Tin tức

Vì sao ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ?

Ngày 16/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Thiếu ngủ hoặc mất ngủ dẫn đến buồn ngủ là vấn đề rất dễ hiểu. Tuy nhiên, một số người ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải. Đây là tình trạng bất thường và có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn mệt mỏi và buồn ngủ trong bài viết sau.

1. Nguyên nhân gây ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể là do những nguyên nhân như sau:

- Giấc ngủ không chất lượng: Nếu bạn ngủ nhiều nhưng giấc ngủ không sâu, hay bị tỉnh giấc, rất khó đi vào giấc ngủ, gặp ác mộng khi ngủ,... thì dù giấc ngủ có kéo dài, cơ thể của bạn vẫn có cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ.

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

- Chế độ ăn không đủ dinh dưỡng: Để cơ thể khỏe mạnh, đủ năng lượng cho mọi hoạt động thì cần duy trì chế độ ăn đa dạng dưỡng chất. Nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, thường xuyên bỏ bữa, bạn sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt năng lượng. Chính vì thế, cơ thể luôn mệt mỏi, thiếu sức sống và luôn có cảm giác buồn ngủ mặc dù đã ngủ rất nhiều.

- Lười vận động: Vận động thể chất có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Thường xuyên tập luyện giúp bạn khỏe mạnh hơn, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa nhiều loại bệnh tật. Đặc biệt, một số bài tập nhẹ nhàng trước khi đi ngủ còn giúp bạn ngủ sâu giấc hơn và những bài tập thể dục buổi sáng sẽ giúp bạn hưng phấn, tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn.

Ngược lại, thói quen ít vận động lại khiến cho cơ thể có xu hướng muốn được nghỉ ngơi, thích ngủ nhiều hơn. Đây là vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, khi nhiều người có thói quen lạm dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,...

- Tập luyện sai cách: Nếu bạn tập thể dục đúng cách, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, nếu thực hiện những bài tập quá nặng, tập quá nhiều, có thể khiến cho cơ thể bị suy kiệt. Dù đã có một giấc ngủ kéo dài, cơ thể vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn và xảy ra tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến buồn ngủ

- Căng thẳng kéo dài: Những người thường xuyên gặp áp lực, căng thẳng rất dễ bị mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, hay bị tỉnh giấc lúc nửa đêm,... Do đó, một giấc ngủ thực sự của họ lại không đáng kể và dẫn tới tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.

- Do bệnh lý: Tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể là do bệnh lý. Đây là nguyên nhân đáng lo ngại nhất và cần được điều trị sớm để tránh những hậu quả nghiêm trọng. Một số bệnh khiến bạn dễ buồn ngủ dù đã ngủ rất nhiều có thể kể đến như bệnh về tuyến giáp, bệnh thiếu máu, bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu, bệnh trầm cảm,...

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ có thể do bệnh lý

- Do đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ mạn tính:

+ Đối với mẹ bầu: Tình trạng ốm nghén, tiểu đêm hoặc do thai nhi ngày càng phát triển và lớn dần lên trong bụng mẹ,... khiến chị em dễ bị mệt mỏi và có xu hướng muốn nghỉ ngơi nhiều hơn, dễ bị buồn ngủ vào ban ngày.

+ Phụ nữ đang trong độ tuổi tiền mãn kinh hay phải đối mặt với những vấn đề như đổ mồ hôi vào ban đêm, thường xuyên bốc hỏa,... Những triệu chứng này dễ gây giảm chất lượng giấc ngủ và do đó, chị em ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ.

- Do tác dụng phụ của thuốc điều trị: Các loại thuốc có tác dụng điều trị bệnh nhưng lại có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó bao gồm tình trạng thường xuyên buồn ngủ.

2. Phải làm sao khi ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ?

Để khắc phục tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là gì và thực hiện điều trị theo nguyên nhân. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

- Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng những cách sau:

+ Không nên ngủ vào ban ngày hoặc nếu có thì chỉ ngủ trong thời gian ngắn.

+ Không nên dùng những chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá,... để tránh dẫn đến tình trạng mất ngủ vào ban đêm.

+ Trước giờ đi ngủ, có thể lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi dạo bộ, tập yoga,... Những bài tập này có tác dụng giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn

+ Vào bữa tối, không nên ăn quá no, không ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất béo, không ăn những món ăn nhiều dầu mỡ, những món ăn khó tiêu, đặc biệt lưu ý không nên ăn quá sát giờ đi ngủ.

+ Khi đã lên giường để đi ngủ thì không nên dùng điện thoại. Thay vì dùng điện thoại, bạn nên thư giãn bằng nhiều phương pháp khác như đọc sách, nghe nhạc,...

+ Phòng ngủ cần đảm bảo sạch sẽ, nhiệt độ vừa phải, không quá nóng và không quá lạnh, đảm bảo yên tĩnh và không quá nhiều ánh sáng.

+ Có thể dùng trà hoa cúc, trà gừng, trà hoa oải hương hay nước lá tía tô,... để giúp bạn có giấc ngủ chất lượng hơn.

- Bổ sung đủ dưỡng chất để giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng, hạn chế tình trạng thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày.

- Thường xuyên vận động, nhưng lưu ý không tập quá sức.

- Kiểm soát căng thẳng bằng nhiều biện pháp khác nhau như đi dạo, thiền định, làm những việc mình yêu thích, chẳng hạn như vẽ, may vá, trồng cây,... Trường hợp nghiêm trọng hơn thì cần gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ

Cần đi khám nếu tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ kéo dài

- Đổi thuốc điều trị: Nếu loại thuốc đang dùng khiến bạn thường xuyên buồn ngủ và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn thì hãy nói với bác sĩ. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về việc đổi loại thuốc điều trị phù hợp hơn.

Tình trạng ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là vấn đề bất thường, do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu đã áp dụng những phương pháp trên nhưng tình trạng này vẫn không cải thiện, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán bệnh, tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm.

Mọi thắc mắc về sức khỏe cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch kiểm tra sức khỏe, mời quý khách hàng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ