Tin tức

U tuyến vú: Chẩn đoán, điều trị u vú lành tính và ác tính

Ngày 01/08/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Mặc dù không phải tất cả u tuyến vú đều chứa tế bào ác tính nhưng chị em vẫn nên thận trọng theo dõi, đi kiểm tra kịp thời nếu phát hiện vùng vú hoặc khu vực lân cận xuất hiện khối u khác lạ. Trong phần tổng hợp kiến thức sau đây, MEDLATEC sẽ giới thiệu khái quát một số phương pháp chẩn đoán, điều trị u vú lành tính và ác tính.

1. U tuyến vú là gì? 

U tuyến vú thường là những khối u xuất hiện trong hoặc khu vực xung quanh vùng mô tuyến vú. Kích thước, hình dạng của khối u không cố định mà thay đổi tùy theo từng loại. 

U tuyến vú có thể là u lành tính hoặc u ác tính

U tuyến vú có thể là u lành tính hoặc u ác tính

Khối u tuyến vú có thể là u lành tính hoặc u ác tính. Khi nhận thấy sự xuất hiện của các khối u trong hoặc xung quanh vùng bầu ngực, chị em tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy tìm đến các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị sớm. 

2. Phân loại u tuyến vú

2.1. U lành tính 

U vú lành tính không chứa tế bào ung thư. Sự thay đổi của xơ nang, u sợi tuyến và u nhú là biểu hiện rõ nét của dạng u vú lành tính. 

U vú lành tính không chứa tế bào gây ung thư

U vú lành tính không chứa tế bào gây ung thư

  • Sự thay đổi của xơ nang: Ước tính trên 50% nữ giới đều gặp phải tình trạng thay đổi xơ nang. Các cục xơ, nang nhỏ được xem là kết quả của quá trình mô xơ, tuyến vú, hệ thống ống dẫn sữa tương tác với hormone hỗ trợ rụng trứng. Trước mỗi kỳ kinh, khối u xơ có xu hướng sưng lên và mềm hơn. Nhưng đến thời kỳ mãn kinh, tình trạng này sẽ biến mất. 
  • U sợi tuyến: Là phần rắn của mô xơ, mô mềm hay gặp ở nữ giới trong độ tuổi 18 đến 35. 
  • U nhú: Là dạng u nhỏ xuất hiện trong ống niêm mạc tại ống dẫn sữa hoặc khu vực gần núm vú. U nhú thường là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy dịch vàng trong suốt hoặc dịch chứa máu từ khu vực núm vú. 

2.2. U ác tính 

U vú ác tính có xu hướng xâm lấn đến khu vực xung quanh, hệ cơ quan khác nếu không được chữa trị. Bởi tế bào ung thư có khả năng di căn đến nhiều hệ cơ quan thông qua đường máu, di căn đến các hạch bạch huyết

U tuyến vú ác tính có xu hướng di căn đến các cơ quan khác

U tuyến vú ác tính có xu hướng di căn đến các cơ quan khác

Ung thư vú thường diễn biến theo nhiều giai đoạn. Nếu phát hiện trong giai đoạn đầu, tỷ lệ điều trị thành công (sống thêm từ 5 năm trở lên) là khá cao. 

3. Triệu chứng ở người bị u tuyến vú

3.1. Triệu chứng khi bị u lành tính 

Mặc dù không gây nguy hiểm như u ác tính nhưng người bị bệnh vẫn nên thận trọng nếu phát hiện u tuyến vú lành tính. Đối với u lành tính, bạn có thể nhận biết thông qua một vài đặc điểm như khối u mấp mô, mềm, không đồng nhất, có khả năng di động, thường là hình tròn hoặc kiểu hình dạng không đồng đều. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân đôi khi còn cảm thấy đau khi sờ vào khối u, đau mỗi khi vào kỳ kinh. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nhận thấy một vài triệu chứng khác như: 

  • Núm vú bị thụt vào trong.
  • Dịch tiết ra từ núm vú. 
  • Căng tức, tắc ống dẫn sữa (khi chị em cho con bú). 

3.2. Triệu chứng khi bị u ác tính 

Trường hợp bị u vú ác tính, người bệnh thường xuất hiện những triệu chứng như: 

  • Sờ thấy khối u cứng. Càng về sau, khả năng di động của khối u lại càng mất dần. 
  • Hình dạng, kích thước của vùng vú có xu hướng thay đổi. 
  • Xuất hiện cảm giác đau vú, đau tại một vị trí. 
  • Núm vú bị thụt vào trong, đóng vảy, 2 núm vú không giống nhau. 
  • Da bề mặt khối u có màu bất thường, có thể đỏ hoặc thâm tím, núm vú có thể tiết dịch đục hoặc máu.
  • Xung quanh ngực có xuất hiện hạch sưng như hạch nách, hạch trên xương đòn,...

4. Khi nào người bệnh cần đi kiểm tra? 

Người bệnh nên đi kiểm tra ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường tại vùng vú. Cụ thể là: 

  • Sờ thấy khối u tại vùng vú hoặc khu vực xung quanh (dưới nách hoặc cánh tay). 
  • Dịch tiết ra từ núm vú. 
  • Núm vú thay đổi. 
  • Da bị tại vùng vú nhăn nheo, xuất hiện lúm đồng tiền. 

Bạn nên duy trì thói quen tự khám vú. Bởi khi phát hiện sớm, chữa trị trong giai đoạn đầu thì khả năng kéo dài thêm sự sống cho người bị u vú ác tính lại càng cao. 

5. Phương pháp chẩn đoán u tuyến vú

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, kiểm tra bất thường tại vùng bầu ngực, thăm hỏi triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh cũng như người thân. 

Tiếp theo, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như: 

  • Chụp X-quang vùng vú: Phát hiện thay đổi bất thường tại vùng vú. 
  • Siêu âm vú: Hình ảnh siêu âm cho phép bác sĩ tìm kiếm, phát hiện khối u đặc hoặc nang vú (thường chứa dịch lỏng). 
  • Chụp MRI: Hỗ trợ khảo sát tình trạng tổn thương tại vùng mô, hệ thống mạch máu. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả khi triển khai cho những người có túi ngực 2 bên. 
  • Sinh thiết: Thông qua phân tích trực tiếp mẫu bệnh phẩm lấy từ khối u, bác sĩ có thể xác định khối u thuộc dạng lành tính hay ác tính, hỗ trợ lên phác đồ điều trị. 

Sinh thiết giúp bác sĩ xác định khá chính xác u vú thuộc loại lành tính hay ác tính

Sinh thiết giúp bác sĩ xác định khá chính xác u vú thuộc loại lành tính hay ác tính

Trường hợp không phải u ác tính, người bệnh vẫn cần phải được theo dõi trong một vài tháng và tái khám định kỳ. 

6. Cách điều trị u tuyến vú 

6.1. Điều trị u lành tính 

Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến cho người bị u tuyến vú lành tính. Tùy từng loại khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Ngoài ra, nếu người bệnh có xuất hiện tình trạng viêm vú thì sẽ được kê thêm thuốc.

6.2. Điều trị u ác tính 

Đối với u vú khác tính, người bệnh thường được chỉ định điều trị tùy thuộc theo giai đoạn, tình hình sức khỏe thực tế. Sau đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

  • Phẫu thuật: Đây là kỹ thuật giúp loại bỏ khối u, chủ yếu áp dụng khi khối u chưa có dấu hiệu di căn lan rộng. Tùy thuộc theo tình trạng khối u, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần khối u phát triển trong vú, hoặc loại bỏ hoàn toàn cả tuyến vú. 
  • Xạ trị: Chùm tia mang năng lượng cao hay các loại tia phóng xạ chuyên biệt được chiếu vào vùng xuất hiện tế bào gây ung thư. Tia xạ có thể giúp tiêu diệt tế bào gây bệnh. 
  • Hóa trị: Ở phương pháp điều trị này, người bệnh được cho dùng thuốc truyền vào cơ thể theo đường tĩnh mạch. Phần lớn người bị u vú sau khi phẫu thuật đều trải qua một vài đợt hóa trị
  • Điều trị hormone: Kỹ thuật điều trị này giúp kìm hãm một số loại hormone, ngăn chặn khối u tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, liệu pháp hormone chỉ thực sự hiệu quả với loại u vú có mối liên hệ với hormone. 
  • Điều trị đích: Người bệnh cần dùng thuốc hoặc một số loại hóa chất để loại bỏ tế bào gây bệnh. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là không ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh mà chỉ tập trung tiêu diệt tế bào ác tính. 

Phẫu thuật giúp loại bỏ khối u vú chứa tế bào ác tính

Phẫu thuật giúp loại bỏ khối u vú chứa tế bào ác tính

Có thể thấy rằng u tuyến vú dù là u lành tính hay ác tính, người bệnh vẫn cần được theo dõi và điều trị. Để phát hiện sớm các khối u, chị em cần duy trì thói quen tự khám vú. Trường hợp nhận thấy dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đến cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để thăm khám. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi đến số 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.