Từ điển bệnh lý

Bệnh cầu thận màng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23-04-2025

Tổng quan Bệnh cầu thận màng

Bệnh thận màng (MN), còn được gọi là bệnh cầu thận màng, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, bệnh cầu thận màng là nguyên nhân thường gặp gây ra hội chứng thận hư. 

Ở khoảng 80% bệnh nhân, không có nguyên nhân tiềm ẩn nào gây ra bệnh cầu thận màng (MN nguyên phát), nguyên nhân là do tình trạng miễn dịch, đặc trưng bởi tình trạng dày lên của thành mao mạch cầu thận do lắng đọng phức hợp miễn dịch. Các trường hợp thứ phát còn lại có liên quan đến thuốc hoặc các bệnh khác như lupus ban đỏ hệ thống, nhiễm virus viêm gan hoặc khối u ác tính. 

Bệnh cầu thận màng được đặc trưng bởi sự có mặt của protein trong xét nghiệm nước tiểu, phù ngoại biên và nước tiểu có bọt. 

Để chẩn đoán căn bệnh này bác sĩ cần phải khai thác tiền sử, khám lâm sàng và sử dụng các xét nghiệm để hỗ trợ, trong đó sinh thiết thận được sử dụng để xác nhận chẩn đoán bệnh thận màng. 

Định nghĩa

Bệnh thận màng, còn được gọi là bệnh cầu thận màng, là một trong nhiều bệnh lý tổn thương tại cầu thận gây ra hội chứng thận hư. Bệnh được đặc trưng bởi protein niệu ồ ạt (trên 3,5 g/ngày) và biểu hiện lâm sàng là phù ngoại biên, tăng huyết áp, nước tiểu có bọt và các biểu hiện của hiện tượng huyết khối tắc mạch. Xét nghiệm cho thấy giảm albumin máu, rối loạn lipid máu và tổn thương thận cấp tính với creatinin tăng cao. 

Sự vắng mặt của hồng cầu và trụ hồng cầu khi xét nghiệm nước tiểu giúp bác sĩ phân biệt nó với các hội chứng viêm thận. Protein niệu trong bệnh cầu thận màng được cho là do tổn thương tế bào cầu thận và mất hàng rào điện tích anion của màng, gây ra albumin niệu. Điều này trái ngược với hội chứng viêm thận, liên quan đến quá trình viêm ở màng đáy cầu thận. 

Bệnh cầu thận màng có hai loại là:

  • Bệnh cầu thận màng nguyên phát (vô căn): Đây là tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Có tới 75% số người mắc loại này và nguyên nhân chính là do tự miễn.
  • Bệnh cầu thận màng thứ phát: Bệnh này thường thứ phát sau một bệnh lý khác hoặc tác dụng phụ của liệu pháp điều trị gây nên và hậu quả là ảnh hưởng đến thận của bạn. Khoảng 25% số người mắc loại này.

Nguyên nhân Bệnh cầu thận màng

- Bệnh cầu thận màng nguyên phát: Là một bệnh không có căn nguyên cụ thể, thường là do tự miễn, nếu bạn bị bệnh cầu thận màng, hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn sẽ tạo ra một kháng thể đối với một loại protein gọi là thụ thể phospholipase A2 (PLA2R). Các kháng thể này thay vì giải quyết tình trạng nhiễm trùng thì lại tấn công một số tế bào khỏe mạnh trong thận của bạn. Thận của bạn không còn có thể lọc các protein trong máu, khiến chúng rò rỉ vào nước tiểu của bạn. 

- Bệnh cầu thận màng thứ phát: Có một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây tổn thương thận khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh thận màng thứ phát. Một số ví dụ về tình trạng bệnh lý bao gồm:

  • Các bệnh tự miễn như bệnh viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ, bệnh thận liên quan đến IgG4.
  • Các bệnh nhiễm trùng như sốt rét, viêm gan B, viêm gan C, sán máng, HIV.
  • Ung thư biểu mô tuyến đại tràng hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy ở phổi là hai nguyên nhân hay gặp nhất trong các loại ung thư có thể gây ra tổn thương cầu thận.
  • Bệnh nhân phải điều trị bằng các thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và các loại thuốc khác như penicillamine, probenecid.
  • Ngộ độc kim loại nặng (chì, thủy ngân) hoặc các chất độc khác.
  • Ghép tế bào gốc tạo máu, bệnh ghép chống chủ, bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng Bệnh cầu thận màng

Protein dư thừa trong nước tiểu do tổn thương thận đã gây ra các triệu chứng chính của bệnh nhân mắc bệnh cầu thận màng. Dưới đây là một số triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh cầu thận màng, bao gồm:

  • Nước tiểu có bọt do xuất hiện protein trong nước tiểu với nồng độ cao.
  • Rối loạn chuyển hóa lipid máu như tăng cholesterol.
  • Thiểu niệu hoặc có thể đa niệu.
  • Phù, giữ nước gây tăng cân. 
  • Mệt mỏi, khó chịu.
  • Tăng huyết áp.
  • Nếu có tràn dịch màng phổi hoặc thuyên tắc phổi bệnh nhân sẽ xuất hiện khó thở.




Các biến chứng Bệnh cầu thận màng

Các biến chứng có thể xảy ra do căn bệnh này bao gồm:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Thuyên tắc phổi.
  • Hội chứng thận hư.
  • Huyết khối tĩnh mạch thận.
  • Bệnh thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu, ghép thận. 
  • Bệnh thận màng (MN) dẫn đến tăng lipid máu, tăng huyết áp và bệnh thận mạn tính, từ đó tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, suy tim.
  • Bệnh nhân sử dụng chống đông để điều trị huyết khối tăng nguy cơ chảy máu đặc biệt bệnh nhân lớn tuổi. 
  • Khi điều trị bằng steroid làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, các bệnh về xương như hoại tử vô mạch ở các khớp lớn, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp do giữ muối và chất lỏng, rối loạn tâm thần và kích ứng đường tiêu hóa.
  • Biến chứng và tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch: Tăng nguy cơ nhiễm trùng (nấm, virus và vi khuẩn), tăng nguy cơ mắc bệnh ác tính theo thời gian, như ung thư bàng quang, đặc biệt là với cyclophosphamide, nhiễm toan ống thận, giảm tế bào máu do ức chế tủy xương, nguy cơ vô sinh với cyclophosphamide, tái hoạt hóa các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao và viêm gan B bằng rituximab.

Bệnh cầu thận màng có thể gây suy thận làm tăng chỉ số creatinin máuBệnh cầu thận màng có thể gây suy thận làm tăng chỉ số creatinin máu


Phòng ngừa Bệnh cầu thận màng

Căn nguyên tự miễn dịch của bệnh làm chúng ta rất khó phòng ngừa căn bệnh này, tuy nhiên chúng ta có thể giảm tiến triển của bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Kiểm soát các bệnh mạn tính đang mắc vì đó có thể là nguyên nhân gây ra tổn thương thận của bạn, ví dụ bệnh đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống,...
  • Ăn uống lành mạnh: Hạn chế natri, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, tránh ăn quá nhiều thịt đỏ, mỡ, phủ tạng. 
  • Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách tăng cường thể dục.
  • Khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi bạn cảm thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào là cách tốt nhất để dự phòng nguy cơ bệnh thận màng cũng như các bệnh lý khác.

Các biện pháp chẩn đoán Bệnh cầu thận màng

Chẩn đoán xác định

  • Kiểm tra chức năng thận. Các xét nghiệm cụ thể bao gồm ure máu (BUN), creatinin, acid uric, các chất điện giải, nồng độ vitamin D.
  • Mức lọc cầu thận (GFR): Đánh giá khả năng lọc các chất độc của thận.
  • Nồng độ protein toàn phần và albumin huyết thanh giảm.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá protein niệu, hồng cầu niệu, tỷ lệ albumin/creatinin trong nước tiểu (UPCR) và soi kính hiển vi để tìm trụ tế bào, trụ mỡ và thể mỡ hình bầu dục.
  • Đối với bệnh cầu thận màng nguyên phát, kháng thể kháng PLA2R trong huyết thanh và kháng thrombospondin bằng phương pháp Western blot và miễn dịch huỳnh quang gián tiếp.
  • Bệnh cầu thận màng thứ phát: Xác định các nguyên nhân gây bệnh tương ứng dựa trên tiền sử và biểu hiện của bệnh (như nồng độ kim loại nặng, nguyên nhân nhiễm trùng như HIV, nhiễm ký sinh trùng, nhóm tự miễn dịch). Các xét nghiệm sau đây có thể giúp xác định nguyên nhân gây bệnh lý thận màng: xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA, kháng thể kháng chuỗi kép nếu xét nghiệm kháng thể kháng nhân dương tính; xét nghiệm máu để kiểm tra viêm gan B, viêm gan C và giang mai; xét nghiệm Cryoglobulin.
  • Siêu âm thận để đánh giá bệnh thận trên hình ảnh học, bằng chứng tắc nghẽn và huyết khối tĩnh mạch thận. 
  • Siêu âm Doppler chi dưới để đánh giá huyết khối tĩnh mạch sâu. 
  • Chụp Doppler tĩnh mạch thận và chụp cắt lớp vi tính (CTA) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRA) để loại trừ huyết khối tĩnh mạch thận.
  • Chụp CT mạch máu ngực để loại trừ thuyên tắc phổi.
  • Sinh thiết thận: Sinh thiết thận được thực hiện để xác nhận chẩn đoán, dựa trên biểu hiện của bệnh nhân và chỉ thực hiện khi không có nguy cơ mắc bệnh đông máu. Mẫu bệnh phẩm nên được gửi đi soi kính hiển vi quang học, nhuộm bạc, miễn dịch huỳnh quang, kính hiển vi điện tử và miễn dịch mô học để tìm kháng thể anti-PLA2R.

Xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh cầu thận màngXét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh cầu thận màng

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh cầu thận màng (MN) phải được phân biệt với các hội chứng thận hư khác, cũng có thể biểu hiện bằng protein niệu. Một số hội chứng thận hư có thể có nguyên nhân tương tự và các thành phần phức hợp miễn dịch như bệnh thận màng. Các bệnh cầu thận sau đây là các chẩn đoán phân biệt chính:

  • Xơ cứng cầu thận.
  • Hội chứng thận hư.
  • Bệnh thận mạn do đái tháo đường
  • Bệnh thận IgA.
  • Viêm cầu thận tăng sinh màng.

Các biện pháp điều trị Bệnh cầu thận màng

Những phương pháp điều trị này có thể bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Thuốc kiểm soát huyết áp cao, giảm nồng độ protein trong nước tiểu và giúp giảm viêm ở thận.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB): Thuốc điều trị huyết áp cao và bệnh thận.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể (bằng cách khiến bạn đi tiểu nhiều hơn) và góp phần vào kiểm soát số đo huyết áp.
  • Thuốc hạ cholesterol (statin): Thuốc làm giảm mức cholesterol và triglyceride, đặc biệt là chỉ số LDL-cholesterol, một yếu tố làm tăng nguy cơ tắc mạch.
  • Corticosteroid: Thuốc giúp giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch (giúp hệ thống không tấn công các tế bào khỏe mạnh).
  • Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Thay đổi chế độ ăn uống của bạn: Giảm lượng muối và duy trì lượng protein tổng thể ở mức vừa phải. 

Thuốc ức chế miễn dịch: Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, bệnh nhân cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể tấn công thận. Các thuốc như cyclophosphamide (Cytoxan) và rituximab (Rituxan).

Nếu bệnh thận mạn giai đoạn cuối và không đáp ứng với các liệu pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể đề nghị ghép thận để đảm bảo sự sống cho người bệnh.

Ở một số người mắc bệnh MN thứ phát, để tránh tổn thương thận tiến triển cần kiểm soát các bệnh tiềm ẩn như: kiểm soát đường huyết, bệnh lupus ban đỏ và các bệnh lý khác gây tổn thương thận cũng chính là một liệu pháp để hạn chế các tổn thương lên thận của bạn.

Bệnh cầu thận màng biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn cuối có thể cần ghép thậnBệnh cầu thận màng biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn cuối có thể cần ghép thận

Kết luận

Rất khó để ngăn ngừa bệnh cầu thận màng nguyên phát vì bệnh này chủ yếu là do nguyên nhân tự miễn dịch. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng thứ phát bằng cách điều trị và kiểm soát các bệnh có thể dẫn đến bệnh này. Bài viết trên của MEDLATEC sẽ giúp bạn đọc hiểu được phần nào về căn bệnh này để từ đó có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời.

Quý khách hàng có thể đặt lịch kiểm tra sức khỏe tại MEDLATEC nếu bạn nghĩ rằng mình đang mắc bệnh cầu thận màng hoặc các bệnh có nguy cơ gây tổn thương cho thận của bạn. Số điện thoại đặt lịch tổng đài 24/7: 1900 56 56 56 hoặc đặt lịch mọi lúc mọi nơi qua ứng dụng My Medlatec.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ