Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh gan do rượu là một trong những bệnh lý tổn thương gan thường gặp. Việc sử dụng nhiều rượu bia vượt quá khả năng chuyển hóa của gan từ đó gây tổn thương tế bào gan, dẫn tới gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, hậu quả với nhiều biến chứng như xơ gan mất bù, ung thư gan, hội chứng não gan,... Người bệnh có thể không có triệu chứng trên lâm sàng, tình cờ phát hiện viêm gan trên xét nghiệm cận lâm sàng hoặc triệu chứng lâm sàng rầm rộ như phù, vàng mắt vàng da, cổ chướng, tiểu sẫm màu,... Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các yếu tố như tiền sử dùng rượu bia, lâm sàng và các xét nghiệm. Các biện pháp điều trị chính chủ yếu là ngưng sử dụng rượu bia, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.
Bệnh gan do rượu là một trong những bệnh lý tổn thương gan thường gặp
Bệnh gan do rượu là bệnh lý tổn thương gan rất hay gặp, có thể gặp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc sử dụng rượu với số lượng nhiều hoặc trong thời gian dài sẽ gây tổn thương gan do rượu, bắt đầu là viêm gan nhiễm mỡ đến viêm gan do rượu, hậu quả cuối cùng là xơ gan do rượu.
Việc sử dụng rượu thường xuyên hoặc tần suất nhiều, lạm dụng rượu, nghiện rượu là nguyên nhân gây bệnh. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa rượu (lượng rượu sử dụng hàng ngày và thời gian sử dụng rượu) đối với xơ gan. Lượng rượu sử dụng ít nhưng trong thời gian kéo dài cũng tăng nguy cơ gây bệnh. Khi sử dụng rượu bia, cồn (ethanol) được chuyển hoá thành acetaldehyde có thể gây độc nhiều cơ quan trong cơ thể. Để tránh hậu quả này, acetaldehyde tại gan sẽ được chuyển hóa thành acetate ít độc hơn dưới tác dụng của các enzyme và được cơ thể thải trừ. Khi sử dụng nhiều rượu bia, gan không thể chuyển hóa được hết acetaldehyde thành acetate, lượng acetaldehyde còn dư thừa không thể chuyển hóa sẽ ứ đọng và gây độc cho gan, tế bào gan vị phá hủy, viêm, theo tiến triển thời gian dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Việc sử dụng rượu thường xuyên hoặc tần suất nhiều, lạm dụng rượu, nghiện rượu là nguyên nhân gây bệnh
Bệnh gan do rượu có biểu hiện lâm sàng đa dạng, không đặc hiệu, triệu chứng ban đầu có thể không có hoặc không rõ ràng đến biểu hiện xơ gan mất bù, ung thư gan.
- Gan nhiễm mỡ: người bệnh trong một thời gian dài thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng như đôi khi mệt mỏi, có lúc chán ăn, thăm khám thường không phát hiện gì đặc biệt, rất ít khi thấy gan có thể to,… Tuy nhiên, các tế bào gan có thể bị tổn thương nặng hơn, tiến triển tới viêm gan. Một số người bệnh có thể hồi phục nếu ngưng sử dụng rượu bia đúng lúc. Trên xét nghiệm có thể thấy sự gia tăng nhẹ hoặc mức độ trung bình các men aminotransferase aspartate aminotransferase AST, Alanine Aminotransferase ALT, đặc biệt Gamma Glutamyl transferase (GGT), các chức năng khác của gan thường bình thường chưa bị ảnh hưởng.
Bệnh gan do rượu có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, ăn uống kém, ăn không ngon, chán ăn
- Viêm gan do rượu: các triệu chứng trên lâm sàng và xét nghiệm có thể rõ ràng hơn. Người bệnh mệt mỏi, khó chịu, ăn uống kém, ăn không ngon, chán ăn, bụng chướng hơi, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa: đi ngoài phân lỏng, nát hoặc táo bón. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể sốt, gầy sút cân, vàng da và củng mạc mức độ nhẹ đến nặng. Thăm khám trên lâm sàng thấy củng mạc, da vàng, gan có thể to đau,… Các bất thường xét nghiệm như: AST, ALT, GGT tăng, bilirubin toàn phần và gián tiếp tăng khi có vàng da, trường hợp nặng chức năng gan có thể bị ảnh hưởng: giảm tỉ lệ prothrombin, giảm albumin máu, tỉ lệ A/G giảm,…
- Xơ gan: bệnh nhân có thể xơ gan còn bù hoặc xơ gan mất bù. Người bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh hoặc triệu chứng mơ hồ không đặc hiệu mặc dù tổn thương tế bào gan vẫn âm ỉ và thường tiến triển chậm theo thời gian, số lượng tế bào gan hoạt động tốt giảm dần. Người bệnh mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, đau bụng vùng gan, rối loạn tiêu hóa, có thể có sao mạch, thăm khám đôi khi thấy gan to. Trên siêu âm ổ bụng có thể thấy hình ảnh nhu mô gan to, không có cổ chứng, tĩnh mạch cửa không giãn. Người bệnh xơ gan mất bù với tiên lượng nặng, các triệu chứng lâm sàng rõ ràng của hội chứng suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, trường hợp nặng hơn có biến chứng nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, khó làm việc, tập trung, đau bụng, rối loạn đại tiện, vàng da, vàng mắt, phù chân, cổ chướng và có tuần hoàn bàng hệ, tiểu ít nước tiểu vàng, sao mạch, xuất huyết bầm tím vị trí tiêm truyền,...
Siêu âm thấy dịch tự do ổ bụng, dịch màng phổi, nhu mô gan thô, tăng âm, kích thước có thể teo gan, tĩnh mạch cửa giãn thậm chí có huyết khối, lách to,… Nội soi dạ dày-tá tràng thấy giãn tĩnh mạch thực quản. Các xét nghiệm chức năng gan bị suy giảm: giảm nhiều tỉ lệ prothrombin, albumin máu giảm, tỉ lệ A/G giảm,..
Hậu quả xơ gan có thể dẫn tới ung thư gan, tổ chức ung thư có thể di căn nhiều cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.
Bên cạnh đó người bệnh có thể có các triệu chứng của hội chứng cai và hội chứng sảng rượu.
Các biến chứng có thể gặp: Rối loạn điện giải, hội chứng gan thận, hội chứng não gan, hội chứng cai, rối loạn đông máu, giãn vỡ tĩnh mạch thực phản, nhiễm trùng dịch cổ trướng và vị trí khác,…
Bệnh gan do rượu không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây từ người sang người.
Rượu bia là nguyên nhân gây tổn thương gan. Đa số các bệnh nhân mắc bệnh gan do rượu là những đối tượng thường xuyên sử dụng lượng rượu lớn trong một hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó những người sử dụng rượu với lượng lớn trong thời gian ngắn hoặc sử dụng rượu bia hàng ngày với số lượng không lớn trong thời gian dài cũng tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng khoảng 500 ml rượu 40o trong khoảng 1 tuần có thể dẫn tới bị viêm gan cấp do rượu, nguy cơ xơ gan tăng lên 40% nếu sử dụng trong khoảng 8 năm. Những người uống rượu trên 5 năm khoảng 80% có thể bị viêm gan do rượu, thời gian dài hơn khoảng 15 năm nguy cơ xơ gan tăng lên rất nhiều. Thời gian uống rượu bia càng dài, số lượng rượu bia đưa vào cơ thể càng nhiều, nguy cơ xơ gan và ung thư gan càng cao.
Rượu bia là nguyên nhân gây tổn thương gan
Bên cạnh đó, một số đối tượng có sẵn các bệnh lý về gan như viêm gan do virus (virus viêm gan B, C, A, E,…) hoặc các căn nguyên khác, người bệnh rối loạn miễn dịch, enzyme chuyển hóa rượu bị thiếu hoặc thay đổi, cơ thể bị thiếu dinh dưỡng,viêm dạ dày, tuổi cao, giới tính nữ,… có thể làm nặng lên tổn thương viêm gan nếu sử dụng rượu bia.
Việc sử dụng rượu bia một cách hợp lý là biện pháp phòng bệnh chính. Một số khuyến cáo sử dụng lượng rượu bia hợp lý như: với nam giới, chỉ nên uống lượng rượu không vượt quá 21 đơn vị rượu trong một tuần, trong một ngày không vượt quá 4 đơn vị và trong tuần có ít nhất 2 ngày không sử dụng rượu bia; đối với nữ giới chỉ nên uống lượng rượu không quá 14 đơn vị rượu trong một tuần, trong một ngày không vượt quá 3 đơn vị và trong tuần có ít nhất 2 ngày không sử dụng rượu bia. Ước lượng 1 đơn vị rượu như sau: khoảng 500 ml bia hoặc rượu 3 - 4%, khoảng 20 ml rượu khoảng 40%, 50 ml rượu vang.
Bên cạnh đó, các biện pháp phòng bệnh khác như: sinh hoạt điều độ, thói quen sinh hoạt lành mạnh, tăng cường sức khỏe, dinh dưỡng tốt; truyền máu an toàn, quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh lây truyền viêm gan virus B, viêm gan virus C, tiêm vắc xin viêm gan virus B theo lịch tiêm chủng, không sử dụng các thuốc gây tổn thương gan khác; phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị tốt người bệnh, tư vấn người bệnh bỏ rượu bia.
Chẩn đoán bệnh gan do rượu cần dựa vào các yếu tố khai thác tiền sử sử dụng rượu bia, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Tiền sử sử dụng rượu bia: cần khai thác kỹ tiền sử sử dụng bia rượu, số lượng bia rượu sử dụng, thời gian sử dụng, được chẩn đoán gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan do rượu trước đây.
- Triệu chứng lâm sàng: theo các thể người bệnh. Có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu đến các biểu hiện xơ gan mất bù trên.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng:
+ AST, ALT tăng, có thể tăng từ vài trăm đến trên 1000 U/L; trong đó tỉ lệ AST thường tăng nhiều hơn so với ALT, GGT thường tăng cao. Khi có suy giảm chức năng gan: tiểu cầu giảm, các xét nghiệm tỉ lệ PT % giảm, INR kéo dài, giảm albumin, tăng bilirubin toàn trực tiếp và gián tiếp, chức năng thận có thể suy giảm, AFP thường tăng khi có ung thư gan,…
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh gan do rượu
Công thức tính chỉ số DT thường được sử dụng trên lâm sàng để đánh giá mức độ nặng và tiên lượng tử vong cho người bệnh. DT > 32 điểm khi tổn thương gan nặng và tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng, chỉ số DT giảm độ chính xác trên nhiều trường hợp, đặc biệt với bệnh nhân đang sử dụng corticoid.
+ Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng: siêu âm thầy hình ảnh gan to trong giai đoạn đầu, sau thấy gan teo, nhu mô gan tăng âm, trường hợp ung thư gan thấy khối u ở gan, dịch ổ bụng, giãn tĩnh mạch cửa,… Fibroscan thấy hình ảnh gan xơ hóa,…
+ Sinh thiết gan: chẩn đoán xác định xơ gan, tuy nhiên đây là biện pháp xâm lấn.
Bệnh gan do rượu cần chẩn đoán phân biệt với tổn thương gan do các nguyên nhân khác như viêm gan virus cấp/mạn, viêm gan nhiễm độc, xơ gan do căn nguyên khác, ung thư gan nguyên phát, tổn thương gan trong bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm Leptospira, bệnh do Rickettisia,…
Các biện pháp điều trị chính bao gồm:
- Người bệnh cần dừng ngay việc sử dụng rượu bia, chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi tránh hoạt động mạnh khi bệnh tiến triển, nhập viện điều trị với những trường hợp trung bình và năng,…
- Đối với các bệnh nhân có biến chứng của bệnh cần nhập viện điều trị ngay.
- Trường hợp viêm gan cấp hoặc suy gan cấp do rượu: chỉ định corticoid thường dùng là methylprednisolone liều 32 mg/ngày trong 04 tuần, chú ý tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng; người bệnh cần bổ sung protein, vitamin, khoáng chất,… lựa chọn acid amin chuỗi nhánh; điều chỉnh rối loạn điện giải, bổ sung Magie, Kali, photphat; sử dụng vitamin B1 cho người bệnh; bổ sung vitamin K1 khi có chỉ định;…
Thuốc điều trị bệnh gan do rượu
- Trường hợp bệnh gan do rượu mạn tính mất bù: hiện nay chưa có khuyến cáo sử dụng loại thuốc nào tối ưu nhất trong điều trị bệnh gan mạn tính do rượu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng: nghỉ ngơi tuyệt đối, bổ sung dinh dưỡng, các acid amin chuỗi nhánh, điều chỉnh rối loạn điện giải; chỉ định vitamin K1, truyền các chế phẩm máu như huyết tương tươi đông lạnh, yếu tố VIII,… khi có chỉ định; bổ sung vitamin B1,… Điều trị hội chứng sảng hoặc hội chứng cai nếu có.
- Đối với bệnh nhân xơ gan rượu: cần ghép gan sớm khi có điều kiện.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!