Từ điển bệnh lý

Mụn ẩn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 05-03-2025

Tổng quan Mụn ẩn

Mụn ẩn là một dạng mụn không viêm, nằm ẩn dưới bề mặt da. Đây là một trong những loại mụn thường gặp, đặc biệt ở những người có làn da dầu hoặc da nhạy cảm. Mụn ẩn không gây đau nhức hay sưng đỏ, nhưng lại tạo cảm giác da sần sùi, kém mịn màng, và nếu không điều trị đúng cách, có thể tiến triển thành mụn viêm.

Mụn nằm sâu dưới da gây nên tình trạng sần sùi

Mụn nằm sâu dưới da gây nên tình trạng sần sùi



Nguyên nhân Mụn ẩn

Nguyên nhân nội sinh

- Rối loạn nội tiết tố: Hormone androgen: Tăng nồng độ androgen trong máu kích thích tuyến bã nhờn sản xuất dầu thừa tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển gây viêm và dẫn đến mụn. Vấn đề này thường gặp ở:

- Tuổi dậy thì: Tuyến bã nhờn phát triển mạnh do sự thay đổi hormone, lượng dầu tiết ra ở các bạn nam sẽ nhiều hơn các bạn nữ do lượng androgen ở nam giới cao hơn. 

- Chu kỳ kinh nguyệt: Thay đổi hormone vào giai đoạn hoàng thể (sau rụng trứng).

- Hội chứng buồng trứng đa nang: Gây tăng hormone nam làm tuyến bã nhờn sản xuất quá mức làm bít tắc lỗ chân lông gây nên tình trạng mụn.

- Tăng cortisol: Tình trạng căng thẳng mãn tính làm tăng cortisol, gián tiếp kích thích sản xuất bã nhờn và gây mất cân bằng nội tiết.

- Cấu trúc da: Người có làn da dầu hoặc da hỗn hợp dễ bị mụn ẩn hơn do tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.

- Sừng hóa ở nang lông: Tế bào sừng chết không bong ra, mà kết hợp với dầu nhờn, tạo thành nút sừng, làm bít tắc lỗ chân lông.

 Nguyên nhân ngoại sinh

- Do thói quen chăm sóc da không đúng cách như:

- Sử dụng sản phẩm không phù hợp: Các sản phẩm chứa dầu, silicone hoặc thành phần gây bít tắc làm gia tăng nguy cơ hình thành mụn.

- Tẩy trang hoặc rửa mặt không sạch: Lớp trang điểm, kem chống nắng, hoặc bụi bẩn tích tụ sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

 Ảnh hưởng của môi trường

- Bụi mịn và ô nhiễm không khí: Các hạt bụi nhỏ có thể bám sâu vào lỗ chân lông, kích thích sự hình thành nút sừng.

- Khí hậu nóng ẩm: Kích thích tăng tiết bã nhờn và làm bít tắc lỗ chân lông.

Chế độ ăn uống

- Thực phẩm nhiều đường: Tăng mức insulin trong máu, kích hoạt sản xuất IGF-1 làm tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.

- Sử dụng thực phẩm nhiều chất béo và gia vị cay nóng cũng là một trong các tác nhân gây mụn.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

- Không vệ sinh vật dụng tiếp xúc với da: Gối, chăn ga, điện thoại cũng có thể là nguồn lây nhiễm vi khuẩn.

- Thói quen chạm tay lên mặt: gây lây nhiễm vi khuẩn và bít tắc thêm lỗ chân lông.

- Thiếu ngủ: Làm tăng sản xuất cortisol gây mất cân bằng hormone và làm giảm khả năng phục hồi da.

Vai trò của vi sinh vật

- Dù mụn ẩn không viêm, nhưng Cutibacterium acnes vẫn đóng vai trò trong việc hình thành mụn. Vi khuẩn này:

- Phân giải lipid trong bã nhờn, tạo ra các axit béo tự do, làm giảm khả năng bảo vệ của lớp màng da.

- Kích thích phản ứng viêm, làm trầm trọng tình trạng sừng hóa nang lông.

Các yếu tố khác

- Thuốc: Một số loại thuốc như steroid, lithium có thể gây mụn ẩn.

Mỹ phẩm và kem chống nắng không phù hợp

- Sử dụng sản phẩm không phù hợp kèm theo tẩy trang không sạch cũng là nguyên nhân gây mụn ẩn.


Triệu chứng Mụn ẩn

- Trên da xuất hiện nhiều nốt nhỏ, cảm giác đau nhẹ và khó chịu tại nốt mụn.

- Sưng to, viêm đỏ tại nốt mụn (khi mụn tiến triển viêm hoặc có nhân trứng cá). 



Các biến chứng Mụn ẩn

- Mụn ẩn nếu không chữa trị có thể phát triển thành mụn viêm, mụn bọc và nhiễm trùng nặng hơn tại da và mô dưới da.



Đối tượng nguy cơ Mụn ẩn

- Mụn ẩn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh, người hay stress và thức khuya có nguy cơ cao bị mụn ẩn.



Phòng ngừa Mụn ẩn

- Chăm sóc da thường xuyên: Rửa mặt sạch sau khi vận động hoặc trang điểm, sử dụng kem dưỡng không gây bít tắc, và chống nắng đầy đủ.

- Kiểm soát chế độ ăn uống: Hạn chế thực phẩm nhiều đường, sữa, và chất béo xấu, uống đủ nước trong ngày.

- Duy trì liệu trình retinoid tại chỗ: Để kiểm soát quá trình sừng hóa và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông.

- Tránh chạm tay lên mặt và làm sạch các vật dụng tiếp xúc với da.

- Kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc để điều hòa nội tiết.

Rửa mặt sạch hỗ trợ ngăn ngừa mụn tái phát

Rửa mặt sạch hỗ trợ ngăn ngừa mụn tái phát



Các biện pháp chẩn đoán Mụn ẩn

Hỏi về thói quen sinh hoạt và tiền sử bệnh

- Thói quen sử dụng mỹ phẩm, tẩy trang không đúng cách.

- Chế độ ăn uống (thực phẩm giàu đường, sữa), stress, hoặc thay đổi nội tiết tố (tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt).

Tiền sử bệnh lý:

- Gia đình có người bị mụn.

- Các bệnh liên quan như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc rối loạn hormone.

Thăm khám lâm sàng

- Quan sát trực tiếp: Mụn ẩn xuất hiện dưới dạng các nốt nhỏ, không viêm, không có đầu mụn rõ rệt, màu trùng với màu da hoặc hơi trắng.

- Sờ vào cảm giác da không mịn màng, xuất hiện các vùng da sần sùi.

- Vị trí: Thường tập trung ở vùng da dầu như trán, cằm, hoặc quai hàm.

 Phân loại mụn ẩn dựa trên mức độ nặng nhẹ

Mụn ẩn mức độ nhẹ

- Mụn nằm rải rác, tập trung ở một hoặc hai vùng da (ví dụ: trán hoặc cằm).

- Không có dấu hiệu viêm, không đỏ hoặc đau.

Mụn ẩn mức độ trung bình

- Số lượng mụn nhiều hơn, lan rộng ra nhiều vùng trên mặt (trán, cằm, má).

- Có thể kèm theo dầu thừa nhiều và cảm giác sần sùi rõ rệt.

Mụn ẩn mức độ nặng

- Số lượng mụn dày đặc, lan rộng toàn mặt hoặc cả cổ.

- Dễ chuyển biến thành mụn viêm nếu không được xử lý đúng cách.

- Thường gặp ở người có các yếu tố nội tiết như buồng trứng đa nang hoặc rối loạn hormone nghiêm trọng.

 Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh

Sử dụng máy soi da

- Kiểm tra mức độ bít tắc, dầu thừa, và sự sừng hóa của da, giúp đánh giá tình trạng của da.

 Xét nghiệm nội tiết tố (khi nghi ngờ nguyên nhân nội tiết)

- Kiểm tra nồng độ androgen, estrogen, và các hormone khác nếu bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn nội tiết như rối loạn kinh nguyệt, rậm lông, hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân.



Sử dụng máy soi ra giúp đánh giá tình trạng mụn

Sử dụng máy soi ra giúp đánh giá tình trạng mụn
Chẩn đoán phân biệt

Một số bệnh lý hoặc tổn thương da có thể nhầm lẫn với mụn ẩn:

- Viêm nang lông: Nổi cục nhỏ nhưng thường gây đỏ hoặc ngứa.

- Keratosis pilaris (da gà): Tổn thương sần nhỏ, không liên quan đến lỗ chân lông bít tắc.

- Milia (bệnh hạt kê): Mụn trắng nhỏ, cứng, thường xuất hiện quanh mắt, không do bít tắc dầu.


Các biện pháp điều trị Mụn ẩn

Chăm sóc da tại nhà 

Làm sạch da đúng cách:

- Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa sulfate và có độ pH cân bằng (pH 5.5 - 6).

- Axit salicylic (BHA) giúp thâm nhập sâu vào lỗ chân lông, làm sạch dầu thừa và loại bỏ tế bào chết.

Tẩy tế bào chết hóa học:

- Hoạt chất AHA (axit glycolic, axit lactic) và BHA (axit salicylic).

- Tần suất: 2 - 3 lần/tuần, tùy thuộc vào độ nhạy cảm của da.

- AHA làm bong lớp sừng trên bề mặt, BHA thâm nhập sâu vào lỗ chân lông để loại bỏ dầu thừa.

Dưỡng ẩm không gây bít tắc lỗ chân lông

- Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm không chứa dầu, có ghi chú “non-comedogenic” để tránh làm trầm trọng tình trạng mụn.

Bảo vệ da với kem chống nắng

- Lựa chọn kem chống nắng vật lý (chứa kẽm oxit hoặc titanium dioxide), bảo vệ da khỏi tia UV giúp giảm nguy cơ viêm và cải thiện tình trạng mụn.

Sử dụng thuốc điều trị tại chỗ

Retinoid (tretinoin, adapalene, tazarotene)

- Thúc đẩy quá trình tái tạo da, giảm sừng hóa và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông.

- Bắt đầu với tần suất 2-3 lần/tuần, sau đó tăng dần.

Axit azelaic (20%)

- Kháng viêm, giảm sừng hóa, và làm sáng vùng da thâm sau mụn.

Benzoyl peroxide (2.5–5%)

- Tác dụng làm sạch bề mặt da, ngăn ngừa vi khuẩn Cutibacterium acnes.

- Lưu ý: Benzoyl peroxide có thể gây khô da, nên kết hợp dưỡng ẩm.

8.3. Điều trị toàn thân – Dành cho mụn ẩn nặng hoặc dai dẳng

Retinoid đường uống (Isotretinoin):

- Cơ chế: Ức chế tuyến bã nhờn, giảm kích thước tuyến bã và điều chỉnh quá trình sừng hóa.

- Liều dùng: 0,3–0,5 mg/kg/ngày cho mụn không viêm.

Sử dụng thuốc tránh thai:

- Giúp ổn định hormone androgen, giảm sản xuất bã nhờn.

- Phù hợp với phụ nữ có dấu hiệu rối loạn nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Kháng sinh đường uống (Doxycycline, Minocycline)

- Sử dụng trong trường hợp mụn ẩn kèm theo viêm nhẹ.

 Liệu pháp chuyên sâu tại phòng khám da liễu

Lấy nhân mụn

- Phương pháp: Sử dụng dụng cụ vô trùng để lấy nhân mụn, giảm nguy cơ viêm nhiễm.

- Chỉ định: Mụn ẩn lâu ngày.

Peel da hóa học

- Sử dụng hoạt chất: Axit glycolic, axit salicylic, hoặc axit mandelic.

- Công dụng: Loại bỏ tế bào chết, cải thiện bề mặt da, giảm bít tắc lỗ chân lông.

Liệu pháp laser và ánh sáng

- Laser CO2 Fractional: Là một phương pháp điều trị thẩm mỹ tiên tiến sử dụng tia laser CO2 (carbon dioxide) dạng vi điểm (fractional), kết hợp giữa hiệu quả làm trẻ hóa da và khả năng cải thiện các vấn đề da liễu như sẹo rỗ, mụn, và nếp nhăn. Đây là công nghệ được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ nhờ tính an toàn và hiệu quả cao.

Gồm hai tác dụng chính:

- Hiệu ứng bóc tách vi điểm (ablative effect): Tia laser loại bỏ lớp biểu bì tổn thương trên bề mặt da, giúp tái tạo da mới khỏe mạnh hơn.

- Hiệu ứng nhiệt (thermal effect): Tăng sinh collagen và elastin trong lớp trung bì, cải thiện độ đàn hồi và cấu trúc da, đồng thời làm mờ sẹo và nếp nhăn.

Ưu điểm:

- Laser chỉ tác động đến vùng điều trị, không làm tổn thương các mô da khỏe mạnh xung quanh.

- Làm mờ sẹo rỗ, giảm nếp nhăn, xóa thâm nám và cải thiện cấu trúc da.

- Thu nhỏ lỗ chân lông và làm sáng da.

- Kích thích tái tạo da: Tăng sinh collagen và elastin, giúp da săn chắc và trẻ hóa lâu dài.

- So với các phương pháp laser khác, thời gian hồi phục nhanh hơn nhờ công nghệ fractional.

Ánh sáng xanh (Blue Light): là ánh sáng lạnh, thuộc công nghệ đèn led với bước sóng 415nm giúp loại bỏ mụn trên da, ánh sáng xanh sẽ kích thích để nhân mụn trồi lên, gom cồi, bên cạnh đó điều tiết tuyến bã nhờn và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.

Điều trị mụn ẩn cần sự kiên nhẫn và tuân thủ đúng phác đồ. Kết hợp chăm sóc da tại nhà, sử dụng thuốc bôi hoặc uống, và các liệu pháp chuyên sâu có thể mang lại hiệu quả cao. Để đạt kết quả tối ưu, bạn nên tham vấn bác sĩ da liễu để được cá nhân hóa liệu trình điều trị phù hợp.

Hệ thống Y tế MEDLATEC là cơ sở y tế uy tín và đáng tin cậy, nếu có các vấn đề về da vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ từ các chuyên gia.



Tài liệu tham khảo:

  1. Gillette, B., & Shunatona, B. (2023, January 25). Blind pimple: how to get rid of acne under the skin, according to experts. Cosmopolitan. https://www.cosmopolitan.com/style-beauty/beauty/a28844206/blind-pimple-under-skin/.
  2. Whelan, C. (2023, July 10). How to get rid of a blind pimple. Healthline. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/blind-pimple#definition.
  3. https://www.eucerin.vn/van-de-cua-da/da-bi-mun-trung-ca/mun-an.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ