Tin tức

Ung thư vú: Nguy cơ, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Ngày 03/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Ung thư vú là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm gây tử vong cao nhất ở nữ giới. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú trên toàn thế giới ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Vì vậy các chị em hãy trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về căn bệnh này giúp phòng ngừa một cách hiệu quả.

1. Ung thư vú là gì? 

Ung thư vú là những khối u ác tính được hình thành trong tế bào vú có khả năng phát triển rất nhanh ở các mô xung quanh hoặc có thể di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến hơn là ở nữ giới. 


Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm phổ biến hàng đầu ở nữ giới 

Ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn 0: Giai đoạn ung thư tại chỗ (nội ống) 

Giai đoạn này, tế bào ung thư bắt đầu phát triển bất thường trong ống dẫn sữa hoặc tuyến sữa, tuy nhiên không có tính xâm lấn, không lan sang các mô khác ở vú hoặc các cơ quan khác trong cơ thể.

Giai đoạn I: Ung thư xâm lấn

Bắt đầu từ ung thư vú giai đoạn đầu, các tế bào ung thư vú đã phá vỡ tự do để tấn công các mô khỏe mạnh. Giai đoạn I chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn: 

  • Giai đoạn IA: Ung thư đã lan vào các mô mỡ ở vú, kích thước khối u không vượt quá 2cm;
  • Giai đoạn IB: Một lượng nhỏ tế bào ung thư được tìm thấy trong một vài hạch bạch huyết.

Giai đoạn II. Ung thư phát triển, lan rộng hơn 

Ung thư vú ở giai đoạn 2 cũng chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn: 

  • Giai đoạn IIA: Khối u (nếu có) trong vú vẫn còn nhỏ. Các tế bào ung thư có thể không có trong các hạch bạch huyết hoặc đã di căn đến giai đoạn III;
  • Giai đoạn IIB: Khối u vú lúc này có thể có kích thước đã từ 2 - 5cm. Khối u có thể có hoặc không có ở bất kỳ hạch bạch huyết nào.

Giai đoạn III. Ung thư tiến triển nặng hơn 

Ung thư vú giai đoạn 3 chưa di căn đến xương hoặc các cơ quan khác nhưng đã tiến triển nặng và khó điều trị hơn.

Giai đoạn IV: Tế bào ung thư di căn 

Giai đoạn này tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến các bộ phận, cơ quan trong cơ thể (bao gồm xương, não, phổi gan, thận, hạch hoặc các vùng khác…). 

Không giống các loại ung thư khác, ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và chữa trị trong giai đoạn này, cơ hội thành công là khoảng 90 - 100%. Ngược lại nếu phát hiện và điều trị muộn, các tế bào ung thư đã di căn vào xương và các bộ phận quan trọng khác, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy việc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời là vô cùng quan trọng giúp tăng hiệu quả điều trị và tránh những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe.

2. Nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư vú 

Hiện nay nguyên nhân gây ung thu vú vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên theo các chuyên gia ung thư vú thường bắt đầu từ các tế bào nội ống (ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm lấn) hoặc có thể bắt đầu trong mô tuyến hay còn được gọi là tiểu thùy (ung thư biểu mô tiểu thùy tuyến vú xâm lấn). Ngoài ra một số những yếu tố sau đây cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú và làm tăng nguy cơ mắc bệnh: 

Yếu tố di truyền và gen

  • Yếu tố di truyền: Theo số liệu thống kê, khoảng 5 - 10% trường hợp ung thư vú có liên quan đến yếu tố di truyền. Những người có tiền sử gia đình có mẹ đẻ, chị ruột bị ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;
  • Yếu tố gen: Phụ nữ có một trong những đột biến gen BRCA1 và BRCA2 sẽ có nhiều khả năng mắc ung thư vú khi còn trẻ và một số các loại ung thư khác.


Di truyền được coi là một trong những nguyên nhân gây ung thư vú 

 Yếu tố sinh học và nội tiết

  • Giới tính: Là phụ nữ thì bạn đã có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với nam giới, mặc dù nam giới cũng có thể mắc bệnh nhưng chỉ chiếm 1%;
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư vú tăng theo tuổi, đặc biệt là sau 50 tuổi;
  • Kinh nguyệt: Bắt đầu hành kinh sớm (dưới 12 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (trên 55 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn bình thường do tiếp xúc lâu hơn với các hormone estrogen và progesterone;
  • Không sinh con hoặc sinh con muộn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh;

Yếu tố lối sống và môi trường

  • Sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại cũng tạo điều kiện phát sinh ung thư vú;
  • Béo phì, không hoạt động thể chất, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu… đều là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư vú.

Dấu hiệu ung thư vú có thể khác nhau phụ thuộc vào từng loại và giai đoạn của bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cảnh báo nguy cơ mắc ung thư vú tuyệt đối không nên chủ quan:

  • Xuất hiện khối u ở vú, xung quanh vú hoặc ở dưới nách;


Tuyệt đối không chủ quan khi vùng vú hoặc dưới nách xuất hiện khối u 

  • Dịch tiết từ núm vú có máu hoặc màu sắc bất thường;
  • Xuất hiện vết lõm da vú hoặc dày da vú;
  • Đau nhức vùng vú hoặc núm vú;
  • Có dấu hiệu tụt núm vú;
  • Thay đổi về kích thước và hình dạng của vú;
  • Da vùng vú, quầng vú hoặc núm vú có vảy, đỏ hoặc sưng;
  • Vết lõm da vú giống như da quả cam gọi là sần da cam.

3. Ung thư vú phòng ngừa bằng cách nào? 

Như đã thông tin ở trên, ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến hàng đầu đối với nữ giới. Câu hỏi đặt ra là liệu có biện pháp phòng ngừa bệnh lý này hay không? 

Câu trả lời là có. Để phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của ung thư vú hiệu quả, bạn cần quan tâm những lưu ý quan trọng như sau: 

  • Khám sàng lọc định kỳ: Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, việc thực hiện khám định kỳ và chụp nhũ ảnh là rất quan trọng giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm (trong trường hợp không may mắc bệnh);
  • Tự kiểm tra vú: Thực hiện kiểm tra vú tại nhà giúp nhận diện các thay đổi bất thường như u hoặc sự thay đổi về hình dạng và kích thước của vú;


Tự kiểm tra vú hàng ngày để nhận biết các biến đổi tại bộ phận này (nếu có) 

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, giảm lượng chất béo bão hòa, bổ sung các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn hàng ngày có thể giúp cơ thể khỏe mạnh giảm nguy cơ cơ mắc ung thư vú;
  • Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, duy trì tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên tăng giúp cường hệ thống miễn dịch duy trì sức khỏe tổng thể. 

Việc kết hợp các phương pháp phòng ngừa này không thể đảm bảo hoàn toàn bạn sẽ không mắc ung thư vú, nhưng có thể giảm nguy cơ và phát hiện sớm nếu như mắc bệnh. Luôn chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng kế hoạch phòng ngừa phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những đơn vị uy tín, đáp ứng mọi kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu trong chẩn đoán ung thư vú. Trong đó, điển hình là kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không VABB không chỉ giúp xác định chính xác tính chất của khối u mà còn được áp dụng trong điều trị u vú lành tính một cách hiệu quả. 

Đường dây nóng của MEDLATEC 1900 56 56 56 sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên toàn quốc. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.