Tin tức

Yếu tố nguy cơ và triệu chứng nhận diện bệnh Parkinson

Ngày 11/12/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Parkinson là một bệnh gây nên bởi sự rối loạn của hệ thần kinh tiến triển có ảnh hưởng đến sự chuyển động. Bệnh thường khởi phát bằng hiện tượng run ở một bên tay nhưng nó không đáng chú ý nên dễ bị cho qua. Tuy nhiên, theo thời gian bệnh sẽ ngày càng trở nặng, cản trở vận động và ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Yếu tố nào được xem là nguy cơ cao đối với bệnh Parkinson?

Những yếu tố sau được xem có nguy cơ cao đối với bệnh lý này:

- Tuổi tác

Bệnh Parkinson ít khi xảy ra ở người trẻ tuổi. Tuổi càng cao càng có nguy cơ với bệnh Parkinson. Bệnh thường bắt đầu vào khoảng giữa và cuối cuộc đời, phổ biến nhất ở độ tuổi trên 60, nhất là nam giới. 

Tuổi tác (nhất là độ tuổi sau 60) là yếu tố có nguy cơ cao đối với bệnh Parkinson

Tuổi tác (nhất là độ tuổi sau 60) là yếu tố có nguy cơ cao đối với bệnh Parkinson

- Di truyền

Người sinh ra trong gia đình có người thân bị bệnh Parkinson sẽ có nguy cơ cao với bệnh lý này.

- Giới tính

Parkinson dễ phát triển ở nam giới hơn là phụ nữ.

- Tiếp xúc với độc tố

Người thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

2. Triệu chứng nhận biết của bệnh Parkinson là gì?

Ở mỗi người bệnh, triệu chứng của bệnh Parkinson có sự khác nhau. Thường thì nó khởi phát ở một bên cơ thể sau đó mới dần chuyển sang hai bên. Điển hình gồm:

- Run

Run là một triệu chứng rất điển hình của bệnh Parkinson và người bệnh thường run khi nghỉ ngơi. Cơn run thường bắt đầu ở tay hoặc ngón tay, có sự di chuyển qua lại giữa ngón cái và ngón trỏ. Ở giai đoạn sớm của bệnh thì triệu chứng này chỉ diễn ra ở một bên của cơ thể và ít khi lặp lại nên dễ bị cho qua. 

Khi bệnh tiến triển nặng sẽ chuyển thành run ở hai bên, trên nhiều bộ phận như: lưỡi, hàm, môi, chân, ít khi ảnh hưởng đến đầu. Thường thì bên bị run đầu tiên sẽ có xu hướng ngày càng nặng hơn so với bên còn lại.

- Vận động chậm

Người bị Parkinson thường di chuyển chậm hơn so với bình thường hoặc không di chuyển. Hiện tượng này về lâu dài sẽ khiến họ thấy mệt mỏi, sức yếu. Do khả năng vận động chậm nên ngay cả khi thực hiện một nhiệm vụ đơn giản như buộc dây giày, cài cúc áo,... họ cũng cảm thấy khó khăn và tốn thời gian. 

Cũng vì khả năng vận động chậm nên bước đi của người bệnh thường ngắn, khó nhấc chân lên và có cảm giác bước không vững. Bên cạnh đó, khi thay đổi tư thế từ đứng xuống ngồi hoặc từ ngồi sang đứng họ cũng cảm thấy khó khăn.

Run tay được xem là triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson

Run tay được xem là triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson

- Cơ bắp cứng

Bất kỳ phần nào trên cơ thể người bệnh cũng có thể xảy ra tình trạng cứng cơ. Do các cơ bị cứng lại nên phạm vi chuyển động của họ bị giới hạn, càng cố vận động càng cảm thấy đau đớn.

- Mất thăng bằng, khiếm khuyết về tư thế

Bệnh nhân bị Parkinson có thể bị bẻ cong về tư thế hoặc khó giữ thăng bằng. Đối với người bình thường, khả năng thăng bằng khi đi đứng được tạo bởi phản xạ tự động trong não. Với người mắc bệnh lý này, họ giảm hoặc mất các phản xạ tự động trong não nên dễ bị mất thăng bằng. 

Triệu chứng này thường xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh. Do phản xạ tự động bị mất nên người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, có trường hợp phải ngồi xe lăn hoặc cần người hỗ trợ mới đi lại được.

- Chuyển động vô thức, tự động bị mất

Khả năng thực hiện các vận động vô thức như đung đưa cánh tay trong lúc đi bộ, mỉm cười, chớp mắt của người bị Parkinson có thể giảm hoặc mất đi hoàn toàn.

- Thay đổi trong cách nói, cách viết

Do gặp vấn đề về ngôn ngữ nên người bệnh thường nói chậm hoặc ngần ngại khi nói chuyện. Bên cạnh đó, chữ viết của họ cũng không đều, có thể nhỏ hơn so với bình thường hoặc chữ to chữ nhỏ.

Bệnh Parkinson càng được điều trị sớm thì khả năng kiểm soát bệnh càng cao

Bệnh Parkinson càng được điều trị sớm thì khả năng kiểm soát bệnh càng cao

- Trí tuệ sa sút và có vấn đề về nhận thức

Người bị Parkinson thường gặp vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ ở những mức độ khác nhau. Điển hình có thể kể đến như: khó đưa ra quyết định, suy nghĩ chậm chạp, khó ghi nhớ công việc hay sự kiện, khó nhận định về khoảng cách,...

- Ảo giác, hoang tưởng

Ảo giác hiểu đơn giản là hiện tượng nhìn thấy những điều vốn không có thật. Triệu chứng này rất dễ gặp ở bệnh Parkinson và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nó có thể đi kèm với hoang tưởng khiến người bệnh tự tưởng tượng ra những điều vốn không xảy ra trong thực tế.

- Rối loạn cảm xúc

Mất hứng thú, lo lắng, trầm cảm được xem là những rối loạn cảm xúc dễ thấy ở những người mắc bệnh Parkinson. Chính sự rối loạn này khiến cho chất lượng cuộc sống của họ ngày càng suy giảm và triệu chứng vận động kém tăng dần lên. Mặt khác, người bệnh dễ cảm thấy buồn bã, mất hứng thú, lo sợ thái quá, hoảng loạn không căn cứ, ít nói, mất biểu lộ cảm xúc,... 

- Rối loạn giấc ngủ

Dấu hiệu điển hình của tình trạng rối loạn này là người bệnh khó đi vào giấc ngủ, khi đã ngủ thì giấc ngủ thường chập chờn, khi đã tỉnh giấc thì rất khó ngủ trở lại, dễ gặp ác mộng trong khi ngủ,... Hoặc có trường hợp người bệnh đấm đá, la hét, làm đau chính mình hoặc người bên cạnh trong giấc ngủ.

- Mất khứu giác

Những người mắc bệnh Parkinson thường mất khứu giác nên họ khó phát hiện hoặc khó phân biệt mùi. Đây là triệu chứng dễ xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh nhưng lại ít người nhận ra.

- Đau

Người bệnh dễ cảm thấy bị đau như có gì đó châm chích vào một số vùng của cơ thể như khớp, mặt, bộ phận sinh dục, bụng,...

Diễn tiến của bệnh Parkinson không giống nhau ở tất cả bệnh nhân. Nếu được điều trị sớm và tích cực, số đông bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt. Bệnh diễn tiến chậm và có khả năng kiểm soát dễ trong một thời gian dài khi điều trị đúng cách. 

Vì thế khi nhận thấy có những triệu chứng như đã nói đến trên đây, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán đúng bệnh và có phác đồ điều trị kịp thời. Trị liệu bệnh càng sớm thì càng ngăn chặn được những hệ lụy xấu và giúp sức khỏe khôi phục theo chiều hướng tích cực.

Mọi sự hỗ trợ y tế đối với bệnh Parkinson khi cần thiết, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, tại đây, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn vững vàng của mình đảm bảo sẽ giúp bạn có được phương án chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.