Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Balantidium là ký sinh trùng ký sinh và gây bệnh tại ruột, thường gặp tại manh tràng và đại tràng. Bệnh lây từ động vật sang người và từ người sang người. Bệnh có thể gặp nhiều nơi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Con người là vật chủ phụ, mắc bệnh chủ yếu khi nuốt phải thể hoạt động hoặc thể kén của ký sinh trùng lây nhiễm trong thức ăn và nước uống.
Balantidium là ký sinh trùng ký sinh và gây bệnh tại ruột, thường gặp tại manh tràng và đại tràng
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, có thể không có triệu chứng, tình cờ chẩn đoán khi xét nghiệm phân hoặc biểu hiện cấp tính như đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần lẫn nhầy máu. Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định khi tìm thấy ký sinh trùng trong phân, dịch phế quản,… Biện pháp điều trị chính là sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng như metronidazole, tetracyclin,… Bệnh do Balantidium biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, chẩn đoán thường khó hoặc bỏ sót, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột,… thậm chí tử vong.
Balantidium hay còn được gọi là trùng lông, thuộc lớp Ciliata. Cấu tạo cơ thể đơn bào, có nhiều lông giúp chúng di chuyển và gây bệnh. Có nhiều loại trùng lông, có thể gây bệnh cả ở người và động vật, trong đó Balantidium coli là trùng lông hay gặp nhất và có khả năng gây bệnh cho con người. Vật chủ chính của trùng lông là động vật (lợn, chuột, các loài lưỡng cư, linh trưởng,…), chúng ký sinh tại cơ quan tiêu hóa và sống bằng chất dinh dưỡng của vật chủ. Con người là vật chủ phụ, nhiễm bệnh một cách tình cờ.
Balantidium hay còn được gọi là trùng lông, thuộc lớp Ciliata
Balantidium coli tồn tại dưới hai dạng gây bệnh là thể hoạt động và thể kén. Thể hoạt động hình trứng không đối xứng, di chuyển nhanh nhờ cấu tạo lông, gây bệnh trong cơ thể vật chủ, ăn các chất dinh dưỡng, vi khuẩn,… Khi gặp điều kiện bất lợi, thể hoạt động tạo thành thể kén. Thể kén hình cầu với lớp vỏ chắc và dày thể hoạt động, gặp nhiều ngoài môi trường ngoại cảnh, chúng có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng trong nhiệt độ khoảng 20 độ C và độ ẩm cao, trong điều kiện nhiệt độ cao và ánh sáng mặt trời bị tiêu diệt sớm hơn.
Balantidium coli gây bệnh chính tại đường tiêu hóa của vật chủ, chủ yếu tại manh tràng và đoạn cuối hồi tràng, biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng và phong phú, triệu chứng có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ đến biến chứng nặng như thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Ký sinh trùng gây tổn thương niêm mạc ruột, phá hủy và hoại tử mô dẫn tới ruột bị phá hủy, tạo các vết loét sâu và rộng. Tại ruột, ký sinh trùng có thể theo dòng máu hoặc đường bạch huyết gây tổn thương mô khác trong cơ thể như gan, phổi, phúc mạc,… Một số bệnh nhân, bệnh có thể dai dẳng, kéo dài hàng chục năm. Biểu hiện bệnh có thể cấp tính, mạn tính hoặc người lành mang ký sinh trùng.
Các triệu chứng lâm sàng hay gặp như người bệnh cảm thấy đau bụng, đau vùng manh tràng hoặc khung đại tràng, kèm theo có các triệu chứng khác của hội chứng lỵ: mót rặn nhiều lần, đi ngoài phân lỏng vài lần đến hơn chục lần mỗi ngày, phân có thể có chất nhầy hoặc phân máu. Hậu quả đi ngoài nhiều lần dẫn đến tình trạng mất nước và điện giải, bệnh nhân suy kiệt, da khô, nhăn nheo, mệt mỏi, khát nước, gầy sút cân, nôn, buồn nôn, chuột rút,... trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tri giác, rối loạn điện giải nặng kèm theo tổn thương thành ruột nhiều có thể dẫn tới tử vong sau vài ngày. Bệnh nhân thường không có sốt.
Các triệu chứng lâm sàng hay gặp như người bệnh cảm thấy đau bụng, đau vùng manh tràng hoặc khung đại tràng
Người mắc trùng lông mạn tính ít gặp hơn,thường có các triệu chứng kéo dài nhiều năm, biểu hiện hội chứng lỵ diễn ra từng đợt như đau bụng, mót rặn, phân lỏng nhầy máu hoặc phân táo có nhầy máu.
Nhiễm Balantidium coli nguy hiểm khi ký sinh trùng gây xuất huyết tiêu hóa và thủng ruột, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây tử vong. Thành mang tràng, đại tràng bị tổn thương nặng, người bệnh biểu hiện đi ngoài phân nhầy máu nhiều, đau bụng nhiều, bí trung tiện, rối loạn chức năng cơ quan khác trong trường hợp nặng,…
Trùng lông có thể gây bệnh tại các cơ quan khác nhưng ít gặp hơn. Trong một số báo cáo đã ghi nhận viêm ruột thừa do Balantidium coli với các biểu hiện như sốt cao, đau bụng vùng hố chậu phải, bí trung đại tiện, thăm khám có phản ứng thành bụng hố chậu phải, xét nghiệm số lượng bạch cầu tăng, siêu âm ổ bụng thấy hình ảnh viêm ruột thừa. Viêm tử cung - phần phụ, viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu cũng đã ghi nhận nhưng hiếm gặp. Một số người bệnh có thể bị tổn thương ở phổi, tổn thương gan, tổn thương xương. Viêm giác mạc do Balantidium coli cũng được ghi nhận.
Các bất thường về cận lâm sàng phụ thuộc vào thể bệnh, cơ quan tổn thương và mức độ nặng của bệnh. Nhìn chung công thức máu thường không thấy bất thường, một số người bệnh có thể tăng nhẹ số lượng bạch cầu ái toan, khi có bội nhiễm vi khuẩn số lượng bạch cầu có thể tăng, lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu giảm khi có xuất huyết tiêu hóa; rối loạn điện giải đồ như hạ natri, kali máu là hậu quả của tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần, creatinin có thể tăng khi cơ thể mất nước, khi nội soi đường tiêu hóa thấy hình ảnh viêm và loét niêm mạc manh tràng, đại tràng với đặc điểm loét sâu, rộng, có thể có mủ, mô hoại tử ở đáy vết loét, có thể sinh thiết tổn thương để hỗ trợ chẩn đoán.
Một số biến chứng có thể gặp như: nhiễm trùng mạn tính, người lành mang trùng, gây suy kiệt, mất nước, rối loạn nước và điện giải, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, viêm ruột thừa,… thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Balantidium coli có khả năng lây truyền từ động vật sang người, từ người sang người với con đường lây truyền chính qua đường tiêu hóa (đường phân - miệng). Trùng lông ký sinh trong cơ thể vật chủ, theo phân được bài xuất ra ngoài, gây nhiễm môi trường ngoại cảnh. Cả hai thể hoạt động và thể kén đều là mầm bệnh có thể gây nhiễm cho con người. Chúng xâm nhập vào cơ thể con người qua thức ăn, nước uống, bàn tay bẩn, gián tiếp qua ruồi nhặng,… Người nhiễm Balantidium coli cấp hoặc mạn tính, hoặc người lành mang ký sinh trùng đều có thể là nguồn bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Balantidium coli có khả năng lây truyền qua đường tiêu hóa (đường phân - miệng)
Trùng lông không phải là căn nguyên gây bệnh thường gặp ở người, chúng thường gây bệnh khi có điều kiện thuận lợi như hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương bởi các căn nguyên khác như trực khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, E.coli, lỵ amip,… Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác và lây lan trong bệnh trong cộng đồng như: sống và làm việc với điều kiện vệ sinh môi trường kém, có nhiều ruồi nhặng, nhà vệ sinh và xử lý phân chưa đảm bảo, sử dụng trực tiếp phân tươi để bón cây trồng; chăn nuôi lợn thả rông; vệ sinh cá nhân đặc biệt vệ sinh tay còn kém; nguồn thức ăn, lương thực, thực phẩm không đảm bảo thói quen ăn uống không tốt như ăn thịt tái, bảo quản thức ăn chưa được tốt; phát hiện, chẩn đoán và điều trị người bệnh hoặc người lành mang trùng chưa tốt;…
Bên cạnh đó, ở những đối tượng hệ thống miễn dịch bị suy giảm, mắc các bệnh mạn tính như suy dinh dưỡng, xơ gan, đái tháo đường, HIV/AIDS, người nghiện rượu, … bệnh cảnh có thể nặng hơn và dễ gây biến chứng hơn.
Các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ thống miễn dịch; vệ sinh môi trường sống, môi trường làm việc; giữ gìn vệ sinh cá nhân đặc biệt vệ sinh tay; thực hiện an toàn thực phẩm, nguồn thức ăn nước uống có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín, uống sôi, không ăn thịt tái và thịt chưa được nấu chín, bảo quản thức ăn đúng cách; nhà vệ sinh và xử lý phân đúng quy định, không sử dụng trực tiếp phân tươi bón cây trồng; diệt ruồi nhặng; không chăn nuôi lợn thả rông; xử lý chất thải và xác động vật bị ốm chết đúng cách; … Đối với người bệnh hoặc người lành mang trùng cần phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân đặc biệt vệ sinh tay để phòng ngừa bệnh
Chẩn đoán xác định bệnh do Balantidium coli khi phát hiện thể hoạt động hoặc thể kén của trùng lông trong phân hoặc bệnh phẩm đường tiêu hóa khi nội soi đại trực tràng hoặc sinh thiết tổn thương. Một số bệnh phẩm khác có thể sử dụng như dịch phế quản, dịch ổ bụng,… Thể hoạt động hay thể kén có kích thước tương đối lớn, có thể quan sát được dưới kính hiển vi điện tử, tuy nhiên cần có kính nghiệm khi đọc kết quả tránh nhầm lẫn với trứng hay bào nang của một số loài ký sinh trùng khác. Bệnh phẩm sinh thiết đường tiêu hóa hữu ích khi đánh giá mức độ tổn thương của manh, đại tràng.
Chẩn đoán xác định bệnh do Balantidium coli khi phát hiện thể hoạt động hoặc thể kén của trùng lông trong phân hoặc bệnh phẩm đường tiêu hóa khi nội soi đại trực tràng
Nhiễm Balantidium coli không phải là bệnh lý hay gặp trong lâm sàng, do đó thể hoạt động hay thể kén của ký sinh trùng có thể bị bỏ sót khi xét nghiệm phân. Do đó việc khai thác tiền sử dịch tễ, yếu tố nguy cơ và các triệu chứng lâm sàng và tổn thương đường ruột khi nội soi tiêu hóa là rất cần thiết.
Bệnh do Balantidium coli cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau: nhiễm Entamoeba histolytica, Giardia, Dientamoeba fragilis, Cryptosporidium,.. nhiễm trùng đường ruột do một số vi khuẩn khác như E.coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter,…bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,..
Hiện nay, các biện pháp chính trong điều trị bệnh Balantidium coli là sử dụng thuốc diệt trùng lông. Thuốc điều trị thường được sử dụng là tetracycline, metronidazole,.. Ngoài ra có thể sử dụng iodoquinol hoặc doxycycline, nitazoxamide. Metronidazole thường dùng liều: người lớn 750 mg/lần x 3 lần/ ngày, trẻ em 35-50 mg/kg/ ngày chia 3 lần, thời gian điều trị trung bình khoảng 5 ngày. Tetracyclin thường dùng liều: 500 mg/lần x 4 lần/ngày, với trẻ em 40 mg/kg/ngày chia 4 lần, chú ý tác dụng phụ của tetracyclin ở trẻ nhỏ, thời gian điều trị trung bình khoảng 10 ngày. Đối với Iodoquinol liều thường dùng với người lớn 650 mg/lần x 3 lần/ngày, với trẻ em liều dùng 40 mg/kg/ ngày chia 3 lần, thời gian điều trị trung bình khoảng 20 ngày. Doxycyclin, tinidazole, paromomycin có thể lựa chọn thay thế trong một số trường hợp, thường dùng trong 5 đến 7 ngày.
Hiện nay, các biện pháp chính trong điều trị bệnh Balantidium coli là sử dụng thuốc diệt trùng lông
Kiểm tra thể hoạt động và thể kén của trùng lông qua xét nghiệm phân để đánh giá đáp ứng điều trị.
Các điều trị hỗ trợ khác như bổ sung nước và điện giải, truyền chế phẩm máu khi có chỉ định, phẫu thuật ngoại khoa khi có viêm ruột thừa, thủng ruột,…
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!