Tin tức
Xơ phổi: Những thông tin người bệnh cần biết
- 14/10/2024 | Xơ phổi có phải ung thư không, biện pháp sàng lọc và phòng ngừa
- 15/10/2024 | Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không, thời gian sống được bao lâu?
- 21/10/2024 | Bệnh xơ phổi nhẹ: những thông tin người bệnh cần biết
1. Nguyên nhân hình thành xơ phổi
Khi mô phổi bị tổn thương sẽ dần hình thành sẹo. Chính những sẹo này khiến cho phổi không thể thực hiện chức năng như bình thường nên người bệnh dễ gặp phải những tình trạng bệnh lý nguy hiểm.
1.1. Tiếp xúc với chất độc hại
Xơ phổi là kết quả của sự tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại trong môi trường sống và làm việc như:
- Khói bụi công nghiệp ở hầm mỏ, công trường xây dựng, nhà máy hóa chất,...
- Hóa chất độc hại như amoniac, silica, asbestos,...
- Hít phải khói thuốc trong khoảng thời gian dài.
Hít phải bụi amiăng trong thời gian dài rất dễ bị xơ phổi
1.2. Bệnh tự miễn
Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ và xơ cứng bì có thể tấn công mô phổi, gây viêm và xơ hóa phổi. Những bệnh lý này khiến cho hệ miễn dịch hoạt động sai cách nên quay ra tấn công các mô của cơ thể trong đó có phổi.
1.3. Yếu tố di truyền
Xơ phổi cũng có thể xuất phát từ yếu tố di truyền nhưng tỷ lệ không cao. Những đột biến gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển xơ phổi ngay cả khi không có các yếu tố môi trường đi kèm.
1.4. Thuốc điều trị
Một số loại thuốc được dùng trong quá trình điều trị bệnh tim mạch, bệnh ung thư, thuốc kháng sinh,... có thể dẫn đến tác dụng phụ làm tổn thương phổi. Nếu những thuốc này được dùng lâu dài dễ gây nên xơ phổi.
1.5. Nhiễm trùng phổi
Nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, virus, nấm cũng có thể gây tổn thương mô phổi và để lại sẹo, dẫn đến xơ phổi.
Những nguyên nhân trên đây có thể kết hợp với nhau làm tăng nguy cơ phát triển xơ phổi và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
2. Triệu chứng của bệnh xơ phổi
2.1. Khó thở và đau ngực
Khó thở thường là triệu chứng đầu tiên gặp phải ở bệnh nhân xơ phổi. Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy khó thở khi gắng sức, nhưng dần dần, tình trạng này sẽ xảy ra cả khi người bệnh nghỉ ngơi. Sự giảm sút khả năng trao đổi oxy của phổi ngày càng mạnh sẽ khiến cho người bệnh khó đảm bảo thực hiện được các hoạt động thường ngày.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị đau ngực nhưng triệu chứng này thường không rõ rệt.
Khó thở và đau tức ngực thường xuất hiện đầu tiên ở bệnh nhân xơ phổi
2.2. Ho khan trong thời gian dài
Người bị xơ phổi cũng thường ho khan một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân. Cơn ho ở bệnh lý này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thường không thuyên giảm dù người bệnh đã dùng thuốc.
2.3. Cơ thể suy nhược và mệt mỏi
Bệnh nhân xơ phổi thường cảm thấy mệt mỏi, suy nhược do cơ thể thiếu oxy. Sự suy giảm chức năng phổi khiến cơ thể ngày càng bị thiếu hụt năng lượng và mệt mỏi kéo dài.
2.4. Giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân
Khi bị khó thở và mệt mỏi trong thời gian dài, người bệnh thường dễ chán ăn, ăn kém nên giảm cân mà không rõ nguyên nhân. Theo thời gian, người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng và suy giảm sức khỏe.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh xơ phổi
3.1. Chẩn đoán
Để đánh giá triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Sau quá trình này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện những phương pháp chẩn đoán khác nhau giúp xác định chính xác tình trạng và mức độ tổn thương của phổi:
- Chụp X-quang ngực: Phát hiện các vùng phổi bị xơ hóa và đánh giá mức độ tổn thương.
- Chụp CT-Scanner ngực: Quan sát, tìm kiếm bất thường cấu trúc phổi để xác định sẹo hoặc bất thường khác.
- Đo chức năng hô hấp: Đánh giá khả năng thông khí và trao đổi oxy, mức độ xơ hóa.
- Sinh thiết phổi: Xác định chính xác loại xơ hóa.
- Xét nghiệm máu: Xác định viêm và khó thở do nguyên nhân khác.
Bệnh nhân chụp X-quang sàng lọc xơ phổi tại MEDLATEC
3.2. Điều trị
Mục đích của điều trị xơ phổi nhằm tập trung kiểm soát triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các phương pháp điều trị thường được thực hiện như:
- Thuốc kháng viêm: Thường sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid để giảm viêm và ngăn tiến triển tổn thương phổi.
- Thuốc chống xơ hóa: Pirfenidone, nintedanib,... có thể làm chậm xơ hóa để cải thiện chức năng phổi.
- Liệu pháp oxy: Mục đích để ổn định oxy trong máu, đặc biệt cần thiết với bệnh nhân bị khó thở nghiêm trọng.
- Phục hồi chức năng hô hấp: Các bài tập thở, tập thể dục và hỗ trợ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe phổi.
- Ghép phổi: Áp dụng với trường hợp xơ phổi nặng, đã không hiệu quả với các phương pháp điều trị khác không. Đây là giải pháp duy nhất để tăng tuổi thọ cho người bệnh.
4. Lưu ý để sống chung an toàn cùng bệnh xơ phổi
Để kiểm soát tốt sự tiến triển triệu chứng xơ phổi, tăng thời gian sống cho bệnh nhân, cần:
- Thực hiện nghiêm túc đơn thuốc và các chỉ dẫn từ bác sĩ.
- Tập thể dục nhẹ nhàng với các bài tập hít thở sâu, đi bộ,... để cải thiện khả năng hô hấp.
- Cố gắng giảm căng thẳng để cảm giác khó thở không trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh có thể tìm đến các phương pháp hỗ trợ như thiền, yoga hoặc thực hiện các hoạt động giải trí theo sở thích để giảm bớt căng thẳng.
Xơ phổi không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe mà còn rút ngắn thời gian sống của bệnh nhân, Việc chẩn đoán sớm và thực hiện phác đồ trị bệnh phù hợp là giải pháp hạn chế những tác động này. Đặc biệt, người bệnh không nên bỏ qua thăm khám định kỳ để có biện pháp kiểm soát tốt nhất các nguy cơ biến chứng.
Quý khách hàng nếu còn thắc mắc nào khác liên quan đến bệnh xơ phổi hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Hô hấp - Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn chi tiết.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!