Từ điển bệnh lý

bệnh chàm : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 05-03-2025

Tổng quan bệnh chàm

Một trong những bệnh ngoài da gây phiền toái cho người mắc chính là bệnh chàm, bệnh còn có một cái tên khác là Eczema gây nên tình trạng cơ địa da bị viêm cấp hoặc mạn tính do ảnh hưởng của di truyền học hay sự rối loạn về cơ chế miễn dịch. Bệnh khiến chức năng hàng rào bảo vệ da bị suy giảm, khiến da dễ mất nước và kích ứng. Căn bệnh này phát triển theo từng thời kỳ với triệu chứng như phát ban hay ngứa và viêm tại vùng da bị nhiễm bệnh. Phát ban có thể xuất hiện tại mọi bộ phận trên cơ thể, tuy nhiên tuỳ vào độ tuổi bệnh có thể xuất hiện nhiều tại một số bộ phận nhất định.

Bệnh chàm gây ngứa và phát ban dẫn tới rất nhiều phiền toái cho người mắc

Bệnh chàm gây ngứa và phát ban dẫn tới rất nhiều phiền toái cho người mắc



Nguyên nhân bệnh chàm

 Yếu tố di truyền:

- Nếu trong gia đình có người mắc bệnh chàm, dị ứng, hen suyễn hoặc các bệnh miễn dịch khác, khả năng mắc chàm ở con cái sẽ cao hơn. 

- Gen liên quan đến bệnh chàm: đột biến FLG (filaggrin) gen liên quan đến sự bảo vệ của hàng rào da có thể làm giảm khả năng bảo vệ da khỏi các yếu tố môi trường và kích thích miễn dịch.

Yếu tố môi trường:

- Chất tẩy rửa, xà bông tắm hoặc hóa chất mạnh: gây tình trạng khô da và phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, khiến da dễ bị viêm và nhiễm trùng.

- Phấn hoa và bụi: kích thích hệ thống miễn dịch, dẫn đến viêm da.

- Vi khuẩn và virus: vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể xâm nhập vào da qua các vết nứt, mụn nước hoặc vết loét, gây ra nhiễm trùng mưng mủ hoặc viêm mô tế bào. Vi rút Herpes Simplex có thể gây ra nhiễm trùng ở bệnh nhân chàm với sự lan rộng của các mụn nước.

- Ô nhiễm và khí hậu: Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, và ô nhiễm môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh chàm. Chẳng hạn, không khí lạnh và khô có thể làm da dễ bị khô và kích ứng hơn.

- Chất kích thích (thuốc nhuộm, sợi vải, v.v.): Một số chất liệu như len hoặc vải tổng hợp có thể gây kích ứng và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.


Ô nhiễm cũng gây ảnh hưởng tới bệnh chàm


Ô nhiễm cũng gây ảnh hưởng tới bệnh chàm

Hệ thống miễn dịch:

Khi hệ miễn dịch nhận diện nhầm các tác nhân ngoài môi trường như vi khuẩn, virus, hay dị ứng thức ăn là những kẻ xâm nhập, nó sẽ sản sinh ra các chất gây viêm như histamin và cytokine, gây viêm và ngứa trên da.

Da khô và rối loạn chức năng bảo vệ hàng rào da:

Một trong những yếu tố chính dẫn đến bệnh chàm là sự rối loạn chức năng của hàng rào bảo vệ da. Da khô, thiếu ẩm không thể bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây dị ứng, vi khuẩn và các yếu tố kích thích từ môi trường. 

Yếu tố cảm xúc và căng thẳng tâm lý:

Căng thẳng và các yếu tố tâm lý có thể làm bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn. Khi cơ thể gặp căng thẳng, mức độ cortisol (hormone stress) tăng cao, có thể gây viêm và làm suy giảm khả năng phục hồi của da. 

 Dị ứng thực phẩm:

- Các loại thực phẩm như sữa bò, trứng, đậu phộng, hoặc hải sản có thể là yếu tố khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh chàm.

-  Ngứa: không chỉ gây khó chịu mà còn là cơ chế phòng vệ của cơ thể để kích thích phản ứng với các tác nhân gây dị ứng hoặc viêm. 

- Viêm da và hình thành mảng đỏ da: Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, các yếu tố ngoại lai như vi khuẩn, dị nguyên thực phẩm hoặc môi trường xâm nhập vào cơ thể, kích thích sự hoạt động của tế bào T và các tế bào miễn dịch khác. Từ đó, các cytokine viêm được giải phóng, gây đỏ và sưng tấy trên bề mặt da. 

 Hình thành mụn nước và gây chảy dịch

- Trong quá trình viêm, các tế bào da bị tổn thương có thể tạo ra các mụn nước nhỏ, chứa dịch lỏng. Dịch này là kết quả của sự tích tụ dịch viêm và các tế bào chết dưới lớp da.

- Chảy dịch: Khi mụn nước vỡ ra, dịch có thể chảy ra ngoài, tạo thành các vết loét ướt. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc nhiễm trùng có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến vết thương lâu lành và để lại sẹo.

 Hình thành vảy da

Vảy là hiện tượng bong tróc lớp da chết trên bề mặt, thường đi kèm với khô và ngứa. Các vảy này có thể là dấu hiệu của viêm kéo dài hoặc nhiễm trùng.



Các biến chứng bệnh chàm

Nhiễm trùng da thứ phát

- Vi khuẩn Staphylococcus aureus là tác nhân gây nhiễm trùng thường gặp ở những người mắc bệnh chàm. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào da qua các vết trầy xước do gãi, gây viêm mô tế bào hoặc mưng mủ. Các triệu chứng bao gồm da đỏ, sưng, đau, và mụn nước mưng mủ.

- Người mắc bệnh chàm cũng có thể bị nhiễm vi rút herpes simplex, đặc biệt là khi bị nhiễm trùng herpes (eczema herpeticum). Đây là tình trạng nghiêm trọng với các mụn nước lớn, có thể lan rộng và gây tổn thương nặng cho da.

 Sẹo và sự hình thành vết thâm

Bệnh chàm có thể dẫn đến sự hình thành sẹo và vết thâm do việc gãi hoặc tổn thương da kéo dài. Những vết sẹo này có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và làm mất tự tin của người bệnh.

 Suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ da

Da dễ bị khô, mất nước, và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng hoặc dị nguyên từ môi trường.



Đường lây truyền bệnh chàm

Bệnh chàm không lây truyền cho người tiếp xúc, nhưng có yếu tố di truyền giữa các thế hệ. 



Đối tượng nguy cơ bệnh chàm

Trẻ em và sơ sinh

- Bệnh chàm thường khởi phát từ sớm, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Trẻ dưới 1 tuổi đến 5 tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

 Người có tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng

- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh dị ứng nguy cơ mắc bệnh chàm của trẻ em hoặc các thành viên khác trong gia đình sẽ cao hơn.

 Người mắc các bệnh dị ứng khác

- Hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Bệnh chàm thường liên quan mật thiết đến các bệnh dị ứng khác như hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Bệnh khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khiến cơ thể phản ứng với các tác nhân dị ứng, dẫn đến các triệu chứng viêm da.

 Người có làn da nhạy cảm hoặc hệ miễn dịch yếu

- Da nhạy cảm: Những người có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi các yếu tố bên ngoài như hóa chất trong sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, nước hoa, hoặc thậm chí thay đổi thời tiết, có nguy cơ cao mắc bệnh chàm.

- Hệ miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc rối loạn miễn dịch, như trong các bệnh tự miễn hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, cũng có thể dễ dàng phát triển các triệu chứng bệnh chàm.

Người sống trong môi trường ô nhiễm hoặc khí hậu khắc nghiệt

- Môi trường ô nhiễm: Những người sống trong các khu vực có ô nhiễm không khí cao, tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc các tác nhân gây dị ứng từ môi trường (như phấn hoa, bụi, nấm mốc) có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn. Ô nhiễm không khí và các yếu tố môi trường có thể làm tăng phản ứng viêm và làm bệnh chàm bùng phát.

- Thời tiết khô lạnh hoặc nóng ẩm: Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, đặc biệt là khi thời tiết quá lạnh hoặc quá ẩm, có thể làm tăng tình trạng khô da và viêm da, làm bệnh chàm tái phát hoặc trở nên nặng hơn.

Người dễ bị căng thẳng hoặc lo âu

Khi cơ thể căng thẳng, hệ thống miễn dịch phản ứng mạnh hơn với các tác nhân gây viêm, khiến bệnh chàm trở nên nghiêm trọng hơn.

Người sống trong điều kiện vệ sinh kém

Những người sống trong môi trường thiếu vệ sinh có thể dễ bị nhiễm trùng da, làm tăng nguy cơ phát triển hoặc làm bệnh chàm nặng thêm.

Người tiếp xúc với các yếu tố kích thích

-  Sản phẩm tẩy rửa, hóa chất, và các chất gây dị ứng: Những người làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất hoặc tiếp xúc thường xuyên với các chất tẩy rửa có nguy cơ cao mắc bệnh chàm.

- Tiếp xúc với vật liệu gây dị ứng: nghề thợ mộc, làm đẹp, hoặc những người làm việc trong môi trường có tác nhân gây dị ứng (như cao su, latex) có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn.



Phòng ngừa bệnh chàm

 Dưỡng ẩm da thường xuyên

- Chọn kem dưỡng ẩm phù hợp: Sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu, không có cồn hoặc các chất hóa học có thể gây kích ứng.

- Dưỡng ẩm ngay sau khi tắm: Lúc da còn ẩm sau khi tắm là thời điểm lý tưởng để thoa kem dưỡng ẩm, giúp khóa ẩm lâu dài cho da.

- Dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày: Bệnh nhân nên thoa kem dưỡng ẩm ít nhất một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Vào mùa đông, khi không khí khô hanh cần dưỡng ẩm nhiều hơn.

Tắm đúng cách và chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp

-  Tắm nước ấm (không quá nóng): Nước quá nóng có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, gây khô và kích ứng. Tắm nước ấm giúp giữ cho da ẩm mà không làm mất nước.

- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: Chọn xà phòng hoặc gel tắm không chứa hương liệu, cồn, hoặc các chất tẩy rửa mạnh. Những sản phẩm này giúp bảo vệ hàng rào bảo vệ da.

- Tắm không quá lâu: Tắm quá lâu hoặc tắm trong nước quá nóng có thể khiến da mất độ ẩm tự nhiên, dễ bị khô và kích ứng.

- Thấm khô da bằng khăn mềm: Sau khi tắm, nên dùng khăn mềm thấm khô cơ thể thay vì lau mạnh để tránh làm tổn thương da.

Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị nguyên

Tránh các tác nhân gây dị ứng hay các chất kích ứng trong môi trường. Việc tránh tiếp xúc với các tác nhân này rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh.

Chế độ ăn uống lành mạnh 

- Tránh thực phẩm gây dị ứng: Một số bệnh nhân có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm như ngũ cốc, hải sản, hoặc các loại đậu. 

- Chế độ ăn uống giàu omega-3: Các thực phẩm chứa omega-3 có thể giúp giảm viêm và cải thiện tình trạng da.

- Uống đủ nước: Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp duy trì độ ẩm cho da từ bên trong.

 Thư giãn và trị liệu tâm lý

- Thực hành các bài tập thư giãn: Các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa các triệu chứng bệnh chàm.

- Trị liệu tâm lý: Đối với những bệnh nhân có vấn đề tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm, tư vấn hoặc trị liệu hành vi có thể giúp cải thiện tình trạng tâm lý và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm.

Thói quen sinh hoạt và bảo vệ da

Bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại và duy trì một thói quen chăm sóc da đều đặn sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh.

- Mặc quần áo mềm mại: Tránh mặc quần áo làm từ sợi tổng hợp hoặc quá chật, có thể gây cọ xát và kích ứng da. Hãy chọn quần áo từ vải cotton mềm mại và thoáng khí.

- Tránh gãi hoặc chà xát da: Gãi có thể làm tổn thương da, gây viêm nhiễm và làm bệnh thêm nghiêm trọng. Hãy tìm cách kiểm soát ngứa, chẳng hạn như sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc trị ngứa.

 Kiểm tra sức khỏe định kỳ 

Đối với bệnh nhân bị chàm mãn tính, việc theo dõi và điều trị thường xuyên là rất quan trọng để kiểm soát bệnh.

- Thăm khám bác sĩ da liễu định kỳ: Bệnh nhân nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết.

- Tuân thủ phác đồ điều trị: Đảm bảo sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý ngừng thuốc khi có dấu hiệu cải thiện.



Các biện pháp chẩn đoán bệnh chàm

Biện pháp chẩn đoán

 Lâm sàng 

- Tổn thương da: Chàm thường xuất hiện dưới dạng các mảng đỏ, viêm, ngứa, có thể có vảy hoặc bong tróc. Các vùng da bị ảnh hưởng phổ biến bao gồm mặt, cổ, khuỷu tay, đầu gối, và bàn tay.

- Màu sắc và kết cấu da: Bác sĩ sẽ quan sát màu sắc và độ dày của da hoặc các tổn thương do gãi.

-  Vị trí tổn thương: Chàm có xu hướng xuất hiện ở các vùng da dễ bị kích ứng hoặc có sự cọ xát, chẳng hạn như các nếp gấp cơ thể (khuỷu tay, sau đầu gối, cổ tay), và trên mặt ở trẻ em.

 Hỏi tiền sử bệnh 

- Bản thân: Bệnh nhân có tiền sử bị dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, hoặc các bệnh da liễu khác không? Các triệu chứng của bệnh chàm có bùng phát theo mùa hay có sự thay đổi theo điều kiện môi trường hay không?

- Gia đình: Bệnh dị ứng có phổ biến trong gia đình không? Những người thân có tiền sử mắc bệnh chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng sẽ giúp bác sĩ đánh giá yếu tố nguy cơ của bệnh.

Kiểm tra mức độ ngứa

- Mức độ ngứa: Bệnh nhân thường bị ngứa dai dẳng khiến họ gãi nhiều, gây tổn thương da. Đánh giá mức độ ngứa giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.

- Khả năng kiểm soát ngứa: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về việc ngứa có ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc, hoặc chất lượng cuộc sống hay không.

Xét nghiệm

-  Xét nghiệm dị ứng (Test dị ứng da hoặc xét nghiệm máu): Xét nghiệm này giúp xác định các tác nhân dị ứng có thể là nguyên nhân gây bùng phát bệnh chàm. Xét nghiệm qua da hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng thể IgE có thể giúp xác định cơ địa dị ứng của người bệnh.

- Cấy mẫu da: Xét nghiệm cấy mẫu vi khuẩn hoặc virus từ vết thương để xác định các tác nhân gây nhiễm trùng.

- Xét nghiệm vi nấm hoặc xét nghiệm herpes simplex: Nếu có nghi ngờ về nhiễm trùng do vi rút herpes hoặc nấm, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để xác định nguyên nhân.


Test dị ứng da cho người bệnh

Test dị ứng da cho người bệnh



Các biện pháp điều trị bệnh chàm

Điều trị tại chỗ 

- Dưỡng ẩm da: Dưỡng ẩm là biện pháp cơ bản và quan trọng nhất trong điều trị bệnh chàm, giúp duy trì độ ẩm cho da, phục hồi hàng rào bảo vệ da, và giảm nguy cơ bị khô da và nứt nẻ.

- Kem dưỡng ẩm và mỡ: Bệnh nhân nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm không có hương liệu, không chứa các hóa chất gây kích ứng (như parabens, cồn). 

- Thời điểm sử dụng: Dưỡng ẩm ngay sau khi tắm hoặc rửa mặt, khi da còn ẩm, giúp khóa ẩm hiệu quả hơn.

Thuốc bôi:

-  Corticosteroid nhẹ (ví dụ: hydrocortisone 1%): Thường được chỉ định cho các khu vực nhạy cảm như mặt và vùng nếp gấp.

- Corticosteroid mạnh (ví dụ: betamethasone, clobetasol): Sử dụng cho các vùng da dày hoặc các trường hợp bệnh nặng. Tuy nhiên, cần sử dụng với sự giám sát của bác sĩ vì có thể gây tác dụng phụ nếu dùng lâu dài.

- Thuốc ức chế calcineurin: là lựa chọn thay thế cho corticosteroid, đặc biệt là khi điều trị lâu dài, thuốc giúp giảm viêm ngứa mà không gây mỏng da, thường được dùng cho vùng da nhạy cảm.

- Thuốc kháng histamine: không làm giảm viêm nhưng có thể giúp giảm ngứa, đặc biệt là vào ban đêm, giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn.

Điều trị toàn thân

- Thuốc corticosteroid toàn thân: Khi bệnh chàm nghiêm trọng và không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại chỗ, bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid đường uống trong thời gian ngắn để kiểm soát các triệu chứng nặng của bệnh chàm.

- Thuốc ức chế miễn dịch: Những thuốc này làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, giúp giảm viêm và ngứa, nhưng chỉ dùng trong các trường hợp nặng và có sự giám sát cẩn thận.

- Thuốc sinh học: như dupixent dạng tiêm giúp ức chế các yếu tố gây viêm trong cơ thể, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn, đặc biệt ở những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Điều trị bệnh chàm cần có sự kết hợp giữa việc điều trị tại chỗ và toàn thân, cùng với việc thay đổi thói quen sống và phòng ngừa các yếu tố kích thích. Vì bệnh chàm là một bệnh mãn tính, việc quản lý bệnh thường xuyên và toàn diện là cần thiết để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Mỗi bệnh nhân có thể cần một phác đồ điều trị riêng biệt tùy theo mức độ nặng của bệnh, vì vậy việc thăm khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu là rất quan trọng.

Nếu có thắc mắc vui lòng liên hệ theo đường dây nóng 1900 56 56 56 chuyên viên tại Hệ thống Y tế MEDLATEC sẽ giải đáp và đặt lịch khám sớm giúp bạn.



Tài liệu tham khảo:

  1. Sohn A, Frankel A, Patel RV, Goldenberg G. Eczema. Mt Sinai J Med. 2011 Sep-Oct;78(5):730-9. doi: 10.1002/msj.20289. PMID: 21913202.
  2. Mahler V, Dickel H. Wichtigste Kontaktallergene beim Handekzem [Most important contact allergens in hand eczema]. Hautarzt. 2019 Oct;70(10):778-789. German. doi: 10.1007/s00105-019-04472-7. PMID: 31506756.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ