Từ điển bệnh lý

Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than được liệt vào danh sách bệnh nghề nghiệp do người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với than khoáng và được biết đến rộng rãi từ năm 1831 trên thế giới với tên gọi “bệnh phổi đen". Các nghiên cứu ở Anh, Mỹ đã chỉ ra được mối liên hệ giữa việc tiếp xúc của công nhân với bụi than và bệnh bụi phổi than. Tại nhiều nước, những người lao động bị mắc bệnh bụi phổi than đã được ghi nhận đền bù độc hại do yếu tố bệnh nghề nghiệp.

Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

 

Các số liệu liên quan đến bệnh bụi phổi than tại Việt Nam:

- Ngành khai thác than vốn là một trong những nhóm ngành đi đầu trong đóng góp vào ngân sách nhà nước, cung cấp việc làm cho 90.000 lao động, trong đó có 40.000 lao động tiếp xúc trực tiếp với bụi than (2004). Theo thống kê, tính tới năm 2007 có khoảng 554 công nhân bị chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi than.

- Theo khảo sát của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vào năm 2017, ước tính trên cả nước có khoảng nửa triệu người lao động đã từng tiếp xúc với bụi than, trong đó có hơn 20.000 người mắc bệnh và đa phần là mắc bụi phổi than nhưng chỉ được giám định là bị bệnh bụi phổi silic. 

- Đến năm 2014, Việt Nam đã công nhận bệnh bụi phổi than. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích chính đáng cho những người công nhân làm việc trong ngành than. 


Nguyên nhân Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Nguyên nhân dẫn đến việc bị mắc bệnh bụi phổi của công nhân ngành than là do người bệnh hít phải bụi chứa nồng độ cacbon cao, thường thấy ở than, nhựa đường, ít khi gặp ở than chì. Bên cạnh đó trong quá trình khai thác các mỏ than lộ thiên còn có bụi silic, gây nên bệnh bụi phổi than kết hợp với bệnh bụi phổi silic.

mắc bệnh bụi phổi của công nhân ngành than là do người bệnh hít phải bụi chứa nồng độ cacbon cao

Khi các hạt bụi được hít vào phổi sẽ bị các đại thực bào nuốt vào, chúng giải phóng các chất trung gian hóa học (gọi là cytokine) gây ra phản ứng viêm, tuy nhiên việc tích tụ các hạt này lâu dần sẽ tạo ra các “nốt than” trong khoảng dẽ của phổi. Việc nốt than phát triển cùng với tình trạng viêm mạn tính kéo dài sẽ làm tích lũy các sợi collagen, lâu dần tạo thành các sợi xơ làm biến dạng cấu trúc phổi ban đầu hoặc hạn chế chức năng của phổi.

Các nốt than có thể đơn độc hoặc dính với nhau thành chuỗi hay khối, thường gặp ở thùy trên của phổi. Khi các khối đủ lớn, chúng có thể xâm lấn và phá hủy mạch máu hay tạo các hang, kén khí. bệnh bụi phổi có thể tiếp diễn ngay cả khi đã ngừng tiếp xúc với bụi than, bụi silic.


Triệu chứng Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Cần một thời gian dài để hình thành bệnh bụi phổi than. Do đó, ở cả thể bệnh bụi phổi than đơn thuần và bệnh bụi phổi có biến chứng đều không gây ra triệu chứng, nếu có cũng chỉ biểu hiện qua sự giảm nhẹ chức năng ở phổi. Phần lớn những triệu chứng của bệnh phổi mạn tính ở công nhân ngành than đến từ những yếu tố khác, ví dụ như bệnh viêm phế quản công nghiệp do bụi than, hoặc tình trạng khí thũng ngẫu nhiên ở những người nghiện thuốc lá. Triệu chứng ho mạn tính kéo dài cả khi người bệnh đã rời khỏi nơi làm việc, chuyển công tác hoặc khi đã bỏ hút thuốc. 

Ở giai đoạn bệnh đã tiến triển, người bệnh có thể sẽ gặp những dấu hiệu như sau:

  • Ho, khạc ra đờm có màu đen. Lý do là vì các tổn thương xơ hóa mảng tiến triển  có trong các phế nang, phế quản bị bong, rách

Ho, khạc ra đờm có màu đen.Ho, khạc ra đờm có màu đen

  • Đôi khi cảm thấy khó thở, bị hụt hơi khi vận động thể lực. Ngay cả khi vận động nhẹ như đi bộ, leo cầu thang cũng thấy khó thở, hụt hơi
  • Bị nặng ngực

Các triệu chứng trên cũng có thể bị nhầm lẫn với những bệnh như bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm cúm. Tuy nhiên đối với những người đang hoặc đã từng làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với bụi than thường xuyên, các biểu hiện kéo dài, dai dẳng thì cần lưu ý và đi khám để được điều trị sớm.


Các biến chứng Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Dường như không thể chữa khỏi được bệnh bụi phổi than, bởi vì khi bệnh đã hình thành thì sẽ rất ít biểu hiện triệu chứng, khó phát hiện, từ đó bệnh tiến triển nặng dần gây nên hiện tượng xơ hoá phổi, không thể hồi phục. Bụi than khi hít vào sẽ tích tụ dần trong phổi, không được đẩy ra ngoài, lâu ngày sẽ gây nên các biến chứng bao gồm:

  • Tràn khí màng phổi tự phát
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Tâm phế mạn (suy tim do bị mắc bệnh phổi mạn tính)
  • Dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp khác như viêm phổi, lao phổi, thậm chí nghiêm trọng hơn là bị ung thư phổi, hoại tử phổi, đặc biệt là khi kết hợp với thói quen hút thuốc lá.
  • Suy hô hấp, lao phổi sau vài năm phát triển bệnh

Đường lây truyền Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Tác nhân gây bệnh của bệnh bụi phổi than không phải là vi khuẩn, virus như các bệnh truyền nhiễm nên sẽ không lây cho người khác. Vì vậy khi tiếp xúc gần với các bệnh nhân bị bệnh phổi than hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân thì bạn cũng không có khả năng bị lây bệnh.


Đối tượng nguy cơ Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Những người lao động làm việc trong môi trường khai thác mỏ than, tiếp xúc trực tiếp với bụi than là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh bụi phổi than. Đặc biệt là những công nhân có thâm niên cao gắn bó với nghề này. Một số hoạt động tại khu mỏ dễ khiến người bệnh bị mắc:

  • Đào lò, khai thác mỏ than

Những người lao động làm việc trong môi trường khai thác mỏ than

  • Sử dụng than tại các lò luyện, lò nung, lò hơi
  • Chế biến, nghiền than
  • Sàng tuyển, vận chuyển than
  • Sản xuất điện cực than, khai thác graphit
  • Các nghề và công việc khác có tiếp xúc với bụi than

Phòng ngừa Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Hiện nay có rất nhiều công nhân làm việc trong môi trường khai thác than và đây là nguồn thu nhập chính nuôi sống cho gia đình họ, đôi khi rất khó để từ bỏ nghề này. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người làm việc trong môi trường bụi than thì đều sẽ bị mắc căn bệnh bụi phổi, điều quan trọng là biết cách phòng ngừa và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Các phương pháp hữu ích sau đây sẽ giúp người lao động có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh bụi phổi ngành than:

  • Sử dụng Khẩu trang, mặt nạ đồ bảo hộ lao động tại nơi làm việc để hạn chế khả năng hít phải quá nhiều bụi than

 

hình minh họa bảo hộ đầy đủ khi làm việc

  • Giữ mức độ bụi bẩn ở mức thấp nhất có thể, nơi làm việc cần được vệ sinh và giữ thông thoáng
  • Tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ tay, mặt và các vùng cơ thể tiếp xúc với bụi than sau khi làm việc và trước khi ăn uống
  • Duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, ngay cả khi chưa mắc bệnh. 
  • Không hút thuốc lá
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng một lần. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau đây thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.
    • Ho, khạc ra đờm có màu đen
    • Đôi khi cảm thấy khó thở, bị hụt hơi khi vận động thể lực
    • Bị nặng ngực

Các biện pháp chẩn đoán Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Chẩn đoán lâm sàng 

Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng của người bệnh:

  • Ho, khạc đờm đen nhiều trong thời gian dài (đờm đen là biểu hiện rõ nhất của người bị bụi phổi than)
  • Khó thở, đặc biệt là khi vận động gắng sức
  • Tức ngực

Tức ngực

Người bệnh khi có các triệu chứng trên cần đi khám và cung cấp thông tin tiền sử bệnh cũng như môi trường lao động cho bác sĩ. Thông qua những chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm khác để có thêm những tư liệu cần thiết về bệnh.

Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Chụp X-quang phổi: Chụp X-quang phổi sẽ thể hiện những tổn thương hiện có trên phổi của bệnh nhân, cụ thể như sau:
  • Có thể có những nốt mờ nhỏ, tròn đều mang ký hiệu s, t, u
  • Hình ảnh tổn thương nốt mờ nhỏ và tròn đều, ký hiệu p, q, r
  • Có thể gặp các đám mờ lớn A, B, C
  • Hình ảnh khí phế thũng có thể xuất hiện xung quanh đám mờ lớn, ở đáy phổi, hiển thị là những vùng sáng trong phổi
  • Chức năng hô hấp của bệnh nhân có thể bị biến đổi: rối loạn không khí tắc nghẽn - hoặc hạn chế hoặc hỗn hợp
  • Phương pháp cận lâm sàng khác:
    • Xét nghiệm đờm để tìm tinh thể than có trong đờm
    • Trong trường hợp cần khẳng định rõ hơn các tổn thương ở phổi thì sẽ thực hiện chụp phim cắt lớp phổi

Chẩn đoán bệnh bụi phổi than nhằm mục đích phân biệt với các bệnh về phổi khác như:

  • Bệnh bụi phổi silic
  • Bệnh Sarcoidosis
  • Bệnh Histoplasma (nấm phổi)
  • Bệnh bụi phổi amiang
  • Bệnh lao phổi
  • Bệnh Collagen (hệ thống tạo keo)
  • Bệnh viêm phế nang xơ hoá
  • Bệnh ung thư phổi thứ phát
  • Các bệnh phổi khác

Tất cả các phương tiện chẩn đoán bệnh bụi phổi của công nhân ngành than đều có thể thực hiện tại bệnh viện Medlatec như: Chụp Xquang tim phổi, chụp CT phổi điện tim, đo chức năng hô hấp hay các xét nghiệm đặc hiệu khác.


Các biện pháp điều trị Bệnh bụi phổi của công nhân ngành than

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh nhân bị bệnh bụi phổi than. Vì vậy chủ yếu là sẽ điều trị kiểm soát triệu chứng để bệnh không bị diễn tiến nặng thêm. Các biện pháp cần áp dụng cho người bệnh bụi phổi ngành than gồm có:

  • Vận dụng các liệu pháp cung cấp oxy khi người bệnh bị giảm oxy trong máu, giúp duy trì, phục hồi chức năng phổi
  • Lập kế hoạch rửa phổi cho bệnh nhân, phòng tránh quá trình xơ hoá và suy hô hấp phổi
  • Đối với những bệnh nhân bước sang giai đoạn rất nặng, người bệnh có thể phải ghép phổi để duy trì sự sống
  • Kết hợp với việc điều trị bằng các liệu pháp y khoa, bệnh nhân cần lưu ý về việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn để việc điều trị bệnh được hiệu quả:
    • Giữ gìn sức khoẻ của tim và phổi bằng cách: duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc, ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi, thường xuyên tập thể dục, tập phục hồi chức năng
    • Hàng năm nên tiến hành tiêm vắc xin ngừa cúm và có thể bổ sung thêm vắc xin phế cầu để hạn chế nguy cơ bị viêm phổi
    • Theo dõi tình trạng bệnh, tái khám theo chỉ định của bác sĩ để nắm được diễn tiến của bệnh
    • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh

Bệnh viện Medlatec có thể điều trị các đợt cấp hoặc bội nhiễm của bệnh bụi phổi của công nhân ngành than. Việc điều trị cần phối hợp cùng tập phục hồi chức năng của phổi.


Tài liệu tham khảo:
  • Bệnh bụi phổi than | Bộ Y Tế Phòng Chống Bệnh Nghề Nghiệp
  • Bệnh bụi phổi than | Bộ Y Tế Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp Và Môi Trường
  • Dịch tễ học bệnh bụi phổi than và kế hoạch rửa phổi trong công nhân nghành than tại tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam | 123doc
  • Bệnh bụi phổi – Phòng bệnh hơn chữa bệnh | Youmed

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ