Tin tức

Vitamin PP là gì? Tác dụng của vitamin PP đối với cơ thể

Ngày 23/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vitamin PP chính là một dạng của vitamin B3, thường được ứng dụng trong điều trị bệnh lý viêm da, phòng ngừa nguy cơ hình thành khối u và tốt cho người bị bệnh về thận. Để hiểu rõ hơn về loại vitamin này, bạn hãy cùng MEDLATEC theo dõi bài viết sau đây.

1. Thông tin cơ bản về vitamin PP

Vitamin PP hay nicotinamide là 1 dạng của vitamin B3 - thuộc nhóm 8 loại vitamin B quan trọng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Vitamin B3 có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cung cấp cho hoạt động sống của các cơ quan và tế bào, tham gia vào những phản ứng hóa học quan trọng. Vì B3 rất dễ tan trong nước nên không dự trữ được trong cơ thể, vì vậy bạn cần nạp vitamin B3 thường xuyên hàng ngày.

Trước đây người ta dùng từ vitamin PP để gọi vitamin B3, trong đó PP là viết tắt của cụm từ pellagra-prevention (phòng ngừa căn bệnh Pellagra). Nguyên nhân dẫn đến bệnh Pellagra là do sự thiếu hụt tryptophan và vitamin B3 với 4 dấu hiệu đặc trưng đó là viêm da - tiêu chảy- sa sút trí tuệ và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh này rất hiếm khi xảy ra tại các quốc gia phát triển như châu Âu và Bắc Mỹ nhưng lại khá phổ biến ở các nước đang phát triển. 

Vitamin PP hay nicotinamide là 1 dạng của vitamin B3

Vitamin PP hay nicotinamide là 1 dạng của vitamin B3

Vitamin B3 thường tồn tại dưới dạng vitamin PP có trong thịt động vật và gia cầm, và một dạng khác của vitamin B3 là axit nicotinic được tìm thấy trong thực vật như các loại rau xanh, hạt và quả hạch. Một số sản phẩm ngũ cốc cũng là nguồn cung cấp vitamin PP dồi dào. 

Cả axit nicotinic và vitamin PP đều có tác dụng điều trị bệnh Pellagra nhưng vitamin PP được dùng nhiều hơn do ít có tác dụng phụ hơn so với axit nicotinic.

2. Vitamin PP có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe con người?

Vitamin PP được coi là một giải pháp hữu hiệu để điều trị các vấn đề bệnh lý sau:

  • Cải thiện bệnh về da: vitamin PP giúp duy trì làn da khỏe mạnh, có mặt trong rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da. Nó có thể được bào chế theo dạng uống hoặc bôi tại chỗ giúp chống viêm da, điều trị bệnh rosacea (mẩn đỏ da mặt), trị mụn trứng cá,...;

  • Ngăn ngừa sự hình thành và lan rộng của khối u ác tính: DNA có trong tế bào sẽ bị hủy hoại nhanh chóng nếu bạn tiếp xúc lâu dài với tia UV hoặc bức xạ phát ra từ các thiết bị điện tử. Điều này làm gia tăng nguy cơ hình thành các khối u ác tính. Nhờ công năng bảo vệ các tế bào trước những thương tổn, vitamin PP hứa hẹn là một dưỡng chất giúp giảm thiểu rủi ro xuất hiện các khối u trong cơ thể, đặc biệt là bệnh ung thư da;

  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường tuýp 1: tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi cơ thể tự hủy hoại các tế bào beta có chức năng sản xuất insulin trong tuyến tụy. Vitamin PP là một giải pháp tiềm năng có thể bảo tồn cấu trúc và hoạt động của các tế bào beta, từ đó hạn chế sự phát triển của bệnh đái tháo đường type 1;

  • Hiệu quả trong điều trị bệnh thận mạn tính: căn bệnh này làm suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, tác động tới khả năng lọc máu, làm sạch và điều chỉnh huyết áp, qua đó khiến cho các chất độc (trong đó có photphat) dần dần tích tụ lại trong máu và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh. Các chuyên gia y tế cho rằng vitamin PP có thể cản trở sự hấp thụ photphat ở thận nên rất có ích cho những bệnh nhân gặp vấn đề về thận.

3. Chỉ định về liều dùng vitamin PP 

Bạn có thể bổ sung vitamin PP trong khẩu phần ăn và các chế phẩm khác theo liều dùng như sau:

  • Trẻ em: từ 5 - 10mg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần/ngày;

  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người thiếu dinh dưỡng: dùng 1 - 2 lần với liều 17 - 20mg/ngày;

  • Người lớn: dùng từ 1 - 2 lần với liều 13 - 19mg/ngày.

Nếu không thể dùng vitamin PP theo đường uống thì có thể sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp theo liều 25mg, từ 2 lần trở lên mỗi ngày. Lưu ý về tốc độ tiêm thuốc theo đường tĩnh mạch không được vượt quá 2mg/phút.

Đối với những bệnh nhân đang phải điều trị bệnh Pellagra:

  • Trẻ em: dùng liều thông thường từ 100 -  300mg/ngày, phân thành 3 - 10 lần sử dụng;

  • Người lớn: thông thường phải bổ sung 300 - 500mg/ngày, cao nhất là 1500mg/ngày cũng chia thành 3 - 10 lần sử dụng.

Bạn có thể bổ sung vitamin PP từ món ăn hoặc thực phẩm chức năng

Bạn có thể bổ sung vitamin PP từ món ăn hoặc thực phẩm chức năng

Đối với những trường hợp đang phải điều trị mụn trứng cá: hãy bôi thuốc mỡ chứa vitamin PP lên vùng da bị mụn khoảng 2 lần/ngày sau khi đã rửa sạch bụi bẩn. Hiệu quả điều trị cần được đánh giá sau 8 - 12 tuần áp dụng.

4.  Lưu ý về các tác dụng phụ của vitamin PP 

Nếu chỉ bổ sung vitamin PP ở liều thấp thì không có ảnh hưởng gì đáng kể, bởi vì lượng chất dư thừa mà cơ thể không hấp thụ sẽ được thải bớt qua nước tiểu. Nhưng nếu dùng vitamin B3 với hàm lượng cao hơn giới hạn cho phép (trên 35mg/ngày ở người không mắc bệnh Pellagra) sẽ dẫn đến những tác dụng không mong muốn như:

  • Phản ứng phụ bắt nguồn từ axit nicotinic:

  • Ngứa ngáy, cảm thấy bỏng rát, đau nhói hoặc buốt trên da;

  • Đỏ bừng phần da ở mặt và ở cổ

  • Phản ứng phụ do dư thừa vitamin PP:

  • Buồn nôn, tiêu chảy;

  • Đau bụng khi đói, loét dạ dày;

  • Đau đầu;

  • Tăng nguy cơ kháng insulin dẫn tới tiểu đường type 2 (nhưng cần được nghiên cứu thêm).

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào nêu trên trong quá trình sử dụng vitamin B3, hãy thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được xử trí đúng cách, kịp thời.

5. Bạn có thể tìm thấy vitamin PP trong thực phẩm nào? 

Dưới đây là các nhóm sản phẩm chứa vitamin PP bạn có thể tham khảo để bổ sung trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày:

  • Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật: lạc, quả bơ, nấm, lúa mì, gạo lứt, khoai tây, đậu Hà Lan, ngũ cốc,...;

  • Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật: thịt heo, thịt gà, cá cơm, cá hồi,...

  • Viên uống bổ sung vitamin PP: dùng trong trường hợp chế độ ăn hàng ngày không đảm bảo cung cấp đủ vitamin PP. Bên cạnh loại viên uống cung cấp vitamin PP đơn lẻ, cũng có loại vitamin tổng hợp tập hợp nhiều loại vitamin khác nhau.

Vitamin PP tồn tại trong rất nhiều loại thực phẩm quanh ta

Vitamin PP tồn tại trong rất nhiều loại thực phẩm quanh ta

Ngoài những sản phẩm nêu trên, vitamin PP cũng được tổng hợp ở ruột bởi các vi khuẩn có lợi. Vì vậy nếu lạm dụng những loại thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi này, từ đó dẫn tới hiện tượng rối loạn khuẩn ruột làm giảm hấp thu vitamin PP.

Mong rằng thông qua những chia sẻ trên đây, bạn đã biết vitamin PP là gì, có công dụng ra sao và nên bổ sung như thế nào thì hợp lý. Dù không phủ nhận những lợi ích mà vitamin PP mang lại nhưng để sử dụng đúng cách loại vitamin này, bạn cần có sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.