Bác sĩ: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh
Năm kinh nghiệm:
Viêm tủy răng là một tình trạng bệnh lý răng miệng rất hay gặp cả ở người lớn và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Sâu răng là một trong những nhân tố chính dẫn đến viêm tủy răng. Trong những thập niên qua, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã giúp các nha sĩ có thêm nhiều hiểu biết mới về tổn thương bệnh lý tủy răng góp phần điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.
Mặc dù đã có nhiều cải tiến về phương tiện, kỹ thuật tuy nhiên bệnh lý tủy rất phức tạp, nếu tổn thương tủy không được chẩn đoán đúng và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp sẽ dẫn đến việc điều trị thất bại. Vì vậy bài viết này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về viêm tủy răng, để kịp thời phòng tránh hoặc điều trị kịp thời.
Hình ảnh giải phẫu răng
Giải phẫu răng:
- Bộ răng vĩnh viễn đầy đủ bao gồm 32 răng, bộ răng sữa gồm 20 răng tuy nhiên chúng đều cấu tạo gồm men răng, ngà răng, tủy răng và cấu trúc vùng quanh răng.Việc hiểu rõ cấu trúc giải phẫu răng rất cần thiết cho chẩn đoán riêng biệt bệnh lý tủy răng và vùng quanh chóp để từ đó có thể đưa ra kế hoạch điều trị tủy không phẫu thuật hay cần phẫu thuật.
+ Men răng: là cấu trúc ngoài cùng của răng bao phủ thân răng, đây là mô cứng nhất trong cơ thể khoảng 200Mpa giúp răng cứng chắc và ngừa sâu răng. Men bình thường không màu (màu trong suốt), trơn bóng, dày khoảng 2,58mm. Men răng không có chứa mạch máu thần kinh nên khi sâu lớp men ta thường không cảm nhận đau hay ê buốt. Trường hợp bệnh nhân vệ sinh răng miệng không tốt mô sâu răng vượt qua men răng sẽ đến lớp ngà.
+ Ngà răng: là mô cứng trong cơ thể (kém hơn men răng), bao phủ toàn bộ răng (ngoại trừ phần lỗ chóp cho tủy răng đi vào) tạo nên hình dáng cơ bản của răng. Cấu tạo ngà gồm : ống ngà, ngà gian ống và dây TOMES. Trong quá trình phát triển của răng nếu xuất hiện các tổn thương ngà răng thì tủy răng sẽ kích thích để xuất hiện thêm ngà thứ phát.
+ Tủy răng: nằm bên dưới lớp ngà tủy răng đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của răng từ giai đoạn hình thành đến hoàn thiện. Gồm tủy thân và tủy chân tương ứng với hình dáng răng bên ngoài. Tủy răng có nhiệm vụ duy trì sự sống của nguyên bào ngà và tạo ngà thứ phát, giúp chúng ta cảm nhận được cảm giác khi ăn uống. Tủy răng gồm mạch máu, mạch bạch huyết và đầu tận cùng thần kinh.
Hình ảnh mô răng sâu lớp men, ngà vào đến tủy răng
Nguyên nhân gây ra thường được chia thành 3 nhóm:
Do nhiễm khuẩn:
- Nhiễm khuẩn tại chỗ :
+ Do sâu răng lâu ngày không được điều trị hàn răng dẫn đến vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống ống tủy qua các ống ngà (TOMES) và gây viêm tủy.
+ Các răng có các tổn thương rạn nứt răng, mòn cổ răng cũng là nguyên nhân gây nên bệnh lý viêm tủy.
+ Viêm quanh răng mức độ vừa và nặng cũng là nguyên nhân gây viêm tủy ngược dòng.
Do các yếu tố vật lí:
- Toàn thân: do sự thay đổi độ cao hoặc lặn xuống sâu có thể gây ra các cơn đau tủy.
- Tại chỗ: Nhiệt độ tăng giảm nhanh cũng là yếu tố gây ra viêm tủy răng. Theo Peyton, Vendrona và cộng sự (cs) đã đo nhiệt độ trong tủy răng khi mài ở tốc độ 300.000 vòng/phút và thấy rằng nếu chỉ có hơi thổi vào răng mài sẽ không đủ làm giảm nhiệt mà cần tưới nước giúp giảm nhiệt nhanh chóng. Vì vậy nhiệt độ tỏa ra từ các chất hàn (Amalgam, xi măng thủy tinh, nhựa tự cứng) với các trường hợp sâu to, xoang sâu sát tủy cũng có thể gây viêm tủy.
- Tia xạ: trong trường hợp người bệnh điều trị ung thư, những răng nằm trên đường đi của tia xạ sẽ bị tổn thương tủy và kể cả tổ chức cứng như men và ngà.
Các yếu tố hóa học:
- Toàn thân: nhiễm độc chì hay thủy ngân có thể gây hoại tử tủy.
- Tại chỗ: Tủy tiếp xúc với các chất hóa học mạnh như CPC, cồn 90 độ, oxy già đậm đặc 15% trở lên gây tổn thương tế bào dẫn đến viêm tủy.
Viêm tủy răng có hồi phục (T1):
- Cơ năng: Người bệnh xuất hiện những cơn đau tự nhiên thoáng qua khoảng vài giây đến một phút, thường ít để ý đến dấu hiệu này. Đau xu hướng tăng lên khi ăn đồ ăn như nóng, lạnh, chua, ngọt...
- Thực thể: khi thăm khám răng có lỗ sâu, kích thước thường lớn, có ngà mủn, xịt hơi bệnh nhân buốt, chưa có điểm hở tủy. Gõ răng không đau.
Thử tủy bằng phương pháp thử nghiệm điện thì tủy đáp ứng bình thường.
Xquang: Hình ảnh thấu quang ở phần thân răng do lỗ sâu, vùng quanh cuống bình thường.
Viêm tủy răng không hồi phục: Gồm viêm tủy cấp và tủy hoại tử
Viêm tủy cấp (T2)
- Cơ năng: Cơn đau răng xuất hiện tự nhiên, đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Đau tăng khi có kích thích hoặc vận động mạnh. Thời gian xuất hiện các cơn đau lúc đầu ngắn (vài giây) khoảng cách mỗi cơn đau thưa. Khi tủy bị viêm nặng thì thời gian mỗi cơn đau kéo dài ra (vài giờ) khoảng cách cơn đau ngắn lại làm người bệnh cảm giác đau liên tục. Đau lan lên vùng thái dương, lan nên nửa đầu. Đau nhiều về đêm khiên bệnh nhân mất ngủ, lo lắng. Thông thường các cơn đau tủy có đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Thực thể: khám thấy răng có lỗ sâu đã có điểm lộ tủy tự nhiên hay chưa lộ tủy
+ Gõ ngang răng: đau nhẹ
+ Thử nghiệm điện tủy răng có thể còn đáp ứng.
+ Xquang: không có giá trị chẩn đoán xác định nhưng có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân gây viêm tủy: hình thành lỗ sâu răng, gãy nứt thân hoặc chân răng...
Sau một thời gian (một vài ngày đến một tháng) người bệnh thấy đau giảm dần rồi hết đau, lúc này tình trạng viêm tủy cấp đã chuyển thành tủy hoại tử.
Tủy hoại tử.
- Mạch máu và thần kinh bị hoại tử toàn bộ , răng mất cảm giác, bệnh nhân không đau. Nên nhiều người bệnh qua một vài ngày răng đỡ đau dẫn đến chủ quan không điều trị khiến tình trạng bệnh lý nặng hơn.
- Khám lâm sàng thấy: răng chuyển màu nâu đen, có đường thông thương từ lỗ sâu vào đến buồng tủy, bệnh nhân không đau.
+ Thử nghiệm điện âm tính.
Tình trạng viêm tủy răng có thể xuất hiện cả ở người lớn và trẻ em, đối với răng vĩnh viễn và răng sữa.
- Người có thói quen ăn đồ ngọt, trẻ có thói quen uống sữa đêm,... nhưng vệ sinh răng miệng kém.
- Thói quen ăn đồ cứng, cắn chỉ, bật nắp bia bằng răng,... gây nên những đường nứt, vỡ răng.
- Người bị ung thư đang điều trị tia xạ, hóa chất.
Cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ sử dụng bàn chải mềm, chải răng 2-3 lần/ ngày sau các bữa ăn. Sử dụng thêm tăm nước hay chỉ tơ nha khoa để lấy thức ăn ở vùng kẽ các răng.
- Với các bé hay có thói quen uống sữa vào ban đêm cha mẹ cần vệ sinh răng miệng lại cho bé sau khi bé uống sữa.
- Hạn chế ăn đồ ăn cứng, rắn.
- Cần có đồ bảo hộ vùng hàm mặt khi chơi thể thao hay lao động để tránh các chấn thương vùng răng miệng.
- Khám răng miệng định kỳ để phát hiện sớm các tổn thương răng miệng.
Các triệu chứng lâm sàng kể trên là chủ yếu kết hợp với thử nghiệm điện.
Viêm quanh cuống răng cấp.
- Viêm quanh cuống cấp thường đau âm ỉ, liên tục có thể đau dữ dội, đau tăng khi va chạm vào răng đối diện khi ăn nhai. Sưng vùng ngách lợi ngang với răng viêm, có cảm giác trồi răng.
- Toàn thân: sốt cao, có phản ứng hạch tương ứng
- Xquang vùng cuống : có hình ảnh thấu quang vùng cuống răng ranh giới không rõ nếu chưa hình thành nang.
Với đau dây thần kinh V
- Bệnh nhân thường đau dữ dội đột ngột khi có kích thích (cơn gió thoáng qua, va chạm, rửa mặt...gọi là điểm đau cò súng). Ngoài ra kèm theo rối loạn cảm giác tê bì một bên mặt, tăng hoặc giảm cảm giác.
- Vùng răng miệng tương ứng không có tổn thương.
Tủy hoại tử phân biệt với viêm quanh cuống mạn.
- Lâm sàng: cũng có tình trạng đau âm ỉ hoặc không đau, răng đổi màu, có lỗ dò vùng ngách lợi tương ứng với răng viêm.
- Xquang: có hình ảnh u hạt hoặc nang chân răng.
Cơn đau của viêm tuyến nước bọt.
Thường xuất hiện đau âm ỉ liên tục, đau có thể tăng lên trước các bữa ăn do tăng bài tiết của tuyến nước bọt. Kết hợp với tình trạng sưng vùng mang tai hoặc dưới hàm tương ứng với vị trí của tuyến nước bọt.
Viêm tủy răng có hồi phục: Điều trị bảo tồn tủy răng, giữ tủy răng giúp răng có cảm giác ăn nhai tốt hơn, tránh các hóa chất mạnh ảnh hưởng đến sức sống của tủy, đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn và ngà thứ phát được tái tạo.
- Điều trị có hồi phục là dùng phương pháp hàn che tủy.
- Chất liệu che tủy hiện nay đang được sử dụng như MTA hoặc Biodentine.
- Chỉ định hàn che tủy trong các trường hợp:
+ Viêm tủy chưa có lỗ hở tủy tự nhiên.
+ Cần che tủy khi làm hở tủy bất ngờ trong lúc tạo xoang trám.
+ Không che tủy ở người đang mặc nhiễm trùng toàn thân.
- Có 2 phương pháp che tủy:
+ Che tủy trực tiếp: Đặt trực tiếp chất che tủy lên tủy răng, theo dõi răng trong 6 tháng, chỗ hở tủy có thể được hình thành ngà thứ phát.
+ Che tủy gián tiếp: Sau khi lấy hết mô sâu, ngà mủn để lại một lớp ngà mềm (ngà phản ứng). Dùng thuốc sát khuẩn nhẹ vào lỗ sâu rồi đặt chất che tủy lên trên. Theo dõi răng trong 6 tháng.
Điều trị viêm tủy răng không hồi phục:
Đối với trường hợp răng viêm tủy không hồi phục cần xem xét đánh giá răng đó có điều trị bảo tồn được hay phải nhổ bỏ
Điều trị nhổ bỏ:
- Răng bị gãy dọc, đường nứt gãy đi qua ống tủy chân răng, hoặc đường nứt gãy nằm dưới mào xương ổ.
- Trường hợp viêm tủy răng khôn.
Điều trị bảo tồn: điều trị tủy
- Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương để đưa ra kế hoạch điều trị có thể trong 1 lần hẹn với răng viêm mức độ nhẹ, còn với răng viêm nhiều thì cần 2-3 lần hẹn hoặc hơn.
- Loại trừ hoàn toàn mô tủy viêm, đặt thuốc, sau đó sẽ tiến hành trám bít hệ thống ống tủy. Trong quá trình điều trị cần gây tê tại chỗ với trường hợp viêm tủy cấp giúp bệnh nhân thoải mái không đau.
Với các răng đã tiến hành điều trị tủy răng giảm mức độ đàn hồi nên giòn và dễ vỡ nên cần tiến hành bọc chụp giúp bảo vệ răng trong quá trình ăn nhai.
Quy trình điều trị viêm tủy răng
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!