Tin tức

Viêm da cơ địa là gì và những thông tin bạn cần biết

Ngày 23/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Viêm da cơ địa có những triệu chứng rất điển hình và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Nếu bạn không biết viêm da cơ địa là gì, triệu chứng ra sao, làm gì để kiểm soát bệnh thì hãy theo dõi bài viết bên dưới.

1. Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa còn có tên gọi khác là chàm thể tạng. Ở trẻ em, nhiều người quen gọi là chàm sữa hay lác sữa. Vậy cụ thể viêm da cơ địa là gì? Đây chính là dạng đặc biệt của bệnh chàm, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh không thể điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát khi gặp các yếu tố thuận lợi.

Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm da cơ địa, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh và những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, càng lớn thì tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm. Những bé bị viêm da cơ địa thường đi kèm với viêm mũi dị ứng, hen suyễn, đặc biệt là khi bố mẹ bé cũng mắc các bệnh lý này.

Viêm da cơ địa là bệnh mạn tính, mang tính di truyền

Viêm da cơ địa là bệnh mạn tính, mang tính di truyền

2. Triệu chứng của viêm da cơ địa

Biết được viêm da cơ địa là gì, vậy triệu chứng của bệnh ra sao? Theo đó, triệu chứng điển hình nhất của bệnh là vùng da bị viêm đỏ và rất ngứa. Khi gãi thì da bị trầy xước, dễ nhiễm trùng và rò rỉ dịch. Ngoài ra, ở mỗi độ tuổi sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau, cụ thể như sau.

Trẻ sơ sinh và nhũ nhi

Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh (0 - 1 tháng tuổi) và trẻ nhũ nhi (từ 1 - 12 tháng tuổi) như sau:

  • Vùng da quanh miệng, má, trán, cổ, bẹn và tại các vị trí nếp gấp bị nổi mảng đỏ, có nhiều mụn nước li ti.
  • Các mụn nước vỡ, chảy dịch, gây viêm trợt.
  • Các vết loét bắt đầu khô, đóng vảy và tiếp tục viêm.
  • Trẻ khó chịu, ngứa ngáy, quấy khóc, bỏ bú, mất ngủ.
  • Một số trẻ kèm theo tiêu chảy, viêm tai giữa.

Trẻ em

Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em (từ 2 - 12 tuổi) bao gồm:

  • Vùng da khuỷu tay, đầu gối, nếp gấp phía sau đầu gối và các nếp gấp khác thường xuyên bị ngứa, khô, nứt nẻ,…
  • Hình thành mảng lichen hóa dạng đĩa tại các vùng da bị tổn thương.
  • Trẻ liên tục gãi và khó chịu, nhất là khi mặc quần áo bó sát hoặc khi đổ mồ hôi nhiều.
  • Một số trẻ còn bị viêm giác mạc dị ứng.

Trẻ bị viêm da cơ địa hay bị ngứa và thường xuyên gãi

Trẻ bị viêm da cơ địa hay bị ngứa và thường xuyên gãi

Người lớn

Do có sức đề kháng tốt hơn trẻ em nên các biểu hiện của viêm da cơ địa ở người lớn không quá “rầm rộ”. Đồng thời, các triệu chứng của bệnh cũng có nhiều khác biệt như:

  • Da nổi ban đỏ và có nhiều mụn nước nông.
  • Mụn nước vỡ gây phù nề, vảy tiết.
  • Nếu bị viêm nhiễm thì vùng da nổi mụn mủ và sưng loét.
  • Cảm giác ngứa nóng, sưng đau, khó chịu tại vùng da tổn thương.
  • Trường hợp bệnh ở giai đoạn mạn tính thì da trở nên dày hơn, bị thâm sạm và nứt nẻ, bong tróc. Kèm theo đó là cảm giác ngứa âm ỉ hoặc dữ dội.

3. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Ở phần trên, chúng ta đã nắm được viêm da cơ địa là gì và có những triệu chứng nào. Phần này sẽ điểm qua các nguyên nhân gây viêm da cơ địa, từ đó có cách kiểm soát bệnh tốt nhất.

Di truyền

Viêm da cơ địa là bệnh lý mang tính di truyền. Điều này có nghĩa là ba mẹ bị bệnh thì nguy cơ cao con sinh ra cũng bị bệnh. Điều này cũng tương tự như các bệnh lý mạn tính khác như viêm mũi dị ứng, hen suyễn,… 

Tác nhân dị ứng

Nếu bản thân mắc bệnh cơ địa dị ứng - trong đó có viêm da cơ địa thì khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng sẽ làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh. Những tác nhân này bao gồm điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm, hóa chất, mỹ phẩm, phấn hoa, lông thú, thực phẩm,…

Nước hoa là “thủ phạm” gây ra các vấn đề dị ứng, trong đó có viêm da

Nước hoa là “thủ phạm” gây ra các vấn đề dị ứng, trong đó có viêm da

Thói quen sinh hoạt

Viêm da cơ địa cũng dễ khởi phát và trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thức khuya, căng thẳng thần kinh, dùng chất kích thích,… Những việc này gây rối loạn nội tiết và tác động đến hệ thần kinh khiến bệnh khó kiểm soát.

4. Làm gì khi bị viêm da cơ địa?

Như đã nói ở phần viêm da cơ địa là gì, đây là bệnh thuộc về cơ địa, bệnh mạn tính nên chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát bệnh khởi phát và làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh bằng những cách sau.

  • Sử dụng thuốc chống ngứa, thường là thuốc dạng bôi (bôi trực tiếp vào vùng da bị bệnh). Trường hợp ngứa quá nhiều thì bác sĩ có thể kê thuốc dạng uống là thuốc kháng histamin chống dị ứng.
  • Bôi kem dưỡng ẩm đối với vùng da bị khô nứt, bong tróc và hình thành vảy. Mỗi ngày bôi 2 - 3 lần để cấp ẩm cho da, tránh làm da bị tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng.
  • Bôi kem kháng viêm nếu da bị viêm, sưng đỏ và ngứa nhiều. Kem có chứa thành phần corticoid nên bạn cần sử dụng đúng chỉ định, không lạm dụng để tránh tác dụng phụ.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu da tổn thương nặng, chảy dịch mủ. Trong thời gian này, cần chú ý đắp gạc, thay gạc và vệ sinh vết thương hàng ngày để tránh tình trạng bội nhiễm.

Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hoặc kem bôi

Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hoặc kem bôi

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cần chú ý mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát; luôn vệ sinh cơ thể, nhất là sau khi vận động và ra nhiều mồ hôi; sau khi tắm rửa thì bôi kem dưỡng ẩm cho vùng da cần điều trị; tránh dùng các mỹ phẩm có thành phần dễ gây kích ứng, dị ứng.

Ngoài ra, tăng cường bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; đảm bảo uống đủ nước, ngủ đủ giấc mỗi ngày; tránh xa mệt mỏi, căng thẳng; hạn chế tiêu thụ thực phẩm có hại cho sức khỏe.

Đối với việc dùng thuốc thì phải nhất định tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua và dùng, hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng để tránh làm bệnh thêm nặng.

Nếu vẫn còn thắc mắc viêm da cơ địa là gì hoặc cần đặt lịch khám tại Chuyên khoa Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ