Bác sĩ: BSCKI Hồ Mạnh Linh
Chuyên khoa: Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm: 05 năm
Bàng quang thần kinh là gì?
Các bất thường gây tổn thương chấn thương thần kinh trung ương (não) tuỷ sống gây ra những rối loạn trong việc tiểu tiện và kiểm soát bàng quang được gọi là hội chứng bàng quang thần kinh. Tổn thương dây thần kinh cũng có thể là kết quả của các bệnh như đa xơ cứng (MS), bệnh Parkinson hoặc bệnh tiểu đường. Nó cũng có thể do viêm não màng não, viêm tuỷ cắt ngang, nhiễm độc kim loại nặng, tai biến mạch não, chấn thương cột sống hoặc phẫu thuật vùng tiểu khung ổ bụng. Bất thường tuỷ sống bẩm sinh như nứt đốt sống cũng có thể ảnh hưởng đến bàng quang.
Các dây thần kinh trong cơ thể kiểm soát cách bàng quang lưu trữ hoặc thải nước tiểu và các vấn đề với các dây thần kinh này gây ra bàng quang tăng hoạt(OAB), tiểu không tự chủ, bàng quang kém hoạt động (UAB) hoặc bàng quang tắc nghẽn.
Bàng quang thần kinh
Giải phẫu hệ tiết niệu
Bàng quang và thận là 2 phần của hệ tiết niệu. Đây là những cơ quan tạo ra, lưu trữ và thải nước tiểu. Khi hệ tiết niệu hoạt động tốt, thận sẽ tạo ra nước tiểu và dẫn vào bàng quang. Bàng quang là một cơ quan hình quả bóng có vai trò như một bộ phận lưu trữ nước tiểu. Nó được giữ cố định bởi các dây chằng và các hệ cơ xương tiểu khung
Khi bàng quang chưa đầy nước tiểu, cơ bàng quang không co bóp. Các tín hiệu thần kinh từ bàng quang phản hồi về não qua tuỷ sống. Nước tiểu trong bàng quang đầy dẫn cũng kích thích các thụ cảm này, não chi phối cảm giác mót tiểu và hoạt động đi tiểu bằng cách co bóp cơ bàng quang và mở cơ thắt niệu đạo. Ép nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ cơ thể bệnh nhân. Niệu đạo của bệnh nhân có các cơ được gọi là cơ thắt. Chúng giúp giữ cho niệu đạo đóng lại để nước tiểu không bị rò rỉ trước khi bệnh nhân sẵn sàng đi vệ sinh.
Bàng quang và hệ thần kinh phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động lưu giữ nước tiểu và đi tiểu. Nếu các dẫn truyền thần kinh gián đoạn hoặc kích thích bất thường sẽ dẫn đến hoạt động bất thường của bàng quang. Kết quả là hoạt động đi tiểu của bàng quang không theo đúng tình trạng nước tiểu trong bàng quang. Bàng quang tăng hoạt là khi có cảm giác buồn tiểu gấp khi chưa có nhiều nước tiểu trong bàng quang. Tiểu không tự chủ khi bàng quang không giữ được nước tiểu do cơ thắt không hoạt động.
Bàng quang tăng hoạt là khi có cảm giác buồn tiểu gấp khi chưa có nhiều nước tiểu trong bàng quang
Tình trạng bàng quang giảm hoạt động khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà không có cảm nhận hoạt động đi tiểu. Các cơ thắt có thể vẫn co thắt ngay cả khi bệnh nhân đang cố gắng đi tiểu. Một số người có cả 2 rối loạn tăng hoạt và giảm hoạt của bàng quang.
Các triệu chứng của bàng quang thần kinh rất thay đổi tuỳ từng người bệnh. Chúng cũng phụ thuộc vào loại tổn thương thần kinh mà người đó mắc phải. Một số người có cả 2 rối loạn tăng hoạt và giảm hoạt của bàng quang.Những người bị đa xơ cứng, tai biến mạch não thường gặp cả tăng hoạt và giảm hoạt bàng quang. Các triệu chứng gồm:
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nước tiểu ứ đọng hoặc trào ngược có thể gây viêm tiết niệu tái phát. Tác nhân thường găp nhất là do vi khuẩn ngoài ra có thể có virus hoặc nấm phát triển trong đường tiết niệu.
Tiểu són, tiểu rỉ, tiểu không tự chủ hoặc tiểu dắt tiểu nhiều lần trong bàng quang tăng hoạt
Đọc thêm bài “Hội chứng bàng quang tăng hoạt”.
Bí tiểu do bàng quang kém hoạt động
Ở những người có bàng quang kém hoạt động (thường thấy với bệnh tiểu đường, MS, bại liệt, giang mai hoặc phẫu thuật vùng chậu lớn), cơ bàng quang có thể không co bóp khi cần thiết. Hoặc có sự co thắt bất thường của các cơ thắt cổ bàng quang. Khiến bệnh nhân không đi tiểu được ngay cả khi mót tiểu. Mức độ bất thường có thể từ tắc nghẽn gây dòng tiểu yếu hoặc gián đoạn đến mức bí tiểu hoàn toàn.
Bí tiểu do bàng quang kém hoạt động
Suy giảm chất lượng cuộc sống do bàng quang thần kinh
Các triệu chứng khó chịu của bàng quang thần kinh có thể khiến cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm trầm trọng. Các công việc trong cuộc sống thường ngày bị gián đoạn rất nhiều do những triệu chứng tiểu rỉ, tiểu vội, bí tiểu. Bệnh nhân có thể sợ ra ngoài vì không tìm được nhà vệ sinh khi cần. Bàng quang thần kinh cũng tác động xấu đến công việc và các mối quan hệ. Bệnh nhân có thể cảm thấy cô đơn, lo âu thậm chí trầm cảm. Các vấn đề nhiễm trùng hoặc khó chịu do tiểu rỉ cũng gây ra nhiều phiền phức.
Hãy trao đổi với bác sĩ để có được những lời khuyên sức khoẻ phù hợp, thăm khám và tìm ra nguyên nhân giải thích cho các triệu chứng đang có. Nhiễm trùng tiết niệu, sỏi tiết niệu hoặc các bất thường giải phẫu khác của hệ tiết niệu cũng có thể có các triệu chứng tương tự với bàng quang thần kinh. Chẩn đoán và điều trị sớm cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng.
Tiền sử, bệnh sử
Các bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi để khai thác tiền sử và diễn biến triệu chứng của bệnh nhân. Các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng cũng sẽ được bác sĩ tìm hiểu. Chế độ ăn và uống nước của bệnh nhân cũng giúp ích trong chẩn đoán.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ thăm khám bệnh nhân để tìm kiếm những dấu hiệu có thể gây ra các triệu chứng của bệnh nhân.
Nhật ký bàng quang
Bệnh nhân có thể được yêu cầu ghi nhật ký bàng quang - một bảng ghi chép mà bệnh nhân sẽ ghi lại tần suất bệnh nhân đi vệ sinh và bất kỳ thời điểm nào bệnh nhân bị rò rỉ nước tiểu. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá kỹ càng triệu chứng và phân loại bệnh dựa trên các bảng điểm dựa trên nhật ký bàng quang.
Các xét nghiệm hoặc thăm dò khác:
- Cấy nước tiểu: Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân để lại một mẫu nước tiểu để xét nuôi cấy xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Cấy nước tiểu
- Siêu âm bàng quang: đáng giá dung tích bàng quang và thể tích nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu.
- Nội soi bàng quang: thủ thuật đưa ống nội soi qua niệu đạo và bàng quang đánh giá các hình ảnh bên trong niệu đạo, bàng quang và các dữ kiện khác
- Thăm dò niệu động học: Gồm một số thăm dò chuyên sâu đánh giá khả năng giữ nước tiểu, động học dòng nước tiểu, nước tiểu tồn sư và khả năng co bóp của các nhóm cơ.
- Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ có thể cần thực hiện các thăm dò hình ảnh bổ sung như chụp X-quang và chụp CT để chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân. Bệnh nhân cũng có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để kiểm tra các vấn đề về tuỷ sống và não.
Bàng quang thần kinh là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng khi nó được theo dõi chặt chẽ và điều trị theo cách tốt nhất, bệnh nhân có thể thấy những cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống của họ.
Điều trị cụ thể cho bàng quang thần kinh sẽ do bác sĩ cân nhắc và quyết định dựa trên:
- Tiền sử bệnh lý
- Thể trạng, tuổi
- Loại tổn thương thần kinh
- Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng
- Đáp ứng điều trị với từng phương pháp
Có một số chồng chéo trong việc điều trị bàng quang tăng hoạt và giảm hoạt. Bàng quang thần kinh có thể phải điều trị rất phức tạp. Khi được bác sĩ đưa ra các lựa chọn điều trị, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bản thân.
Điều trị bàng quang tăng hoạt
Điều trị bàng quang kém hoạt động
Bàng quang kém hoạt động là tình trạng bệnh nhân không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu. Bệnh nhân có thể gián đoạn trước khi nước tiểu chảy ra, hoặc bệnh nhân có thể phải rặn mạnh nước tiểu ra ngoài. Dòng tiểu khi đi tiểu rất yếu, có thể chỉ nhỏ giọt. Các lựa chọn điều trị cho các triệu chứng bàng quang kém hoạt động được liệt kê dưới đây.
- Thay đổi lối sống
Một số liệu pháp này cũng giống như đối với bàng quang tăng hoạt, và một lần nữa, thường là liệu pháp đầu tiên được sử dụng để điều trị bàng quang thần kinh. Chúng bao gồm những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày để giúp kiểm soát các triệu chứng.
+ Đi vệ sinh theo lịch trình: Với biện pháp này, bệnh nhân tuân theo một lịch trình hoạch định sẵn về thời gian cũng như khoảng cách giữa các lần đi tiểu. Đến thời điểm đi tiểu trong ngày bệnh nhân cần đi tiểu luôn không đợi đến khi mót tiểu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh hiện tại mà bác sĩ sẽ đưa ra lịch trình cụ thể cho từng bệnh nhân.
+ Đi tiểu lần 2: Sau khi đi tiểu, bệnh nhân nghỉ ngơi trong một vài phút sau đó đi tiểu lần thứ 2 sớm hơn để làm trống nốt bàng quang.
+ Nhật ký bàng quang: Viết ra giấy khi bệnh nhân đi vệ sinh trong vài ngày có thể giúp bệnh nhân và bác sĩ hiểu rõ hơn các triệu chứng. Một cuốn nhật ký bàng quang có thể giúp cho bệnh nhân thấy một số yếu tố mà làm cho các triệu chứng của bệnh nhân tồi tệ hơn. Ví dụ, các triệu chứng của bệnh nhân có tồi tệ hơn sau khi ăn hoặc uống một loại thực phẩm nào đó không? Chúng có tệ hơn khi bệnh nhân không uống nhiều nước hay không?
+ Thay đổi chế độ ăn uống: Hạn chế các thức ăn đồ uống đã biết là gây kích ứng bàng quang. Cà phê, trà, rượu, soda, nước ngọt có ga, trái cây có múi giàu acid citric và đồ ăn cay có thể gây kích thích bàng quang. Một số bệnh nhân có bàng quang kém hoạt động có thể thấy tình trạng của họ được cải thiện khi sử dụng các phương pháp điều trị theo lối sống. Tuy nhiên, nhiều người có thể cần điều trị hỗ trợ trước khi các triệu chứng thuyên giảm.
Hạn chế các thức ăn đồ uống đã biết là gây kích ứng bàng quang
- Thuốc
Thuốc có thể được kê đơn nếu thay đổi lối sống không giúp cải thiện. Bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để tìm kiếm những thay đổi và bất kỳ tác dụng phụ nào của những loại thuốc kê đơn. Để có được kết quả tốt nhất, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân dùng các liều lượng thuốc khác nhau, hoặc bệnh nhân có thể được cung cấp một loại thuốc khác để thử. Đôi khi liệu pháp thay đổi lối sống sẽ được sử dụng cùng với thuốc.
- Đặt sonde dẫn lưu bàng quang
Sonde dẫn lưu niệu đạo bàng quang được đặt khi bí tiểu cấp đe doạ biến chứng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quản.
Sonde tiểu ngắt quãng tại nhà: Đây là điều bệnh nhân có thể tự học để thực hiện. Tùy thuộc vào các triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm điều này 3 đến 4 lần một ngày, chỉ để nó đủ lâu để làm rỗng bàng quang của bệnh nhân. Đôi khi việc đặt sonde bàng quang ngắt quãng có thể giúp cải thiện chức năng bàng quang sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, phương pháp có thể khó thực hiện đối với một số người bị tổn thương thần kinh trung ương.
Đặt ống thông liên tục: Một số bệnh nhân có thể được chèn một loại ống thông khác để thoát nước tiểu liên tục
- Phẫu thuật:
Phẫu thuật được sử dụng để điều trị một số bệnh nhân có loại bàng quang kém hoạt động kém đáp ứng.
+ Cơ thắt nhân tạo: Thiết bị này giúp điều trị chứng tiểu không tự chủ nghiêm trọng khi cơ thắt của bệnh nhân không hoạt động bình thường. Cần phải phẫu thuật để đặt vòng bít cơ vòng quanh niệu đạo nối với một công tắc điều khiển được đặt dưới da ở bìu hoặc môi âm hộ. Công tắc được bệnh nhân chủ động sử dụng để mở cơ vòng và cho phép bệnh nhân đi tiểu.
+ Dẫn lưu bàng quang vĩnh viễn đặt ống thông bàng quang qua da trên xương mu.
+ Mở rộng bàng quang: Một phần đại tràng được khâu nối để tăng kích thước của bàng quang và giúp nó lưu trữ nhiều nước tiểu hơn.
+ Cắt cơ thắt.
- Điều trị khác:
Nếu những phương pháp điều trị này không giúp ích, bác sĩ nên gửi bệnh nhân đến một chuyên gia chuyên sâu, chẳng hạn như một bác sĩ tiết niệu, người có thể chuyên về bàng quang hoặc chứng tiểu không kiểm soát do thần kinh. Một chuyên gia có thể đưa ra các xét nghiệm và phương pháp điều trị khác. Các lựa chọn điều trị được cung cấp cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh của bệnh nhân và các triệu chứng bệnh nhân có.
Mục tiêu của điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương thận. Những bệnh nhân có bàng quang thần kinh và có các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức sẽ có các lựa chọn điều trị khác với những bệnh nhân có các triệu chứng bàng quang kém hoạt động. Bất kể nguyên nhân là gì, các phương pháp điều trị đều tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Tayyeb M, Tadi P. Neurogenic Bladder. StatPearls. 2021.
2. Goldmark E, Niver B, Ginsberg DA. Neurogenic bladder: from diagnosis to management. Curr Urol Rep. 2014
3. Hamid R et al. Epidemiology and pathophysiology of neurogenic bladder after spinal cord injury. World J Urol. 2018
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!