Tin tức

Ung thư đại tràng giai đoạn 3 có chữa được không?

Ngày 26/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Khi bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn 3 thì cũng là lúc các tế bào ung thư đã phát triển gia tăng cả về số lượng và phạm vi xâm lấn. Không chỉ dừng lại tại đại tràng mà lúc này khối u đã xâm lấn các hạch bạch huyết xung quanh. Tuy nhiên ung thư ở giai đoạn này vẫn chưa lây lan rộng tới các cơ quan khác và có thể điều trị được.

1. Ung thư đại tràng giai đoạn 3 và chu trình phát triển của bệnh 

Trong ung thư đại tràng giai đoạn 3 người ta còn phân chia nó thành 3 giai đoạn nhỏ hơn, cụ thể:

  • Giai đoạn 3A: khi còn ở giai đoạn này, các tế bào ung thư mới chỉ khu trú ở lớp niêm mạc bên trong và lớp giữa của thành đại tràng. Khối u có thể xâm lấn sâu hơn vào lớp cơ và lan sang khoảng 3 - 6 hạch bạch huyết, thậm chí là tấn công cả các mô ở xung quanh những hạch này;

  • Giai đoạn 3B: là khi khối u đã lan rộng ra lớp ngoài thành đại tràng nhưng chưa gây ảnh hưởng tới cơ quan gần đó. Ở giai đoạn 3B, số hạch bạch huyết bị khối u tác động có thể lên đến 7;

  • Giai đoạn 3C: ung thư xâm lấn sâu vào lớp cơ thành đại tràng, lan sang hơn 7 hạch bạch huyết, đồng thời bắt đầu có dấu hiệu di căn đến những vùng khác trên cơ thể.

Tổng hợp các giai đoạn phát triển của ung thư đại tràng

Tổng hợp các giai đoạn phát triển của ung thư đại tràng

Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể chữa được. Tuy nhiên tỷ lệ bệnh tái phát sau điều trị cũng khá cao nếu bệnh đã ở giai đoạn 3C và các tế bào ung thư đã đi ra bên ngoài đại tràng.

2. Các triệu chứng nhận diện ung thư đại tràng giai đoạn 3

So với các giai đoạn đầu thì ung thư đại tràng giai đoạn 3 đã bộc lộ các triệu chứng rõ rệt hơn. Nếu bạn nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu dưới đây thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ:

  • Rối loạn tiêu hóa, tần suất đại tiện dày đặc;

  • Táo bón, tiêu chảy, hình dạng phân thay đổi hoàn toàn trong nhiều ngày liên tục;

  • Đại tiện ra máu;

  • Đau chướng, tức bụng cả trước và sau khi ăn;

  • Rối loạn khả năng co thắt hậu môn, đau hậu môn;

  • Sụt cân không chủ đích;

  • Thiếu máu, mệt mỏi, xanh xao, thỉnh thoảng lên cơn sốt bất thường. 

3. Phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3

Phụ thuộc vào đặc điểm, mức độ ung thư và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà cơ hội điều trị thành công ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể lên tới 60%. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đối với từng ca bệnh. Ung thư đại tràng giai đoạn 3 thường chữa theo những biện pháp dưới đây:

3.1. Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ khối u và các mô, hạch bạch huyết bị ảnh hưởng xung quanh. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần đại tràng và ít nhất  12 hạch bạch huyết lân cận để hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Bên cạnh phẫu thuật cắt bỏ, các lựa chọn phẫu thuật khác bao gồm:

  • Phẫu thuật Colostomy: bác sĩ sẽ mổ mở ổ bụng của người bệnh, sau đó sử dụng một ống thông kết nối với đại tràng để chất thải được đưa ra ngoài chứa trong một túi đeo bên hông người bệnh. Đây là biện pháp tạo hậu môn giả, có những trường hợp sau phẫu thuật phải dùng hậu môn giả vĩnh viễn;

  • Phẫu thuật nội soi: khác với kỹ thuật mổ mở truyền thống, phương pháp này ít xâm lấn và rút ngắn thời gian hồi phục nhưng hiệu quả thì tương tự so với phương pháp phẫu thuật tiêu chuẩn;

  • Cắt lạnh khối u hoặc phẫu thuật bằng tần số vô tuyến (RFA): áp dụng đối với những ca ung thư đã di căn tới cơ quan khác, ví dụ như phổi hoặc gan. Một dạng năng lượng tần số vô tuyến được sử dụng để đóng băng hoặc làm nóng khối u, sau đó loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể người bệnh.

Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cảnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất 

Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cảnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất 

3.2. Hóa trị

Liệu pháp hóa trị là sử dụng các loại thuốc có tác dụng triệt tiêu tế bào ung thư, thường được áp dụng sau phẫu thuật để đảm bảo các tế bào ung thư đã được loại bỏ hết, đề phòng nguy cơ bệnh tái phát sau này. Thông thường một đợt hóa trị sẽ bắt đầu được tiến hành từ 4 - 8 tuần sau phẫu thuật, mỗi lần hóa trị kéo dài suốt 6 tháng.

Một số loại thuốc dùng trong hóa trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt đó là:

  • Irinotecan (Camptosar);

  • Fluorouracil (5-FU);

  • Oxaliplatin (Eloxatin);

  • Capecitabine (Xeloda);

  • Trifluridine / tipiracil (Lonsurf).

Khi tiến hành hóa trị, bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, nôn mửa, lở miệng, tổn thương hệ thần kinh, ngứa ra lòng bàn tay hoặc bàn chân,...

3.3. Xạ trị

Phương pháp xạ trị là sử dụng tia phóng xạ để phá hủy các tế bào ung thư, được tiến hành trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước của khối u giúp việc loại bỏ trở nên dễ dàng hơn hoặc sau phẫu thuật để ngăn ngừa khả năng ung thư tái phát cục bộ. Ngoài ra, nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt phương pháp phẫu thuật và khối u đã phát triển sang các cơ quan lân cận thì bác sĩ cũng có thể chỉ định xạ trị.

Những loại xạ trị phổ biến:

  • Xạ trị lập thể: được áp dụng khi khối u đã di căn tới gan hoặc phổi, đòi hỏi một lượng bức xạ lớn hơn;

  • Xạ trị tia chùm ngoài: bác sĩ cần dùng một thiết bị chuyên dụng để chiếu tia X đến khu vực có tế bào ung thư. Tần suất xạ trị tia chùm ngoài là tiến hành 5 ngày/tuần, xạ liên tục trong một vài tuần.

Trong quá trình xạ trị bệnh nhân có thể xuất hiện những biểu hiện như đau dạ dày, dị ứng da nhẹ, tiêu chảy, mệt mỏi, phân lẫn máu hoặc cảm thấy tắc nghẽn ruột,...

Đa phần trong các trường hợp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 sẽ cần áp dụng kết hợp phẫu thuật loại bỏ khối u và xạ trị trước phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật, bổ trợ thêm hóa trị để ngăn cản khả năng ung thư tái phát về sau.

Ung thư đại tràng giai đoạn 3 tiêu hao không ít thời gian, sức khỏe và tiền bạc của người bệnh. Bởi vậy nếu bạn có các triệu chứng báo hiệu ung thư đại tràng thì nên đi khám trong thời gian sớm nhất có thể. Phát hiện sớm nguy cơ ung thư có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả điều trị trong tương lai.

Mỗi người nên đi khám tầm soát ung thư hàng năm để phòng ngừa nguy cơ ung thư từ giai đoạn sớm

Mỗi người nên đi khám tầm soát ung thư hàng năm để phòng ngừa nguy cơ ung thư từ giai đoạn sớm

Nếu bạn đang có nhu cầu đặt lịch khám hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ tầm soát, sàng lọc các bệnh lý ung thư, hãy liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.