Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp. Căn nguyên gây bệnh là cầu khuẩn Gram âm Neisseria gonorhoeae đã được biết từ lâu. Con người dễ nhiễm bệnh chủ yếu qua con đường quan hệ tình dục, đặc biệt quan hệ tình dục không an toàn, phụ nữ mang thai có thể lây truyền sang thai nhi gây bệnh lậu bẩm sinh. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp là bệnh lậu cấp tính với viêm niệu đạo ở nam và nữ giới, viêm cơ quan sinh dục,… Bệnh lậu được chẩn đoán dựa vào khai thác tiền sử và các yếu tố nguy cơ, triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm xác định căn nguyên gây bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng lâu dài. Các biện pháp điều trị chính là điều trị kháng sinh, điều trị cho cả bạn tình và tư vấn người bệnh tuân thủ điều trị. Phát hiện, chẩn đoán và điều trị người bệnh đúng, tư vấn giáo dục sức khỏe về quan hệ tình dục an toàn là biện pháp phòng bệnh quan trọng.
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp
Neisseria gonorhoeae gây bệnh lậu là song cầu bắt màu Gram âm. Vi khuẩn có dạng cầu khuẩn dẹt hình hạt đậu, trục song song, thường xếp thành từng cặp giống hình hạt cà phê. Cầu khuẩn không di động, có pili và không sinh nha bào. Lậu cầu có sức đề kháng yếu với ngoại cảnh, trong phòng thí nghiệm thường được nuôi cấy trên môi trường thông thường như môi trường thạch máu.
Lậu cầu hiện nay vẫn là một trong số các vi khuẩn còn nhạy cảm với các nhóm kháng sinh thông thường, tuy nhiên đã ghi nhận những chủng vi khuẩn kháng thuốc. Nhiễm trùng niệu đạo và cơ quan sinh dục là bệnh cảnh lâm sàng hay gặp nhất, có thể đồng nhiễm với các vi sinh vật khác như nấm, trùng roi, Chlamydia trachomatis,…
Neisseria gonorhoeae gây bệnh lậu là song cầu bắt màu Gram âm.
Bệnh lậu xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, lâm sàng có thể gây bệnh cấp tính hoặc mạn tính. Người bệnh có thể có triệu chứng lâm sàng rầm rộ hoặc có thể không có triệu chứng gì đặc biệt.
Ở nam giới
- Hay gặp nhất là viêm niệu đạo trước. Đa số bệnh nhân biểu hiện lâm sàng cấp tính với thời gian ủ bệnh trong khoảng 1 ngày – 2 tuần, trung bình 2 – 5 ngày. Các triệu chứng hay gặp là đái buốt, đái đau và đái mủ, miệng sáo sưng nề tấy đỏ kèm theo người bệnh cảm thấy khó chịu, lo lắng, ngại ngùng. Giọt sương ban mai là dấu hiệu đặc hiệu gặp trong bệnh lậu, đầu dương vật xuất hiện giọt mủ, thường xảy ra vào buổi sáng, mủ thường có màu vàng hoặc xanh. Một số người bệnh biểu hiện lâm sàng ít rầm rộ hơn, dịch niệu đạo ít hơn, màu trong, khó phân biệt với dịch viêm niệu đạo do các căn nguyên khác. Ngoài ra, ở một số người bệnh, có thể không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt, khó phát hiện và chẩn đoán sớm và là nguồn lây bệnh khó kiểm soát nhất.
Bệnh lậu xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, lâm sàng có thể gây bệnh cấp tính hoặc mạn tính
- Các biểu hiện lâm sàng khác ở nam giới như viêm toàn bộ niệu đạo, viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh,…
- Bệnh lậu ở hậu môn- trực tràng hay gặp ở đối tượng đồng giới nam. Người bệnh có các triệu chứng như đau, ngứa vùng hậu môn, dịch mủ xuất hiện, mót rặn, rối loạn đại tiện như tiêu chảy hoặc táo bón. Ghi nhận hình ảnh hậu môn đỏ, tiết dịch nhầy mủ, chạm vào niêm mạc dễ chảy máu khi thăm khám thực thể
- Bệnh lậu vùng hầu họng: đa số người bệnh không có triệu chứng. Các cơ quan nhiễm trùng như viêm họng, viêm amydal kèm theo sưng đau hạch cổ.
- Nhiễm trùng cơ quan khác như viêm kết mạc mắt, nhiễm trùng da do lậu cầu, lậu mắt ở trẻ em ( mắt sưng đau, nề đỏ, chảy ra nhiều dịch mủ, trường hợp nặng hơn có viêm và loét giác mạc),…
Ở nữ giới
- Nữ giới dễ mắc bệnh lậu khi quan hệ tình dục với bạn tình đang nhiễm bệnh. Ngoài ra phụ nữ có thai khi nhiễm bệnh có thể gây bệnh lậu bẩm sinh cho thai nhi.
- Nữ giới cũng hay gặp viêm niệu đạo với triệu chứng đái buốt, đái mủ, kèm theo mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh có thể không có triệu chứng gì đặc biệt, khó được chẩn đoán và là nguồn lây khó kiểm soát.
- Viêm ống cổ tử cung, các tuyến Skène, Bartholin, viêm âm đạo là biểu hiện bệnh lậu ở nữ. Người bệnh có các biểu hiện như âm hộ sưng đỏ, tấy, chảy dịch mủ, dịch xanh, kèm theo đau, đái buốt; xuất hiện chảy máu bất thường âm đạo, dịch khí hư nhiều, dịch tiết sinh dục là dịch mủ, dịch nhầy, kèm theo cơ quan sinh dục tẩy đỏ, các tuyến Skène, Bartholin phù nề, dịch mủ xung quanh, chạm vào đau, thậm chí có thể chảy máu; người bệnh đau khi quan hệ tình dục;… Các triệu chứng có thể biểu hiện nhẹ, mơ hồ khó phân biệt với nhiễm trùng do căn nguyên khác hoặc đôi khi biểu hiện rầm rộ, người bệnh lo lắng nhiều.
- Các biểu hiện bệnh lậu ở hậu môn – trực tràng, vùng hầu họng, các cơ quan khác tương tự nam giới
- Ở phụ nữ mang thai: biểu hiện lâm sàng tương tự người bệnh không có thai. Tuy nhiên người bệnh có thể lây bệnh cho thai nhi, hoặc biến chứng sảy thai, đẻ non,…
Bệnh lậu có thể gây nhiều biến chứng, đặc biệt khi không được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng phác đồ. Các biến chứng đó là:
Biến chứng tại chỗ
Viêm màng tinh hoàn: hay gặp nhất trong các biến chứng ở nam giới
Vi khuẩn chỉ gây bệnh tại người. Con đường lây truyền được biết đến nhiều nhất là lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục không an toàn. Ở người bệnh, vi khuẩn thường cư trú tại cơ quan sinh dục – tiết niệu: niệu đạo của nam giới và nữ giới, cổ tử cung, các tuyến sinh dục như Skène, Bartholin của nữ giới, ngoài ra có thể tìm thấy vi khuẩn ở họng hoặc trực tràng của người bệnh,… Các con đường quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hay đường miệng đều có thể lây truyền bệnh. Phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho thai nhi gây bệnh lậu bẩm sinh. Một số cách thức lây truyền khác đã ghi nhận nhưng rất ít gặp.
Bệnh lậu không gây thành các ổ dịch và không có kiểm dịch y tế thế giới.
Như trên đã trình bày, con đường lây truyền bệnh chủ yếu là quan hệ tình dục. Do đó, đối tượng trẻ tuổi, đang trong độ tuổi có quan hệ tình dục có tỉ lệ nhiễm bệnh cao nhất, gặp ở cả nam giới và nữ giới. Quan hệ tình dục không an toàn là yếu tố nguy cơ mắc bệnh được biết đến nhiều nhất. Các đối tượng hoạt động mại dâm, nhiều bạn tình, mắc các bệnh đường sinh dục khác,… nguy cơ mắc bệnh cao. Việc quan hệ tình dục với người bệnh, đặc biệt người bệnh không có triệu chứng lâm sàng tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh hoàn toàn có thể lây trong thời gian ủ bệnh khi không có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt.
Bên cạnh đó, trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm lậu cầu trong thời kỳ mang thai sẽ bị bệnh lậu bẩm sinh.
Các biện pháp phòng tránh con đường lây nhiễm là biện pháp phòng ngừa chính. Người bệnh mắc bệnh lậu không có miễn dịch lâu dài, bên cạnh đó chưa vắc xin phòng bệnh đặc hiệu với lậu cầu.
Các iện pháp phòng ngừa như:
- Giáo dục tuyên truyền sức khỏe, nâng cao nhận thức về bệnh lậu và các biện pháp phòng bệnh khác.
- Quan hệ tình dục an toàn: không có nhiều bạn tình, không quan hệ với gái mại dâm hoặc người mắc bệnh lậu, sử dụng bao cao su đúng cách, giữ vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách, phát hiện sớm và điều trị sớm người bệnh lậu cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, …
- Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ, tư vấn tuân thủ điều trị với người bệnh.
Quan hệ tình dục an toàn
Chẩn đoán dựa vào các yếu tố khai thác tiền sử ( có quan hệ tình dục không an toàn,…), triệu chứng lâm sàng đã mô tả trên và các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên lậu cầu. Các xét nghiệm đó là
- Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn: là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh, kết quả dương tính cao khoảng 80 – 100%. Bệnh phẩm thường là dịch mủ, dịch viêm sinh dục, dịch họng,… Tuy nhiên kết quả soi với nhuộm Gram thường trả lời lâu hơn.
- Nhuộm soi Gram: thấy hình ảnh song cầu hình hạt cà phê với tính chất bắt màu Gram âm, thường xuất hiện bên trong hoặc bệnh cạnh các bạch cầu đa nhân trung tính. Ở nam giới với các triệu chứng đặc hiệu viêm niệu đạo trước và kết quả nhuộm soi dương tính có thể chẩn đoán xác định.
Nhuộm soi Gram
- Xét nghiệm sinh học phân tử PCR: chưa áp dụng rộng rãi, yêu cầu máy móc và trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại.
Bệnh lậu cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác như nhiễm trùng đường sinh dục do các căn nguyên vi sinh vật khác ( nhiễm trùng roi, vi khuẩn, nấm,…), viêm kết mạc, viêm họng do căn nguyên khác,…
- Nguyên tắc điều trị: điều trị sớm và đúng phác đồ, phối hợp điều trị bạn tình. Tư vấn người bệnh tuân thủ và phối hợp điều trị. Không cần cách ly người bệnh
- Liệu pháp kháng sinh: hiện nay vi khuẩn lậu vẫn là một trong những vi khuẩn còn nhạy cảm kháng sinh, mặc dù đã ghi nhận lậu cầu kháng một số nhóm kháng sinh như fluoroquinolones,... Các phác đồ thường dùng là Ceftriaxone 250 mg/ liều x 01 liều tiêm bắp duy nhất. Thay thế Cefixime 400 mg/liều x 01 liều duy nhất, spectinomycin 2g/liều x tiêm bắp liều duy nhất . Cần phối hợp điều trị nhiễm Chlamydia với các kháng sinh như azithromycin, doxycycline, erythromycin,…
- Trường hợp lậu có biến chứng thời gian điều trị lâu hơn.
- Tránh quan hệ tình dục trong quá trình điều trị
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!