Tin tức
Túi hậu môn nhân tạo dùng trong trường hợp nào và những lưu ý khi sử dụng
- 06/01/2023 | Hậu môn nhân tạo và những thông tin cần biết
- 28/02/2025 | Rò hậu môn - bệnh lý hậu môn trực tràng tưởng lạ mà quen
- 10/07/2025 | Vành hậu môn có cục cứng là bị làm sao? Chẩn đoán nguyên nhân bằng cách nào?
1. Túi hậu môn nhân tạo là gì? Sử dụng trong trường hợp nào?
1.1. Khái niệm túi hậu môn nhân tạo
Túi hậu môn nhân tạo là dụng cụ y tế chuyên dụng được dùng gắn bên ngoài cơ thể, tại vị trí lỗ mở trên thành bụng. Đây là nơi đưa phần ruột ra ngoài để thay thế chức năng bài tiết phân qua hậu môn tự nhiên.
Vai trò của túi hậu môn nhân tạo gồm:
- Thu nhận phân và chất thải từ ruột già hoặc ruột non để người bệnh duy trì chức năng bài tiết.
- Bảo vệ vùng da xung quanh thành bụng trước nguy cơ kích ứng và nhiễm trùng.
Túi hậu môn nhân tạo
1.2. Túi hậu môn nhân tạo sử dụng đối với trường hợp nào?
Túi hậu môn nhân tạo là chỉ được chỉ định trong một số tình huống y tế nhất định như:
1.2.1. Sau phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột
Người mắc bệnh ung thư đại tràng, ung thư trực tràng hoặc polyp ác tính buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột nên không thể đi ngoài qua đường hậu môn như bình thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tạo hậu môn nhân tạo và lắp túi hậu môn nhân tạo để thu phân.
1.2.2. Tổn thương đường ruột nghiêm trọng
Các bệnh lý như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn nặng hoặc viêm ruột cấp tính gây thủng ruột, xuất huyết có thể được bác sĩ chỉ định tạo hậu môn nhân tạo tạm thời để đường ruột được nghỉ ngơi và hồi phục.
1.2.3. Tai nạn chấn thương vùng bụng hoặc hậu môn
Người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động làm tổn thương hậu môn - trực tràng cũng có thể được chỉ định dùng túi hậu môn nhân tạo trong thời gian điều trị.
1.2.4. Dị tật hậu môn bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị dị tật hậu môn như không có hậu môn hoặc hẹp hậu môn cũng cần dùng túi hậu môn nhân tạo trước khi được phẫu thuật tái tạo hậu môn hoàn chỉnh.
Bệnh nhân không thể đại tiện qua đường hậu môn tự nhiên được chỉ định phẫu thuật tạo lỗ hậu môn nhân tạo
2. Các loại túi hậu môn nhân tạo phổ biến hiện nay
2.1. Phân loại theo số lượng mảnh
- Túi một mảnh
Đây là loại túi dùng gắn trực tiếp lên da, phần thân túi và đế được dán liền nhau nên dễ sử dụng cho người mới dùng lần đầu. Nhược điểm của túi là phải bỏ toàn bộ túi sau mỗi lần thay mới.
- Túi hai mảnh
Loại túi hậu môn nhân tạo này có phần thân túi và đế tách rời nhau. Khi thay túi, người bệnh chỉ cần thay thân túi, không cần thay đế nên nếu dùng lâu dài sẽ giúp tiết kiệm chi phí.
2.2. Phân loại theo chức năng
- Túi kín
Loại túi hậu môn nhân tạo dạng kín chỉ dùng một lần vì không thể mở ra để xả phân. Túi kín phù hợp để dùng cho người có chế độ đại tiện đều đặn.
- Túi mở
Túi hậu môn nhân tạo dạng mở có thể mở để xả phân nhiều lần trước khi thay túi, phù hợp với người cần sử dụng lâu dài, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
3. Nên chọn loại túi hậu môn nhân tạo loại nào phù hợp?
Túi hậu môn nhân tạo có nhiều loại khác nhau. Việc lựa chọn túi phù hợp để sử dụng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, thời gian sử dụng và thói quen sinh hoạt của người bệnh:
- Tình trạng lỗ hậu môn nhân tạo: Nếu lỗ hậu môn nhân tạo có hình dạng không đều thì nên chọn túi kín, đế lồi, có đường cắt điều chỉnh kích thước để thuận tiện khi sử dụng. Nếu lỗ hậu môn nhân tạo đã có hình dạng và kích thước cố định thì có thể chọn túi đế tròn tiêu chuẩn.
- Tần suất bài tiết: Người thường xuyên bài tiết phân nên chọn túi mở để dễ dàng xả phân. Người có thời gian bài tiết cố định với tần suất ít nên dùng túi kín để tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
- Thời gian sử dụng túi: Trường hợp hậu môn nhân tạo tạm thời nên chọn túi dễ sử dụng, giá thành hợp lý. Trường hợp hậu môn nhân tạo vĩnh viễn nên ưu tiên chọn túi có độ bền cao, thoáng khí, an toàn với da.
4. Hướng dẫn thay và một số lưu ý khi sử dụng túi hậu môn nhân tạo
4.1. Các bước thay túi hậu môn nhân tạo
Để đảm bảo việc thay túi hậu môn nhân tạo diễn ra đúng cách, người nhà bệnh nhân cần thực hiện các thao tác cơ bản sau:
- Bước 1: Đặt một miếng lót dưới lưng của bệnh nhân, gần phía hậu môn nhân tạo, sau đó đeo găng tay tay vào để tháo bỏ túi hậu môn nhân tạo cũ.
- Bước 2: Dùng giấy vệ sinh loại bỏ phân dính ở miệng lỗ hậu môn và da sau đó bỏ găng tay đi.
- Bước 3: Đeo găng tay mới vào, lấy bông thấm nước sạch hoặc nước muối sinh lý 0.9 % rửa nhẹ nhàng vùng da quanh hậu môn nhân tạo và dùng gạc vô khuẩn thấm khô nước.
- Bước 4: Đặt gạc có lỗ vào chân hậu môn nhân tạo rồi tiến hành thao tác lắp túi hậu môn nhân tạo vào, cố định lại đúng vị trí ban đầu.
Bệnh nhân trong quá trình thay túi hậu môn nhân tạo
4.2. Lưu ý đối với người sử dụng túi hậu môn nhân tạo
- Luôn giữ cho vùng da xung quanh hậu môn nhân tạo được khô ráo, sạch sẽ để tránh viêm nhiễm.
- Tránh ăn các thực phẩm gây đầy hơi, tạo khí trong túi hậu môn nhân tạo như: bắp cải, đậu xanh, nước uống có ga,...
- Thường xuyên kiểm tra túi hậu môn nhân tạo, nếu túi có mùi khó chịu hay có hiện tượng rò rỉ thì cần thay túi mới ngay.
- Tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi tình trạng hậu môn nhân tạo và điều chỉnh về việc dùng túi hậu môn nếu cần.
- Nếu xuất hiện tình trạng nôn hoặc chảy dịch, đau, đỏ da, sưng nề,... ở vùng da quanh hậu môn nhân tạo thì cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
Túi hậu môn nhân tạo là giải pháp y tế giúp người bệnh duy trì khả năng đại tiện sau phẫu thuật cắt ruột hoặc tổn thương hậu môn. Người bệnh nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ liên quan đến quá trình dùng dụng cụ y tế này để không cảm thấy bất tiện và tránh được các yếu tố nguy hại cho sức khỏe.
Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào ở vùng hậu môn - trực tràng, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa – Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
