Từ điển bệnh lý
Bệnh ấu trùng da : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Bệnh ấu trùng da
Bệnh ấu trùng da di chuyển (thuật ngữ khoa học là Cutaneous larval migrans) còn có tên gọi là Bệnh ấu trùng di chuyển dưới da hoặc bệnh viêm da do ấu trùng. Đây là bệnh thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm ở người chủ yếu do ấu trùng giun móc chó/mèo (Ancylostoma braziliense, Ancylostoma caninum) gây nên.
Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương hở ở da, ký sinh ở ngay lớp thượng bì da và khi di chuyển tạo nên các đường gồ lượn sóng, ngoằn ngoèo dưới bề mặt da có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Triệu chứng chủ yếu khi nhiễm bệnh là ngứa ngáy và khó chịu hoặc có thể nhiễm trùng tại vị trí ấu trùng xâm nhập. Vì vậy bệnh ấu trùng da di chuyển cần được thăm khám và điều trị để tránh các tác hại xấu đến sức khỏe.
Triệu chứng điển hình khi có ấu trùng di chuyển dưới da
Dịch tễ
Bệnh ấu trùng da di chuyển phân bố nhiều nơi trên thế giới nhưng thường gặp ở các nước có khí hậu nóng ẩm trong đó có Việt Nam. Đây là những nước có điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của tác nhân gây bệnh là ấu trùng giun móc chó/mèo khi ở trong môi trường đất, cát.
Ai cũng có thể có nguy cơ nhiễm bệnh đặc biệt những người thường xuyên có tiếp xúc với đất, cát, phân chó/mèo chứa ấu trùng giun móc chó/mèo. Sau khi nhiễm bệnh và điều trị khỏi, chúng ta vẫn có khả năng tái nhiễm vì cơ thể không có miễn dịch lâu dài với bệnh này.
Nguyên nhân Bệnh ấu trùng da
Ấu trùng di chuyển dưới da chủ yếu là ấu trùng giun móc chó/mèo, nên đây chính là tác nhân gây bệnh chính.
Nguồn bệnh chính là chó, mèo bị nhiễm bệnh giun móc (vật chủ chính).
Ấu trùng giun móc chó/mèo xâm nhập, lây truyền vào cơ thể qua da, niêm mạc.
Vòng đời phát triển của ấu trùng giun móc chó/mèo.
Ấu trùng có thể tồn tại qua nhiều tháng ở điều kiện lý tưởng, vòng đời của ấu trùng giun móc chó/mèo được thể hiện qua sơ đồ sau:
1) Giun móc ký sinh trong ruột non chó/mèo. Sau khi trưởng thành, giun cái sẽ đẻ trứng, trứng giun móc theo phân của chó, mèo ra ngoài môi trường.
2-3) Ở điều kiện thuận lợi ngoài môi trường đất, cát: sau 1-2 ngày, trứng nở và phát triển thành ấu trùng hình que và sau 5-10 ngày, ấu trùng lột xác thành hình sợi..
Ấu trùng có thể tồn tại từ 3-4 tuần trong điều kiện môi trường lý tưởng và có khả năng lây nhiễm vào các vật chủ chính (chó/mèo) hoặc vật chủ trung gian (người).
5) Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể chó/mèo sẽ ký sinh ở ruột non, gây bệnh giun móc ở chó/mèo.
6) Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể con người, ký sinh dưới da, di chuyển trong lớp thượng bì gây bệnh ấu trùng da di chuyển.
Giun móc chó/mèo chỉ ký sinh trong ruột non của chó/mèo; con người chỉ là vật chủ trung gian nên ấu trùng giun móc chó/mèo không thể phát sinh thành giun móc trưởng thành trong cơ thể người, chúng chỉ có thể tồn tại ở dạng ấu trùng và ký sinh ở dưới da con người.
Triệu chứng Bệnh ấu trùng da
Ấu trùng giun móc chó/mèo khi xâm nhập và di chuyển dưới da gây ra các phản ứng viêm dọc theo đường đi ở da. Cơ thể con người sẽ có những phản ứng với sự xâm nhập này tùy vào số lượng ấu trùng xâm nhập hoặc sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người. Một số triệu chứng lâm sàng khi nhiễm ấu trùng da di chuyển như:
- Ngứa (trên 90% bệnh nhân có triệu chứng).
- Vết sẩn đỏ tại những nơi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như: bàn tay, chân, mông, thân hoặc bộ phận sinh dục (các vùng da hở, có tổn thương và có tiếp xúc với đất, cát, phân).
- Vài ngày sau khi ấu trùng xâm nhập, sẽ nhìn thấy một hay nhiều đường hầm ngoằn ngoèo, có gồ nhẹ, gồ cao hơn mặt da xung quanh, dài thêm 10-20 mm mỗi ngày tương ứng với đường ấu trùng di chuyển dưới bề mặt da.
Đây là giai đoạn gây ngứa nhiều nhất, người bệnh khó chịu có thể gãi ngứa nhiều và gây tổn thương da tại vị trí gãi.
- Một số tổn thương khác có thể gặp như: mụn nước, bọng nước, sưng đỏ, phù nề tại chỗ.
- Có thể có nhiễm trùng tại chỗ (vị trí ấu trùng xâm nhập) hoặc người bệnh gãi mạnh gây nên các tổn thương ở da.
Bệnh ấu trùng da di chuyển có thể hết triệu chứng trong 2-8 tuần dù không điều trị. Trong một số trường hợp, ấu trùng tồn tại lâu dài dưới lớp da trong cơ thể, các triệu chứng trên có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Các biến chứng Bệnh ấu trùng da
- Biến chứng thường gặp khi bị bệnh ấu trùng da di chuyển là nhiễm trùng tại vị trí có ấu trùng xâm nhập.
- Một số ít trường hợp đặc biệt người bệnh có thể gặp biến chứng tại phổi do loại ấu trùng sau khi xâm nhập và di chuyển dưới da sẽ tiếp tục di chuyển vào máu, sau đó đến ký sinh tại phổi gây…
- Bệnh gây tổn thương dưới nang lông, gây ngứa ngáy dữ dội. Nếu không được điều trị, triệu chứng của bệnh có thể kéo dài, dẫn đến những tổn thương trên da, nốt sần hoặc sẹo gây mất thẩm mỹ, dẫn đến tự ti về ngoại hình.
Đối tượng nguy cơ Bệnh ấu trùng da
Bệnh ấu trùng da di chuyển có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, song có những đối tượng có khả năng cao nhiễm bệnh ấu trùng da di chuyển hơn, ví dụ như:
- Trẻ em thường xuyên chơi ở khu đất, cát ẩm hoặc chơi với chó, mèo không được vệ sinh kỹ.
- Người có thói quen đi chân đất trong khu vực đất, cát có khả năng chứa phân chó, mèo.
- Người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh: người nuôi chó, mèo bị bệnh giun móc, người chăm sóc thú nuôi, người làm trồng trọt, chăn nuôi thường xuyên tiếp xúc với đất, cát ẩm.
Phân chó, mèo, đất, cát ẩm là nguồn lây bệnh ấu trùng da di chuyển
Phòng ngừa Bệnh ấu trùng da
Bệnh ấu trùng da di chuyển là bệnh truyền nhiễm ở người do ấu trùng giun móc chó/mèo gây nên, vì vậy các biện pháp phòng ngừa chủ yếu dựa vào việc hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Một số biện pháp dự phòng như:
- Tẩy giun cho chó, mèo, vật nuôi trong nhà (định kỳ 6-12 tháng/lần). Khi chó mèo bị mắc các bệnh giun sán, cần điều trị triệt để.
- Thường xuyên tắm rửa cho chó mèo, vật nuôi.
- Hạn chế tiếp xúc với phân chó, mèo hoặc đất, cát có dính phân chó mèo, đặc biệt là chó/mèo đang mắc các bệnh giun sán.
- Khi đang có vết thương hở ở bàn tay, chân, hoặc các vị trí cơ thể dễ tiếp xúc cần lưu ý hạn chế chơi cùng chó, mèo hoặc nghịch đất, cát có khả năng chứa phân chó mèo, đặc biệt là ở trẻ em.
Lưu ý khi cho trẻ em chơi cùng chó mèo, đặc biệt là chó/mèo bị bệnh
Trước đây, bệnh ấu trùng di chuyển dưới da thường xuất hiện tại vùng nông thôn hoặc những người trồng trọt, chăn nuôi thường xuyên đi chân không khi tiếp xúc với đất, cát, phân chó mèo. Ngày nay, nhiều trường hợp bệnh xuất hiện ở đô thị, những người nuôi chó/mèo cảnh hoặc người thường xuyên chơi với chó/mèo đều có khả năng nhiễm bệnh.
Các biện pháp chẩn đoán Bệnh ấu trùng da
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ kết hợp quan sát triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm và tiền sử dịch tễ, yếu tố nguy cơ để có thể đưa ra chẩn đoán xác định về bệnh ấu trùng da di chuyển.
Các cận lâm sàng có thể được chỉ định như:
- Xét nghiệm máu: kiểm tra các chỉ số liên quan đến công thức máu, sinh hóa máu và tìm kháng thể của bệnh.
- Sinh thiết da: lấy mẫu bệnh phẩm từ vùng da tổn thương, xét nghiệm kiểm tra xem có ấu trùng hay không.
- Siêu âm phần mềm quanh vị trí tổn thương: thấy hình ảnh tổn thương dưới bề mặt da (mảnh ấu trùng) hoặc phát hiện các đường hầm giảm âm ở da không nhìn thấy bằng mắt thường.
Chẩn đoán:
- Ca bệnh nghi ngờ là người bệnh có yếu tố dịch tễ (tiếp xúc với đất, cát có nhiễm phân chó, mèo) và triệu chứng lâm sàng: có vết sẩn đỏ, ngứa hoặc có bọng nước, có đường hầm ngoằn ngoèo di chuyển, gồ cao trên mặt da.
- Ca bệnh xác định: là ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ ở trên và có kết quả xét nghiệm
+ Xét nghiệm công thức máu: chỉ số bạch cầu ái toan tăng.
+ Kết quả sinh thiết da: Có ấu trùng giun móc chó/mèo.
Ngoài ấu trùng giun móc chó/mèo xâm nhập vào da gây bệnh ấu trùng da di chuyển, các loại ấu trùng giun khác khi xâm nhập vào cơ thể cũng tạo nên một số triệu chứng tương tự, vì vậy người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như:
- Ấu trùng giun lươn: khi chui qua da tạo thành các nốt mề đay, dát sẩn ngoằn ngoèo, nhô cao, ngứa, bệnh diễn biến nhanh
- Ấu trùng giun đầu gai: tổn thương trên da là những u cục to nhỏ không đều có tính di chuyển, ngứa.
Các biện pháp điều trị Bệnh ấu trùng da
Bệnh ấu trùng da di chuyển có thể tự khỏi sau từ 4 đến 8 tuần, rất ít trường hợp có biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ rút ngắn thời gian gây bệnh và giảm triệu chứng ngứa, khó chịu.
Mục tiêu điều trị: Diệt ấu trùng ký sinh dưới da, giảm triệu chứng (chủ yếu là ngứa) và phòng nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ.
Điều trị đặc hiệu: Diệt ấu trùng dưới da bằng các thuốc tẩy giun sán, ấu trùng với các loại thuốc uống hoặc bôi tại chỗ như Albendazol, Ivermectin hay Thiabendazol.
Các thuốc trên được bác sĩ kê liều lượng phù hợp với tình trạng nhiễm bệnh và bệnh đi kèm, cân nặng khác nhau trên các đối tượng nhiễm bệnh khác nhau.
Cần tuân thủ chỉ định và chống chỉ định của thuốc, đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc những người bệnh có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với thành phần của thuốc.
Điều trị triệu chứng: tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng để sử dụng các thuốc kết hợp cho phù hợp như thuốc: kháng sinh, kháng histamin, corticoid, chống phù nề.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý vệ sinh vùng da bị bệnh sạch sẽ hàng ngày để chống nhiễm khuẩn, đồng thời nâng cao sức khỏe, phối hợp điều trị các bệnh kèm.
Theo dõi: sau điều trị bằng thuốc đặc hiệu 1 tháng, người bệnh cần tái khám để kiểm tra các chỉ số xét nghiệm máu và triệu chứng lâm sàng.
Người bệnh được đánh giá là khỏi bệnh ấu trùng di chuyển dưới da khi các tổn thương đã khô, vết ấu trùng di chuyển chuyển sang màu thâm đen, bong vảy, hết ngứa và các chỉ số xét nghiệm trở về mức bình thường.
Bệnh ấu trùng da di chuyển ít gặp trên lâm sàng, bệnh có những dấu hiệu điển hình không khó để phát hiện song cũng có nhiều trường hợp người bệnh bỏ qua, thăm khám muộn nên có thể nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế MEDLATEC để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh viêm da do ấu trùng giun móc chó/ mèo ở người, Ban hành theo quyết định số: 1803/QĐ-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
