Từ điển bệnh lý

Babesiosis : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-02-2025

Tổng quan Babesiosis

Babesiosis là một căn bệnh hiếm gặp, gây nên do 1 loại ký sinh trùng là Babesia, chúng gây bệnh thông qua vật chủ trung gian là bọ ve, lây nhiễm cho động vật có vú và chim, và cả con người.

Babesia được truyền qua bọ ve. Vì sự phát triển có thể diễn ra ở mỗi giai đoạn của một thế hệ ve, trứng, ấu trùng, nhộng và giai đoạn trưởng thành, nên sự truyền và phát triển của Babesia khác đáng kể so với sự truyền các động vật nguyên sinh khác qua côn trùng hoặc giun đốt.

Sự tương tác giữa Babesia và tế bào vật chủ rất phức tạp và có nhiều khía cạnh. Ký sinh trùng Babesia được đưa vào vật chủ thông qua vết cắn của ve bị nhiễm bệnh và sinh sôi trong hồng cầu của vật chủ, do đó người bệnh có các biểu hiện như sốt, tan máu, đái ra huyết cầu tố.

Người bệnh nhiễm Babesia có thể không có triệu chứng, một số khác có thể có triệu chứng giống như cúm. Nhưng việc ký sinh trùng phá hủy các tế bào hồng cầu có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, đặc biệt trên bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Một biến chứng phổ biến là thiếu máu tan máu, một tình trạng mà các tế bào hồng cầu của bạn bị phá hủy nhanh hơn tốc độ bạn có thể tạo ra các tế bào mới.

Bệnh Babesiosis có thể phòng ngừa và điều trị được.

Dịch tễ học

Babesia microti là một loại ký sinh trùng thường gặp gây ra bệnh Babesiosis ở người. Mức độ nghiêm trọng của nhiễm Babesia dao động từ không có triệu chứng hay gặp ở những người khỏe mạnh, đến tử vong thường gặp nhất ở những người cao tuổi, những người không có lá lách (hoặc không có lá lách hoạt động) và những người bị suy giảm miễn dịch.

Bệnh Babesia phổ biến nhất vào mùa xuân và mùa hè. Nguyên nhân là do ve non (ấu trùng) xuất hiện vào mùa xuân và có khả năng lây truyền bệnh Babesia cao hơn ve trưởng thành.

Ở Hoa Kỳ, vật chủ trung gian chính chịu trách nhiệm truyền B. microti sang người là Ixodes scapularis (còn gọi là ve hươu). Các loài Ixodes liên quan đến loài gặm nhấm khác (ví dụ, I. angustus, I. eastoni , I. muris và I. spinipalpis). Các loài Ixodes khác này được coi là có nguy cơ truyền B. microti sang người thấp, nhưng đã có báo cáo hiếm hoi về tình trạng nhiễm trùng ở người. Tỷ lệ nhiễm trùng ở I. scapularis trưởng thành ở vùng Đông Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ thường thấp (<3%), mặc dù tỷ lệ cao tới 30% đã được báo cáo (Steiner và cộng sự, 2008 , Walk và cộng sự, 2009 , Tokarz và cộng sự, 2010). Ấu trùng và I. scapularis trưởng thành có thể truyền B. microti cho người nhưng quá trình truyền bệnh mất ít nhất 48 giờ sau khi hút máu, vì vậy việc loại bỏ ve kịp thời có thể ngăn ngừa quá trình truyền bệnh.

Ca bệnh Babesiosis ở người đầu tiên được báo cáo ở Châu Âu và xảy ra vào năm 1957. Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh Babesiosis ở người ở Châu Âu là B. divergens. 

Ít nhất bốn loài hoặc kiểu gen của Babesia lây truyền từ động vật đã được phát hiện ở Châu Á với các trường hợp nhiễm trùng hiếm gặp được báo cáo từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Các trường hợp từ Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc là do các loài giống B. microti gây ra (Wei và cộng sự, 2001, Arai và cộng sự, 2003, Kim và cộng sự, 2007).

Ở Việt Nam, hay gặp bệnh Babesia ở bò, lây truyền chủ yếu qua vật chủ trung gian là ve Ixodes.

Ixodes scapularis hay còn gọi là ve hươu là vật chủ trung gian truyền B. microti sang người

Ixodes scapularis hay còn gọi là ve hươu là vật chủ trung gian truyền B. microti sang người



Nguyên nhân Babesiosis

Babesia là ký sinh trùng gây bệnh Babesiosis ở người, thuộc ngành Apicomplexa, bộ: Piroplasmida, họ: Babesiidae.

Babesia là động vật nguyên sinh, sinh vật đơn bào kích thước rất nhỏ và phải quan sát dưới kính hiển vi. Chúng xâm nhập vào máu của bạn thông qua vết cắn của ve. Tại đó, chúng lây nhiễm và phá hủy các tế bào hồng cầu của người bệnh.

Bệnh thường được gây ra bởi ký sinh trùng Babesia microti, thường là do bị bọ ve Ixodes (bọ ve hươu) cắn. Vật chủ tự nhiên của B. microti bao gồm động vật hoang dã như chuột chân trắng và hươu đuôi trắng. Khi vùng sống của hươu mở rộng, tỷ lệ nhiễm bệnh ở người cũng có xu hướng tăng lên.

Con người thường bị nhiễm bệnh Babesiosis do bị đốt bởi loài ve Ixodes dammini. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhiễm bệnh khi máu chứa ký sinh trùng được truyền từ người nhiễm bệnh.

Phết máu mỏng quan sát thấy Babecia nội bào và ngoại bào

Phết máu mỏng quan sát thấy Babecia nội bào và ngoại bào



Triệu chứng Babesiosis

Nhiều người mắc bệnh Babesiosis không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có thể có các triệu chứng giống cúm, có thể xuất hiện sau khoảng 1 đến 3 tuần kể từ khi bị ve cắn, hoặc lâu hơn.

Các triệu chứng gồm:

  • Sốt cao kèm theo ớn lạnh.
  • Đổ mồ hôi.
  • Đau đầu.
  • Đau nhức cơ hoặc khớp.
  • Mất cảm giác thèm ăn.
  • Buồn nôn.
  • Mệt mỏi.
  • Không giống như các bệnh do ve truyền khác, bệnh này thường không gây phát ban
  • Giảm cân không phải là dấu hiệu phổ biến của bệnh babesiosis. Nhưng nếu người bệnh không muốn ăn hoặc cảm thấy khó chịu ở bụng và nôn mửa, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến gầy sút cân.

Triệu chứng thường gặp của bệnh Babesiosis

Triệu chứng thường gặp của bệnh Babesiosis 

Vì ký sinh trùng tấn công các tế bào hồng cầu và làm tổn thương các tế bào hồng cầu, nên bệnh Babesiosis có thể dẫn đến thiếu máu tan máu. Thiếu máu tan máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu của người bệnh bị phá hủy nhanh hơn tốc độ chúng có thể được thay thế. Bệnh babesiosis có thể trở thành một căn bệnh nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng đối với một số người có yếu tố nguy cơ. 

Các triệu chứng của bệnh Babesiosis nặng, bao gồm:

  • Vàng da hoặc vàng mắt.
  • Da xanh, niêm mạc nhợt.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Khó thở.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Đau bụng.
  • Cứng cổ.
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột hoặc phản ứng cảm xúc cực đoan.

Đái ra huyết cầu tố là triệu chứng của Babesiosis

Đái ra huyết cầu tố là triệu chứng của Babesiosis



Các biến chứng Babesiosis

Bệnh babesiosis có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu, bao gồm:

  • Thiếu máu tan máu: Ký sinh trùng có thể phá hủy rất nhiều tế bào máu khiến cơ thể người bệnh không thể tạo ra tế bào mới đủ nhanh để thay thế chúng. Thiếu máu kéo dài có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch.
  • Lách to hoặc gan to. Lách to có thể dẫn đến vỡ lách.
  • Phù phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp.
  • Đông máu rải rác nội mạch (DIC).
  • Tổn thương và suy các cơ quan khác, bao gồm tổn thương thận cấp, suy gan .



Đường lây truyền Babesiosis

Hầu hết các ca nhiễm Babesia đều do ve gây nên, chủ yếu là ve cứng Ixodes cắn. Ve thường được tìm thấy ở các khu vực nhiều cây cối, bụi rậm hoặc cỏ. 

Bệnh babesiosis lây lan từ động vật sang người khi một con ve cắn một con vật bị nhiễm bệnh, thường là một loài gặm nhấm nhỏ, như chuột và sau đó cắn người. Ký sinh trùng lây nhiễm vào các tế bào máu của và sinh sản ở đó. Ấu trùng nhỏ (kích thước khoảng bằng hạt anh túc) và khó nhìn thấy. Chúng phát triển thành con trưởng thành vào mùa hè. Ve trưởng thành vẫn có thể truyền bệnh babesiosis nhưng chúng dễ nhìn thấy hơn và có nhiều khả năng phát hiện sớm hơn để loại bỏ.

Những con đường hiếm gặp hơn như:

  • Truyền máu có chứa ký sinh trùng.
  • Hiếm khi, bệnh babesia lây từ người mang thai sang thai nhi. Nếu người mẹ mắc bệnh babesia, có thể truyền bệnh cho con trong thời kỳ mang thai hoặc khi em bé chào đời.

Ký sinh trùng Babesia không lây lan từ người sang người.

Quá trình lây nhiễm Babesia từ chuột nhắt trắng sang người qua bọ ve Ixodes

Quá trình lây nhiễm Babesia từ chuột nhắt trắng sang người qua bọ ve Ixodes



Đối tượng nguy cơ Babesiosis

Nguy cơ nhiễm Babesia không có sự khác biệt về tuổi, giới tính, tuy nhiên bệnh có thể nghiêm trọng hơn ở những đối tượng sau:

- Người cao tuổi.

- Người bệnh đã cắt lách hoặc lá lách mất chức năng.

- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu:

  • Bệnh nhân ung thư.

  • Bệnh nhân HIV/AIDS.

  • Bệnh nhân ghép tạng.

  • Bệnh nhân u lympho.
  • Người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch

- Có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy gan, suy thận.

- Bệnh nhân ghép tạng.



Phòng ngừa Babesiosis

Có thể tìm thấy ve quanh năm nhưng nguy cơ bị ve cắn thường tăng lên vào những tháng ấm hơn khi mọi người có nhiều khả năng đến thăm các khu vực có ve. Nếu không thể tránh được các khu vực bị ve cắn, một số biện pháp thực tế để giảm nguy cơ bị ve cắn bao gồm:

  • Mặc quần áo phù hợp khi ra ngoài ở khu vực có ve, nên mặc áo sơ mi dài tay và quần dài nhét vào tất và đội mũ rộng vành. Ve cũng dễ phát hiện hơn trên quần áo sáng màu.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng: bôi thuốc chống côn trùng có chứa DEET hoặc Picaridin lên vùng da hở theo hướng dẫn và bôi lại vào ban ngày theo chỉ dẫn. Thuốc chống côn trùng tại chỗ không được khuyến khích cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi. Có thể xịt permethrin lên quần áo và mũ để xua đuổi ve.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi đi bộ trong bụi rậm: đi vào giữa những con đường đã được dọn sạch ở những khu vực có nhiều ve nhất có thể và tránh chạm vào cây cối và cỏ dài khi bạn đi bộ. Kiểm tra thường xuyên da và quần áo của bạn để tìm ve vì chúng ta có thể loại bỏ ve trước khi chúng bám vào.
  • Tìm và loại bỏ ve khỏi cơ thể: khi trở về từ vùng bị ve cắn, hãy cẩn thận tìm ve trên cơ thể. 
  • Kiểm tra cẩn thận quần áo và vật nuôi xem có ve không để tránh mang ve vào trong nhà.
  • Giảm nguy cơ có ve quanh nhà: ở những khu vực nhiều ve, cắt cỏ, cắt tỉa cây bụi che khuất lối đi và khu vui chơi. Cân nhắc sử dụng hàng rào để ngăn chặn động vật hoang dã có thể là ổ chứa ký sinh trùng.
  • Các câu hỏi thường gặp về bệnh Babesiosis

Nên làm gì khi bị ve bám vào da?

- Dùng nhíp kẹp chặt phần miệng càng gần vị trí bám càng tốt. Cẩn thận không bóp, đè bẹp hoặc đâm thủng thân ve, vì có thể chứa dịch truyền nhiễm. Kéo mạnh và đều lên trên. Sau khi gỡ ve ra, hãy khử trùng kỹ lưỡng vị trí bị cắn và rửa tay. Không cố gắng loại bỏ ve bằng cách sử dụng dầu hỏa, thuốc lá đang cháy hoặc các biện pháp khắc phục tại nhà khác vì những thứ này thực sự có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do ve truyền.

- Bệnh Babesiosis kéo dài bao lâu?

Nếu bạn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bệnh Babesiosis có thể kéo dài một đến hai tuần. Nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu, bệnh babesiosis có thể kéo dài trong thời gian dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

- Bệnh Babesiosis có thể tái phát không?

Đôi khi, các triệu chứng của bệnh Babesiosis có thể thuyên giảm nhưng sau đó lại tái phát. Nếu điều này xảy ra, bạn cần đến viện để được bác sĩ tư vấn ngay. Nguy cơ tái phát cao nhất nếu hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu.

- Bệnh Babesiosis có để lại di chứng kéo dài không?

Ngay cả sau khi các triệu chứng khác của bạn đã biến mất, bạn vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi trong vài tháng. Bạn sẽ hồi phục hoàn toàn khi số lượng hồng cầu trở lại bình thường. Trường hợp này cần được bác sĩ tư vấn.

Babesiosis là một căn bệnh bạn mắc phải do vết cắn của một con ve bị nhiễm ký sinh trùng Babesia. Nó gây ra các triệu chứng giống như cúm và có thể dẫn đến bệnh nặng. Nguy cơ bệnh đe dọa tính mạng cao hơn nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc lá lách mất chức năng hoặc đã cắt lách. Sự kết hợp của thuốc chống ký sinh trùng và thuốc kháng sinh có thể điều trị bệnh Babesiosis.



Các biện pháp chẩn đoán Babesiosis

Các triệu chứng lâm sàng và khả năng tiếp xúc với vết cắn của ve có thể khiến nhân viên y tế nghi ngờ bệnh Babesiosis kết hợp với xét nghiệm phết máu quan sát mẫu máu dưới kính hiển vi để xem ký sinh trùng có trong tế bào hồng cầu hay không. 

Chẩn đoán xác định dựa trên việc tìm thấy ký sinh trùng trong hồng cầu khi soi tiêu bản trên kính hiển vi quang học. Xét nghiệm có thể cần lặp lại nhiều lần để chẩn đoán, thường ký sinh trùng lưu hành trong máu có thể thấy rõ sau khi bị ve cắn từ 2 đến 4 tuần. Phương pháp chính để chẩn đoán bệnh Babesiosis là quan sát ký sinh trùng trong hồng cầu trên các vết máu mỏng nhuộm Giemsa hoặc Wright. Các trường hợp cấp tính của bệnh Babesiosis thường dễ dàng được chẩn đoán bằng phương pháp này vì thường quan sát thấy số lượng lớn ký sinh trùng; tuy nhiên, trong các trường hợp mãn tính hoặc khi cố gắng chẩn đoán nhiễm trùng trong ổ chứa không lâm sàng, phương pháp này thiếu độ nhạy. Vì không phải tất cả các trường hợp nhiễm trùng ở người đều có triệu chứng lâm sàng nên những trường hợp này có nhiều khả năng được chẩn đoán bằng huyết thanh học hơn là xét nghiệm máu, vì có ít ký sinh trùng được tìm thấy trong máu ngoại vi.

Chẩn đoán phân biệt
Do bệnh có nhiều đặc điểm giống với sốt rét nên Babesia cần phân biệt với ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt là Plasmodium falciparum: lưu ý tính chất sốt của Babesiosis khác với sốt có chu kỳ trong bệnh sốt rét.



Các biện pháp điều trị Babesiosis

Những người được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng Babesia nhưng không có triệu chứng của bệnh babesia có thể không cần điều trị. Những người này nên được theo dõi máu để đảm bảo họ không còn ký sinh trùng. Các thuốc điều trị chính trong bệnh Babesiosis, bao gồm:
+ Thuốc Atovaquone.
+ Thuốc Azithromycin.
+ Thuốc Clindamycin.
+ Thuốc quinin.
Những người có triệu chứng của bệnh babesiosis được xác nhận nhiễm Babesia thường cần dùng thuốc chống ký sinh trùng trong 7 đến 10 ngày (thường là atovaquone cộng với azithromycin hoặc clindamycin cộng với quinine). Đối với bệnh nhân bị bệnh, việc điều trị thường bao gồm ít nhất một liệu trình 7 đến 10 ngày với hai loại thuốc theo toa, thường thì thời gian điều trị sẽ dài hơn ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Các kết hợp điển hình là:
+ Atovaquone phối hợp với Azithromycin (ưu tiên).
+ Clindamycin phối hợp với Quinine (thay thế).
Hướng dẫn năm 2020 của IDSA về Chẩn đoán và Quản lý bệnh Babesia và liệt kê liều dùng hàng ngày thông thường cho người lớn.
- Bệnh nhân mắc bệnh nhẹ đến trung bình đang điều trị ngoại trú

Liều dùng cho người lớn (thường điều trị ít nhất 7 – 10 ngày).

  • Phác đồ ưu tiên: Uống Atovaquone 750mg (cùng với bữa ăn nhiều chất béo) mỗi 12 giờ phối hợp với uống Azithromycin với liều 500mg/ngày vào ngày đầu tiên, 250mg/ngày những ngày tiếp theo.
  • Phác đồ thay thế: Uống Clindamycin 600 mg mỗi 8 giờ phối hợp Quinine

650 mg uống mỗi 8 giờ.

- Bệnh nhân nhập viện với bệnh cấp tính nghiêm trọng.

Liều dùng cho người lớn: 

  • Phác đồ ưu tiên: Atovaquone 750 mg uống mỗi 12 giờ phối hợp Azithromycin 500 mg tiêm tĩnh mạch mỗi 24 giờ.
  • Phác đồ thay thế: Clindamycin 600 mg tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ phối hợp Quinin sulfat 650mg uống mỗi 8 giờ.

Sau khi các triệu chứng thuyên giảm với một trong hai phác đồ, bệnh nhân nên chuyển sang tất cả các loại thuốc uống với liều lượng tương tự như trong điều trị ngoại trú. Tiếp tục liệu pháp để hoàn thành tổng cộng 7 đến 10 ngày điều trị.

- Ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, hầu hết các triệu chứng thường biến mất và xét nghiệm máu trở nên âm tính trong quá trình điều trị tiêu chuẩn kéo dài 7-10 ngày.

- Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, có thể cần điều trị trong ít nhất 6 tuần liên tiếp hoặc lâu hơn. Có thể cần bắt đầu bằng một phác đồ được khuyến nghị cho bệnh nhân nằm viện, sau đó là một phác đồ được khuyến nghị cho bệnh nhân ngoại trú. Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch cần theo dõi chặt chẽ về mặt lâm sàng và xét nghiệm. Nên lấy mẫu máu ngoại vi hàng ngày cho đến khi tỷ lệ ký sinh trùng dưới 4%, sau đó thực hiện ít nhất một lần mỗi tuần. Nên tiếp tục điều trị cho đến khi không còn phát hiện thấy ký sinh trùng trên mẫu máu trong 2 tuần liên tiếp. Khi sử dụng azithromycin đường uống, nên cân nhắc liều dùng hàng ngày 500–1000 mg.

Một số bệnh nhân bao gồm cả những người mắc bệnh nặng, có thể chăm sóc hỗ trợ, bao gồm:

  • Thuốc hạ sốt.
  • Thuốc vận mạch (nếu huyết áp thấp và không ổn định).
  • Truyền máu.
  • Trong những trường hợp đe dọa tính mạng, truyền máu thay thế có thể được thực hiện để làm giảm lượng hồng cầu có chứa ký sinh trùng Babesia (thường được sử dụng với tình trạng ký sinh trùng trong máu cao trên 10% hoặc tình trạng ký sinh trùng trong máu trung bình đến cao cùng với tình trạng thiếu máu tan máu nghiêm trọng hoặc suy giảm chức năng phổi, thận hoặc gan.

Tránh bị ve cắn là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh Babesiosis, trong trường hợp bị ve cắn hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Babesia hãy đến bệnh viện ngay để được bác sĩ tư vấn và điều trị sớm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

Liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 hoặc đặt lịch ngay để được các bác sĩ truyền nhiễm tư vấn ngay khi ban có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Babesia.


Tài liệu tham khảo:

  • Hướng dẫn của thực hành lâm sàng của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) 2020 về chẩn đoán và quản lý bệnh Babesiosis
  • https://www.taylorfrancis.com/chapters/edit/10.1201/9781351070027-6/pathogenesis-babesiosis-wright-goodger?context=ubx
  • https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1567134812002365
  • https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/nejmoa1600897
  • http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1185&ID=3510
  • https://www.msdmanuals.com/vi/professional/b%E1%BB%87nh-truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/%C4%91%E1%BB%99ng-v%E1%BA%ADt-%C4%91%C6%A1n-b%C3%A0o-ngo%C3%A0i-ru%E1%BB%99t/b%E1%BB%87nh-do-babesia
  • https://en.wikipedia.org/wiki/Babesia
  • https://www.pathologyoutlines.com/topic/parasitologybabesia.html
  • https://www.cdc.gov/babesiosis/about/index.html
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24809-babesiosis
  • https://www.health.nsw.gov.au/Infectious/factsheets/Pages/babesiosis.aspx
  • https://health.ny.gov/diseases/communicable/babesiosis/fact_sheet.htm
  • https://www.cdc.gov/babesiosis/hcp/clinical-care/index.html#:~:text=For%20ill%20patients%2C%20treatment%20usually,clindamycin%20PLUS%20quinine*%20(alternative)
  • https://academic.oup.com/view-large/263858713?login=false


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ