Từ điển bệnh lý

Bệnh giun đũa : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh giun đũa

Nhiễm giun đũa do A. lumbricoides xảy ra trên toàn thế giới. Ước tính rằng hơn một tỷ người bị nhiễm bệnh, phần lớn những người mắc bệnh giun đũa sống ở Châu Á (73%), Châu Phi (12%) và Nam Mỹ (8%), một số quần thể có tỷ lệ nhiễm bệnh cao tới 95% . Bệnh giun đũa phổ biến nhất ở trẻ em từ 2 đến 10 tuổi, và tỷ lệ nhiễm bệnh giảm dần ở những người > 15 tuổi.

Bệnh giun đũa phổ biến nhất ở trẻ em từ 2 đến 10 tuổi

Bệnh giun đũa phổ biến nhất ở trẻ em từ 2 đến 10 tuổi

Nhiễm trùng có xu hướng tụ tập trong các gia đình. Tỷ lệ mắc bệnh và khả năng lây nhiễm cao nhất ở các nước nhiệt đới, nơi có khí hậu ấm áp, ẩm ướt thuận lợi cho việc lây truyền bệnh quanh năm. Ở những vùng khô hạn, sự lây truyền chủ yếu xảy ra trong những tháng mùa mưa. Bệnh giun đũa xảy ra phổ biến nhất ở những nơi có các biện pháp vệ sinh chưa tối ưu có liên quan đến việc ô nhiễm phân vào đất, nước và thực phẩm.

Nhiễm giun đũa do A. suum đã được ghi nhận ngày càng nhiều ở những vùng mà con người tiếp xúc với lợn có thể ăn phải trứng giun. Chăn nuôi lợn và sử dụng phân lợn để làm phân bón đã liên quan đến việc lây nhiễm bệnh cho người ngay cả ở các vùng ôn đới của các nước phát triển. Nhiễm A. suum đã được báo cáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Myanmar, Mỹ, châu Âu,…

Hầu hết bệnh nhân nhiễm A. lumbricoides hoặc A. suum không có triệu chứng. Khi các triệu chứng xảy ra, chúng thường xảy ra nhất trong giai đoạn tại ruột của giun trưởng thành (như các biểu hiện ở ruột, gan mật hoặc tuyến tụy) nhưng cũng có thể xảy ra trong giai đoạn di chuyển của ấu trùng (như các biểu hiện ở phổi).

Tại Việt Nam, bệnh giun đũa xảy ra chỉ do A. lumbricoides, bệnh xảy ra quanh năm, ở khắp cả nước từ Bắc vào Nam, tuy nhiên tập trung tại vùng nông thôn, miền núi, nơi những điều kiện vệ sinh ăn uống còn chưa được đảm bảo.


Nguyên nhân Bệnh giun đũa

Ascaris lumbricoides là loài giun tròn (giun đũa) đường ruột lớn nhất ký sinh ở ruột người và là một trong những bệnh nhiễm giun sán ở người phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ascaris suum là một loại giun đũa ký sinh trong ruột của lợn và cũng có thể gây nhiễm trùng cho người. A. lumbricoides và A. suum có liên quan rất chặt chẽ về mặt di truyền.

Vòng đời của giun đũa: Trứng giun đũa qua phân được lắng đọng trong đất, nơi chúng phát triển thành phôi và có khả năng gây nhiễm bệnh trong vòng hai đến bốn tuần. Sau khi ăn phải trứng giun đũa nhiễm trùng (qua thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm), khoảng 4 ngày sau trứng nở trong ruột non và phóng thích ấu trùng di chuyển qua niêm mạc manh tràng và đại tràng lên. Sau đó, một số ấu trùng xâm nhập vào thành ruột và di chuyển theo đường máu qua hệ thống tĩnh mạch cửa đến gan, sau đó qua các tĩnh mạch gan đến tim, và sau đó là phổi. Một số ấu trùng di chuyển theo đường bạch huyết qua ống ngực đến phổi. Ấu trùng trưởng thành trong các phế nang trong vòng 10 đến 14 ngày, đi lên cây phế quản đến khí quản, sau đó người bệnh ho ra và nuốt chửng. Đôi khi, ấu trùng di chuyển đến các vị trí khác như não hoặc thận.

Vòng đời của giun đũa

Vòng đời của giun đũa

Khi trở lại ruột, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành (con cái từ 20 đến 35 cm, con đực từ 15 đến 30 cm) trong lòng ruột non. Phần lớn giun được tìm thấy ở hỗng tràng, mặc dù giun có thể được tìm thấy ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hóa và đôi khi di chuyển đến các vị trí khác. Giun trưởng thành bắt đầu đẻ trứng khoảng 9 đến 11 tuần sau khi nhiễm trùng. Khi có cả giun cái và giun đực trong ruột, mỗi con giun cái tạo ra khoảng 200.000 trứng thụ tinh mỗi ngày. Trong trường hợp chỉ nhiễm giun cái, trứng được tạo ra không phát triển thành giai đoạn lây nhiễm. Khi chỉ nhiễm giun đực, không có trứng nào được hình thành.

Giun trưởng thành có tuổi thọ từ 10 đến 24 tháng và được thải qua phân. Ở những khu vực đặc biệt, có thể quan sát thấy những ổ giun lên tới vài trăm con/người. Số lượng trứng được tạo ra trên mỗi con giun cái có xu hướng giảm khi số lượng giun tăng lên.

Trứng giun được vận chuyển qua phân, chúng có hình bầu dục, có lớp vỏ dày và lớp lông bên ngoài, kích thước từ 45- 70 micrômet x 35- 50 micrômet. Trong điều kiện môi trường thuận lợi (đất ẩm, ấm, bóng râm), trứng có thể tồn tại đến 10 năm.


Triệu chứng Bệnh giun đũa

Hầu hết bệnh nhân nhiễm A. lumbricoides hoặc A. suum không có triệu chứng. Nhìn chung, các triệu chứng lâm sàng xảy ra ở những cá nhân có lượng giun tương đối cao. Khi có các triệu chứng, chúng thường xảy ra nhất ở cuối giai đoạn của giun trưởng thành (như các biểu hiện ở ruột, gan mật hoặc tuyến tụy) nhưng cũng có thể xảy ra trong giai đoạn di cư của ấu trùng ở giai đoạn đầu (như các biểu hiện ở phổi).

Giai đoạn đầu - Biểu hiện ở phổi

Bệnh giun đũa phổi thường xảy ra ở những người không bị nhiễm giun đũa trước đó và ăn phải trứng trong vòng vài tuần trước khi bắt đầu có triệu chứng. Trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng (4 đến 16 ngày sau khi ăn phải trứng), sự di chuyển của ấu trùng giun đũa qua phổi có thể kết hợp với các triệu chứng hô hấp thoáng qua và viêm phổi tăng bạch cầu ái toan. Nhìn chung, các biểu hiện hô hấp xảy ra chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng.

Biểu hiện ở phổi khi nhiễm giun đũa được gọi là hội chứng Loeffler (Loffler syndrome), triệu chứng thể hiện của một tình trạng viêm phổi tăng bạch cầu ái toan như: Sốt, ho khan, khó thở, thở khò khè, và đờm có thể có máu. Nổi mề đay có thể xảy ra trong 5 ngày đầu tiên của bệnh, gan có thể to. Các triệu chứng thường giảm dần trong vòng 5 đến 10 ngày, hội chứng này thường tự giới hạn và rất hiếm khi gây tử vong.

Triệu chứng: Sốt, ho khan, khó thở, thở khò khè, và đờm có thể có máu

Triệu chứng: Sốt, ho khan, khó thở, thở khò khè, và đờm có thể có máu

- Các xét nghiệm: Có thể tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi liên quan đến các biểu hiện ở phổi, soi đờm có tinh thể Charcot - Leyden. Xét nghiệm huyết thanh về globulin miễn dịch IgG và tổng IgE thường tăng cao trong giai đoạn đầu nhiễm trùng.

- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang ngực có thể cho thấy thâm nhiễm hình tròn hoặc bầu dục có kích thước từ vài mm đến vài cm ở cả hai trường phổi. Chụp cắt lớp vi tính thường cho thấy nhiều nốt (đường kính thường lên đến 3 cm), cũng có thể nhìn thấy hình ảnh kính mờ.


Các biến chứng Bệnh giun đũa

- Tắc ruột: Khi nhiễm giun đũa nặng, giun trưởng thành có thể làm tắc lòng ruột, dẫn đến tắc ruột cấp tính. Các biến chứng khác liên quan đến tắc ruột do A. lumbricoides baogồm  lồng ruột, hoại thư và thủng ruột.

- Suy dinh dưỡng: Bệnh giun đũa có liên quan đến suy dinh dưỡng, chậm lớn và suy giảm phát triển nhận thức ở trẻ em đi học.

Bệnh giun đũa có liên quan đến suy dinh dưỡng, chậm lớn và suy giảm phát triển nhận thức ở trẻ em đi học

Bệnh giun đũa có liên quan đến suy dinh dưỡng, chậm lớn và suy giảm phát triển nhận thức ở trẻ em đi học

- Bệnh liên quan đến gan mật và tuyến tụy: Sự di chuyển của giun đũa trưởng thành vào đường mật có thể gây đau quặn mật, tắc mật, viêm túi mật, viêm đường mật tăng dần, vàng da tắc nghẽn, áp xe gan và thủng ống mật với viêm phúc mạc. Các mảnh giun còn sót lại có thể tạo sỏi đường mật.

- Các biến chứng khác: Thỉnh thoảng, giun trưởng thành di chuyển ngoài đường tiêu hóa đến các vị trí khác như miệng, mũi, ống dẫn lệ, rốn hoặc ống bẹn,…


Đường lây truyền Bệnh giun đũa

Việc lây nhiễm giun đũa ở người có thể xảy ra thông qua các cơ chế sau:

- Ăn phải trứng tiết ra từ phân người (A. lumbricoides) hoặc lợn (A. suum). Trứng phát triển thành phôi trong đất mới có thể lây nhiễm.

- Ăn gan lợn hoặc gan gà chưa nấu chín mang ấu trùng A. suum.

Sự lây truyền của bệnh giun đũa xảy ra chủ yếu khi uống nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm A. lumbricoides hoặc trứng A. suum. Trẻ em chơi trên đất bị ô nhiễm có thể nhiễm ký sinh trùng từ tay của chúng, và vệ sinh kém sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan.

Trẻ em chơi trên đất bị ô nhiễm có thể nhiễm ký sinh trùng từ tay của chúng

Trẻ em chơi trên đất bị ô nhiễm có thể nhiễm ký sinh trùng từ tay của chúng

Thậm chí đã ghi nhận sự lây truyền từ mẹ sang thai nhi qua sự di chuyển qua nhau thai của ấu trùng giun đũa. Sự lây truyền A. suum liên quan đến chăn nuôi lợn và sử dụng phân lợn làm phân bón.


Đối tượng nguy cơ Bệnh giun đũa

Giun đũa thường sinh trưởng và phát triển ở khu vực nhiệt đới có lượng mưa lớn, vì vậy ngươi dân sống ở những khu vực này đều có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên dựa vào chu kỳ và con đường lây nhiễm bệnh, những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả:

- Người dân ở những nước nghèo, lạc hậu.

- Người dân sống ở vùng nông thôn, miền núi.

- Người làm nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt.

- Trẻ em, nhất là sinh sống ở khu vực kém phát triển.


Phòng ngừa Bệnh giun đũa

Ở những vùng có nhiều giun đũa trong đất, việc ngăn ngừa tái nhiễm là vô cùng khó khăn. Các biện pháp giảm tỷ lệ mắc bệnh bao gồm cải thiện vệ sinh môi trường, giáo dục sức khỏe và điều trị giun sán hàng loạt. Bao gồm sử dụng nước đã qua xử lý, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện. Ở những khu vực sử dụng phân người làm phân bón, cần có các chương trình giáo dục để thay đổi tập quán này.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh giun đũa

Chẩn đoán lâm sàng

Cần nghi ngờ bệnh giun đũa ở bệnh nhân có các triệu chứng tiêu hóa không đặc hiệu (mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn) và / hoặc các biến chứng liên quan (mật hoặc tụy). Kết hợp với yếu tố dịch tễ như sinh sống ở khu vực có tỷ lệ mắc giun sán cao.

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán được xác định thông qua soi phân qua kính hiển vi tìm thấy trứng hoặc giun trưởng thành (không thể phân biệt được trứng của A. lumbricoides và A. suum), người ta có thể dùng phương pháp cô đặc phân để phát hiện trứng giun đũa bao gồm kỹ thuật Kato-Katz và FLOTAC. Ngoài ra có thể phát hiện được giun khi chúng chui qua trực tràng, qua ho hoặc qua nước tiểu.

Soi phân qua kính hiển vi tìm thấy trứng hoặc giun trưởng thành

Soi phân qua kính hiển vi tìm thấy trứng hoặc giun trưởng thành

Bệnh nhân nghi ngờ tắc ruột hoặc biến chứng ruột khác liên quan đến bệnh giun đũa nên được chụp X quang bụng đơn thuần và /hoặc chụp cắt lớp vi tính. Những bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương ở mật và tụy liên quan đến bệnh giun đũa nên được chụp mật tụy ngược dòng nội soi (ERCP), nếu có thể, mục đích để chẩn đoán và tạo điều kiện thuận lợi cho việc loại bỏ giun.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân khác

- Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn so với kính hiển vi nhưng không phải là xét nghiệm thường quy.

- Xét nghiệm huyết thanh học thường được dành cho các nghiên cứu dịch tễ học hơn là chẩn đoán lâm sàng.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt các biểu hiện đường ruột liên quan đến bệnh giun đũa bao gồm:

- Nhiễm giun tròn đường ruột ngoài giun đũa: Giun móc ( A. duodenale và N. americanus ), Trichuris (trùng roi), Enterobius (giun kim) và Strongyloides .

- Nhiễm trùng Enterobius thường không có triệu chứng hoặc kết hợp với ngứa quanh hậu môn.

- Tắc ruột: Tắc ruột có thể xảy ra trong một số trường hợp ngoài nhiễm giun đũa, chúng bao gồm tình trạng dính ruột, thoát vị, ung thư, chiếu xạ hay nuốt phải dị vật. Chẩn đoán thường được xác định bằng X quang.

- Tắc mật do nhiễm sán lá ruột (chẳng hạn như Clonorchis và Fasciola ), sỏi mật (liên quan đến viêm đường mật và / hoặc viêm túi mật trong một số trường hợp), hẹp, khối u và các nguyên nhân khác.

- Viêm tụy do tắc nghẽn cơ học, rượu, nhiễm trùng và các nguyên nhân khác.

- Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan do các căn nguyên khác


Các biện pháp điều trị Bệnh giun đũa

Nguyên tắc điều trị

- Xử trí bệnh giun đũa trong ruột bằng liệu pháp tẩy giun sán.

Xử trí bệnh giun đũa trong ruột bằng liệu pháp tẩy giun sán.

Xử trí bệnh giun đũa trong ruột bằng liệu pháp tẩy giun sán.

- Bệnh nhân bị tắc ruột cần được điều trị bảo tồn bằng hút thông mũi dạ dày và bổ sung nước, điện giải, sau khi nhu động ruột được phục hồi, dùng thuốc tẩy giun sán. Trường hợp không đáp ứng nội khoa sẽ cần phẫu thuật.

- Bệnh nhân nhiễm giun đũa đường mật thường đáp ứng với điều trị nội khoa bao gồm hút dịch thông mũi - dạ dày và bổ sung nước, điện giải. Trong trường hợp có viêm đường mật đồng thời, nên kết hợp dùng kháng sinh. Liệu pháp tẩy giun sán nên được thực hiện khi các triệu chứng cấp tính giảm dần.

Điều trị cụ thể

- Đối với người không mang thai và trẻ em:

+ Albendazole (400 mg uống liều duy nhất) hoặc

+ Mebendazole (500 mg liều uống duy nhất hoặc 100 mg uống hai lần hàng ngày trong ba ngày)

- Phụ nữ có thai: Phụ nữ có thai nên được điều trị bằng pyrantel pamoate, do các benzimidazoles có khả năng gây quái thai ở động vật: Pyrantel pamoate (11 mg / kg đến tối đa 1 g) liều duy nhất.

- Điều trị cộng đồng: Sử dụng Albendazole liều duy nhất, cho phép dùng cho phụ nữ mang thai trong quý 2 và quý 3.

- Thuốc thay thế: Thuốc thay thế để điều trị bệnh giun đũa bao gồm ivermectin, nitazoxanide, piperazine citrate và levamisole.


Tài liệu tham khảo:

1. Karin Leder et al, “Ascariasis”, Jun 29, 2020, Uptodate.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ