Tin tức
Xét nghiệm điện giải đồ và ý nghĩa các chỉ số
- 25/10/2021 | Rối loạn điện giải nguyên nhân do đâu và cách điều trị
- 20/05/2020 | Vai trò của các chất điện giải trong cơ thể
- 07/11/2021 | Liệt kê các đồ uống chứa nhiều chất điện giải tốt cho sức khỏe
1. Mục đích của xét nghiệm điện giải đồ
Các chất điện giải tồn tại trong cơ thể dưới dạng dịch và các khoáng chất chứa điện tích (là các muối không tan), trong đó điển hình là các ion Kali, Natri, Clo. Vai trò chính của các chất điện giải đó chính là hỗ trợ điều hòa chức năng của hệ thần kinh và tim mạch, cân bằng nội mô, chất lỏng, cân bằng tỷ lệ axit - bazo, phân phối oxy kèm theo các chức năng quan trọng khác.
Cơ thể bị mất cân bằng điện giải khi các chất điện giải có sự thay đổi bất thường về nồng độ. Nguyên nhân có thể là do ăn hoặc uống quá nhiều/quá ít các chất điện phân làm biến đổi nồng độ các chất này. Việc kiểm tra, xác định hàm lượng ion điện giải giúp tìm ra phương án điều trị đối với những trường hợp bị rối loạn điện giải.
Xét nghiệm điện giải đồ giúp chẩn đoán các bệnh lý về gan, thận, suy tim hay tăng huyết áp
Xét nghiệm điện giải sẽ bao gồm các loại xét nghiệm giúp xác định nồng độ các ion điện giải quan trọng nhất như Kali, Clo, Natri,... Được đặc biệt chỉ định khi bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như buồn nôn, cơ thể yếu, phù nề, rối loạn nhịp tim,... Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ sẽ biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, đồng thời giúp theo dõi các bệnh lý như suy tim, tăng huyết áp, bệnh về gan hoặc thận, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả nhất.
2. Giải mã thông điệp của các chỉ số điện giải đồ
2.1. Rối loạn Natri máu
Khi ở mức bình thường, Natri máu được xác định trong khoảng 135 - 145 mmol/l. Cùng với Bicarbonat, Clo thì Natri là ion điện tích dương được tìm thấy rất nhiều ở dịch ngoại bào, có nhiệm vụ cân bằng nước và đảm bảo độ ổn định cho áp suất thẩm thấu của dịch ngoại bào.
Quá trình chuyển hóa Natri chịu tác động của các yếu tố như:
-
Thể tích dịch ngoại bào;
-
Thể tích tuần hoàn máu;
-
Hormone vùng dưới đồi, chống bài niệu ADH;
-
Hormone steroid vỏ thượng thận aldosterone.
Tăng Natri máu:
Tình trạng này bắt nguồn từ các nguyên nhân phổ biến sau:
-
Mắc phải hội chứng Conn (hay cường Aldosteron nguyên phát);
-
Hội chứng Cushing (hay cường năng vỏ thượng thận) và tác dụng phụ khi điều trị bằng corticoid;
-
Mất nước, đái tháo nhạt;
Tăng natri máu sẽ làm tăng huyết áp, phù, tích nước, mất nước trong tế bào. Khi bị tăng Natri máu, bệnh nhân thường xuất hiện các dấu hiệu như sút cân, khát nước, nhịp tim nhanh, da niêm mạc khô, thiểu niệu, có thể kèm theo những triệu chứng khác như hôn mê, sốt, mê sảng, thở sâu và nhanh,...
Xét nghiệm điện giải giúp xác định nồng độ các ion điện giải quan trọng nhất như Kali, Clo, Natri,...
Giảm Natri máu:
Hiện tượng này thường xuất phát từ các nguyên nhân đó là:
-
Vấn đề tại thận: bệnh Addison (thiểu năng vỏ thượng thận), suy thận mạn, ống thận bị tổn thương nặng,...;
-
Mất muối qua đường nước tiểu (đái tháo nhạt), tiêu hóa (nôn, tiêu chảy), bỏng, đổ nhiều mồ hôi, say nắng,...
Hậu quả khi bị giảm Natri máu là dẫn đến nhược trương dịch gian bào. Khi đó nước sẽ chảy vào tế bào gây suy giảm khối lượng máu, hạ huyết áp, dẫn tới biến chứng thiểu niệu, suy thận, trụy tim mạch, thậm chí là phù não,...
Bệnh nhân bị hạ Natri máu sẽ có các biểu hiện đặc trưng là hay cảm thấy buồn nôn, chán ăn, sợ nước, khô niêm mạc, hoa mắt, ngất xỉu, phù, thiểu niệu, giảm huyết áp tư thế, tim đập nhanh, có khi là bị co giật, sốc và hôn mê,...
2.2. Rối loạn Kali máu
Ngưỡng bình thường của nồng độ Kali trong máu là từ 3,5 - 5c. Kali cũng là một ion điện tích dương chính trong tế bào, phối hợp cùng các ion khác giúp duy trì áp suất thẩm thấu của nội bào. Kali tham gia vào quá trình dẫn truyền xung thần kinh, phản ứng co cơ, chức năng màng tế bào và hoạt động của enzyme,...
Khi các ion Kali, Magie và Canxi trong dịch ngoại bào thay đổi phần lớn xuất phát từ dẫn truyền thần kinh, nhịp tim cũng như sự hưng phấn của cơ tim. Sự tăng hay giảm của Kali trong dịch ngoại bào đều sẽ khiến tốc độ dẫn truyền và tính hưng phấn của cơ tim bị chậm lại.
Ngoài ra nếu Kali tăng giảm bất thường còn tác động đến điện thế màng cơ tim. Điều này thường được phát hiện qua phương pháp đo điện tâm đồ. Kali có nồng độ cao hay thấp thì đều làm tổn thương hoạt động co của cơ trơn lẫn cơ vân, dẫn tới hiện tượng liệt mềm.
Tăng Kali máu:
Nguyên nhân của tình trạng này thường là do:
-
Suy thận nặng cấp tính hoặc mạn tính, suy thượng thận;
-
Nhiễm toan chuyển hóa;
-
Là hệ quả của bỏng nặng, chấn thương nặng, tiêu cơ vân, sốc phản vệ,...;
-
Tan máu xảy ra trong hoặc ngoài cơ thể.
Khi tăng Kali máu diễn ra sẽ khiến bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như chướng bụng, mệt mỏi, tiêu chảy, liệt mềm, chức năng tim bị ảnh hưởng (tim đập chậm, thậm chí là ngưng tim,...) cùng các triệu chứng tổn thương khác.
Giảm Kali máu:
Hạ Kali máu là do những nguyên nhân sau:
-
Bệnh nhân nghiện rượu, nhịn đói lâu, hoặc truyền dịch kéo dài nhưng trong dịch không có Kali;
-
Mất nước nhiều: gặp vấn đề tại đường tiêu hóa do tiêu chảy, nôn mửa, bỏng, mắc bệnh về thận (điển hình là bệnh thận kẽ);
-
Dùng thuốc lợi tiểu hoặc corticoid trong thời gian dài.
Biểu hiện bệnh nhân có thể gặp phải khi bị hạ Kali máu bao gồm: yếu cơ, liệt mềm, mệt mỏi, giảm phản xạ, tiểu đêm nhiều lần, giảm nhu động ruột,...
2.3. Rối loạn Clo máu
Mức Clo trong giới hạn bình thường là 90 - 110 mmol/l. Clo là một ion điện tích âm trong dịch ngoại bào cùng các ion khác có nhiệm vụ duy trì và cân bằng áp suất thẩm thấu nội bào. Dựa trên sự đối trọng với các ion điện tích dương khác như Natri để duy trì sự trung hòa điện tích nên nếu nồng độ Clo thay đổi thì cũng sẽ ảnh hưởng đến nồng độ Natri.
Tăng Clo máu:
Nguyên nhân gây tăng Clo máu là do:
-
Đái tháo nhạt;
-
Mất nước nhiều;
-
Vấn đề tại thận: suy thận cấp, ưu năng vỏ thượng thận;
-
Đái tháo đường gây tăng áp lực thẩm thấu.
Nếu tình trạng tăng Clo máu xảy ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới các biểu hiện như rối loạn nhịp tim, sưng, phù nề, yếu cơ, khó tập trung, tâm trạng thay đổi, tăng huyết áp, da bị tê hoặc ngứa, trí nhớ kém,... Nặng hơn là đột quỵ, suy tim nếu không điều trị đúng cách và kịp thời tăng Clo máu.
Xét nghiệm điện giải đồ tại MEDLATEC được vận hành trên hệ thống máy móc hiện đại
Giảm Clo máu:
Nếu xét nghiệm điện giải đồ cho kết quả giảm Clo máu thì có thể xét đến các nguyên nhân sau:
-
Người bệnh bị mất muối hoặc khẩu vị ăn uống hàng ngày quá nhạt;
-
Gặp phải tình trạng nhiễm trùng cấp;
-
Thiểu năng vỏ thượng thận.
Giảm Clo máu cũng được nhận biết qua các triệu chứng lâm sàng như:
-
Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, đau yếu cơ và luôn cảm thấy uể oải;
-
Huyết áp giảm;
-
Nôn mửa, tiêu chảy diễn ra thường xuyên vì bị mất nước;
-
Thở gấp, khó thở;
-
Tim đập nhanh.
Như vậy xét nghiệm điện giải đồ sẽ cho chúng ta biết được nồng độ các ion điện tích trong máu, dựa trên kết quả xét nghiệm sẽ tìm hiểu được nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị phù hợp, kịp thời.
Trong trường hợp bạn đang băn khoăn trong việc lựa chọn địa chỉ cung cấp dịch vụ xét nghiệm điện giải đồ uy tín, hãy liên hệ đặt lịch xét nghiệm ngay qua hotline 1900 56 56 56, tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tư vấn chi tiết hơn cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!