Từ điển bệnh lý

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17-01-2025

Tổng quan Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (Đái tháo đường type 2 - T2DM) là type đái tháo đường phổ biến nhất, đặc biệt ở những người trưởng thành. Bệnh xảy ra khi cơ thể dùng insulin không hiệu quả (tình trạng kháng insuline) hoặc sản xuất insuline không đủ để giữ đường huyết bình thường. Khác với đái tháo đường type 1, loại bệnh này không cần điều trị insuline từ đầu, mà thay vào đó là sự thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống và thuốc men.

Trong đái tháo đường không phụ thuộc insuline, tình trạng kháng insuline làm giảm khả năng sử dụng glucose của cơ thể. Điều này dẫn đến mức đường huyết cao kéo dài, gây biến chứng tổn thương nhiều cơ quan và hệ thống của cơ thể, như tim mạch, thận, mắt và hệ thần kinh.



Nguyên nhân Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline rất đa dạng và phức tạp, bao gồm các yếu tố di truyền, môi trường và thói quen sống:

  • Yếu tố di truyền: Có một mối liên quan rõ rệt giữa đái tháo đường type 2 và yếu tố di truyền. Những người có bố mẹ, anh chị em… mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn bình thường.
  • Kháng insuline: Kháng inuline làm cho glucose tích tụ trong máu thay vì được chuyển vào tế bào sinh năng lượng. Kháng insuline xảy ra khi các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào cơ và mỡ, trở nên kém nhạy cảm với insuline.
  • Lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh: Một chế độ ăn giàu carbohydrate, chất béo không lành mạnh, cùng với việc ít vận động, tạo điều kiện cho sự phát triển của đề kháng insuline và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
  • Béo phì: có thể làm tăng kháng insuline, dẫn đến tình trạng đái tháo đường type 2. Béo phì làm giảm khả năng của cơ thể trong việc sử dụng insuline một cách hiệu quả.
  • Tuổi tác: Khi con người già đi làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường không phụ thuộc insuline, đặc biệt đối với người từ 40 tuổi trở lên.
  • Các bệnh lý nền: Một số bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hoặc hội chứng chuyển hóa cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.

Béo phì có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Béo phì có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline



Triệu chứng Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin thường diễn ra từ từ và có thể không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nhiều người có thể không nhận thấy dấu hiệu mắc bệnh cho đến khi xuất hiện các biến chứng. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Khát nước nhiều: Do đường huyết cao khiến cơ thể có phản ứng lợi tiểu thẩm thấu để tăng đào thải đường qua thận, dẫn đến tình trạng mất nước và khát nước nhiều hơn.
  • Đi tiểu thường xuyên: Việc tăng lượng nước tiểu là kết quả của quá trình thải glucose dư thừa qua thận.
  • Mệt mỏi: Mức glucose không được sử dụng hiệu quả làm cho cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi.
  • Mờ mắt: đường huyết cao gây mờ mắt do biến chứng vi mạch (tổn thương các mạch máu nhỏ của mắt)
  • Vết thương lâu lành.
  • Nhiễm trùng tái phát: Người bị đái tháo đường dễ bị viêm nhiễm các cơ quan đặc biệt là nhiễm trùng da, nhiễm trùng bàn chân.

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline có thể khiến người bệnh mệt mỏi

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline có thể khiến người bệnh mệt mỏi



Các biến chứng Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Nếu người bệnh không thăm khám định kỳ và không giữ được mức đường máu tốt, nhiều biến chứng có thể xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh:

  • Biến chứng tim mạch: Bệnh tiểu đường gây tăng nguy cơ tổn thương tim mạch, bao gồm đau ngực ổn định và không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xơ vữa mạch máu. Các yếu tố như huyết áp cao và rối loạn mỡ máu càng làm tăng nguy cơ này.
  • Biến chứng thận: Đái tháo đường là một nguyên nhân gây suy thận phổ biến. Mức đường huyết cao làm tổn thương các vi mạch trong thận, dần dần gây suy thận mãn tính.
  • Biến chứng thần kinh: Biến chứng này hay gặp nhất là ở bàn chân. Người bệnh có thể thấy tê bì, đau nhức đặc biệt vào ban đêm, hoặc giảm và mất cảm giác. Nếu không được quan tâm đúng mực có thể dẫn đến loét chân và phải cắt cụt chi.
  • Biến chứng mắt: Đái tháo đường có thể gây ra các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và retinopathy (tổn thương võng mạc), thậm chí có thể gây ra mất thị lực.
  • Biến chứng da: Người bệnh tiểu đường dễ mắc các bệnh về da như viêm, hoại tử, nứt nẻ, vết loét lâu lành.

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline có thể gây biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline có thể gây biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim


Phòng ngừa Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là một vài biện pháp giúp phòng ngừa bệnh:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như người béo phì, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường.
  • Ăn uống lành mạnh: ăn nhiều chất xơ từ rau củ, hoa quả cũng như hạt ngũ cốc, đồng thời hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm ngọt và chất béo bão hòa là rất quan trọng để phòng ngừa bệnh.
  • Thể dục thể thao: Luyện tập thể dục thường xuyên, ít nhất nửa tiếng mỗi ngày, sẽ giúp cải thiện khả năng sử dụng insuline của cơ thể.
  • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol: Kiểm soát các yếu tố này giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, một biến chứng thường gặp của đái tháo đường.
  • Ngừng hút thuốc, giảm rượu bia: Hút thuốc và uống rượu bia đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường và các tăng biến chứng của bệnh, nhất là biến cố tim mạch.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu bạn có tiền sử gia đình bị đái tháo đường hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, hãy thường xuyên kiểm tra đường huyết và các chỉ số sức khỏe khác để phát hiện bệnh sớm.

Nâng cao hiểu biết về bệnh đái tháo đường type 2

Đái tháo đường không phụ thuộc insuline không phải là một căn bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được phát hiện và quản lý đúng cách, người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và duy trì chất lượng cuộc sống tốt. Trong đó việc nâng cao nhận thức về bệnh là vô cùng quan trọng. Các chiến dịch giáo dục cộng đồng và nâng cao ý thức về việc kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.



Các biện pháp chẩn đoán Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Để chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2, các bác sĩ sẽ dựa trên các xét nghiệm máu để đo lường mức đường huyết. Có các xét nghiệm như sau:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói (Fasting Blood Glucose - FBG): Đây là xét nghiệm đường huyết sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Mức đường huyết từ 5,6 đến 6,9 mmol/l được coi là tiền đái tháo đường, trong khi mức đường huyết từ 7 mmol/l trở lên cho thấy có bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm HbA1c: Xét nghiệm này đo phần trăm đường gắn với Hemoglobin trong máu trong vòng 2 đến 3 tháng qua. Kết quả HbA1c từ 5.7% đến 6.4% là ngưỡng tiền đái tháo đường, còn mức HbA1c từ 6.5% trở lên là tiêu chuẩn chẩn đoán điều đường tiểu đường.
  • Xét nghiệm nghiệm pháp dung nạp glucose (Oral Glucose Tolerance Test - OGTT): đo lượng đường trong máu sau khi bệnh nhân uống một dung dịch chứa 75g glucose. Mức đường huyết sau 2 giờ từ 7.8 đến 11 mmol/l cho thấy tiền đái tháo đường, còn mức từ 11.1 mmol/l trở lên cho thấy bệnh tiểu đường.



Các biện pháp điều trị Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Mặc dù bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline không yêu cầu insuline bổ sung ngay từ đầu, việc kiểm soát mức đường huyết là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng. Để điều trị đái tháo đường, chúng ta có các phương pháp điều trị chính sau::

 Thay đổi lối sống

  • Chế độ ăn lành mạnh: Một chế độ ăn cân đối, hạn chế đồ ngọt và tinh bột, tăng cường chất xơ và thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ giúp đường máu ổn định, ít dao động. Người bệnh cần tránh thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, và tập trung vào rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và protein.
  • Vận động thể chất: Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cân đồng thời tăng nhạy cảm insuline của cơ thể để làm giảm mức đường huyết. Các bài tập cardio như đi bộ, chạy, bơi lội hoặc tập yoga đều có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường.
  • Giảm cân: Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra đái tháo đường type 2. Việc giảm cân sẽ giúp cải thiện hiệu quả sử dụng insuline của cơ thể và giảm nguy cơ biến chứng.

 Vận động thể chất rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline

Thuốc điều trị

Ngoài việc thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: metformin, sulfonylurea, thuốc ức chế DPP -4, thuốc đồng vận GLP-1, thuốc ức chế SGLT2 và insuline. Bạn không thể tự ý mua thuốc uống mà cần có bác sĩ tư vấn để sử dụng thuốc hiệu quả và tránh bị tác dụng phụ của thuốc.

Quản lý căng thẳng

Căng thẳng có thể làm tăng mức đường huyết, vì khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất các hormone như cortisol, làm tăng đường huyết. Do đó, quản lý căng thẳng thông qua các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu, và thư giãn rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Thường xuyên vận động thể chất, giao tiếp xã hội, và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè cũng giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cực kỳ quan trọng đối với những người bị đái tháo đường type 2. Bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra mức đường huyết, huyết áp, mức cholesterol và các yếu tố khác như chức năng thận và khám mắt. Nhờ vậy bạn có thể phát hiện các biến chứng của bệnh và can thiệp điều trị sớm.

Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (đái tháo đường type 2) là một căn bệnh mãn tính, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được thông qua việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc hợp lý. Việc phòng ngừa bệnh, chẩn đoán bệnh sớm và điều trị đúng lúc có thể giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm và duy trì chất lượng cuộc sống.

Bệnh viện đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế uy tín với người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung. Với hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia - bác sĩ giàu kinh nghiệm, chắc chắn các bạn sẽ được thăm khám xét nghiệm để phát hiện sớm rối loạn đường máu một cách chính xác và điều trị kịp thời. Gọi ngay hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám tại bệnh viện!


Tài liệu tham khảo:

  1. Bệnh học nội khoa - Trường ĐH Y Hà Nội - Nhà xuất bản Y học 2020
  2. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2” - QĐ 5481/QĐ-BYT 2017.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ