Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Bệnh lý đĩa đệm đốt sống cổ là một nhóm bệnh thường gặp, bao gồm các tổn thương cấu trúc và chức năng của đĩa đệm nằm giữa các đốt sống cổ. Các dạng tổn thương phổ biến bao gồm thoái hóa đĩa đệm, phình đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, xơ hóa hay vôi hóa đĩa đệm, và hẹp khe đĩa đệm.
Đĩa đệm đóng vai trò như một bộ phận giảm xóc, giúp cột sống cổ vận động linh hoạt và chịu lực tốt. Khi bị tổn thương, đĩa đệm có thể gây ra các triệu chứng như đau cổ, cứng cổ, đau lan xuống vai và tay, tê bì hoặc yếu cơ. Nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa theo tuổi, chấn thương hoặc vận động sai cách. Trong đó, các đốt sống hay gặp tổn thương nhất là C5-C6 và C6-C7. Việc chẩn đoán cần kết hợp giữa khám lâm sàng và các phương tiện hình ảnh như X-quang, MRI. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như yếu liệt chi, rối loạn cảm giác. Cần thăm khám sớm khi có triệu chứng nghi ngờ để kiểm soát và giảm thiểu biến chứng của bệnh.
Bệnh đĩa đệm đốt sống cổ dẫn đến các triệu chứng như đau cổ, cứng cổ, đau lan xuống vai – tay, tê hoặc yếu cơ chi trên
Bệnh đĩa đệm đốt sống cổ là hậu quả của quá trình tổn thương kéo dài và tích lũy của đĩa đệm giữa các đốt sống cổ, do nhiều nguyên nhân phức tạp và tương tác lẫn nhau, cụ thể:
Thoái hóa đĩa đệm do tuổi tác
Thoái hóa là quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra trong mọi cơ quan, đĩa đệm cũng không ngoại lệ. Từ sau tuổi 30, cấu trúc đĩa đệm bắt đầu có những biến đổi vi thể như nhân nhầy mất dần khả năng giữ nước, trở nên khô cứng và kém linh hoạt, trong khi vòng sợi bao quanh thì yếu dần, dễ rạn nứt. Kết quả là đĩa đệm bị xẹp, giảm khả năng đàn hồi và trở nên kém hiệu quả trong việc hấp thụ lực. Sự thoái hóa này làm tăng nguy cơ đĩa đệm bị phình ra hoặc thoát vị, gây chèn ép lên rễ thần kinh hoặc tủy sống. Thoái hóa là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm phần lớn trong các trường hợp bệnh đĩa đệm cổ ở người trung niên và cao tuổi.
Tư thế sai kéo dài trong sinh hoạt và lao động
Tư thế xấu là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy sự thoái hóa sớm của đĩa đệm, đặc biệt ở người trẻ. Việc ngồi làm việc lâu trong tư thế cúi đầu (trên máy tính hoặc điện thoại), ngồi gù lưng hoặc không thay đổi tư thế trong nhiều giờ khiến lực phân bổ lên đốt sống cổ không đều. Theo thời gian, những đĩa đệm thường xuyên chịu lực quá mức sẽ yếu đi và dễ bị tổn thương. Ngoài ra, thói quen nằm gối quá cao, nằm nghiêng lệch một bên, ngủ gục trên bàn… cũng khiến cột sống cổ bị cong vẹo, gây chèn ép bất thường lên đĩa đệm và dây chằng xung quanh. Đây là nguyên nhân rất phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở nhân viên văn phòng và học sinh – sinh viên.
Chấn thương vùng cổ
Chấn thương là nguyên nhân gây tổn thương cấp tính, khởi phát quá trình bệnh lý mãn tính ở đĩa đệm cổ. Tai nạn giao thông, ngã xe, chấn thương thể thao hoặc va chạm mạnh vào vùng cổ có thể làm tổn thương vòng sợi, gây rạn nứt hoặc đứt rách. Trong một số trường hợp, nhân nhầy có thể thoát vị ngay lập tức sau chấn thương, gây chèn ép cấp tính tủy sống hoặc rễ thần kinh, dẫn đến đau dữ dội, yếu chi hoặc rối loạn cảm giác. Ngoài ra, những tổn thương vi mô lặp đi lặp lại trong các môn thể thao (võ thuật, bóng đá, thể hình…) cũng có thể gây tổn thương tích lũy theo thời gian.
Bất thường bẩm sinh hoặc bệnh lý cột sống
Một số người có các dị tật bẩm sinh ở cột sống cổ như mất đường cong sinh lý, gù vẹo cổ, hẹp ống sống bẩm sinh… Các bất thường này làm thay đổi trục tải trọng và điểm tì của cột sống, khiến một số đĩa đệm chịu lực nhiều hơn các đĩa khác. Qua thời gian, những vị trí này dễ bị tổn thương và thoái hóa sớm. Ngoài ra, các bệnh lý như gai cột sống, thoái hóa khớp liên đốt sống hoặc viêm khớp dạng thấp cũng ảnh hưởng đến ổ khớp liên đốt, từ đó làm tăng tải trọng lên đĩa đệm.
Yếu tố di truyền
Theo một số nghiên cứu, yếu tố di truyền cũng có thể góp phần vào nguy cơ mắc bệnh. Các đột biến gen liên quan đến tổng hợp collagen hoặc chất nền ngoại bào có thể làm vòng sợi đĩa đệm yếu hơn bình thường. Điều này khiến cho người mang gen bất lợi dễ bị tổn thương đĩa đệm, kể cả khi không có các yếu tố cơ học rõ ràng. Nếu trong gia đình có nhiều người mắc thoát vị đĩa đệm sớm, nguy cơ ở thế hệ sau cũng sẽ cao hơn.
Lối sống ít vận động và béo phì
Ít vận động làm các nhóm cơ nâng đỡ vùng cổ – vai – lưng bị suy yếu, không thể giữ vững trục cột sống. Cột sống vì thế trở nên dễ tổn thương hơn trước những tác động từ bên ngoài. Béo phì làm tăng áp lực lên toàn bộ cột sống, bao gồm cả vùng cổ, khiến các đĩa đệm phải chịu tải lớn hơn trong thời gian dài. Thêm vào đó, mô mỡ dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng mô liên kết và làm chậm quá trình phục hồi sau tổn thương.
Hút thuốc lá và các bệnh lý toàn thân
Hút thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nuôi dưỡng đĩa đệm. Nicotine và các chất độc trong thuốc lá làm co mạch, giảm lượng máu và oxy đến nuôi mô sụn, làm đĩa đệm dễ bị khô, mất nước và thoái hóa sớm. Bên cạnh đó, các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, loãng xương, viêm khớp mãn tính… cũng làm giảm sức chịu lực và khả năng phục hồi của đĩa đệm, dẫn đến thoát vị hoặc thoái hóa tiến triển nhanh hơn.
Lao động sai tư thế kéo dài có thể gây bệnh đĩa đệm đốt sống cổ
Bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, công việc và khả năng vận động. Tuy nhiên, phần lớn các yếu tố nguy cơ của bệnh có thể kiểm soát được nếu biết cách chăm sóc cột sống từ sớm, kết hợp lối sống lành mạnh và thói quen vận động khoa học.
Giữ tư thế đúng trong sinh hoạt và làm việc
Tư thế sai lệch kéo dài là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thoái hóa và tổn thương đĩa đệm cổ. Việc giữ đúng tư thế khi ngồi, đứng và nằm đóng vai trò thiết yếu trong phòng ngừa bệnh. Khi ngồi làm việc, cần đảm bảo lưng thẳng, cổ không gập hoặc ngửa quá mức, màn hình máy tính ngang tầm mắt. Khi sử dụng điện thoại, nên đưa máy ngang tầm mắt thay vì cúi cổ. Tư thế ngủ cũng cần được lưu ý, tránh nằm sấp hoặc dùng gối quá cao – nên chọn loại gối có độ cao vừa phải, hỗ trợ đường cong sinh lý tự nhiên của cổ.
Khi cần bê vật nặng, nên gập đầu gối, giữ thẳng lưng và dùng lực cơ chân – tuyệt đối không cúi gập lưng hoặc xoay vặn cổ đột ngột. Tránh mang túi nặng một bên vai quá lâu vì có thể tạo mất cân bằng cho cột sống cổ - thay vào đó nên sử dụng ba lô đều hai bên vai hoặc đổi bên thường xuyên nếu không thể thay thế loại túi.
Tăng cường vận động, luyện tập thể dục đều đặn
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu, duy trì sức mạnh cơ vùng cổ và vai, từ đó giảm áp lực lên đĩa đệm. Các bộ môn phù hợp bao gồm: đi bộ, bơi lội, yoga nhẹ nhàng hoặc pilates. Đặc biệt, đối với người làm việc văn phòng, nên thực hiện các bài tập giãn cơ cổ - vai - gáy sau mỗi 45 - 60 phút để ngăn chặn tình trạng co cứng cơ và đau mỏi.
Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên toàn bộ hệ thống cột sống, trong đó có cột sống cổ. Trọng lượng cơ thể lớn khiến đĩa đệm phải chịu tải nhiều hơn, dẫn đến nhanh thoái hóa. Do đó, việc giữ cân nặng ở mức lý tưởng thông qua chế độ ăn hợp lý và luyện tập điều độ là một yếu tố quan trọng giúp bảo vệ đĩa đệm lâu dài.
Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ xương khớp khỏe mạnh
Một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng không chỉ tốt cho xương mà còn giúp bảo vệ mô liên kết và đĩa đệm. Nên bổ sung thực phẩm giàu canxi (sữa, cá nhỏ ăn cả xương), vitamin D (trứng, cá hồi, ánh nắng buổi sáng), magie (hạt óc chó, rau xanh) và collagen (nước hầm xương, thịt cá da). Hạn chế tiêu thụ những yếu tố thúc đẩy viêm và thoái hóa mô như thức ăn chiên rán, nhiều muối, đường hoặc chất bảo quản .
Hạn chế căng thẳng – ngủ đủ giấc
Stress kéo dài khiến các cơ vùng cổ - vai - gáy co cứng, dẫn đến đau mỏi mãn tính và nguy cơ tổn thương đĩa đệm. Giấc ngủ chất lượng 7 - 8 giờ mỗi đêm giúp cơ thể và cột sống có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi. Kết hợp các phương pháp thư giãn như hít thở sâu, thiền định, nghe nhạc nhẹ hoặc massage cũng giúp giảm nguy cơ bệnh lý cột sống.
5.6 Khám sức khỏe định kỳ
Việc thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm, từ đó có hướng can thiệp kịp thời. Những người trên 40 tuổi, người làm việc văn phòng lâu năm hoặc có tiền sử chấn thương vùng cổ nên được tư vấn, theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc thần kinh.
Giữ tư thế làm việc đúng cách là biện pháp dự phòng đốt sống cổ
Chẩn đoán bệnh đĩa đệm cột sống cổ cần kết hợp giữa khai thác triệu chứng lâm sàng, khám thực thể và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Mục tiêu là xác định vị trí và mức độ tổn thương đĩa đệm, đánh giá ảnh hưởng lên tủy sống và rễ thần kinh, từ đó định hướng điều trị thích hợp.
Khám lâm sàng
- Hỏi bệnh:
Bác sĩ sẽ thai khác đầy đủ các triệu chứng sau:
+ Tính chất đau cổ: Là triệu chứng phổ biến nhất, đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
+ Hướng lan: Cơn đau lan từ cổ xuống vai, cánh tay, bàn tay – thường theo phân bố của rễ thần kinh bị chèn ép (C5–C8).
+ Triệu chứng kèm theo: Người bệnh có thể cảm thấy tê tay, mất cảm giác đầu ngón tay, yếu tay khi cầm nắm đồ vật.
+ Hạn chế vận động cổ: Cổ có cảm giác cứng, xoay nghiêng hay cúi ngửa đều khó khăn, đau tăng khi thay đổi tư thế đột ngột.
+ Rối loạn chức năng thần kinh (trong trường hợp nặng): Có thể xuất hiện rối loạn dáng đi, khó phối hợp vận động nếu tủy cổ bị chèn ép nhiều.
- Khám bệnh:
Qua khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện:
+ Dấu hiệu Spurling: Khi nghiêng đầu và ấn nhẹ xuống, nếu đau lan xuống tay thì nghi ngờ chèn ép rễ thần kinh.
+ Giảm phản xạ gân xương, yếu cơ, mất cảm giác theo vùng chi phối thần kinh.
+ Co cứng cơ cạnh sống, đau khi ấn vào cột sống cổ.
+ Rối loạn phản xạ tủy sống nếu có tổn thương tủy.
Cận lâm sàng
- X-quang cột sống cổ thẳng và nghiêng: Giúp phát hiện hẹp khe đĩa đệm, gai xương, thoái hóa khớp liên đốt sống.X quang chỉ có giá trị định hướng, không đánh giá được đĩa đệm hoặc tổn thương tủy.
- Cộng hưởng từ (MRI): Là phương tiện chẩn đoán chính xác nhất hiện nay. Cho phép đánh giá rõ tình trạng thoát vị đĩa đệm, mức độ chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy cổ, phù tủy, hẹp ống sống… MRI còn giúp loại trừ các nguyên nhân khác như u tủy, viêm cột sống, dị tật bẩm sinh.
- CT Scan (chụp cắt lớp vi tính): Có thể dùng trong trường hợp không thực hiện được MRI. Tốt hơn X-quang trong đánh giá xương, tuy nhiên kém hiệu quả hơn MRI trong đánh giá mô mềm và thần kinh.
- Điện cơ và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: Được sử dụng khi cần đánh giá mức độ tổn thương rễ thần kinh, phân biệt với các nguyên nhân khác như hội chứng ống cổ tay, bệnh thần kinh ngoại biên...
Điều trị bệnh đĩa đệm cột sống cổ nhằm mục tiêu: giảm đau, phục hồi chức năng vận động, giảm chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ tổn thương, triệu chứng lâm sàng, và đáp ứng với điều trị bảo tồn.
Điều trị nội khoa
Đây là phương pháp điều trị đầu tay, áp dụng cho phần lớn bệnh nhân chưa có biến chứng nặng.
- Thuốc giảm đau và kháng viêm: Paracetamol, NSAIDs (Ibuprofen, Diclofenac...) giúp giảm đau, viêm tại chỗ. Trong những trường hợp đau dữ dội, có thể dùng thuốc giảm đau thần kinh như Pregabalin, Gabapentin hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptyline) với liều thấp hỗ trợ giảm đau mạn tính.
- Thuốc giãn cơ: như Eperisone, Tolperisone giúp giảm co thắt cơ vùng cổ vai.
- Thuốc tiêm corticosteroid: Trong một số trường hợp đau rễ thần kinh không đáp ứng, có thể tiêm corticosteroid cạnh cột sống hoặc trong bao rễ dưới hướng dẫn của hình ảnh (CT hoặc siêu âm). Liệu pháp này giúp giảm viêm và phù quanh rễ thần kinh, tuy nhiên chỉ nên thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa và không lạm dụng.
- Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng: Là phần quan trọng trong điều trị bảo tồn. Các phương pháp thường được áp dụng, cụ thể:
+ Kéo giãn cột sống cổ bằng máy giúp giảm áp lực lên đĩa đệm.
+ Sóng ngắn, điện xung, siêu âm trị liệu hỗ trợ giảm viêm và đau.
+ Tập các bài tập cổ giúp cải thiện sức mạnh cơ cổ – vai – gáy, tăng tuần hoàn vùng cổ, giảm tái phát.
Người bệnh cần được hướng dẫn bài bản để tránh tập sai kỹ thuật gây tổn thương nặng hơn. Ngoài ra, người bệnh có thể được đeo nẹp cổ mềm ngắn hạn (1–2 tuần) giúp giữ cột sống cổ ở tư thế trung tính, tránh vận động sai tư thế trong giai đoạn cấp.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật thường giúp cải thiện nhanh triệu chứng, nhưng vẫn cần kết hợp tập phục hồi chức năng sau mổ để đạt kết quả tối ưu. Được chỉ định trong các trường hợp:
Phong bế tại chỗ là một phương pháp điều trị bệnh đĩa đệm đốt sống cổ
Trên đây là các thông tin cần thiết về bệnh đĩa đệm đốt sống cổ. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Smith, J. K., & Jones, M. T. (2019). Cervical disc degeneration and its management. Springer.
Brown, L., & Harris, A. (2018). The role of physical therapy in the management of cervical disc herniation. Journal of Orthopaedic Research, 36(2), 250-258.
World Health Organization. (2017). Low back pain and cervical disc herniation: Global burden and preventive strategies. WHO.
Bộ Y tế. (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cơ xương khớp. Nhà xuất bản Y học.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!