Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh giun xoắn Trichinella (Trichinellosis) do các loài thuộc lớp giun tròn giống Trichinella gây bệnh. Lợn và các động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây nhiễm cho người; ngoài ra, một số loài động vật khác cũng có thể trở thành vật chủ lây truyền bệnh. Người mắc bệnh khi tình cờ ăn phải thịt các loài động vật chưa nấu chín. Bệnh giun xoắn Trichinella xuất hiện ở khắp mọi nơi. Phần lớn các ca bệnh được ghi nhận ở châu Âu, đặc biệt là Romania, Liên Xô, vùng trung tâm châu Âu. Ngoài ra, một số các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Mexico, Argentina, Bolivia cũng là nơi bệnh giun xoắn Trichinella lưu hành với tỷ lệ cao.
Bệnh giun xoắn Trichinella
Căn nguyên gây bệnh giun xoắn Trichinella:
Có 9 nhóm và ít nhất 13 kiểu gen được phát hiện ở giun Trichinella. Tất cả các nhóm và kiểu gen đều có thể lây nhiễm cho con người, nhưng chỉ có 7 nhóm có khả năng gây bệnh gồm T.spiralis (phát hiện ở nhiều loài động vật ăn thịt, động vật ăn tạp trên thế giới), T.nativa (phát hiện ở khu vực Bắc cực, gây bệnh cho gấu, cáo và hải mã), T.nelson (khu vực châu Phi, phía nam Sahara, phát hiện ở các động vật săn mồi họ mèo và động vật ăn xác), T.britovi (tìm thấy ở các loài ăn thịt khu vực ôn đới ở châu Âu, Tây Á và Tây/Nam Phi), T.pseudospiralis (ở chim và động vật có vú), T.murelli (tìm thấy ở các loài động vật có vú hoang dã tại Mỹ và Nhật Bản) và T.papuae (ở khu vực Papua New Guinea). Hai loài còn lại là T.zimbabwensis, được tìm thấy ở loài cá sấu khu vực Tanzania và Trichinella patagoniensis, tìm thấy ở loài báo Nam Mỹ.
Người có thể nhiễm bệnh giun xoắn Trichinella khi ăn thịt các động vật nuôi trong nhà như lợn, các loài gặm nhấm
Người có thể nhiễm bệnh giun xoắn Trichinella khi ăn thịt các động vật nuôi trong nhà như lợn, các loài gặm nhấm và các động vật hoang dã như gấu, nai, lợn rừng,... Sau khi ăn phải thịt có chứa ấu trùng Trichinella chưa được nấu chín, acid dịch vị và pepsin trong dạ dày người sẽ giải phóng ấu trùng ra khỏi nang kén. Các ấu trùng này sẽ xâm nhập vào niêm mạc ruột non và phát triển thành giun trưởng thành trong khoảng 4 tuần. Giun cái có thể dài 2.2 mm và giun đực dài 1.2 mm. Sau 1 tuần, giun cái sẽ giải phóng các ấu trùng di chuyển theo tuần hoàn máu, hệ thống bạch huyết đến các cơ vân, nơi các ấu trùng tạo nang kén. Vị trí thường gặp là các nhóm cơ có hoạt động chuyển hóa nhiều như cơ lưỡi, cơ hoành, cơ nhai, cơ liên sườn, cơ ngoại chuyển mắt, cơ vùng gáy, cơ ngực, cơ delta, cơ mông, bắp tay và cơ cẳng chân. Trong vòng đời của giun Trichinella, giun trưởng thành và ấu trùng có thể phát triển trên cùng một vật chủ. Do đó, động vật nhiễm bệnh có thể vừa là vật chủ chính, vừa là vật chủ trung gian.
Mức độ nặng của bệnh giun xoắn Trichinella tương ứng với số lượng ấu trùng trong cơ thể người. Với số lượng ấu trùng ít (dưới 10 ấu trùng/gam trọng lượng cơ), người bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng lâm sàng và ngược lại. Thời gian ủ bệnh từ 7 đến 30 ngày, phụ thuộc vào số lượng ấu trùng, tỉnh trạng miễn dịch của vật chủ và loại Trichinella. Thời gian ủ bệnh ngắn cũng có liên quan đến tình trạng bệnh nặng.
Với những trường hợp số lượng ấu trùng nhiều, có thể quan sát thấy hai giai đoạn lâm sàng của bệnh:
- Giai đoạn ở ruột xảy ra hai đến bảy ngày sau khi nuốt phải ấu trùng. Lúc này, các ấu trùng được giải phóng ra ngoài nang kén nhờ dịch vị. Ấu trùng sau đó phát triển thành giun trưởng thành xâm nhập vào niêm mạc ruột non. Khoảng 1 tuần sau khi vào đường tiêu hóa, giun cái được thụ tinh sẽ tạo ra ấu trùng mới và có thể tiếp tục sinh đẻ trong 5 tuần, phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Ở giai đọan này, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc xuất hiện đau bụng, nôn, buồn nôn và tiêu chảy. Xét nghiệm trong giai đoạn ở ruột thường chưa có bất thường.
Bệnh nhân có thể có triệu chứng đau bụng, nôn, buồn nôn và tiêu chảy
- Giai đoạn xâm nhập diễn ra khi ấu trùng Trichinella từ ruột non theo mạch máu, bạch huyết đến hệ thống cơ xương. Các triệu chứng lâm sàng cũng như biến chứng trong bệnh giun xoắn Trichinella chủ yếu diễn ra ở giai đoạn này. Khi ấu trùng đến hệ cơ xương, bệnh nhân sẽ sốt cao vài tuần, cảm thấy sưng, đau, yếu cơ; thậm chí bệnh nhân có thể hạn chế vận động, khó thở, khó cử động lưỡi. Khám lâm sàng có thể thấy xuất huyết dưới móng tay, xuất huyết kết mạc và võng mạc, phù nề quanh mắt, phù kết mạc, rối loạn thị giác và đau mắt. Đôi khi, bệnh nhân có sẩn ngứa, đau đầu, ho, khó thở, khó nuốt. Các ấu trùng có thể tạo nang hoặc không và tồn tại hàng năm trước khi bị calci hóa và chết, gây biếu hiện lâm sàng kéo dài.
Sau 2 tuần, xét nghiệm bạch cầu và bạch cầu ái toan trong máu bệnh nhân có thể tăng. Bệnh nhân có thể kèm theo tăng men cơ, tăng gammaglobulin và tốc độ máu lắng.
Với các bệnh nhân nhiễm giun xoắn Trichinella mức độ nặng, có thể dẫn đến tổn thương tim, hệ thần kinh trung ương, thận và phổi. Căn nguyên tử vong ở các bệnh nhân này chủ yếu do biến chứng viêm cơ tim, viêm não, viêm phổi.
- Biến chứng tim mạch: Thường ít xảy ra, nhưng lại là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh giun xoắn Trichinella thể nặng. Ấu trùng thường không tạo nang ở cơ tim nhưng có thể xâm nhập đến cơ tim và gây phản ứng tăng bạch cầu ái toan, viêm cơ tim.
- Biến chứng thần kinh: Bệnh nhân có thể viêm màng não, viêm não.
Biến chứng thần kinh
- Biến chứng phổi: Hiếm gặp ở bệnh nhân nhiễm giun xoắn Trichinella; có thể do ấu trùng di chuyển trực tiếp đến nhu mô phổi, viêm các cơ hô hấp, viêm phổi thứ phát hay là hậu quả của tình trạng suy tim sung huyết do viêm cơ tim.
- Biến chứng thận: Bệnh nhân có thể đái ra protein, đái máu, suy thận,…
Các phong tục tập quán, lối sống ăn uống đóng vai trò quan trọng trong lây truyền bệnh giun xoắn do Trichinella. Người nhiễm bệnh chủ yếu do tiêu thụ thịt sống hay chưa nấu chín kỹ.
Nhiễm giun xoắn liên quan đến cách chế biên thực phẩm, phương pháp lưu trữ thức ăn ở mỗi vùng miền, mỗi nền văn hóa. Bệnh giun xoắn Trichinella thường gặp ở những khu vực có phong tục ăn thịt không nấu chín; hoặc những người có thói quen ăn đồ sống.
Trong các biện pháp phòng ngừa bệnh giun xoắn Trichinella, quan trọng nhất là nâng cao kiến thức cộng đồng về việc ăn chín uống sôi, không tiêu thụ thịt các động vật khi chưa nấu chín. Ngoài ra, cần có các biện pháp kiểm soát các trang trại chăn nuôi lợn (nguồn lây nhiễm chủ yếu cho con người), nguồn thức ăn gia súc với sự hỗ trợ của các bác sĩ thú y.
Ấu trùng Trichinella trong thịt sẽ mất khả năng lây nhiễm khi nhiệt độ trong miếng thịt từ 63 đến 77 độ C. Làm đông thịt ở nhiệt độ -15 độ C trong 3 tuần cũng có thể tiêu diệt ấu trùng, ngoại trừ một số nhóm giun Trichinella chịu lạnh ở vùng Bắc Cực. Chiếu xạ thực phẩm cũng giúp bất hoạt ấu trùng giun xoắn.
Cần nghĩ đến chẩn đoán bệnh giun xoắn Trichinella ở bệnh nhân có phù nề quanh mắt. viêm cơ và tăng bạch cầu ái toan. Bệnh nhân cần được khai thác tiền sử ăn thịt chưa nấu chín, đặc biệt thịt lợn. Bệnh giun xoắn Trichinella được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, và được khẳng định bằng xét nghiệm huyết thanh.
Xét nghiệm huyết thanh thường phát hiện kháng thể kháng giun xoắn sau hơn 3 tuần nhiễm bệnh
Xét nghiệm huyết thanh: thường phát hiện kháng thể sau hơn 3 tuần nhiễm bệnh; do đó, không dùng để chẩn đoán bệnh giun xoắn Trichinella giai đoạn sớm. Nồng độ kháng thể không tương ứng với mức độ nặng của bệnh. Kháng thể của giun có thể tồn tại vài năm sau nhiễm bệnh và dương tính chéo với các loài giun sán khác.
Sinh thiết cơ: Chẩn đoán xác định dựa vào tìm thấy ấu trùng giun khi sinh thiết cơ. Vị trí sinh thiết ở các cơ có biểu hiện triệu chứng.
PCR có thể phân biệt các kiểu gen của giun Trichinella, nhưng chủ yếu làm ở những phòng xét nghiệm hiện đại, không thể làm phổ biến ngoài cộng đồng.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giun xoắn Trichinella với:
- Ấu trùng di chuyển nội tạng: Bệnh nhân mắc bệnh giun xoắn Trichinella và ấu trùng di chuyển nội tạng đều có bạch cầu ái toan tăng cao và tổn thương phổi. Tuy nhiên, tổn thương trong bệnh giun xoắn Trichinella chủ yếu ở cơ và được xác định bằng chẩn đoán huyết thanh.
- Nhiễm giun lươn: Bệnh nhân đều có triệu chứng tiêu hóa (như đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy) và tăng bạch cầu ái toan. Phân biệt bằng xét nghiệm huyết thanh.
- Ấu trùng sán lợn: Thường gây tổn thương hệ thần kinh trung ương; đôi khi, gây bệnh về cơ. Ngược lại, bệnh giun xoắn Trichinella thường gây tổn thương cơ, hiêm khi có biểu hiện thần kinh.
- Bệnh viêm đa cơ: thường kèm theo tổn thương da và có nguyên nhân do tự kháng thể của cơ thể. Trong khi đó, bệnh do Trichinella liên quan đến tăng bạch cầu ái toan kèm theo triệu chứng tiêu hóa.
- Bệnh do sarcocystosis: Do sử dụng thức ăn chưa nấu chín, bệnh nhân cũng có thể có viêm cơ, tăng bạch cầu ái toan. Chẩn đoán dựa vào sinh thiết.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh giun xoắn Trichinella không gây biến chứng và có thể tự hồi phục. Với các trường hợp thể bệnh nhẹ, điều trị thuốc diệt giun là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, cần điều trị giảm nhẹ bằng các loại thuốc giảm đau và hạ sốt.
Với trường hợp bệnh nhân có tổn thương hệ thống (như biểu hiện thần kinh trung ương, viêm cơ tim,tổn thương phổi), cần phối hợp điều trị đồng thời thuốc diệt giun với corticoid. Thuốc diệt ký sinh trùng có tác dụng với các ấu trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa; tác dụng của thuốc khi ấu trùng di chuyển trong dòng máu hay đã xâm nhập vào cơ còn chưa rõ ràng. Do đó, điều trị bệnh sau khi ấu trùng đã xâm nhập trong cơ thường không hiệu quả. Thuốc diệt ký sinh trùng trong bệnh giun xoắn Trichinella là albendazole (400 mg đường uống x 02 lần/ngày trong 10 – 14 ngày) hoặc mebendazole (200 – 400mg x 03 lần/ngày trong 3 ngày, sau đó dùng liều 400 – 500mg x 03 lần/ngày trong 10 ngày). Với trường hợp bệnh nhân nặng, có thể sử dụng đồng thời prednisone trong 10 đến 15 ngày.
Ở đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai, sự lấy truyền của ấu trùng qua rau thai không liên quan đến các nhiễm trùng sơ sinh. Sử dụng albendazole hay mebendazole trong trường hợp bệnh ở giai đoạn ruột hay xâm nhập vào cơ không được khuyến cáo trên đối tượng phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiêm trong vòng 6 ngày có thể giúp ngăn không cho giun Trichinella xâm nhập vào cơ thể.
1. Peter F Weller, Karin Ledet. Trichinellosis, Uptodate, 2021.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!