Từ điển bệnh lý

Bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 09-05-2025

Tổng quan Bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết

Bệnh khúc xạ là gì?

Khúc xạ bình thường (còn gọi là mắt chính thị - emmetropia) là tình trạng mà các tia sáng song song đi vào mắt và hội tụ chính xác ngay trên võng mạc mà không cần đến hoạt động điều tiết. Khi cấu trúc của mắt có hiện tượng bất thường, các tia sáng lúc này không còn hội tụ đúng vị trí và gây ra các tật khúc xạ thường gặp như:

  • Cận thị (myopia): Do trục nhãn cầu quá dài hoặc công suất khúc xạ của mắt quá lớn khiến hình ảnh hội tụ phía trước võng mạc, làm người bệnh nhìn không rõ vật ở xa.
  • Viễn thị (hyperopia): Do trục nhãn cầu quá ngắn hoặc công suất khúc xạ yếu khiến hình ảnh hội tụ phía sau võng mạc, làm người bệnh nhìn không rõ vật ở gần.
  • Loạn thị (astigmatism): Bề mặt giác mạc có độ cong không đều, làm cho các tia sáng hội tụ tại nhiều điểm khác nhau, khiến hình ảnh bị nhoè và méo mó.
  • Lão thị (presbyopia): Là sự giảm dần khả năng điều tiết của thủy tinh thể do quá trình lão hóa tự nhiên, thường bắt đầu sau tuổi 40, làm người bệnh khó nhìn rõ vật ở khoảng cách gần.

Bênh khúc xạ và điều tiết là nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở cả người lớn và trẻ em.

Bênh khúc xạ và điều tiết là nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở cả người lớn và trẻ em.

Rối loạn điều tiết gì?

Đây là tình trạng mắt mất đi khả năng điều chỉnh tiêu cự linh hoạt để nhìn rõ vật thể ở các khoảng cách khác nhau. Một số dạng rối loạn điều tiết thường gặp bao gồm:

  • Gia tăng điều tiết (Accommodative Excess): Cơ thể mi bị co cứng quá mức, khiến mắt khó chuyển tiêu cự từ gần ra xa, gây nhìn mờ và nhức mắt.

  • Thiểu năng điều tiết (Accommodative Insufficiency): Mắt không đủ khả năng tăng độ điều tiết để nhìn rõ vật thể ở gần. Bệnh thường biểu hiện bằng mờ mắt, đau đầu, mệt mỏi khi đọc sách và làm việc.

  • Co thắt điều tiết (Accommodative Spasm): Là một dạng nặng hơn của gia tăng điều tiết, trong đó cơ thể mi bị co cứng liên tục, khiến mắt rơi vào trạng thái giả cận thị.

  • Phân loại bệnh khúc xạ và điều tiết

    Các bệnh khúc xạ

    Cận thị

    • Đặc điểm: Hình ảnh hội tụ trước võng mạc do trục nhãn cầu dài hoặc công suất khúc xạ của mắt quá lớn.
    • Hậu quả: Nhìn xa không rõ, nhìn gần bình thường.
    • Điều chỉnh: Kính phân kỳ hay kính cận (số độ có dấu “-”) hoặc phẫu thuật khúc xạ.

    Viễn thị

    • Đặc điểm: Hình ảnh hội tụ sau võng mạc do trục nhãn cầu ngắn hoặc công suất khúc xạ của mắt quá yếu.
    • Hậu quả: Nhìn gần mắt bị mờ, trường hợp nặng có thể nhìn mờ cả vật thể ở xa lẫn gần.
    • Điều chỉnh: Kính hội tụ hay kính viễn (số độ có dấu “+”) giúp đưa hình ảnh về đúng vị trí trên võng mạc.

    Loạn thị

    • Đặc điểm: Bề mặt giác mạc cong không đều làm cho tia sáng hội tụ tại nhiều điểm khác nhau.
    • Hậu quả: Hình ảnh méo mó, nhìn mờ vật thể ở gần lẫn xa.
    • Điều chỉnh: Kính trụ (kính có mặt trụ) giúp điều chỉnh hướng hội tụ ánh sáng.

    Lão thị

    • Đặc điểm: Suy giảm khả năng điều tiết của mắt theo tuổi, thường khởi phát sau 40 tuổi.
    • Hậu quả: Khó nhìn rõ vật ở khoảng cách gần, cần đưa sách ra xa để đọc.
    • Điều chỉnh: Kính đọc sách, kính đa tròng, hoặc kính hỗ trợ điều tiết.

    Các rối loạn điều tiết 

    Gia tăng điều tiết

    • Đặc điểm: Tình trạng cơ thể mi co cứng quá mức, khiến mắt khó chuyển tiêu cự từ nhìn gần sang nhìn xa.
    • Biểu hiện: Mờ mắt khi nhìn xa sau thời gian đọc sách hoặc sử dụng thiết bị làm việc ở gần, kèm theo nhức đầu, mỏi mắt, song thị.

    Thiểu năng điều tiết

    • Đặc điểm: Khả năng điều tiết kém hơn so với mức bình thường theo độ tuổi.
    • Biểu hiện: Mắt bị mờ khi nhìn gần, dễ mỏi mắt, đau đầu khi đọc sách hoặc làm việc cần tập trung vào vật thể ở gần.

    Co thắt điều tiết

    • Đặc điểm: Tình trạng nặng của gia tăng điều tiết, với sự co cứng liên tục của cơ thể mi.
    • Biểu hiện: Giả cận thị (pseudomyopia), khó chuyển tiêu cự, mỏi mắt kéo dài, đôi khi song thị hoặc đau đầu mạn tính.

    Các rối loạn điều tiết có thể xuất hiện độc lập hoặc kèm theo tật khúc xạ, khiến việc chẩn đoán và điều trị trở nên phức tạp hơn. Việc chẩn đoán chính xác các nhóm bệnh này đòi hỏi phải đo khúc xạ sau liệt điều tiết (cycloplegic refraction) và thực hiện các test đánh giá chức năng điều tiết chuyên biệt.


Nguyên nhân Bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết

Nguyên nhân gây tật khúc xạ 

Cận thị

  • Yếu tố di truyền: Có mối liên hệ rõ ràng trong gia đình, nếu cha mẹ bị cận thị thì nguy cơ con mắc bệnh cũng cao hơn.
  • Thói quen nhìn gần quá mức: Đọc sách, viết lách, sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài làm tăng áp lực điều tiết, từ đó thúc đẩy nguy cơ cận thị.
  • Ảnh hưởng môi trường: Trẻ em ít tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời có nguy cơ cận thị cao hơn.
  • Một số bệnh lý toàn thân: Cận thị có thể xuất hiện tạm thời trong giai đoạn kiểm soát đường huyết kém ở người bệnh tiểu đường, hoặc khi sử dụng một số thuốc như sulfonamide và thuốc kích thích hệ phó giao cảm (cholinergic).
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật mắt: Thay đổi hình dạng nhãn cầu do chấn thương hay can thiệp ngoại khoa có thể dẫn tới cận thị thứ phát.

Thói quen sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài ở trẻ em là nguyên nhân chính thúc đẩy nguy cơ cận thị.

Thói quen sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài ở trẻ em là nguyên nhân chính thúc đẩy nguy cơ cận thị.

Viễn thị

  • Trục nhãn cầu ngắn: Do bẩm sinh hoặc do bệnh lý khiến hình ảnh hội tụ sau võng mạc.
  • Chấn thương hoặc khối u: Có thể đẩy mắt ra phía trước, gây thay đổi trục nhãn cầu dẫn đến viễn thị, đặc biệt là khối u hậu nhãn cầu.
  • Tăng áp lực nội nhãn sau phẫu thuật: Một số can thiệp ngoại khoa làm thay đổi áp lực nội nhãn, gây rối loạn khúc xạ.

Loạn thị

  • Dị dạng giác mạc bẩm sinh: Giác mạc có độ cong bất thường theo nhiều hướng khác nhau khiến ánh sáng hội tụ sai lệch.
  • Tổn thương giác mạc: Chấn thương, sẹo giác mạc, phẫu thuật giác mạc có thể dẫn đến biến dạng bề mặt giác mạc, gây loạn thị.

Lão thị

  • Quá trình lão hóa tự nhiên: Làm mất tính đàn hồi của thủy tinh thể theo tuổi tác, gây giảm khả năng điều tiết, đặc biệt khi nhìn gần. Hiện tượng này thường bắt đầu sau 40 tuổi.

 Nguyên nhân gây rối loạn điều tiết

Gia tăng điều tiết

  • Nhìn gần kéo dài: Mắt phải điều tiết liên tục khi đọc sách, sử dụng máy tính hoặc điện thoại trong thời gian dài.
  • Tật khúc xạ chưa điều chỉnh: Viễn thị hoặc loạn thị không được điều chỉnh đúng cách làm mắt phải điều tiết nhiều hơn để nhìn rõ.
  • Căng thẳng tâm lý: Tình trạng lo âu, trầm cảm liên quan đến tăng hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, ảnh hưởng đến điều tiết.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc như pilocarpine hoặc các thuốc kích thích hệ phó giao cảm có thể gia tăng khả năng điều tiết.
  • Chấn thương đầu: Có thể ảnh hưởng đến cơ chế điều tiết của mắt, đặc biệt nếu liên quan đến hệ thần kinh thực vật.

Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, gây gia tăng điều tiết.

Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, gây gia tăng điều tiết.

Thiểu năng điều tiết

  • Điều tiết mạn tính quá mức: Làm cạn kiệt khả năng điều tiết.
  • Viễn thị chưa điều chỉnh kéo dài: Khiến mắt phải liên tục tăng nhu cầu điều tiết để bù trừ dẫn đến mỏi cơ thể mi và giảm khả năng điều tiết.
  • Bệnh lý hệ thần kinh: Các bệnh lý như đái tháo đường, rối loạn tự miễn, hoặc xơ cứng rải rác có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh kiểm soát điều tiết.
  • Tác dụng phụ thuốc: Một số thuốc như atropine, hyoscine có thể ức chế hoạt động điều tiết.
  • Dùng thiết bị số trong thời gian dài: Làm tăng mệt mỏi điều tiết, nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Co thắt điều tiết

  • Nhìn gần quá nhiều: Mắt bị kích thích điều tiết quá mức, đặc biệt khi học tập, làm việc căng thẳng trong thời gian dài.
  • Rối loạn thần kinh chức năng: Co thắt điều tiết có thể xảy ra sau chấn thương đầu nhẹ hoặc một số rối loạn tâm thần kinh.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng thuốc kích thích phó giao cảm như pilocarpine có thể gây co cứng cơ điều tiết.

Các nguyên nhân nêu trên có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp, khiến tình trạng khúc xạ và điều tiết trở nên phức tạp hơn. Một số yếu tố nguy cơ như lão hóa, bệnh lý chuyển hóa và stress ảnh hưởng đồng thời lên cả khả năng khúc xạ và điều tiết của mắt.



Đối tượng nguy cơ Bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết

Tật khúc xạ là nhóm rối loạn khá phổ biến với khoảng 1/3 người trên 40 tuổi ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Cận thị được dự báo sẽ ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số thế giới vào năm 2050. Trong các rối loạn điều tiết, thiểu năng điều tiết là dạng phổ biến nhất ở nhóm người không bị lão thị. Tỷ lệ gia tăng điều tiết ở trẻ em và thanh thiếu niên dao động từ 0,8% đến 10,8% tùy theo từng nghiên cứu.

Các rối loạn này đều gây ảnh hưởng đáng kể đến thị lực, khả năng sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, chúng có thể dẫn đến mỏi mắt mạn tính, giảm hiệu suất học tập và lao động, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mắt khác như nhược thị hoặc bong võng mạc


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết

Chẩn đoán bệnh khúc xạ

Hỏi bệnh

  • Người bệnh thường than phiền nhìn mờ ở xa, gần hay cả hai.
  • Cần khai thác kỹ thời điểm khởi phát, mức độ ảnh hưởng trong sinh hoạt, tiền sử mắc bệnh mắt hoặc bệnh toàn thân như đái tháo đường, cùng với thói quen sử dụng thiết bị điện tử.

Khám lâm sàng

  • Đo thị lực: Thực hiện bằng bảng chữ cái (thường là bảng Snellen) ở khoảng cách tiêu chuẩn để đánh giá mức độ nhìn xa và nhìn gần. Nếu thị lực kém hơn 20/25 ở một hoặc cả hai mắt, cần nghi ngờ có tật khúc xạ.
  • Dùng kính lỗ (pinhole test): Nếu thị lực cải thiện khi nhìn qua lỗ nhỏ, khả năng cao là do tật khúc xạ.
  • Đo khúc xạ bằng máy: Áp dụng khúc xạ khách quan (autorefractor) và khúc xạ chủ quan (phoropter) để xác định chính xác loại khúc xạ và mức độ tương ứng.
  • Đo khúc xạ sau liệt điều tiết (cycloplegic refraction): Là phương pháp bắt buộc trong trường hợp nghi ngờ cận thị giả, tật khúc xạ tiềm ẩn hoặc ở trẻ em để xác định độ chính xác tối đa.

Chẩn đoán rối loạn điều tiết

Hỏi bệnh

  • Các biểu hiện thường gặp gồm mờ mắt khi nhìn gần hoặc nhìn xa sau khi đọc sách, làm việc nhiều giờ trước màn hình máy tính, đi kèm nhức đầu, nhức mắt, chói mắt, song thị.
  • Cần khai thác yếu tố khởi phát như căng thẳng tâm lý, sử dụng thiết bị điện tử kéo dài, tiền sử bệnh thần kinh, bệnh toàn thân, chấn thương đầu, sử dụng thuốc ảnh hưởng hệ thần kinh thực vật.

Khám lâm sàng và các test chức năng điều tiết

  • Đo biên độ điều tiết (Amplitude of Accommodation): Đo bằng phương pháp “push-up” hoặc sử dụng kính trừ tăng dần để xác định khoảng điều tiết tối đa. Khi giá trị đo thấp hơn so với tiêu chuẩn theo tuổi cho thấy thiểu năng điều tiết.
  • Đánh giá khả năng điều tiết linh hoạt (Accommodative Facility): Dùng kính flipper ±2.00D (diopters) yêu cầu người bệnh nhìn luân phiên qua thấu kính phân kỳ và hội tụ. Số lần hoàn thành chu kỳ trong 1 phút chính là chỉ số đánh giá. Test này giúp kiểm tra khả năng điều tiết khi phải thay đổi nhanh, hiện tượng giảm số lần hoàn thành chu kỳ/phút gợi ý có sự bất thường về điều tiết.
  • Test độ trễ điều tiết (monocular estimated method - MEM): Là phương pháp đo độ trễ điều tiết bằng soi bóng đồng tử (retinoscope) ở khoảng cách gần (40cm). Kết quả rối loạn điều tiết khi: MEM thấp (≤ +0.25D) gợi ý gia tăng điều tiết, MEM cao (≥ +1.00D) gợi ý thiểu năng điều tiết.
  • Test điểm hội tụ gần (Near Point of Convergence - NPC): Kiểm tra khả năng hội tụ của hai mắt khi nhìn vật thể tiến lại gần, giá trị bất thường có thể cho thấy bất thường phối hợp điều tiết – hội tụ.
  • Test chỉ số NRA/PRA: Đánh giá thiểu năng và gia tăng điều tiết khi thêm thấu kính hội tụ hoặc phân kỳ. NRA thấp gợi ý gia tăng điều tiết, trong khi PRA thấp gợi ý thiểu năng điều tiết.

Hình ảnh học

  • Không có chỉ định chẩn đoán hình ảnh học thường quy.
  • Chỉ khi nghi ngờ tổn thương thần kinh trung ương (chấn thương, bệnh lý hệ thần kinh...), có thể cần chụp MRI hoặc CT sọ não để loại trừ nguyên nhân thực thể

Việc chẩn đoán rối loạn điều tiết đòi hỏi sự phối hợp đầy đủ giữa hỏi bệnh, đo thị lực, thực hiện các test chuyên biệt và đo khúc xạ sau liệt điều tiết trong những trường hợp nghi ngờ. Đặc biệt, ở trẻ em và thanh thiếu niên, chẩn đoán rối loạn điều tiết cần thận trọng vì dễ bị che lấp bởi sự thích nghi hoặc tật khúc xạ tiềm ẩn.



Các biện pháp điều trị Bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết

Điều trị bệnh khúc xạ

Biện pháp không dùng thuốc

  • Thay đổi lối sống: Khuyến khích tăng cường hoạt động ngoài trời, đặc biệt ở trẻ em, để làm chậm tiến triển cận thị.
  • Hạn chế nhìn gần: Nên nghỉ giải lao sau mỗi 20–30 phút sử dụng thiết bị điện tử hoặc đọc sách để giảm áp lực điều tiết.

Khuyến khích trẻ em tăng cường hoạt động ngoài trời là biện pháp hiệu quả để làm chậm tiến triển cận thị.

Khuyến khích trẻ em tăng cường hoạt động ngoài trời là biện pháp hiệu quả để làm chậm tiến triển cận thị.

Sử dụng kính

  • Kính gọng: Là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất để điều chỉnh cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị.
  • Kính áp tròng: Thích hợp cho những người không muốn đeo kính gọng hoặc có nhu cầu thẩm mỹ.
  • Kính đa tròng: Được chỉ định trong trường hợp lão thị, giúp nhìn rõ ở các vùng nhìn xa gần khác nhau trong cùng một kính.

Phẫu thuật khúc xạ

  • Các phương pháp phổ biến như LASIK, PRK, hoặc SMILE sử dụng tia laser để điều chỉnh bề mặt giác mạc, giúp cải thiện thị lực vĩnh viễn.
  • Chỉ định cho người trên 18 tuổi, có tật khúc xạ ổn định ít nhất 12 tháng và không có bệnh lý mắt kèm theo.

2. Điều trị rối loạn điều tiết

Gia tăng điều tiết

Biện pháp không dùng thuốc

  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Giảm thời gian nhìn gần, chia nhỏ thời gian học tập và làm việc, kết hợp khoảng nghỉ ngắn để cơ mắt được thả lỏng.
  • Liệu pháp thị giác (Vision Therapy): Các bài tập sử dụng kính flipper, bảng chữ cái hoặc phần mềm chuyên dụng giúp cải thiện khả năng điều tiết và phản xạ.

Điều trị nội khoa

  • Kính hỗ trợ điều tiết: Dùng trong trường hợp nhìn gần kéo dài, để giảm gánh nặng điều tiết.
  • Thuốc nhỏ mắt liệt điều tiết (Cycloplegic Therapy): Dùng thuốc giãn cơ thể mi như atropine 1% hoặc cyclopentolate 1% trong thời gian ngắn để làm dịu tình trạng co cứng. Việc dùng thuốc cần có hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. 

Thiểu năng điều tiết

Biện pháp không dùng thuốc

  • Liệu pháp thị giác: Tập luyện thị giác định kỳ nhằm tăng biên độ điều tiết và khả năng thay đổi điều tiết linh hoạt khi nhìn gần.
  • Điều chỉnh tư thế và ánh sáng khi đọc: Tránh để mắt quá gần và đảm bảo ánh sáng đầy đủ để giảm mỏi mắt.

Điều trị nội khoa

  • Kính hỗ trợ điều tiết: Kính hội tụ từ +1.00D đến +2.00D được sử dụng để giảm nhu cầu điều tiết khi phải nhìn gần, giúp mắt không phải điều tiết quá mức, giảm cảm giác mệt mỏi kéo dài. Áp dụng ở những người có PRA thấp, biên độ điều tiết giảm hoặc khó khăn khi dùng kính phân kỳ trong test khả năng điều tiết linh hoạt. 
  • Điều chỉnh kính dựa trên tật khúc xạ tiềm ẩn: Viễn thị nhẹ không được phát hiện và xử trí có thể làm nặng thêm thiểu năng điều tiết.

Co thắt điều tiết

Biện pháp không dùng thuốc

  • Vệ sinh thị giác: Giảm thời gian nhìn gần gần, xen kẽ các khoảng nghỉ ngơi trong khi học tập, làm việc. Thay đổi môi trường làm việc, hạn chế các yếu tố kích thích như ánh sáng mạnh, tư thế ngồi không đúng hoặc thời gian làm việc quá dài.
  • Liệu pháp thị giác: Tập luyện thị giác chuyên biệt làm tăng khả năng kiểm soát phản xạ điều tiết và cải thiện tốc độ thay đổi tiêu điểm. 

Điều trị nội khoa

  • Thuốc nhỏ mắt liệt điều tiết (Atropine 1%): Được coi là phương pháp hiệu quả nhất để giãn cơ thể mi tạm thời trong điều trị co thắt điều tiết. Cần giảm liều hoặc chuyển sang thuốc giãn cơ nhẹ hơn sau 4 tuần sử dụng.

Thuốc nhỏ mắt Atropine 1% là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị co thắt điều tiết.

Hỗ trợ tâm lý

  • Nếu co thắt điều tiết liên quan đến yếu tố tâm thần kinh (stress, lo âu), cần phối hợp với chuyên gia tâm lý hoặc thần kinh.

Việc điều trị cần cá thể hóa theo từng trường hợp, dựa trên dạng rối loạn điều tiết, mức độ nặng nhẹ và các yếu tố đi kèm. Cần sự kết hợp giữa điều chỉnh thói quen sinh hoạt, sử dụng kính phù hợp và rèn luyện chức năng điều tiết để mang lại hiệu quả cao nhất.

Tiên lượng bệnh khúc xạ và rối loạn điều tiết

Tiên lượng bệnh khúc xạ 

  • Cận thị, viễn thị và loạn thị đều có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều chỉnh đúng cách. Việc sử dụng kính phù hợp hoặc can thiệp phẫu thuật có thể giúp người bệnh đạt được thị lực tối ưu và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Cận thị nặng cần được theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc hoặc bệnh lý hoàng điểm. Đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên, nếu không được kiểm soát sớm, cận thị có thể tiến triển nhanh theo thời gian.
  • Viễn thị không được điều chỉnh có thể gây nhược thị ở trẻ em và ảnh hưởng đến khả năng học tập, do mắt phải điều tiết liên tục để nhìn rõ vật thể ở gần.
  • Loạn thị nặng nếu không được phát hiện sớm có thể gây nhìn mờ, mỏi mắt và giảm thị lực vĩnh viễn.
  • Lão thị là một quá trình thay đổi tự nhiên theo độ tuổi. Mặc dù không thể ngăn ngừa, nhưng người bệnh có thể cải thiện hiệu quả bằng cách sử dụng kính phù hợp.

Tiên lượng rối loạn điều tiết

Gia tăng điều tiết

  • Có tiên lượng tốt nếu được can thiệp kịp thời. Việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thị giác đúng cách có thể làm giảm triệu chứng rõ rệt.
  • Nếu không được xử lý, tình trạng này có thể kéo dài gây nhức đầu mạn tính, giảm hiệu suất học tập và làm việc, nhất là ở người trẻ.

Thiểu năng điều tiết

  • Đáp ứng tốt với các biện pháp như dùng kính hỗ trợ và tập luyện điều tiết. Trẻ em và thanh thiếu niên thường cải thiện nhanh nếu được điều trị đúng.
  • Nếu không can thiệp sớm, người bệnh có thể gặp khó khăn khi nhìn gần, giảm khả năng tập trung, gây mệt mỏi kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Trường hợp thiểu năng điều tiết do bệnh lý nền (ví dụ: tiểu đường, bệnh thần kinh), tiên lượng phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh nền.

Co thắt điều tiết

  • Nếu được phát hiện và điều trị phù hợp (kết hợp nghỉ ngơi, tập luyện, thuốc liệt cơ điều tiết khi cần), tiên lượng khá khả quan.
  • Tuy nhiên, ở những trường hợp có yếu tố tâm lý hoặc bệnh lý thần kinh đi kèm, điều trị có thể kéo dài hơn và cần sự phối hợp đa chuyên khoa.

Phần lớn các trường hợp tật khúc xạ và rối loạn điều tiết có thể kiểm soát tốt nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Việc tuân thủ đeo kính, thay đổi thói quen sinh hoạt và tập luyện chức năng điều tiết đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực ổn định lâu dài. 



Tài liệu tham khảo:

  1. Enaholo, E. S., Musa, M. J., & Zeppieri, M. (2023, May 31). Accommodative insufficiency. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK587363/
  2. Hilora, M., & Tripathy, K. (2025, February 5). Accommodative excess. In StatPearls. StatPearls Publishing. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK592379/
  3. Manna, P., Sarbajna, P., & Karmakar, S. (2023). Treatment approaches of accommodative spasm: A mini-review. Journal of Clinical and Experimental Ophthalmology, 14, Article 936. https://doi.org/10.35248/2155-9570.23.14.936
  4. Mian, S. I., Gardiner, M. F., & Li, H. Visual impairment in adults: Refractive disorders and presbyopia. In: UpToDate, Connor RF (Ed), Wolters Kluwer. (Accessed on March 21, 2025.)


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ