoa học thì hiện nay có khoảng hơn 30 hệ nhóm máu khác nhau, ví dụ như hệ Rh, hệ ABO, hệ MN, hệ Kell,... Trong đó Rh(D) và ABO là 2 hệ máu có tính sinh miễn dịch rất mạnh và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể:

  • Hệ nhóm máu ABO: trong hệ này bao gồm các nhóm máu cơ bản là nhóm máu A, B, AB và nhóm máu O. Ở nước ta tỷ lệ người mang nhóm máu A chiếm khoảng 21,2% dân số, người nhóm máu B là 30,1%, nhóm AB là 6,6% và nhóm máu O đông nhất với 42,1%;

  • Hệ nhóm máu Rh (Rhesus): bao gồm nhóm máu Rh(+) và Rh(-). Điều đặc biệt là những người mang nhóm máu Rh(-) không thể nhận máu từ người có nhóm Rh(+). Trừ trường hợp được truyền máu lần đầu vì lúc này trong cơ thể chưa có kháng thể chống Rh(+). Tại Việt Nam số người có nhóm máu Rh(-) là rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,04 - 0,07% nên được coi là nhóm máu hiếm. Còn ở các châu lục khác như Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc,... thì nhóm máu này có tỷ lệ cao hơn (khoảng 15 - 40% dân số).

truyền máu

Có nhiều nhóm máu khác nhau

Là nhóm máu hiếm nên bệnh nhân nhóm máu Rh(-) thường có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn bởi vì:

  • Khi những người này cần truyền máu (phẫu thuật cấp cứu hay do tai nạn) thì không phải cơ sở y tế nào cũng có máu dự trữ thuộc nhóm này;

  • Nếu thai phụ có nhóm máu Rh(-) nhưng thai nhi mang nhóm máu Rh(+) thì cơ thể của người mẹ sẽ sản sinh ra một loại kháng thể phản ứng với máu của thai nhi, gây nên tình trạng tán huyết từ mức độ nhẹ đến nặng;

  • Không chỉ gây khó khăn cho lần mang thai đầu, Rh bất tương thích còn cản trở cho lần mang thai sau vì kháng thể D được tạo ra thông qua cơ chế miễn dịch ở lần mang thai trước sẽ đi qua nhau thai, tiêu hủy các tế bào hồng cầu của em bé gây nên bệnh Thalassemia (thiếu máu tán huyết) bẩm sinh ở trẻ, nghiêm trọng hơn là gây sảy thai.

2. Nguyên tắc cần tuân thủ khi truyền máu

2.1. Khi nào cần chỉ định truyền máu?

Truyền máu bao gồm các hoạt động nhận máu hoặc các thành phần/chế phẩm của máu như tiểu cầu, hồng cầu lắng, huyết tương từ người khác hiến tặng. Máu hoặc các chế phẩm của máu sau khi tiếp nhận sẽ được bảo quản trong túi nhựa, lưu trữ trong ngân hàng máu của bệnh viện hoặc cơ sở y tế. Sau này khi có bệnh nhân cần đến, máu sẽ được truyền theo đường tĩnh mạch vào cơ thể người nhận.

Những trường hợp cần được truyền máu thường là người điều trị thiếu máu, giảm thể tích máu, dùng trong điều trị chấn thương, phẫu thuật, rối loạn chảy máu hoặc điều trị các bệnh lý đặc biệt khác cần phải được truyền huyết tương, tiểu cầu, hồng cầu,...

Thành phần chính trong máu bao gồm:

  • Huyết tương: là phần chất lỏng của máu;

  • Tế bào hồng cầu: giúp loại bỏ chất thải dư thừa và mang oxy đến các cơ quan trong cơ thể;

  • Tế bào bạch cầu: tham gia vào chức năng miễn dịch giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng;

  • Tiểu cầu: giúp tạo liên kết và làm đông máu.

truyền máu

Truyền máu thường được chỉ định trong phẫu thuật cấp cứu và điều trị

Truyền máu thường không khiến bệnh nhân đau đớn nhưng có thể gây ra một số khó chịu. Thời gian để truyền hết một đơn vị máu là trong khoảng 2 - 4 giờ đồng hồ.

2.2. Nguyên tắc truyền máu

Hoạt động truyền máu cần phải tuân thủ theo nguyên tắc là không được để tình trạng kháng thể gặp phải kháng nguyên tương ứng trong cơ thể. Vì vậy trước khi truyền máu bệnh nhân cần được xét nghiệm để được xác định chính xác nhóm máu.

  • Nhóm máu O được coi là nhóm máu “chuyên cho", nghĩa là nếu bạn thuộc nhóm máu A, B hay AB thì đều có thể nhận được nhóm máu O. Tuy nhiên người mang nhóm máu O chỉ nhận được máu cùng nhóm này;

  • Nhóm máu AB được gọi là nhóm máu “chuyên nhận", nghĩa là có thể nhận được máu từ tất cả các nhóm khác nhưng chỉ cho được người thuộc cùng nhóm AB;

  • Người nhóm máu A có thể nhận máu từ những người có nhóm máu O hoặc A;

  • Người nhóm máu B có thể nhận từ những người có nhóm máu O hoặc B.

3. Quy trình truyền máu

3.1. Chuẩn bị

Trước khi truyền máu bạn sẽ được kiểm tra nhóm máu để biết được rằng bản thân mang nhóm máu gì: A, B, AB, O, Rh(+) hay Rh(-). Đây là bước quan trọng vì phải đảm bảo nhóm máu của người nhận tương thích với nhóm máu của người cho. Nếu bạn đã từng có tiền sử phản ứng trong quá trình truyền máu thì cần thông báo trước với bác sĩ.

3.2. Quá trình truyền máu

Thời gian truyền máu thường sẽ mất khoảng 1 - 4 giờ tùy thuộc vào từng trường hợp. Máu được truyền sẽ trữ trong túi nhựa, người bệnh sẽ nhận máu thông qua kim truyền đi vào tĩnh mạch. Bệnh nhân trong quá trình truyền máu sẽ ở tư thế nằm hoặc ngồi và được giám sát bởi nhân viên y tế. Nếu người truyền máu có các phản ứng bất thường như:

  • Sốt, ớn lạnh;

  • Khó thở;

  • Đau lưng, đau ngực;

  • Ngứa ngáy bất thường;

  • Khó chịu toàn thân.

Hãy báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

truyền máu

Nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào khi truyền máu bạn cần báo ngay với nhân viên y tế

3.3. Sau khi truyền máu

Khi truyền máu xong bác sĩ sẽ gỡ bỏ kim truyền máu. Xung quanh vị trí kim truyền là một vết bầm nhưng sẽ biến mất sau thời gian ngắn. Nếu sau khi truyền máu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nêu trên thì bạn cũng hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Hiện nay theo khuyến nghị của ngành huyết học thì chỉ nên truyền cho bệnh nhân những chế phẩm máu mà họ cần thay vì truyền toàn bộ máu. Sau khi máu được thu thập sẽ được phân tách ra các thành phần riêng lẻ đó là hồng cầu, plasma, tiểu cầu, tủa đông. Kỹ thuật này cho phép chúng ta tận dụng một cách tối đa từng thành phần có trong máu.

Hy vọng rằng bạn đã hiểu rõ hơn về các nhóm máu cũng như quy trình truyền máu thông qua những thông tin nêu trên. Để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn các dịch vụ đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mời quý bạn đọc liên hệ ngay qua hotline 1900565656.

Từ khoá: truyền máu

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.