Tin tức

Ung thư gan có chữa được không và các hướng điều trị

Ngày 13/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Ung thư gan có xu hướng phát triển âm thầm, khó nhận biết trong giai đoạn đầu. Phần lớn người bệnh thường chỉ phát hiện khi bệnh bắt đầu tiến triển, khiến hiệu quả điều trị giảm sút. Vậy, ung thư gan có chữa được không và hiện nay có những cách điều trị nào đang được áp dụng?

1. Các giai đoạn tiến triển của ung thư gan

Dựa theo hệ thống phân loại BCLC (Barcelona Clinic Liver Cancer) phổ biến và được khuyến nghị bởi EASL và AASLD, ung thư gan được phân chia thành 5 giai đoạn dựa theo chỉ số Child-Pugh, chỉ số PS (Performance score) cùng với đó là số lượng và tình trạng u. 5 giai đoạn tương ứng là: 0, A, B, C, và D.

Mỗi một giai đoạn sẽ có những hướng điều trị khác nhau. Đơn cử như:

  • Người bệnh ở giai đoạn 0 và A có thể điều trị tận gốc.
  • Người bệnh ở giai đoạn B và C sẽ điều trị hỗ trợ.
  • Người bệnh ở giai đoạn D sẽ áp dụng các biện pháp chăm sóc giúp làm giảm ảnh hưởng của bệnh. 

Quá trình tiến triển của ung thư gan

Quá trình tiến triển của ung thư gan 

2. Giải đáp câu hỏi: Ung thư gan có chữa được không?

Ung thư gan là bệnh lý ác tính nguy hiểm nên mọi người thường thắc mắc rằng ung thư gan có chữa được không. Trong thực tế, mức độ hiệu quả của việc điều trị thuộc lớn vào giai đoạn tiến triển. Nếu phát hiện càng sớm, tiên lượng sống sau điều trị lại càng cao. Theo thống kê về ca mắc ung thư gan giai đoạn 2014-2020 của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót thêm tối thiểu 5 năm được ghi nhận như sau:

  • Giai đoạn đầu khi khối u chưa di căn ra ngoài gan: 37%. 
  • Giai đoạn khối u đã di căn ra ngoài gan đến hạch bạch huyết lân cận: 13%. 
  • Giai đoạn khối u đã di căn đến nhiều bộ phận trong cơ thể: 3%. 

Lưu ý rằng, nếu trong giai đoạn đầu, người bệnh đáp ứng tốt điều trị bằng phương pháp ghép gan, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể tăng lên 60-70%. 

Ung thư gan có chữa được không là thắc mắc của nhiều người

Ung thư gan có chữa được không là thắc mắc của nhiều người

3. Các phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện ung thư gan

ung thư gan có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. 

3.1. Xét nghiệm 

Một số xét nghiệm phổ biến giúp chẩn đoán ung thư gan kể đến là: 

  • Xét nghiệm miễn dịch: Gồm các loại hình xét nghiệm cơ bản như:
  • Xét nghiệm Alpha: Giúp kiểm tra sự thay đổi của Alpha-fetoprotein (AFP). Dương tính khi AFP bằng hoặc lớn hơn 20ng/ml. 
  • Xét nghiệm PIVKA II: Nếu PIVKA II lớn hơn 60mAU/mL, khả năng cao đã bị ung thư gan nguyên phát. 
  • Xét nghiệm AFP-L3: Nếu nồng độ AFP-L3 lớn hơn 10%, có khả năng người bệnh sẽ bị ung thư gan trong 21 tháng tiếp theo. 
  • Xét nghiệm DCP: Giúp phát hiện sớm dấu ấn ung thư thông qua kiểm tra sự biến động của Prothrombin khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin K. 

Một số xét nghiệm giúp phát hiện dấu ấn ung thư

Một số xét nghiệm giúp phát hiện dấu ấn ung thư

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định xét nghiệm sinh hóa và xét nghiệm huyết học để kiểm tra sự thay đổi của một vài chỉ số, hỗ trợ chẩn đoán ung thư gan. 

3.2. Chẩn đoán hình ảnh

Ngoài các phương pháp xét nghiệm kể trên, nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác cũng giúp ích việc chẩn đoán. Đơn cử như: 

  • Siêu âm. 
  • Chụp X-quang. 
  • Chụp CT gan. 
  • Chụp cộng hưởng từ MRI gan. 
  • Sinh thiết gan. 
  • Nội soi ổ bụng. 

4. Một số phương pháp điều trị phổ biến 

Phương pháp điều trị ung thư gan được chỉ định phụ thuộc theo từng trường hợp khác nhau. 

4.1. Phẫu thuật

Tùy theo sự phát triển của khối u, tình trạng chức năng gan, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp, chẳng hạn như:

  • Cắt bỏ một phần gan: Thường chỉ định trong trường hợp khối u vẫn khu trú trong một phần gan, chức năng gan chưa bị ảnh hưởng. 
  • Ghép gan: Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ gan và thay thế bằng gan của người hiến tặng phù hợp. Thực tế, không phải người bệnh nào cũng đủ điều kiện để ghép gan. Tuy nhiên nếu thực hiện thành công, tỷ lệ sống sót thêm ít nhất 5 năm sẽ được cải thiện đáng kể. Sau phẫu thuật gan, bệnh nhân thường sẽ phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn tình trạng đào thải. 

Phẫu thuật ghép gan tương đối phức tạp

Phẫu thuật ghép gan tương đối phức tạp

4.2. Xạ trị

Đây là kỹ thuật điều trị sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào gây bệnh, đồng thời thu nhỏ khối u. Xạ trị IMRT và SBRT hiện là kỹ thuật xạ trị tiên tiến có thể được chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan. 

4.3. Hóa trị

Hóa chất giúp tiêu diệt tế bào gây bệnh có thể truyền vào cơ thể theo đường tĩnh mạch hoặc đường uống. Tuy nhiên, bên cạnh tế bào gây bệnh, nhiều tế bào khỏe mạnh cũng bị tiêu diệt trong quá trình hoá trị. 

Phương pháp điều trị này chủ yếu chỉ định trong trường hợp khối u đã xâm nhập đến mạch máu, mạng lưới hạch bạch huyết hoặc di căn. 

4.4. Điều trị trúng đích 

So với hóa trị thông thường, điều trị trúng đích nhắm đến mục tiêu cụ thể là gen hoặc protein chuyên biệt của tế bào gây bệnh, không tiêu diệt tế bào khỏe mạnh. Kỹ thuật điều trị này có thể chỉ định khi bệnh nhân xuất hiện khối u gan nhưng lại không thể phẫu thuật. 

4.5. Điều trị tại chỗ

Đây là những kỹ thuật tác động trực tiếp đến tế bào ung thư hoặc phần mô xung quanh khối u, một số phương pháp có thể kể đến như:

  • Đốt u bằng sóng cao tần hoặc vi sóng. 
  • Áp lạnh bằng Nitơ lỏng, tác động trực tiếp lên khối u giúp tiêu diệt tế bào gây bệnh. 
  • Tiêm cồn vào khối u, thực hiện trong quá trình phẫu thuật hoặc thực hiện qua da. 
  • Tiêm hóa chất vào động mạch gan (nguồn cung cấp máu cho khối u) giúp tiêu diệt khối u. 
  • Bơm vi phóng xạ vào khối u để tiêu diệt tế bào gây bệnh. 

4.6. Liệu pháp miễn dịch 

Đây là phương pháp điều trị dựa vào khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại yếu tố gây bệnh. Hoạt chất tương tự thành phần của hệ miễn dịch được tổng hợp trong phòng thí nghiệm rồi được đưa vào cơ thể, giúp kích hoạt khả năng nhận biết và loại bỏ tế bào gây bệnh. 

Nói chung, nếu kịp thời phát hiện trong giai đoạn đầu, người bị ung thư gan sẽ có nhiều lựa chọn điều trị hơn, khả năng chữa trị thành công cũng cao hơn. Do vậy, bạn hãy cố gắng duy trì khám tầm soát ung thư định kỳ hoặc khám bất kỳ khi nào thấy cơ thể biểu hiện bất thường. Nếu chưa biết nên khám tầm soát ung thư ở đâu, bạn có thể lựa chọn Trung tâm Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. 

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có cho mình câu trả lời cho thắc mắc ung thư gan có chữa được không. Nếu kịp thời phát hiện trong giai đoạn đầu, đáp ứng tốt phương pháp điều trị như ghép gan, người bệnh hoàn toàn có quyền hy vọng duy trì cuộc sống bình thường. Để chủ động đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ theo số 1900 56 56 56.

Từ khoá: ung thư gan ung thư

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ