Từ điển bệnh lý

Áp Xe quanh Amydal : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Áp Xe quanh Amydal

- Áp Xe quanh Amydal là tình trạng viêm mủ cấp tính tổ chức liên kết lỏng lẻo khoảng quanh Amydal ( ngoài bao Amydal hay giữa khối Amydal và thành bên họng miệng).

Áp Xe quanh Amydal

Áp Xe quanh Amydal

Nhắc đến áp xe quanh Amydal là nhắc đến tình trạng áp xe Amydal khẩu cái một hoặc hai bên.

- Vị trí Amydal khẩu cái: Là một khối tân bào có hình bầu dục như hạt hạnh nhân nằm ở thành bên họng miệng , trong hốc Amydal , nằm sau trụ trước (nếp lưỡi- khẩu cái), nằm trước trụ sau (nếp họng).

Amydal khẩu cái là một Amydal lớn thuộc vòng bạch huyết Waldayer. Sáu Amydal vùng hầu họng hợp thành vòng bạch huyết Waldayer bao gồm: Amydal đáy lưỡi, hai Amydal khẩu cái, hai Amydal vòi, Amydal vòm( V.A).

- Vai trò của Amydal khẩu cái: Không khí hít vào qua mũi, thức ăn ăn vào qua miệng chứa nhiều vi khuẩn,những vi khuẩn này bám vào bề mặt amydal , bạch cầu bắt lấy vi khuẩn đem vào trung tâm mầm ở bên trong, tại đây vi khuẩn được nhận diện và cơ thể tạo ra kháng thể để tiêu diệt vi khuẩn

- Amydal thường bắt đầu hoạt động từ 3 tuổi

Các thể lâm sàng áp xe quanh Amydal:

  • Áp xe quanh Amydal thể trước trên: thường gặp nhiều nhất, chiếm 90% các trường hợp
  • Áp xe quanh Amydal thể sau trên: gặp trong 9-10% các trường hợp
  • Áp xe quanh Amydal thể dưới: hiếm gặp nhất, chiếm 1% các trường hợp

Áp xe quanh Amydal là một áp xe tụ mủ vùng quanh amydal thuộc diện khẩn trương cấp cứu, nếu được khám phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ lui khá nhanh. Nếu không điều trị kịp thời mủ sẽ tự vỡ sau khoảng 5-7 ngày nhưng dẫn lưu thoát mủ không triệt để bệnh sẽ khỏi chậm hơn. Bệnh có xu hướng tái phát nếu không giải quyết triệt để nguyên nhân tại amydal.


Nguyên nhân Áp Xe quanh Amydal

- Thường đo viêm Amydal mạn tính đợt cấp, hoặc biến chứng của răng số 8 hàm dưới

- Áp xe Amydal thường  được gây nên bởi nhiều loại vi khuẩn như:

  • Hemophilius Influenza

Hemophilius Influenza

  • Moraxella Cartarrhalis
  • Streptococcus (liên cầu khuẩn)
  • Staphylococcus (tụ cầu khuẩn)
  • Pneumoniae (phế cầu)
  • Vi khuẩn kỵ khí
  • Trong đó liên cầu tan huyết nhóm A là vi khuẩn hay gặp nhất và hay có  biến chứng toàn thân.

Triệu chứng Áp Xe quanh Amydal

Giai đoạn khởi đầu: Xung huyết, viêm tấy đơn thuần

a. Triệu chứng toàn thân

Sốt cao 38-39oC, tình trạng nhiễm trùng: Mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi

Viêm Amydal cấp tính 

Viêm Amydal cấp tính 

b. Triệu chứng cơ năng

- Viêm họng cấp tính, viêm Amydal cấp tính.

- Các triệu chứng đau, nóng rát họng không giảm đi và có xu hướng tăng lên.

- Đau họng rõ rệt ở một bên, đau tăng lên nhanh và đau nhói lên tai cùng bên khi nuốt.

c. Triệu chứng thực thể

- Khám thấy: Amydal một bên viêm đỏ, xung huyết, trụ trước hoặc trụ sau Amydal cùng bên đỏ và sưng nề, căng phồng.

- Hạch góc hàm cùng bên sưng, nóng, đỏ, ấn đau.

Giai đoạn áp xe tụ mủ

a. Triệu chứng toàn thân

Sốt cao hơn 39-40oC dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không hạ, tình trạng nhiễm trùng rõ rệt: Mệt mỏi, lờ đờ, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi.

b. Triệu chứng cơ năng

- Đau họng: thường đau nhiều một bên,đau họng liên tục ngày càng dữ dội, đau nhói lên tai cùng bên, nhất là khi nuốt nên người bệnh thường bị ứ đọng nước bọt trong miệng hoặc tự chảy ra ngoài miệng.

- Khó nuốt do tình trạng đau.

- Há miệng hạn chế.

- Tiếng nói lúng búng và ngột ngạt như có dị vật to ở trong họng: “giọng ngậm hạt thị” , hơi thở hôi.

c. Triệu chứng thực thể

- Thể trước trên: Họng mất cân xứng, trụ trước, lưỡi gà và màn hầu cùng bên bị phù nề, sưng , to, đỏ, đẩy lệch sang một bên, che lấp một phần Amydal, đẩy lệch Amydal vào trong, xuống dưới và ra sau, trụ sau Amydal bị che lấp, bề mặt Amydal xung huyết, đôi khi có chấm mủ hoặc có ít xuất tiết.

- Thể sau trên: Họng mất cân xứng, lưỡi gà không bị phù nề, trụ sau sưng phồng to , đỏ, đẩy lệch Amydal ra trước, khối sưng phồng tại trụ sau có thể lan dọc theo thành bên họng xuống đếnxoang lê cùng bên, thanh quản gây viêm phù nề thanh quản, sụn nắp, sụn phễu. Ở thể này bệnh nhân gần nhưkhông nuốt được và đau tau rất nhiều.

- Thể dưới: Túi mủ nằm ở cực dưới Amydal, sát Amydal đáy lưỡi, khối Amydal bị đẩy lên trên, trụ trước Amydal sưng đỏ, phù nề.


Các biến chứng Áp Xe quanh Amydal

Áp xe quanh Amydal là bệnh lý có tính chất cấp cứu, nếu không được khám, điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nghiêm trọng và nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng:

-  Viêm phù nề thanh quản gây khó thở cấp.

-  Viêm tấy mủ hạch góc hàm.

-  Chảy máu do mủ phá hủy thành mạch ở thành bên họng (tổn thương động mạch cảnh trong )

-  Áp xe thành bên họng.

-  Viêm tấy lan tỏa các khoang cổ sâu.

-  Viêm thận.

-  Nhiễm trùng huyết .


Đường lây truyền Áp Xe quanh Amydal

- Áp xe quanh Amydal thường xuất phát từ một ổ viêm trong khe Amydal rồi lan ra ngoài bằng đường bạch huyết, hoặc bằng cách thâm nhập dần từ ngoài vào khoang quanh Amydal. Khoang Tourtual ở cực trên Amydal ăn sâu vào tận vỏ bọc của Amydal nên viêm Amydal rất dễ gây viêm khoang này. 

- Viêm nhiễm ở lợi, răng số 8 hàm dưới cũng có thể gây ra viêm tấy quanh Amydal bằng đường bạch huyết.


Đối tượng nguy cơ Áp Xe quanh Amydal

Bệnh thường hay gặp ở thanh thiếu niên, người trẻ, tuy vậy một số người lớn tuổi cũng có thể mắc bệnh này, người có cơ thể suy nhược, sức đề kháng kém có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm amydal

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm amydal


Phòng ngừa Áp Xe quanh Amydal

- Nâng cao mức sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau ăn.

- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng.

- Tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin: Rau xanh, hoa quả tươi,protein tăng sức đề kháng.

- Điều trị ổn định các bệnh lý nền: Huyết áp, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

- Bỏ thuốc lá, rượu bia, hạn chế các thực phẩm đồ uống lạnh.

- Khi có biểu hiện triệu chứng sốt, đau họng, nuốt đau phải đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời, triệt để trước khi tạo ổ áp xe quanh Amydal hoặc trước khi có các biến chứng nặng.


Các biện pháp chẩn đoán Áp Xe quanh Amydal

Chẩn đoán xác định

- Triệu chứng toàn thân: Sốt cao 39-40oC, tình trạng nhiễm trùng rõ mệt mỏi, lờ đờ, hơi thở hôi

- Triệu chứng cơ năng:

  • Đau họng chủ yếu một bên, nuốt đau ngày một tăng, đau lan lên tai cùng bên khi nuốt
  • Khó nuốt, ứ đọng đờm dãi hoặc chảy ra ngoài
  • Khó nói, giọng nói ngậm hạt thị
  • Hạn chế há miệng

- Triệu chứng thực thể: Họng mất cân xứng

  • Thể trước trên: Trụ trước, màn hầu , sưng đỏ căng phồng , khối Amydal và lưỡi gà bị đẩy lồi vào trong, xuống dưới và ra sau
  • Thể sau trên: trụ sau sưng nề, căng phồng, Amydal bị đẩy lồi ra trước
  • Thể dưới: khối Amydal bị đẩy lồi lên trên
  • Sưng, nóng, đỏ đau hạch góc hàm cùng bên

- Cận lâm sàng:

  • Bạch cầu tăng cao >12G/L,bạch cầu đa nhân trung tính tăng > 70%
  • Cấy mủ định danh vi khuẩn dương tính.
  • CT scanner vùng cổ có tiêm thuốc cản quang : thấy được vị trí, kích thước, mối liên quan của ổ áp xe quanh Amydal với các thành phần xung quanh hoặc các biến chứng áp xe khoang cổ sâu, thành bên, thành sau họng nếu có.

Chẩn đoán phân biệt

- Viêm tấy giả hiệu xung quanh Amydal, có một số bệnh lý gây ra phù nề tổ chức liên kết lỏng lẻo xung quanh Amydal với triệu chứng thực thể giống viêm tấy thực sự: Phù nề các trụ, thâm nhiễm màn hầu, sưng phồng Amydal nhưng khi chọc dò thì không có mủ. Các bệnh đó là bạch hầu, goutte, thấp khớp, bạch cầu cấp.

- Áp xe dưới cốt mạc của hàm dưới gây ra do biến chứng răng khôn, bệnh nhân không há miệng được. Túi mủ tập trungchủ yếu ở phía ngoài và thấp, giáp cgân trụ của màn hầu, vào khoảng liên hàm. Ngón tay sờ vào lợi răng khôn làm cho bệnh nhân đau nhói. Chụp Xquang góc hàm thấy răng không mọc lệch.

- Các u sưng loét nhiễm trùng thứ phát một bên họng: Gôm giang mai (màn hầu sưng đỏ nhưng không đau lắm, BW (+).

- Áp xe Amydal: Đây là áp xe ở khe , trong tổ chức Amydal, có điểm sưng đỏ ở trên mặt Amydal, với triệu chứng của một viêm Amdal cấp, thường ít gặp.

- Áp xe thành bên họng.

- Áp xe thành sau họng.

- Ung thư Amydal bị nhiễm trùng: sau khi điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh hiện tượng viêm sẽ giảm đi nhưng không hết, bề mặt Amydal hết giả mạc, lộ ra nhiều điểm tăng sinh mạch, hoại tử, khối sùi, loét. Sinh thiết Amydal thấy tế bào ung thư.

- U nấm: U rất cứng, đỏ sẫm, có nhiều lỗ dò chảy nước, dịch trong, có hạt vàng. Trong hạt vàng có bào tử nấm.


Các biện pháp điều trị Áp Xe quanh Amydal

-  Trước khi túi mủ hình thành: Điều trị nội khoa dùng kháng sinh toàn thân liều cao đường uống hoặc tiêm, phối hợp kháng sinh để ngăn chặn quá trình viêm
- Khi túi mủ đã hình thành: Kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa

  • Chọc thăm dò bằng bơm tiêm và kim to: Chọc nơi phồng nhất ở trụ trước, sâu khoảng 1cm 
  • Nếu có mủ dùng dao nhọn Chích rạch áp xe tháo mủ, banh  rộng mép vết rạch, hút sạch mủ, bơm rửa ổ áp xe bằng oxy già 12 đơn vị thể tích hoặc betadine 1%.
  • Phối hợp kháng sinh toàn thân, chống viêm, giảm đau, chống phù nề

- Theo dõi, kiểm tra và làm thuốc hàng ngày: mở rộng ổ mủ hàng ngày bơm rửa betadine đến khi hết mủ) toàn trạng bệnh  nhân tốt lên.
- Sau điều trị ổn định cần chỉ định bắt buộc phẫu thuật cắt Amydal cho Bệnh nhân. Có nhiều quan điểm về cắt Amydal trong trường hợp này:

  • Cắt Amydal nóng: Cắt ngay khi chích tháo mủ, phối hợp với dùng kháng sinh toàn thân.
  • Cắt Amydal ấm: Cắt Amydal trong vòng hai tuần sau khi chích tháo mủ.
  • Cắt Amydal lạnh: Cắt Amydal trong vòng 1-2 tháng sau khi chích tháo mủ.

Tài liệu tham khảo

1. Tai mũi họng Quyển 2 Trang 414-418 (Nhan Trừng Sơn, NXB Y Học 2016)

2. Phác đồ điều trị nội trú Bệnh viện Tai mũi họng Thành phố Hồ Chí Minh Trang 3-7 (Trần Phan Chung Thủy, NXB Y Học 2018)

3. Cấp Cứu Tai Mũi Họng Trang 213-219 (Lê Văn Lợi, NXB Y Học 2001)


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ