Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Bệnh đơn dây thần kinh chi dưới là tình trạng tổn thương một dây thần kinh riêng lẻ ở vùng chân, gây ra các triệu chứng như tê bì, đau nhức, yếu cơ hoặc khó cử động một phần chi dưới. Triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, có thể xuất hiện ở vùng đùi, cẳng chân, bàn chân hoặc các ngón chân. Người bệnh cảm thấy chân yếu đi, đi lại không vững, dễ bị vấp ngã hoặc cảm giác nóng rát, tê như kim châm ở vùng bị tổn thương.
Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, phổ biến nhất là do chấn thương trực tiếp khi chơi thể thao, tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông. Ngoài ra, việc duy trì một tư thế ngồi hoặc nằm quá lâu có thể dẫn đến chèn ép, tổn thương dây thần kinh. Một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, viêm mạch máu hoặc rối loạn chuyển hóa cũng là yếu tố nguy cơ làm tổn hại các dây thần kinh ngoại vi theo thời gian.
Chẩn đoán bệnh thường dựa vào thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương tiện hỗ trợ khác. Việc điều trị cần được tiến hành sớm để hạn chế tổn thương kéo dài và giúp người bệnh hồi phục chức năng vận động
Bệnh đơn dây thần kinh chi dưới là tình trạng tổn thương một dây thần kinh ở vùng chân, khiến người bệnh cảm thấy tê bì, đau nhức hoặc khó cử động
Bệnh đơn dây thần kinh chi dưới có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Chấn thương là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh đơn dây thần kinh chi dưới. Khi có va chạm mạnh vào vùng chân như trong tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt dây thần kinh có thể bị kéo giãn, đứt, bầm dập hoặc đè ép bởi xương gãy, mô sưng nề, máu tụ. Những dây thần kinh dễ bị ảnh hưởng nhất là thần kinh mác chung (ở mặt ngoài khớp gối), thần kinh đùi (ở bẹn) hoặc thần kinh hông to (dọc theo mông và sau đùi). Sau chấn thương, người bệnh thường có biểu hiện yếu vận động, mất cảm giác, hoặc đau buốt theo khu vực chi phối của dây thần kinh.
Một số tư thế sinh hoạt hàng ngày tưởng chừng vô hại lại có thể dẫn đến chèn ép dây thần kinh nếu duy trì quá lâu. Ví dụ, ngồi vắt chéo chân hoặc ngồi xổm lâu có thể làm chèn ép thần kinh mác chung ở đầu xương mác, gây yếu chân hoặc tê vùng mu bàn chân. Ngủ sai tư thế, đặc biệt là nằm đè một bên người, cũng có thể gây chèn ép thần kinh đùi hoặc thần kinh tọa. Tình trạng này thường gặp ở người ít vận động, người làm văn phòng, người lái xe đường dài, hoặc người cao tuổi. Nếu tư thế sai được duy trì trong nhiều giờ mỗi ngày, tổn thương thần kinh có thể trở nên dai dẳng và khó hồi phục.
Một số can thiệp y khoa, đặc biệt là phẫu thuật vùng cột sống thắt lưng, khớp háng, vùng chậu hoặc khớp gối, có thể gây tổn thương dây thần kinh do vô tình tác động trực tiếp hoặc do mô sau mổ sưng nề gây chèn ép. Một nguyên nhân khác cũng cần lưu ý là tiêm bắp không đúng vị trí, ví dụ tiêm vào mông lệch về phía trong, có thể làm tổn thương thần kinh tọa, gây đau lan xuống đùi, cẳng chân và bàn chân.
Các bệnh lý nội khoa mạn tính như đái tháo đường, suy giáp, viêm mạch máu, hoặc bệnh hệ thống đều có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên, bao gồm cả dây thần kinh chi dưới. Cơ chế thường gặp là do thiếu máu nuôi, viêm hoặc phá hủy lớp vỏ myelin bao quanh sợi thần kinh. Đặc biệt, ở người bệnh đái tháo đường lâu năm, tổn thương dây thần kinh có thể khu trú ở một dây (đơn dây thần kinh) hoặc lan rộng (đa dây thần kinh). Ngoài ra, thiếu vitamin nhóm B (đặc biệt là B1, B6 và B12) cũng là nguyên nhân gây rối loạn chức năng thần kinh, thường gặp ở người ăn uống kém, nghiện rượu hoặc mắc hội chứng kém hấp thu.
Các khối u trong cơ thể nằm gần đường đi của dây thần kinh có thể gây chèn ép, biểu hiện rõ nét khi khối u lớn dần theo thời gian. Điển hình như u cơ, u xương, u mỡ dưới da hoặc các khối u thần kinh lành tính (như u bao Schwann) thường ảnh hưởng đến dây thần kinh chi dưới, làm xuất hiện triệu chứng từ từ như tê, đau hoặc yếu cơ. Một số bất thường về giải phẫu bao gồm phình mạch vùng chậu hoặc dị dạng xương bẩm sinh (ống tủy hẹp, gai xương) cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây tổn thương đơn dây thần kinh chi dưới dễ bị bỏ sót.
Một vài tác nhân nhiễm trùng có khả năng tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh ngoại biên. Ví dụ như virus Herpes zoster (gây bệnh zona thần kinh), khi tái hoạt động ở vùng thắt lưng hoặc mông có thể gây viêm dây thần kinh chi dưới, kèm theo triệu chứng đau rát, tê bì và nổi mụn nước dọc theo đường đi của dây thần kinh. Ngoài ra, một số bệnh lý viêm dây thần kinh do rối loạn miễn dịch (như viêm đa rễ dây thần kinh, hội chứng Guillain-Barré thể không điển hình) cũng có thể gây tổn thương khu trú tại một dây thần kinh của chân.
Tai nạn là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương đơn dây thần kinh chi dưới
Bệnh đơn dây thần kinh chi dưới gây nhiều ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được thông qua thay đổi lối sống, tư thế và kiểm soát tốt các bệnh nền. Dưới đây là một số biện pháp dự phòng hiệu quả:
Tư thế sai là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chèn ép dây thần kinh. Việc ngồi bắt chéo chân lâu, ngồi xổm, hoặc ngồi nghiêng về một bên trong thời gian dài có thể làm tổn thương các dây thần kinh chi dưới. Vì vậy, cần chú ý thay đổi tư thế thường xuyên khi làm việc, học tập và cả lúc nghỉ ngơi, tránh đè ép lên một vùng chân quá lâu.
Tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc chơi thể thao quá sức đều có thể khiến thần kinh bị va đập, kéo giãn hoặc đứt. Để phòng ngừa những tình huống này, cần sử dụng thiết bị bảo hộ phù hợp khi chơi hoặc làm việc nặng. Trong sinh hoạt hàng ngày, nên rèn luyện tác phong đi đứng cẩn thận, đặc biệt với người cao tuổi có nguy cơ té ngã cao.
Một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp có thể gây tổn thương dây thần kinh do ảnh hưởng đến hệ vi mạch nuôi thần kinh. Kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mỡ máu không chỉ giúp phòng biến chứng toàn thân mà còn góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh thần kinh ngoại biên.
Thiếu hụt các vitamin nhóm B, đặc biệt là B1, B6, B12 có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa hoặc viêm dây thần kinh. Vì vậy, những người ăn uống kém, hay uống rượu, bia hoặc có rối loạn hấp thu đường tiêu hóa nên được khám và bổ sung vitamin khi cần. Đồng thời duy trì chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, giàu rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt cũng là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, giúp nâng cao sức khỏe thần kinh.
Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng sức mạnh cơ bắp và độ dẻo dai cho chi dưới. Các bài tập như đi bộ nhẹ, yoga, bơi lội hoặc các bài giãn cơ hằng ngày rất tốt cho hệ thần kinh vận động. Đặc biệt ở người đã từng bị tổn thương thần kinh, việc duy trì các bài tập phù hợp giúp ngăn ngừa tái phát bệnh đơn thần kinh chi dưới.
Những người có yếu tố nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, người có tiền sử chấn thương chi dưới nên tuân thủ lịch khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương thần kinh. Đặc biệt, khi có triệu chứng tê bì, đau hoặc yếu cơ bất thường ở chân, người bệnh cần thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Giữ tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày là biện pháp dự phòng bệnh đơn thần kinh chi dưới
Để chẩn đoán chính xác bệnh đơn dây thần kinh chi dưới cần phải kết hợp giữa khai thác bệnh sử, thăm khám thực thể cùng với các phương tiện cận lâm sàng cần thiết. Dưới đây là các bước quan trọng trong quá trình chẩn đoán:
- Hỏi bệnh: Khai thác bệnh sử là bước đầu tiên và quan trọng để xác định nguyên nhân và định hướng vị trí tổn thương. Người bệnh thường mô tả các triệu chứng như:
+ Cảm giác tê bì, kiến bò, châm chích ở một vùng nhất định của đùi, cẳng chân, bàn chân hoặc các ngón chân.
+ Đau kiểu điện giật hoặc âm ỉ dọc theo đường đi của dây thần kinh.
+ Yếu cơ, đi lại không vững.
+ Teo cơ hoặc thay đổi tư thế đứng, dáng đi bất thường.
Bác sĩ sẽ khai thác kỹ về thời gian khởi phát của các triệu chứng trên và các yếu tố nguy cơ liên quan bao gồm chấn thương gần đây, tiền sử phẫu thuật vùng hông hoặc chi dưới, tình trạng mắc các bệnh nền (đái tháo đường, viêm khớp, lupus).
- Khám bệnh: Thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định rõ dây thần kinh nào bị ảnh hưởng và mức độ tổn thương hiện tại.
+ Khám cảm giác: Bác sĩ kiểm tra cảm giác nông (sờ, đau, nhiệt) và cảm giác sâu (rung, định vị) tại các vùng da chi phối bởi từng dây thần kinh. Ví dụ:
+ Khám vận động: Đánh giá sức cơ để phát hiện yếu hoặc liệt khu trú. Ví dụ:
+ Dấu hiệu đặc trưng khác:
- Điện cơ và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: Đây là công cụ cận lâm sàng hàng đầu để đánh giá chức năng của dây thần kinh ngoại biên, giúp xác định dây thần kinh bị tổn thương, phân biệt dạng tổn thương (chèn ép, viêm hay thoái hóa) và có phối hợp với tổn thương cơ hay không.
- Cộng hưởng từ: Tùy theo vị trí nghi ngờ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định:
+ MRI cột sống thắt lưng: Nếu nghi tổn thương rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm.
+ MRI vùng chậu, khớp háng hoặc khớp gối: Nếu nghi chèn ép thần kinh do khối u, phình mạch, thoái hóa khớp.
- Siêu âm thần kinh: Đây là phương pháp không xâm lấn, giúp khảo sát hình ảnh dây thần kinh, độ dày vỏ bao thần kinh, vị trí chèn ép.
- Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá các tình trạng toàn thân và các bệnh lý liên quan.
+ Glucose, HbA1C: Tầm soát và theo dõi bệnh đái tháo đường.
+ Vitamin B1, B6, B12: Tìm nguyên nhân thiếu vitamin gây ảnh hưởng đến thần kinh chi dưới.
+ Công thức máu, CRP: Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
Khám thực thể đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh đơn dây thần kinh chi dưới
Việc điều trị bệnh đơn dây thần kinh chi dưới cần được cá thể hóa theo từng nguyên nhân cụ thể, mức độ tổn thương và triệu chứng của người bệnh. Mục tiêu điều trị là giảm đau, phục hồi chức năng, ngăn ngừa tiến triển và giảm biến chứng lâu dài. Cụ thể:
Đây là phương pháp điều trị phổ biến và được áp dụng trước tiên trong hầu hết các trường hợp. Cụ thể:
- Thay đổi lối sống:
+ Thay đổi tư thế sinh hoạt nếu tổn thương do nằm, ngồi sai tư thế.
+ Hạn chế các động tác đè ép lên vùng dây thần kinh (không ngồi bắt chéo chân, ngồi xổm lâu, tránh đeo vật nặng trên hông).
- Dùng thuốc:
+ Paracetamol, NSAIDs (ibuprofen, diclofenac): Giảm đau, kháng viêm trong giai đoạn cấp.
+ Giảm đau thần kinh (Gabapentin, pregabalin): Giúp giảm cảm giác tê bì, châm chích.
+ Vitamin nhóm B: Đặc biệt là B1, B6, B12 được chỉ định dưới dạng tiêm hoặc viên uống liều cao trong thời gian 4-8 tuần, hỗ trợ tái tạo và bảo vệ bao myelin dây thần kinh.
+ Thuốc giãn cơ (Eperisone, tolperisone): Giảm co cứng cơ vùng chi dưới.
- Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng: Kết hợp điều trị dùng thuốc giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng và lấy lại chức năng của thần kinh chi dưới. Một số phương pháp được áp dụng:
+ Điện xung, chiếu hồng ngoại, chườm ấm.
+ Bài tập kéo giãn, vận động chủ động giúp phòng teo cơ và cứng khớp.
Chỉ định điều trị ngoại khoa được đặt ra trong các trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có nguyên nhân chèn ép cần can thiệp trực tiếp. Bao gồm các phương pháp:
- Giải ép dây thần kinh: Áp dụng khi dây thần kinh bị chèn ép do mô xơ, cơ, mạch máu hoặc u lành tính. Bác sĩ sử dụng kỹ thuật bóc tách và làm sạch vùng quanh dây thần kinh, không gây tổn thương thêm.
- Nối dây thần kinh trực tiếp: Là kỹ thuật vi phẫu nối hai đầu dây thần kinh bằng chỉ rất nhỏ dưới kính hiển vi, được chỉ định khi đứt ngang dây thần kinh với khoảng cách ngắn.
- Ghép dây thần kinh: Khi mất đoạn dây thần kinh dài (>2-3cm), không thể nối trực tiếp. Bác sĩ có thể ghép bằng dây thần kinh cảm giác tự thân (như thần kinh hiển) hoặc vật liệu ghép nhân tạo sinh học để phục hồi lại chức năng cho dây thần kinh tổn thương.
- Chuyển thần kinh: Trong các trường hợp tổn thương không phục hồi, bác sĩ có thể chuyển một nhánh thần kinh khỏe gần đó để tái chi phối vùng bị liệt.
Trên đây là các thông tin cần thiết về bệnh đơn dây thần kinh chi dưới. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám, quý khách có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!