Tin tức

Viêm gan B là gì, triệu chứng, chuẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 04/09/2016
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Viêm gan B do virus HBV gây nên. Viêm gan B là một vấn đề sức khỏe toàn cầu quan trọng. HBV có thể gây ra viêm gan mạn tính và làm người mắc dễ có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.

Vaccin phòng ngừa viêm gan B đã được sử dụng từ năm 1982. Vaccin viêm gan B đạt 95% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm HBV và làm giảm sự tiến triển của viêm gan B mạn, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular cancer: HCC).

1. Virus viêm gan B là gì?

Bộ gene của virus viêm gan B là một chuỗi kép DNA không hoàn toàn, gồm một chuỗi dài 3,2 kb (chuỗi âm) và một chuỗi ngắn 2,8 kb (chuỗi dương). Bộ gen của HBV chứa 4 bộ khung mở che phủ lên nhau, gồm C, X, P và S. Gen S mã hóa cho các protein bề mặt (surface), gồm ba phần, trước S1, pre-S2 và S; gen C mã hóa cho các protein lõi (core) như HbcAg; gen X mã hóa cho protein X, một protein nhỏ nhất của HBV, có vai trò hoạt hóa sự sao chép và dẫn truyền tín hiệu; và gen P mã hóa cho enzyme polymerase. Vùng basal core promoter (BCP) trên gen C có chức năng thúc đẩy vùng precore (PC) sinh tổng hợp kháng nguyên e (HBeAg) (Bruss V, 2007 [3]).  Các gen và các sản phẩm gen của virus viêm gan B được thể hiện ở Hình 1.

  Viêm gan B là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hình 1. Các gen và các sản phẩm gen của virus viêm gan B.

2. Tình hình viêm gan B trên thế giới và ở Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 240 triệu người đang bị nhiễm HBV mạn, nghĩa là có kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) dương tính trên 6 tháng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 650.000 người tử vong do các biến chứng của viêm gan B mạn, chủ yếu do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (WHO, 2015 [11]).

Tỷ lệ viêm gan B cao nhất là ở tiểu vùng Sahara châu Phi và Đông Nam Á, nơi mà từ 5-10% dân số người lớn bị nhiễm mạn tính. Tỷ lệ cao của bệnh nhiễm HBV mạn cũng được thấy ở Amazon và các vùng phía nam của Đông và Trung Âu. Tại Trung Đông và Tiểu lục địa Ấn Độ, ước tính có khoảng 2-5% dân số nói chung bị nhiễm HBV mạn. Ít hơn 1% dân số ở Tây Âu và Bắc Mỹ bị bệnh mạn tính. Ở Việt Nam, năm 2013 có khoảng 8,6 triệu người bị nhiễm HBV mạn.

3. Sự lây truyền virus viêm gan B là gì?

Virus viêm gan B có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất là 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm nếu nó xâm nhập vào cơ thể của một người không được bảo vệ với vaccin. Thời kỳ ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Virus HBV có thể được phát hiện trong vòng 30-60 ngày sau khi bị nhiễm và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan B mạn.

Trong các vùng bệnh dịch cao, viêm gan B thường hay lây từ mẹ sang con khi sinh (lây truyền chu sinh), hoặc thông qua truyền ngang (tiếp xúc với máu người bị nhiễm bệnh), đặc biệt là từ một đứa trẻ bị nhiễm bệnh cho một đứa trẻ không bị nhiễm bệnh trong thời gian 5 năm đầu tiên của cuộc sống. Sự phát triển của nhiễm HBV mạn thường gặp ở trẻ bị nhiễm từ mẹ sang con hoặc ở thời kỳ trước 5 tuổi.

Viêm gan B cũng lây lan qua da hoặc niêm mạc khi tiếp xúc với máu hoặc các dịch cơ thể khác nhau bị nhiễm HBV, cũng như thông qua nước bọt, kinh nguyệt, dịch âm đạo hoặc tinh dịch. Sự lây truyền viêm gan B có thể xảy ra, đặc biệt là ở nam giới không được chủng ngừa người có quan hệ tình dục với những người đồng giới hoặc người khác giới, với người có nhiều bạn tình hoặc với người bán dâm. Nhiễm HBV ở tuổi trưởng thành dẫn đến viêm gan mạn tính trong ít hơn 5% các trường hợp. Lây truyền của virus cũng có thể xảy ra thông qua việc tái sử dụng bơm kim tiêm hoặc trong cơ sở y tế hoặc ở những người tiêm chích ma túy.

Ngoài ra, nhiễm HBV cũng có thể xảy ra trong quá trình làm một số thủ thuật y tế, phẫu thuật, nha khoa, xăm mình, hoặc sử dụng chung dao cạo râu với người bị nhiễm HBV.

Khả năng nhiễm virus trở thành mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi người bị nhiễm bệnh. Trẻ em dưới 6 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì hầu hết bị phát triển bệnh nhiễm HBV mạn tính.

Viêm gan B là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Con đường lây truyền viêm gan B rất dễ dàng.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ em: 80-90% trẻ bị lây nhiễm HBV trong năm đầu tiên của cuộc sống trở thành mạn tính; 30-50% trẻ em bị nhiễm trước khi 6 tuổi bị nhiễm trùng mạn tính.

Ở người lớn: <5% số người trưởng thành khỏe mạnh bị nhiễm HBV trở thành mạn tính; 20-30% người trưởng thành bị nhiễm HBV mạn tính sẽ phát triển xơ gan và / hoặc ung thư gan.

4. Chẩn đoán viêm gan B

Viêm gan B là gì? Khi nào một người nghi ngờ mắc viêm gan B, hãy cùng theo dõi những triệu chứng dưới đây do các chuyên gia khuyến cáo.

4.1. Triệu chứng

Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng trong giai đoạn nhiễm HBV cấp tính. Tuy nhiên, một số người bị nhiễm HBV cấp tính có các triệu chứng kéo dài vài tuần, bao gồm vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu, mệt mỏi nhiều, buồn nôn, nôn và đau bụng. Một nhóm nhỏ các bệnh nhân bị viêm gan B cấp tính có thể tiến triển thành suy gan cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

Hơn 90% số người trưởng thành khỏe mạnh bị nhiễm virus viêm gan B cấp có khả năng tạo được kháng thể chống virus HBVAb nên có thể tự khỏi trong năm đầu tiên mà không cần điều trị bằng thuốc ức chế virus.

Ở một số người, virus viêm gan B cũng có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính, có thể tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.

Viêm gan B là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Các biểu hiện của người mắc viêm gan B.

4.2. Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B

Nhiễm HBV cấp được đặc trưng bởi sự hiện diện của HBsAg và kháng thể HBcAb IgM (+) tính (Karayiannis P, 2009 [4]). Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân cũng (+) tính với kháng nguyên e (HBeAg). HBeAg thường là một dấu hiệu của sự nhân lên của virus. Sự hiện diện của HBeAg chỉ ra rằng máu và chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh là rất dễ lây.

Nhiễm HBV mạn tính được đặc trưng bởi sự tồn tại của HBsAg trong ít nhất 6 tháng (có hoặc không có đồng thời HBeAg) (Lok AS, 2007 [5]). Sự dai dẳng của HBsAg là dấu ấn chính của nguy cơ phát triển bệnh gan mạn tính, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

Viêm gan B mạn thường được chia thành 5 giai đoạn (phases). Các xét nghiệm để đánh giá các giai đoạn của nhiễm HBV mạn tính gồm ALT, số lượng virus HBV DNA, HBeAg, HbeAb, HBsAg định lượng.

Giai đoạn dung nạp miễn dịch (immune tolerance): ALT bình thường, HBV DNA cao, HBeAg (+) tính, HbeAb (-) tính và HBsAg định lượng cao, thường không cần điều trị nhưng phải theo dõi.

Giai đoạn hoạt động miễn dịch hay thanh thải miễn dịch (Immune active or Immune clearance): ALT cao, HBV DNA cao, HBeAg (+) tính, HbeAb (-) tính và HBsAg định lượng cao, cần điều trị.

Giai đoạn kiểm soát miễn dịch hay người mang virus không hoạt động (immune control or inactive carier): ALT bình thường, HBV DNA thấp < 104 copies/ mL, HBeAg (-) tính, HbeAb (+) tính và HBsAg định lượng < 100 IU/ mLđối với genotype B và < 50 IU/ mL đối với gentype C, thường không cần điều trị nhưng phải theo dõi tái phát hoặc HCC.

Giai đoạn thoát miễn dịch đột biến hay viêm gan virus mạn HBeAg âm tính (immune escape - mutant or HBeAg negative chronic hepatitis) với HBeAg (-) tính, HBeAb (+) tính, ALT bất thường, HBV DNA >105 copies/mL, người nhiều tuổi thường dễ bị xơ gan hoặc bị HCC hơn, có thể cần điều trị.

Giai đoạn tái phát hay giai đoạn cấp của viêm gan B mạn (Reactivation or acute on chronic hepatitis): ALT cao, HBV DNA cao, HBeAg (-) tính có thể chuyển đổi thành (+) tính, HBeAb (+) tính và HBsAg định lượng cao, nguy cơ xơ gan mất bù cao, cần điều trị.

 Theo Iloeje UH (2006), số lượng virus HBV (HBV DNA) càng cao thì nguy cơ xơ gan càng cao và theo Chen CJ (2006), số lượng virus HBV (HBV DNA) càng cao thì ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) càng cao. Nếu số lượng HBV DNA cao ≥ 106 copies/mL thì số bệnh nhân xơ gan cộng dồn trong vòng 10 năm sẽ là 36,2% (nguy cơ tương đối so với người không viêm gan B tăng 9,6 lần), số bệnh nhân HCC là 15% (nguy cơ tương đối so với người không viêm gan B tăng 11 lần); còn nếu số lượng virus HBV DNA giảm xuống dưới ngưỡng (< 300 copies/mL) thì số bệnh nhân xơ gan chỉ còn 4,5% và số bệnh nhân HCC chỉ còn 1.3%.

Theo Luật NN và cs, 2015 [8], tỷ lệ người mang virus không hoạt động thật trong số những người viêm gan B mạn chưa điều trị được xem là mang HBV không hoạt động chỉ là 30,10%. Tỷ lệ người mang HBV không hoạt động thật trong số những người viêm gan B mạn được điều trị NAs 48 tuần được xem là mang HBV không hoạt động cũng chỉ là 26,73%. Không có sự tương quan có ý nghĩa giữa qHBsAg và HBV DNA ở những bệnh nhân này. Các phát hiện nêu trên gợi ý rằng qHBsAg là một thông số sinh học không thể thiếu được trong chẩn đoán trạng thái mang HBV không hoạt động thật.

Về các độ biến vùng BCP/PC trên gen C liên quan đến nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan, Yin J và cộng sự (2011) [12] thấy rằng, các đột biến ở các vị trí 1727, 1730, 1762, 1764, 1766, 1768,1773,1779 và 1896 ở genotype B và ở các vị trí 1726,1727, 1730, 1762, 1764, 1768,1773,1779 và 1896 ở genotype C ở bệnh nhân viêm gan B mạn có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Còn ở những bệnh nhân đã bị xơ gan, các đột biến ở các vị trí 1753, 1762 và 1846 ở genotype C có nguy cơ dẫn đến ung thư tế bào gan. Các tác giả này cũng cho rằng một số đột biến trên vùng BCP/PC ở các vị trí 1753, 1762, 1764 và 1896 ở genotype C có nguy cơ dẫn thẳng đến HCC không qua giai đoạn xơ gan. Năm 2012, người ta bổ sung thêm một số đột biến liên quan có ý nghĩa với HCC tại các vị trí 1846 và 1899.

Theo Luật NN và cs, 2013 [6], ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn ở miền Bắc Việt Nam, có 7 đột biến vùng BCP/PC của HBV liên quan với xơ gan được phát hiện ở các nu 1726, 1727, 1730, 1766, 1768, 1773 và 1799, chiếm 31,94%; có 6 đột biến vùng BCP/PC liên quan với HCC được phát hiện gồm T1753V (C/A/G/xóa), A1762T/G1764A, A1846T, G1896A và G1899A, chiếm 13,89%; số bệnh nhân vừa có đột biến liên quan với xơ gan, vừa có đột biến liên quan với HCC chiếm 37,50%; số bệnh nhân có từ 1 đến 6 đột biến liên quan với HCC chiếm 51,49%, trong đó đột biến kép A1762T/ G1764A chiếm 30,56%.

Viêm gan B, nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị

Xét nghiệm phát hiện viêm gan B càng sớm, điều trị càng dễ dàng.

5. Điều trị viêm gan B như thế nào?

Hiện nay không có điều trị đặc hiệu cho viêm gan B cấp. Vì vậy, mục đích chính của điều trị viêm gan B cấp tính là chăm sóc, duy trì sự dễ chịu và cân bằng dinh dưỡng đầy đủ, bao gồm cả việc thay thế chất dịch bị mất do nôn và tiêu chảy.

Nhiễm viêm gan B mạn tính có thể được điều trị bằng một số loại thuốc, gồm thuốc ức chế  virus loại nucleoside (Lamivudine, Telbivudine, Entecavir) hoặc nucleotide (Adefovir, Tenofovir) bằng đường uống và interferon hoác peginterferon bằng đường tiêm dưới da. Mục đích của điều trị nhiễm HBV mạn là làm chậm sự tiến triển của xơ gan, làm giảm tỷ lệ ung thư biểu mô tế bào gan và cải thiện sự sống lâu dài cho bệnh nhân (Alberti A, 2011 [1]). Các chất tương tự nucleoside ức chế cạnh tranh với enzyme HBV DNA polymerase, gây cản trở cho sự tổng hợp chuỗi HBV DNA đầu tiên (chuỗi âm) và chuỗi thứ hai (chuỗi dương).

Interferon có tác dụng ngăn cản HBV vào tế bào gan và bỏ lớp vỏ, kích hoạt các enzym nội bào như 2'5 oligoadenylate synthetase, dẫn đến sự giáng hóa của các HBV mRNA và làm giảm sự dịch mã; Interferon cũng làm tăng đáp ứng miễn dịch trung gian tế bào đối với HBV bằng cách làm tăng sự biểu hiện của các phân tử trình diện kháng nguyên HLA loại I trên bề mặt của các tế bào gan bị nhiễm HBV và hoạt hóa các lymphocyte.

WHO khuyến cáo nên sử dụng các phương pháp điều trị bằng các thuốc đường uống như tenofovir hay entecavir, vì đây là những thuốc hiệu quả nhất để ngăn chặn vi rút viêm gan B và có ít tác dụng phụ nên chỉ cần theo dõi khoảng 3 đến 6 tháng một lần.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay đối với điều trị HBV mạn hiện nay là sự tồn tại dai dẳng của cccDNA và phần HBV DNA tích hợp vào DNA của tế bào gan người. Ở phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc ức chế HBV dạng uống chỉ ức chế sự nhân lên của virus, việc điều trị không chữa được khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B. Vì vậy, hầu hết những người đã điều trị viêm gan B cần phải tiếp tục theo dõi để điều trị lâu dài.

Trong quá trình điều trị HBV với các thuốc uống, sự kháng thuốc có thể xảy ra. Các đột biến kháng Lamivudine chính gồm một đột biến ở codon (acid amin) M240V/I trong kiểu (motif) YMDD (Tyrosine- Methionie-Aspartate-Aspartate) của enzyme reverse polymerase và +/- L180M (Tacke F, 2012 [10]). Các đột biến kháng Adefovir chính là ở các codon N236T +/- A181V. Các đột biến kháng Entecavir chính ở các codon L180M +M204V +/- T184G, +/- S202I, +/- M250V. Các đột biến kháng Telbivudine có liên quan đến đột biến M204I. Các đột biến kháng Emtricitabine thường đi kèm với các đột biến kháng Lamivudine như L180M, V173L và M204I. Đối với Tenofovir, một vài nghiên cứu cho rằng đột biến A194T khi kết hợp với các đột biến kháng Lamivudine như L180M và M204V có thể liên quan đến kháng Tenofovir ở bệnh nhân đồng nhiễm HBV-HIV, còn các đột biến N236T và A181T/V chỉ ức chế hoạt động của HBV in vitro, không thể hiện ức chế trên lâm sàng.

Theo Luật NN và cs, 2014 [7], ở khu vực Miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HBV có các đột biến kháng thuốc là 41,41%. Trong số đột biến kháng thuốc của HBV được phát hiện, có 5 loại đột biến đơn là M204I (1,52%), A181T (0,5%), S85I/F/A (3,5%), L80I (0,5%)  và V207M/L (31,31%) có khả năng kháng với các thuốc chống HBV như Lamivudine, Adefovir, Entecavir, Telbivudine và Emtricitabine, trong số đó chỉ có 0,5% số bệnh nhân có đa đột biến; chưa phát hiện được đột biến nào có liên quan đến kháng Tenofovir.

Mục đích chủ yếu của việc điều trị chống virus HBV là làm ức chế DNA virus huyết tương đến mức thấp nhất có thể, từ đó làm giảm nguy cơ tái phát, giảm nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Chiến lược điều trị theo Tổ chức Y tế Thế giới 2015 [11] là:

- Khi nào chưa điều trị nhưng tiếp tục theo dõi?

+ Chưa có bằng chứng xơ gan APRI score ≤ 2 hay FibroScan

+ Mức độ HBV DNA  ≤ 105 copies/ mL ở bệnh nhân có HBeAg (+) tính hoặc ≤  104 copies/ mL, ở bệnh nhân có HBeAg (-) tính.

+ ALT bình thường.

+ Tuổi ≤ 30.

Tiếp tục theo dõi tất cả những người bị viêm gan B mạn về HBV DNA và ALT 6 – 12 tháng một lần.

- Khi nào bắt đầu điều trị?

+ Tất cả người lớn, thanh nhiên trẻ em bị viêm gan B mạn có bằng chứng lâm sàng của xơ gan còn bù hoặc mất bù (hoặc APRI score >2 hay FibroScan > F4 ở người lớn) sẽ được điều trị, bất kể mức độ ALT, trạng thái HBeAg hoặc mức độ HBV DNA thế nào.

+ Điều trị cũng được bắt đầu ở những người lớn bị viêm gan B mạn không có bằng chứng của xơ gan (hoặc APRI score ≤ 2 hay FibroScan < F4) nhưng tuổi > 30, có mức độ HBV DNA  ≥ 105 copies/ mL ở bệnh nhân có HBeAg (+) tính hoặc ≥ 104 copies/ mL ở bệnh nhân có HBeAg (-) tính và có ALT tăng > 2 lần giới hạn trên; nếu tăng ≤ 2 lần giới hạn trên thì theo dõi 3 tháng một lần, nhưng nếu >30 tuổi thì cũng cần điều trị với ETV, TDF hoặc PegIFN-α.

+ Ở những bệnh nhân đồng nhiễm HBV/HIV, ART (antiretroviral therapy) sẽ được bắt đầu điều trị nếu có bằng chứng của bệnh gan mạn nặng, bất kể số lượng nào của CD4 và ở tất cả các bệnh nhân có số lượng CD4 ≤ 500 tế bào/ mm3bất kể giai đoạn nào của bệnh gan.

- Khi nào dừng điều trị?

+ Sau khi HBV DNA giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện, cần tiếp tục điều trị từ 6 tháng đến 1 năm để giảm nguy cơ tái phát.

+ Ba tháng cần xét nghiệm lại một lần, nếu cả 3 lần HBV DNA (-) tính, ALT bình thường, HBeAg (-) tính và qHBsAg <100 IU/mL đối với genotype B và <50 IU/mL đối với genotype C, tốt nhất là qHBsAg (-) tính, thì có thể tạm dừng thuốc.

+ Tiếp tục theo dõi HBV DNA 6 tháng một lần.

Khoảng 50% những người mang HBV có khả năng bị tái phát. Những bệnh nhân nam có ALT > 200 U/L có khả năng tái phát gấp 3 lần so với bệnh nhân có ALT thấp hơn. Mặc dù sự tái phát thường xảy ra một cách tự nhiên, những người đã từng điều trị HBV có nguy cơ xảy ra tái phát cao hơn (Mastroianni CM, 2011 [9]).

Việc điều trị bằng tiêm interferon hoặc peginterferon không gây kháng thuốc, có thể được xem xét ở các bệnh nhân có thu nhập cao và cần phải được theo dõi chặt chẽ vì các thuốc này có nhiều tác dụng tác dụng phụ.

6. Phòng ngừa viêm gan B

Kể từ năm 1982, vaccin chống viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới và trở nên có vai trò quyết định trong phòng chống viêm gan B.

WHO khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh và phải được tiêm nhắc lại ít nhất 2 lần, vào các tháng thứ ba và thứ sáu sau mũi tiêm đầu tiên (Aspinall EJ, 2011 [2]).

Việc tiêm nhắc lại vaccin có khả năng tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ ở hơn 95% số trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Tác dụng bảo vệ của kháng thể chống HBV do tiêm vaccin có khả năng kéo dài ít nhất là 20 năm và có thể là suốt đời.

Những người thuộc nhóm nguy cơ cao có thể bị lây nhiễm cũng nên được tiêm chủng, gồm:

- Những người cho máu, chạy thận nhân tạo, những người cho hoặc nhận ghép tạng

- Các tù nhân

- Những người tiêm chích ma túy

- Những người trong gia đình có người bị nhiễm HBV mạn

- Những người có nhiều bạn tình

- Những nhân viên y tế tiếp xúc với máu và các sản phẩm máu trong công việc

- Những khách du lịch khi đến vùng có lưu hành niễm HBV cao

WHO cũng lấy Ngày Viêm gan Thế giới là ngày 28 tháng 7 hàng năm để nâng cao nhận thức và hiểu biết về các bệnh viêm gan do virus.

Viêm gan B, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tiêm vacine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Kết luận

1. HBV là virus có bộ gen là một chuỗi kép DNA không hoàn toàn, gồm một chuỗi dài 3.200 base (chuỗi âm) và một chuỗi ngắn 2.800 base (chuỗi dương), trong tế bào gan HBV tồn tại dưới dạng cccDNA và có khả năng tích hợp vào bộ gen của tế bào gan người.

2. Viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) gây ra, hiện trên thế giới có khoảng 240 triệu người bị nhiễm HBV mạn và 780.000 ca tử vong mỗi năm do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

3. HBV lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể khác của người bệnh.

4. Chẩn đoán nhiễm HBV cấp dựa vào HBsAg và HBcAb IgM (+) tính; chẩn đoán HBV mạn dựa vào HBsAg (+) tính trên 6 tháng. Các xét nghiệm để đánh giá các giai đoạn của nhiễm HBV mạn tính gồm ALT, số lượng virus HBV DNA, HBeAg, HbeAb, HBsAg định lượng. Các xét nghiệm đánh giá nguy cơ xơ gan và HCC gồm các đột biến trên vùng BCP/PC của gen C và sự kháng thuốc gồm các đột biến trên gen P.

5. Hiện cccDNA vẫn còn là một thách thức đối với điều trị HBV, tuy nhiên, vẫn có thể điều trị ức chế HBV, làm giảm và chậm các biến chứng của HBV như suy gan, xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.

6. Hiện nay viêm gan B có thể được ngăn ngừa bằng vaccin một cách an toàn và hiệu quả.                       

Tài liệu tham khảo

1. Alberti A, Caporaso N. HBV therapy: guidelines and open issues. Digestive and Liver Disease : Official Journal of the Italian Society of Gastroenterology and the Italian Association for the Study of the Liver 2011 Jan; 43 (Suppl 1): S57–63.

2. Aspinall EJ, Hawkins G, Fraser A, Hutchinson SJ, Goldberg D. Hepatitis B prevention, diagnosis, treatment and care: a review. Occupational Medicine 2011 Dec; 61 (8): 531-540.

3. Bruss V. Hepatitis B virus morphogenesis. World J Gastroenterol 2007 Jan; 13 (1): 65-73.

4. Karayiannis P, Thomas HC. Mahy BWJ, van Regenmortel MHV, eds. Desk Encyclopedia of Human and Medical Virology. Boston: Academic Press 2009: 110.

5. Lok AS, McMahon BJ. Chronic hepatitis B. Hepatology 2007 Feb; 45(2): 507–539.

6. Luật NN, Quyền NH, Tản ĐV, Hồng VM, Hương NTT, Lan VN và Vân PH. Các đột biến vùng BCP/PC của HBV liên quan với xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan được phát hiện ở bệnh nhân viêm gan B mạn ở Miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Gan-Mật Việt Nam 2013; Số 25: 13-19.

7. Luật NN, Quyền NH, Tản ĐV, Hồng VM, Hương NTT, Lan VN và Vân PH. Phát hiện các đột biến kháng thuốc của virus viêm gan B từ các bệnh nhân bị viêm gan B mạn ở miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Y học Việt Nam 2014 Tháng 8; 421 (Số đặc biệt): 158-163).

8. Luật NN, Quyền NH, Tản ĐV, Hồng VM, Hương NTT, Lan VN. Sự kết hợp mức độ qHBsAg và HBV DNA để xác định “người mang HBV không hoạt động thật” trong số những bệnh nhân nhiễm HBV mạn được xem là “người mang HBV không hoạt động”. Y học Việt Nam, Tháng 8, 2015; 433: 77-83.

9. Mastroianni CM, Lichtner M, Citton R, Del Borgo C, Rago A, Martini H, Cimino G, Vullo V. Current trends in management of hepatitis B virus reactivation in the biologic therapy era. World Journal of Gastroenterology: WJG 2011 Sep; 17(34): 3881-3887.

10. Tacke F, Shirvani-Dastgerdi E. Impact of drug-resistance polymerase mutations on the replication of HBeAg-positive and HBeAg-negative hepatitis B virus strains in vitro. Hepat Mon 2012; 12(6): 357-360.

11. WHO. Guidelines for the prevention, care and treatment of persons with chronic hepatitis B infection. March 2015: 1-166.

12. Yin J, Xie J, Liu S, Zhang H, Han L, et al. Association between the various mutations in viral core promoter region to different stages of hepatitis B, ranging of asymptomatic carrier state to hepatocellular carcinoma. Am J Gastroenterol 2011 Jan; 106(1): 81- 92

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.