Từ điển bệnh lý

Bệnh đậu mùa khỉ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-02-2025

Tổng quan Bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người do virus Orthopoxvirus gây ra, đây là một loại virus cùng chi với virus đậu mùa và đậu bò. 

Đây là bệnh đặc hữu hoặc thường xuyên được tìm thấy ở một số vùng Trung và Tây Phi. Virus gây ra bệnh Monkeypox đã được tìm thấy ở các loài gặm nhấm nhỏ, khỉ và các loài động vật có vú khác sống ở những khu vực này.

Bệnh gây ra phát ban trên da hoặc có thể tổn thương niêm mạc, thường kéo dài trong khoảng 2 đến 4 tuần, gây đau đớn, đi kèm đó là mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết. 

Đa phần bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên một số người có thể bệnh rất nặng.

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu, đậu mùa khỉ chủ yếu được điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ các triệu chứng như đau và sốt, chú ý chặt chẽ đến dinh dưỡng, bù nước, chăm sóc da, phòng ngừa nhiễm trùng thứ phát và điều trị các bệnh nhiễm trùng đồng thời, bao gồm cả HIV nếu có, một số trường hợp bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc kháng virus như Tecovirimat, Cidofovir, Brincidofovir.

Có vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ và thường được tiêm cho những đối tượng nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Phát ban là tổn thương đặc trưng trong bệnh đậu mùa khỉ

Phát ban là tổn thương đặc trưng trong bệnh đậu mùa khỉ


Dịch tễ

Ca bệnh đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở người được báo cáo là một bé trai chín tháng tuổi ở Cộng hòa Dân chủ Congo (năm 1970), và kể từ đó căn bệnh này đã gây ra các đợt bùng phát và lây nhiễm lẻ tẻ, chủ yếu giới hạn ở một số quốc gia ở Tây và Trung Phi, nơi căn bệnh này lưu hành, trong các rừng mưa nhiệt đới. 

Trường hợp đậu mùa cuối cùng được báo cáo ở Somalia vào năm 1977. Sau khi bệnh đậu mùa được xóa sổ vào năm 1980 và việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa trên toàn thế giới kết thúc, virus liên tục xuất hiện ở miền Trung, Đông và Tây Phi. Kể từ đó, đậu mùa khỉ đã được báo cáo rải rác ở miền Trung và Đông Phi (nhánh I) và Tây Phi (nhánh II). Năm 2003, một đợt bùng phát ở Hoa Kỳ có liên quan đến động vật hoang dã nhập khẩu (nhánh II). Từ năm 2005, hàng nghìn trường hợp đã được báo cáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo mỗi năm. Năm 2017, đậu mùa khỉ tái xuất hiện ở Nigeria và tiếp tục lây lan giữa những người trên khắp đất nước và ở những du khách đến các điểm đến khác.

Vào tháng 5 năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ đột ngột bùng phát và rất nhanh sau đó đã lan rộng khắp Châu Mỹ, Châu Âu và lan tới sáu khu vực của WHO. Đợt bùng phát toàn cầu này chủ yếu ảnh hưởng đến những người đồng tính nam, song tính và những người đàn ông khác quan hệ tình dục với nam giới và đã lây lan từ người sang người thông qua quan hệ tình dục.

Năm 2022, dịch bệnh đậu mùa khỉ do virus Monkeypox nhóm I bùng phát tại các trại tị nạn ở Cộng hòa Sudan.

Vào tháng 7 năm 2022, WHO đã đưa ra tuyên bệnh bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế, do sự lây lan toàn cầu chưa từng có của căn bệnh này bên ngoài các quốc gia trước đây lưu hành ở Châu Phi và nhu cầu đoàn kết toàn cầu để giải quyết căn bệnh trước đây bị lãng quên này. 

Ở Việt Nam, từ năm 2022 bắt đầu chứng kiến ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Các ca bệnh xuất hiện chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác như Long An, Bình Dương, Cần Thơ. Dịch chủ yếu giới hạn trong một số cộng đồng đặc biệt như nhóm đối tượng có quan hệ đồng tính, gái mại dâm, và đã có trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ được báo cáo.

Đậu mùa khỉ không có khả năng lây lan tạo thành đại dịch như Covid-19, tuy nhiên với thực trạng như ngày nay, con người càng xâm chiếm thiên nhiên và phá hủy môi trường sống của động vật, thì nguy cơ mắc bệnh từ các loài động vật càng cao.



Nguyên nhân Bệnh đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ do virus Monkeypox (MPXV) gây ra. Đây là một loại virus thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae, bao gồm variola, cowpox, vaccinia và các loại virus khác. 

Có hai nhánh của virus Monkeypox gây bệnh này, bao gồm: 

  • Nhánh I chịu trách nhiệm cho sự gia tăng hiện tại của các ca bệnh ở Trung và Đông Phi. Nhánh I gây ra nhiều ca bệnh nghiêm trọng hơn nhánh II, với khoảng 10% số ca tử vong vì nhóm này. Các đợt bùng phát trong thời gian trở lại đây ó tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều, khoảng 1-3,3%.
  • Nhánh II chính là tác nhân gây ra đợt bùng phát toàn cầu năm 2022. Nhiễm trùng từ nhánh II ít nghiêm trọng hơn. Hơn 99,9% số người sống sót. Nhánh II là loài đặc hữu của khu vực Tây Phi.

Nguồn chứa tự nhiên của loại virus này vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều loài động vật có vú nhỏ như sóc và khỉ có thể mắc bệnh. 



Triệu chứng Bệnh đậu mùa khỉ

Một số người có thể bị nhiễm mà không phát triển bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 6 –13 ngày (tối đa 21 ngày) sau khi tiếp xúc. Hầu hết mọi người đều gặp các triệu chứng nhẹ đến trung bình, thường kéo dài từ hai đến bốn tuần, sau đó thường hồi phục hoàn toàn, nhưng có thể kéo dài hơn ở người có hệ miễn dịch suy yếu. 

Biểu hiện lâm sàng của bệnh bao gồm: 

  • Sốt, ớn lạnh, suy nhược cơ thể.
  • Phát ban rõ rệt (sẩn) trên da và vết loét trên niêm mạc (ví dụ ở miệng, mũi, họng hoặc đường tiêu hóa).
  • Nhức đầu.
  • Đau họng.
  • Đau lưng.
  • Đau cơ. 
  • Sưng hạch bạch huyết.

Đối với một số người, triệu chứng đầu tiên của bệnh là phát ban, trong khi những người khác có thể bị sốt, đau nhức cơ hoặc đau họng trước. Trong vòng ba ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu, phát ban có thể lan rộng nhanh chóng và cuối cùng biến thành các túi nhỏ chứa đầy dịch được gọi là mụn nước. Phát ban thường bắt đầu ở mặt, miệng, cổ họng và lan ra khắp cơ thể, lan đến lòng bàn tay và lòng bàn chân, vùng bẹn và bộ phận sinh dục, hậu môn. Tổn thương lúc đầu phẳng, sau đó tiến triển thành các mụn nước chứa các chất lỏng bên trong gây đau hoặc ngứa, và khi lành lại tổn thương sẽ khô và bong vảy ra. 

Trong khi đang có các triệu chứng, người bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan bệnh cho người khác.

Tổn thương phát ban ở tay trong bệnh đậu mùa khỉ

Tổn thương phát ban ở tay trong bệnh đậu mùa khỉ



Các biến chứng Bệnh đậu mùa khỉ

  • Nhiễm trùng huyết.
  • Đau hoặc khó nuốt.
  • Nhiễm trùng da do vi khuẩn (các tổn thương loét trên da tạo điều kiện cho bội nhiễm vi khuẩn).
  • Mất nước hoặc có thể suy dinh dưỡng do triệu chứng nôn và tiêu chảy gây ra.
  • Viêm não. 
  • Viêm kết mạc.
  • Viêm giác mạc, có thể ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí tác động lâu dài như sẹo biến dạng và tổn thương giác mạc vĩnh viễn gây mất thị lực.
  • Viêm phổi.
  • Viêm cơ tim.
  • Viêm trực tràng.
  • Viêm bao quy đầu.
  • Viêm niệu đạo.
  • Sẹo nghiêm trọng.



Đường lây truyền Bệnh đậu mùa khỉ

Đây là một căn bệnh lây truyền từ từ động vật sang người có thể thông qua:

  • Vết cắn hoặc vết cào từ động vật bị nhiễm bệnh.
  • Chế biến thịt rừng: lột da, lông.
  • Ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh và chưa được nấu chín kỹ.
  • Tiếp xúc trực tiếp với máu, tổn thương da hoặc niêm mạc, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh.

Sự lây truyền từ người sang người bị hạn chế nhưng có thể xảy ra qua:

  • Tiếp xúc với các dịch tiết đường hô hấp từ mũi hoặc miệng ở khoảng cách gần.
  • Tiếp xúc vật lý trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc phát ban trên da từ người bị nhiễm bệnh hoặc vật dụng bị nhiễm bệnh như áo quần.
  • Tiếp xúc vật lý gần gũi với với mụn nước hoặc vảy.
  • Tiếp xúc với các vật dụng như quần áo, khăn trải giường và khăn tắm hoặc đồ chơi tình dục mà người bị nhiễm bệnh sử dụng..

Đậu mùa khỉ lây lan từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc gần, ví dụ như tiếp xúc da kề da, tiếp xúc miệng kề da, miệng kề miệng, hoặc do các giọt bắn có khả năng lây nhiễm được tạo ra khi nói chuyện hoặc thở gần nhau.

Những người nhiều bạn tình có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, hay xảy ra ở cộng đồng LGBT.

Mẹ có thể truyền virus cho em bé thông qua quá trình mang thai và sinh nở. Nhiễm đậu mùa khỉ trong thời kỳ mang thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, tử vong ở trẻ sơ sinh.



Đối tượng nguy cơ Bệnh đậu mùa khỉ

  • Quan hệ tình dục với người mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được chẩn đoán xác định trong vòng hai tuần qua.
  • Người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục tại các địa điểm như nhà tắm công cộng, cơ sở mại dâm trong sáu tháng qua.
  • Quan hệ tình dục tại một sự kiện hoặc địa điểm nơi bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan..
  • Người được chẩn đoán mắc các bệnh như HIV cấp tính , lậu , giang mai, hạ cam hoặc Chlamydia trong vòng sáu tháng gần đây.

Mặc dù các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ không đe dọa đến tính mạng nhưng một số người có thể có nhiều khả năng bị bệnh nặng hơn, bao gồm:

  • Những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi.
  • Những người có tiền sử bệnh chàm hoặc viêm da dị ứng.
  • Những người đang mang thai.



Phòng ngừa Bệnh đậu mùa khỉ

  • Những người có nguy cơ nhiễm trùng cao nên được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ. 
  • Chủ động tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh và cách bệnh lây lan bệnh đậu mùa khỉ.
  • Nếu ở gần người khác thì nên đeo khẩu trang che miệng và mũi, che vết thương khi cho đến khi vết phát ban lành lại.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân như găng tay và khẩu trang, khi chăm sóc người bị bệnh đậu mùa khỉ.
  • Luôn thực hiện vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước nước rửa tay khô, đặc biệt là trước hoặc sau khi chạm vào vết loét.
  • Các bề mặt thường xuyên tiếp xúc cần được khử trùng kỹ.
  • Súc miệng họng bằng nước muối sinh lý.
  • Tránh tiếp xúc với những vật dụng mà người mắc bệnh đậu mùa khỉ đã sử dụng, bao gồm việc dùng chung đồ dùng ăn uống và cốc, cũng như xử lý chăn ga gối đệm hoặc quần áo của họ.
  • Động vật bị nhiễm bệnh hoặc động vật hoang dã nên tránh tiếp xúc.
  • Thịt nên được nấu chín kỹ và không ăn thịt động vật hoang dã.
  • Quan hệ tình dục lành mạnh, trong thời gian bị bệnh không quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su trong vòng 3 tháng sau khi hồi phục bệnh. 
  • Chú ý đến bất kỳ triệu chứng nào có thể có của bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 3 tuần sau khi trở về từ Trung hoặc Đông Phi.
  • Những người đã tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng trong 21 ngày (3 tuần) và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tránh hoạt động tình dục trong thời gian này.
  • Nhân viên y tế nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng để bảo vệ bản thân trong khi chăm sóc bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ bằng cách đeo thiết bị bảo vệ cá nhân phù hợp (găng tay, áo choàng, kính bảo vệ mắt và mặt nạ phòng độc) và tuân thủ quy trình lấy mẫu tổn thương một cách an toàn để xét nghiệm chẩn đoán và xử lý các vật sắc nhọn như kim tiêm.

Chú ý:

  • Không được cố tình làm vỡ các mụn nước hoặc trầy xước vết loét vì nó có thể làm chậm quá trình lành vết thương, lan phát ban sang các bộ phận khác của cơ thể và khiến vết loét bị nhiễm trùng.
  • Không cạo vùng da bị lở loét cho đến khi vảy lành lại và có lớp da mới bên dưới (điều này có thể làm phát ban lan sang các vùng khác trên cơ thể). 

 Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng cũng là một biện pháp dự phòng bệnh

 Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng cũng là một biện pháp dự phòng bệnh


Một số câu hỏi thường gặp về bệnh đậu mùa khỉ

- Quan hệ tình dục không có làm lây truyền bệnh đậu mùa khỉ không?

Bệnh chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc da kề da kéo dài và gần gũi, không nhất thiết phải liên quan đến quan hệ tình dục. Mặc dù mọi người thuộc bất kỳ khuynh hướng tình dục nào cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, cho đến nay, phần lớn các trường hợp được biết đến từ đợt bùng phát hiện tại bên ngoài Châu Phi đều là nam giới quan hệ tình dục với nam giới. Sự lây lan cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn trong các mạng lưới xã hội bao gồm nam giới quan hệ tình dục với nam giới và chưa mở rộng ra cộng đồng lớn hơn.

- Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ:

Hầu hết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ phát ban, có thể dẫn đến các vết loét thường trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước chứa đầy mủ. Những mụn nhọt này có thể vỡ ra, dẫn đến các vết loét hở gây đau hoặc ngứa có chứa virus sống, dễ lây nhiễm. Ngoài ra bệnh nhân có thể xuất hiện mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết. 

- Bệnh sau bao lâu thì khỏi?

Thông thường, phải mất hai đến bốn tuần để các tổn thương lành lại, khi đó người bệnh không còn khả năng lây nhiễm nữa. Khi mọi người đã hồi phục, bệnh đã kết thúc và họ không còn có thể lây cho bất kỳ ai khác nữa.



Các biện pháp chẩn đoán Bệnh đậu mùa khỉ

Chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ có thể khó khăn vì các bệnh nhiễm trùng và tình trạng khác có thể trông giống nhau. Người bệnh cũng có thể mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cùng lúc, chẳng hạn như giang mai hoặc herpes. Ngoài ra, một đứa trẻ nghi ngờ bị đậu mùa khỉ cũng có thể bị thủy đậu. Vì những lý do này, xét nghiệm là chìa khóa để chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt và ngăn ngừa bệnh nặng và lây lan thêm.

Xét nghiệm quan trọng nhất là sinh học phân tử giúp phát hiện DNA của virus bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Các mẫu chẩn đoán tốt nhất được lấy trực tiếp từ phát ban trên da, dịch hoặc vảy, thu thập bằng cách ngoáy mạnh. Trong trường hợp không có tổn thương da, có thể thực hiện xét nghiệm bằng cách ngoáy họng hoặc hậu môn. 

Một số trường hợp người lớn và trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cân nhắc xét nghiệm HIV nếu cần thiết. 

Nên cân nhắc xét nghiệm chẩn đoán các tình trạng khác khi có thể, ví dụ như virus varicella zoster (VZV), giang mai và herpes.

Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt đậu mùa khỉ với một số bệnh có tổn thương mụn nước, phát ban trên da như: 

- Bệnh thủy đậu.

- Bệnh sởi.

- Nhiễm trùng da do vi khuẩn. 

- Ghẻ.

- Herpes.

- Giang mai.


Các biện pháp điều trị Bệnh đậu mùa khỉ

Đa phần người bệnh sẽ tự phục hồi sau khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần. Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn, đặc biệt trên các người bệnh có nguy cơ cao (như người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, người bệnh HIV/AIDS) cần phải điều trị tại bệnh viện.

Cách ly người bệnh là rất quan trọng trong quá trình theo dõi và điều trị.

Nếu bệnh nặng kèm theo biến chứng nguy hiểm hoặc đang mang thai, có thể điều trị bằng thuốc kháng virus đã được FDA cấp phép, bao gồm:

- Tecovirimat 200mg.

- Cidofovir.

- Brincidofovir.

- Vaccinia Immune Globulin tiêm tĩnh mạch (VIGIV).

- Điều trị triệu chứng: Paracetamol (acetaminophen) hoặc Ibuprofen để giảm đau, hạ sốt.

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus từ động vật sang người và ở Việt Nam cũng đã xuất hiện căn bệnh này ở một số tỉnh, đặc biệt khu vực phía Nam. 

Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây phát ban đau đớn, hạch bạch huyết to, sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng và kiệt sức. Hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn sau 2-4 tuần, nhưng một số người có thể có các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Vì vậy hãy đến ngay nếu như bạn có những triệu chứng nghi ngờ hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc căn bệnh này để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Hãy gọi điện đến tổng đài 1900 56 56 56 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực truyền nhiễm của Hệ thống Y tế MEDLATEC.



Tài liệu tham khảo:

  • https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(22)02075-X/fulltext
  • https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mpox
  • https://www.vietnammedicalpractice.com/hanoi/en/news/what-is-monkeypox?origin=homepage
  • https://www.nhs.uk/conditions/mpox/
  • https://www.cdc.gov/mpox/about/index.html
  • https://rafflesmedical.vn/en/what-is-monkeypox/
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22371-monkeypox
  • https://news.lau.edu.lb/2022/-what-do-we-know-about-monkeypox.php
  • https://bvbnd.vn/benh-dau-mua-khi-mokeypox-virus/
  • https://www.health.gov.au/diseases/monkeypox-mpox


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ