Tin tức

Vì sao trẻ ho khan và cách điều trị bệnh

Ngày 21/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Ho khan là triệu chứng phản ánh tình trạng ngứa và khó chịu trong cổ họng. Khi trẻ ho khan, cha mẹ có thể giúp con giảm ho ngay tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. Vậy vì sao trẻ ho khan và cách điều trị bệnh như thế nào?

1. Vì sao trẻ ho khan?

Ho khan, ho dai dẳng là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ ho khan

Trẻ bị ho do nhiều nguyên nhân

Trẻ bị ho do nhiều nguyên nhân 

- Do dị ứng: Khi tiếp xúc hoặc hít phải khói thuốc, nấm mốc hay một số loại phấn hoa,... cơ thể của trẻ có thể bị dị ứng và kích hoạt những kháng nguyên để loại bỏ những chất gây dị ứng. Chính vì thế, trẻ có biểu hiện ho khan. 

- Do nhiễm virus, vi khuẩn: Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và bụi bẩn, có rất nhiều loại virus, vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Khi tiếp xúc với môi trường này, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus,... dẫn tới cảm cúm, cảm lạnh,... Khi đó, biểu hiện điển hình của trẻ là ho.

- Do bệnh ho gà: Tình trạng ho khan lâu ngày còn có thể là do trẻ bị bệnh ho gà. Đây là căn bệnh có thể lây nhiễm khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, trẻ thường xuất hiện những cơn ho dữ dội, đột ngột. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản, viêm phổi.

- Do dị vật: Khi bị dị vật mắc ở cổ họng, những cử động nuốt của trẻ sẽ bị cản trở và dẫn đến tình trạng ho khan. Do đó, nếu thấy trẻ ho khan, cha mẹ cần kiểm tra xem con có đang mắc dị vật ở cổ họng hay không. Những dị vật có thể là hạt, cúc áo, đồ chơi,... Đây là những dị vật không chỉ khiến cổ họng của trẻ bị kích ứng dẫn đến ho khan mà còn có thể gây tắc nghẽn khí quản, khó thở, thậm chí dẫn đến ngạt thở, rất nguy hiểm. 

- Do viêm xoang: Tình trạng viêm xoang có thể khiến dịch ứ đọng ở mũi, gây nghẹt mũi, tăng xu hướng thở đường miệng, khiến trẻ bị viêm họng và dẫn tới ho khan kéo dài. 

- Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng ho khan ở trẻ còn có thể do một số nguyên nhân khác như sau: 

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản;
  • Bệnh tim. 
  • Hen suyễn.
  • Viêm tai giữa.
  • Hít khói thuốc lá thụ động.
  • Do hậu Covid.

Phần lớn những trường hợp trẻ bị ho khan sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu cơn ho kéo dài quá lâu, từ 2 đến 3 tuần trở lên thì rất có thể là do trẻ đang mắc phải một số bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn,... và nếu không chữa trị sớm có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Do đó, nếu trẻ có những triệu chứng sau, cần đưa trẻ đi khám sớm: 

Mẹ nên đưa trẻ đi khám khi con bị ho kèm theo sốt cao

Mẹ nên đưa trẻ đi khám khi con bị ho kèm theo sốt cao

- Tình trạng ho khan chuyển thành ho ra máu hoặc ho ra những chất nhầy màu xanh. 

- Trẻ có biểu hiện ho khò khè. 

- Khó thở hoặc thở gấp.

- Trẻ bị sốt cao.

- Trẻ có những biểu hiện mất nước. 

2. Trẻ ho khan cần điều trị như thế nào?

Tùy theo từng trường hợp mà cách điều trị cho trẻ ho khan cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn, khi trẻ bị ho khan do hen suyễn, cần cho trẻ dùng một số loại thuốc xịt có tác dụng giãn nở phế quản, trường hợp những trẻ ho do trào ngược dạ dày thì cần thay đổi về cách sinh hoạt, chế độ ăn,... Dưới đây là một số lưu ý dành cho các bậc cha mẹ: 

Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước

Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước

- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ: Cha mẹ chỉ nên cho con dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua và dùng các loại thuốc như thuốc kháng sinh, kháng histamin cho trẻ. Ở trẻ nhỏ, chức năng hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện, nếu dùng thuốc sai cách có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi,... vô cùng nguy hiểm, do đó, cha mẹ cần đưa con đi khám nếu có những biểu hiện bất thường để được các bác sĩ kiểm tra và áp dụng phác đồ điều trị hợp lý. 

- Cho trẻ uống nhiều nước và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Khi được uống nhiều nước, trẻ sẽ có cảm giác dễ chịu hơn, dễ thở hơn. Đặc biệt, cha mẹ cũng nên cho trẻ ăn những loại đồ ăn mềm, ấm và tốt nhất nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Bổ sung nhiều dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. 

- Giữ ấm cơ thể và có thể nhỏ vài giọt tinh dầu dầu tràm vào nước ấm tắm, để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và giảm cơn ho. 

- Không gian sống trong lành: Đây là điều mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Đặc biệt là với những trẻ có cơ địa dị ứng, bụi bặm trong nhà cũng có thể là nguyên nhân khiến tình trạng ho của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, hãy đảm bảo môi trường sống của trẻ không có khói thuốc, luôn sạch sẽ. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm để giúp trẻ giảm ho. 

- Vệ sinh mũi họng cho trẻ: Để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng và khoang miệng cẩn thận cho trẻ. Hàng ngày, nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối, có thể dùng gạc rơ lưỡi. Đây cũng là cách giúp trẻ phòng tránh những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.

- Nâng cao gối của trẻ: Đây là cách giúp trẻ giảm những cơn ho khan do bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay ho khan vì hội chứng chảy dịch mũi sau.

Để phòng tránh tình trạng ho khan cho trẻ, mẹ nên tiêm phòng cúm cho trẻ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế, cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, tăng cường bổ sung vitamin C, thường xuyên cho bé vận động ngoài trời, không lạm dụng điều hòa cho trẻ hoặc để nhiệt độ quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời, cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, hướng dẫn trẻ vệ sinh, rửa tay thường xuyên, không để trẻ tiếp xúc với người bệnh.

Cần đưa trẻ đi khám sớm nếu có biểu hiện bất thường

Cần đưa trẻ đi khám sớm nếu có biểu hiện bất thường

Trên đây là những nguyên nhân khiến trẻ ho khan, ho lâu ngày và một số biện pháp chăm sóc trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường, vẫn tiếp tục ho kéo dài, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.