Từ điển bệnh lý

Bệnh Leptospira : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 13-02-2025

Tổng quan Bệnh Leptospira

Bệnh xoắn khuẩn vàng da Leptospirosis là 1 bệnh lây truyền từ động vật sang người (zoonosis) và nguyên nhân thường là xâm nhập ngẫu nhiên vào cơ thể con người qua các vết xước khi tiếp xúc với nước tiểu, mô bị nhiễm bệnh, nước hoặc đất bị ô nhiễm.

Bệnh Leptospira ở người là một tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra bởi xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae. Bệnh gặp ở nhiều các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước có vùng khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp và chăn nuôi phát triển, và gây ra các đợt dịch lớn sau mưa lớn và lũ lụt

Biểu hiện lâm sàng thường không đặc hiệu và có thể thay đổi về mức độ nghiêm trọng từ không có triệu chứng hoặc nhẹ đến suy đa tạng gây tử vong.

Gánh nặng toàn cầu của bệnh Leptospirosis dự kiến sẽ tăng lên do sự gia tăng số lượng người nghèo ở thành thị tại các vùng nhiệt đới phải chịu những cơn bão và lũ lụt ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu gây ra. Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ cùng MEDLATEC tìm hiểu thêm về căn bệnh này.

 Dịch tễ

Người ta ước tính rằng có khoảng 1 triệu ca bệnh leptospirosis xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm, với khoảng 60.000 ca tử vong. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng nhiều trường hợp không được báo cáo. Các đợt bùng phát đặc biệt có khả năng xảy ra sau lũ lụt, bão và mưa lớn ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới có điều kiện vệ sinh kém. Các đợt bùng phát rất lớn đã được báo cáo, ảnh hưởng đến hàng nghìn người. Ở các nước công nghiệp hóa, nông dân, công nhân lò mổ, bác sĩ thú y và công nhân cống rãnh có nguy cơ đặc biệt cao.

Ngày nay, dịch xoắn khuẩn vàng da ở người không thường xảy ra, nhưng vẫn xuất hiện tản phát, nhất là trong mùa mưa lũ. Tại Việt Nam, theo thống kê tỷ lệ huyết thanh lưu hành xoắn khuẩn vàng da tại Đồng bằng sông Cửu Long là 18,8% (năm 1998), 47,6% tại Thanh Hóa (năm 2013) và 24% tại Thanh Trì, Hà Nội (2015).


Nguyên nhân Bệnh Leptospira

Nhiễm trùng xảy ra sau khi tiếp xúc với nước ngọt hoặc đất bị ô nhiễm bởi nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với chính nước tiểu (ví dụ, bác sĩ thú y, vật nuôi). Có thể tiếp xúc với da hoặc uống nước bị ô nhiễm. Leptospira xâm nhập qua niêm mạc hoặc vết trầy xước trên da và sau đó các sinh vật sẽ lan vào máu và sinh sôi, xảy ra sự phát tán qua đường máu khắp cơ thể, có khả năng ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống cơ quan do khả năng của xoắn khuẩn dễ dàng vượt qua các hàng rào mô trước khi phản ứng kháng thể của vật chủ loại bỏ chúng ra khỏi máu.

Nhiễm trùng gây ra viêm mạch với tổn thương nội mô và xuất huyết. Hoại tử tế bào gan khu trú có thể dẫn đến suy gan và hoại tử biểu mô ống có thể dẫn đến suy thận. Xuất huyết phổi cũng có thể xảy ra.

Cơ chế bệnh sinh của leptospira

Cơ chế bệnh sinh của leptospira

  1. Nguyên nhân

Bệnh Leptospirosis do nhiều loài Leptospira, một xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae, bộ Spirochaetales gây ra . Phân loại sinh vật này rất phức tạp. 

Leptospira hình thể mảnh,có hình xoắn ốc, hai đầu cong như hình chữ C hoặc cái móc, với một móc cuối đặc trưng, giúp bám và xâm nhập vào cơ thể vật chủ. Leptospirosis là sinh vật hiếu khí, di động, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 28 độ đến 30 độ C và do đó có thể sống sót trong nhiều tháng trong môi trường (nước hoặc đất), nơi chúng thường phân bố rộng rãi

Có 21 loài Leptospira đã được xác định (phân loại theo mối quan hệ di truyền), trong đó có 9 loài được biết là gây bệnh. Leptospirosis cũng được phân loại theo nhóm huyết thanh, với hơn 26 nhóm huyết thanh gây bệnh và 250 huyết thanh loại gây bệnh đã được xác định, cũng như hơn 60 huyết thanh loại không gây bệnh.

Xoắn khuẩn Leptospira

Xoắn khuẩn Leptospira



Triệu chứng Bệnh Leptospira

Nhiều trường hợp bệnh leptospirosis không có triệu chứng nhưng đa phần là thể nhẹ không có vàng da, có hoặc không có viêm màng não, số ít biểu hiện nặng với vàng da đậm, suy gan và suy thận kết hợp (hội chứng Weil).

1. Thể bệnh nhẹ:

Các trường hợp có triệu chứng thường có thời gian ủ bệnh từ 1-2 tuần, thường là 10 ngày, dao động từ 2 đến 30 ngày. 

Thời kỳ khởi phát khi mà trong máu đã có nhiễm vi khuẩn, người bệnh biểu hiện như nhiễm virus thông thường và có thể chẩn đoán nhầm với nhiễm virus (cúm, sốt xuất huyết Dengue,...), khởi đầu bằng sốt cao đột ngột, đau đầu và đau mỏi cơ, đau vùng trán, đau sau hốc mắt, sợ ánh sáng

Thời kỳ toàn phát: Người bệnh sốt cao 39-40 độ C, triệu chứng lâm sàng điển hình là đau cơ, đặc biệt là cơ dép ở bắp chân, ngoài ra có thể đau lưng, đau bụng, tăng cảm giác đau khi vận động, xoa bóp. Kèm theo người bệnh có thể xuất hiện nôn, đau đầu, đau sau ổ mắt, sợ ánh sáng

Bệnh thường là hai pha; pha đầu tiên, giai đoạn nhiễm trùng huyết, kéo dài khoảng bốn đến chín ngày, tiếp theo là giai đoạn cải thiện từ một đến ba ngày, sau đó là giai đoạn thứ hai, "miễn dịch", trong đó một số bệnh nhân tái phát bệnh, có thể là liên quan với sự xuất hiện kháng thể

Nếu được điều trị sớm, bệnh sẽ khỏi dân trong vòng 8-10 ngày, một số trường hợp không được điều trị, bệnh có thể tự ổn định trong vòng 3-6 tuần.

Sốt là triệu chứng thường gặp của Leptospirosis

Sốt là triệu chứng thường gặp của Leptospirosis

2. Thể bệnh nặng (Hội chứng Weil)

Thể này nguy hiểm hơn, xảy ra ở 5% đến 10% trong số tất cả các bệnh nhân, thường tiến triển nhanh và có thể liên quan đến suy đa cơ quan. 

Sau khoảng 4-9 ngày khởi phát bệnh, xuất hiện vàng da, suy các cơ quan, thường gặp nhất là suy thận cấp. Một số bệnh nhân cũng có các triệu chứng khác như nhồi máu phổi, suy tim sung huyết, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tuyến thượng thận hoặc dưới nhện có thể xảy ra. Quá trình phục hồi sau dạng vàng da có thể mất một đến hai tháng. Bệnh gan hiếm khi là nguyên nhân gây tử vong. Hầu hết bệnh nhân cũng phục hồi chức năng thận. Viêm màng bồ đào trước xảy ra tới một năm sau khi phục hồi ở 2% đến 10% các trường hợp, nhưng hầu hết những bệnh nhân này phục hồi thị lực hoàn toàn.



Các biến chứng Bệnh Leptospira

 Mắt: Viêm mống mắt, viêm mống mắt thể mi, viêm màng bồ đào.

- Suy thận cấp: thiểu niệu, vô niệu, tăng ure huyết, tăng creatinin máu, có thể hôn mê do hội chứng tăng ure huyết, trường hợp suy thận cấp vô niệu cần phải lọc máu cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.

- Suy gan cấp.

- Biến chứng xuất huyết thường gặp và liên quan đến các bất thường về đông máu: xuất huyết tiêu hóa, nhồi máu phổi. Hội chứng xuất huyết phổi nặng do xuất huyết phế nang lan rộng có tỷ lệ tử vong >50%.

- Tim mạch: Suy tim sung huyết, viêm cơ tim.



Đường lây truyền Bệnh Leptospira

Vật chủ trung gian thường là các loài động vật có vú nhỏ, đặc biệt là các loài gặm nhấm hoang dã và sống quanh nhà (chuột nhắt, chuột đồng,...) và động vật ăn côn trùng (chuột chù và nhím); ngoài ra có thể gặp trên động vật nuôi (gia súc, lợn, chó, hiếm hơn là cừu, dê, ngựa và trâu). Một động vật chắc chắn là vật mang leptospira chỉ khi có thể nuôi cấy phát hiện vi khuẩn từ động vật đó, đặc biệt là từ nước tiểu hoặc thận. Vì động vật có thể mang leptospira trong thận và thải chúng ra ngoài qua nước tiểu trong thời gian dài, và đôi khi trong suốt vòng đời của động vật, nên luôn cần thận trọng khi xử lý động vật và chúng nên được coi là nguồn lây nhiễm tiềm ẩn cho đến khi được chứng minh là không phải.

 Nhiều chủng Leptospira dường như thích nghi rất tốt với vật chủ tự nhiên của chúng đến mức bệnh nhiễm trùng vẫn ở dạng cận lâm sàng. Ở mỗi khu vực cụ thể, nguy cơ nhiễm trùng ở người sẽ khác nhau tùy thuộc vào khả năng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nước tiểu của một trong những vật chủ duy trì. Ngoài những vật chủ duy trì dài hạn này, bất kỳ động vật bị nhiễm bệnh nào cũng có thể là nguồn lây nhiễm cho những cá thể khác cùng loài hoặc các loài khác, bao gồm cả con người.

Lây truyền sang người thường là qua môi trường thông qua tiếp xúc với nước hoặc đất ẩm bị nhiễm leptospira, nhưng cũng có thể xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu hoặc máu từ động vật bị nhiễm bệnh. Các sinh vật này thường xâm nhập vào cơ thể con người qua vết cắt và vết trầy xước hoặc niêm mạc (niêm mạc miệng, kết mạc), không thể xâm nhập vào da nguyên vẹn.

Quá trình lây truyền leptospira từ chuột sang người

Quá trình lây truyền leptospira từ chuột sang người



Đối tượng nguy cơ Bệnh Leptospira

  • Nông dân, ngư dân.
  • Bác sĩ thú y.
  • Công nhân làm việc trong các trang trại chăn nuôi, lâm nghiệp, vệ sinh, hầm mỏ,...
  • Bộ đội: trong những trường hợp cứu trợ thiên tai, lũ lụt.
  • Người thu nhập thấp sống trong các khu ổ chuột, điều kiện vệ sinh kém.



Phòng ngừa Bệnh Leptospira

 Cách tiếp cận chính để phòng ngừa bệnh leptospirosis là tránh tiếp xúc với các nguồn có khả năng bị ô nhiễm như nước lũ. Một số trường hợp nếu không thể tránh khỏi việc tiếp xúc như vậy, nên sử dụng biện pháp bảo vệ rào cản như ủng cao su và găng tay bảo vệ (ví dụ như bộ đội đi cứu trợ bão lũ hoặc người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai).

- Quản lý vật nuôi tránh thải trực tiếp nước tiểu, phân ra ao hồ, cống gây ô nhiễm.

- Không tắm ở các nguồn nước không đảm bảo như ao hồ, sông suối.

- Kiểm soát quần thể chuột.

- Dự phòng bằng kháng sinh trong một số trường hợp nhất định: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dự phòng bằng doxycycline có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh lâm sàng và có thể được cân nhắc cho những người có nguy cơ cao và tiếp xúc trong thời gian ngắn. Liều khuyến cáo là 200 mg mỗi tuần trong suốt thời gian tiếp xúc.

- Có vắc-xin phòng ngừa bệnh leptospirosis ở người, ở chó và gia súc, thường được sử dụng cho những đối tượng có nguy cơ cao khi phải tiếp xúc với nguồn lây

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhiễm Leptospira

- Leptospira có lây không: Bệnh xoắn khuẩn vàng da Leptospirosis là 1 bệnh lây truyền từ động vật sang người và nguyên nhân thường là xâm nhập ngẫu nhiên vào cơ thể con người qua các vết xước khi tiếp xúc với nước tiểu, mô bị nhiễm bệnh, nước hoặc đất bị ô nhiễm.

- Nhiễm Leptospira có nguy hiểm không, có cần đến bệnh viện không: các trường hợp leptospirosis thường là không có triệu chứng hoặc là thể nhẹ không có vàng da, có hoặc không có viêm màng não, số ít bệnh nhân biểu hiện bệnh nặng nặng với vàng da đậm, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, một số trường hợp có thể nhầm lẫn với triệu chứng của nhiễm virus khác như cúm hoặc sốt xuất huyết, vì vậy người bệnh cần đến viện ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc khi có yếu tố phơi nhiễm bệnh để được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí phù hợp nhất.




Các biện pháp chẩn đoán Bệnh Leptospira

Chẩn đoán lâm sàng bệnh leptospirosis rất khó khăn và dễ bị bỏ qua vì đa số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc thể nhẹ, trừ khi có dịch bệnh hoặc bệnh nhân mắc hội chứng Weil.

Yếu tố dịch tễ: người bệnh thuộc nhóm nguy cơ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn lây.

Chẩn đoán xác định dựa vào phân lập vi khuẩn dương tính nhưng nuôi cấy vi khuẩn thường rất khó, vi khuẩn phát triển rất chậm, cần nhiều ngày ủ, nên chủ yếu chẩn đoán bằng huyết thanh học, ngoài ra có thể bằng xét nghiệm sinh học phân tử (PCR).

Xét nghiệm tiêu chuẩn là xét nghiệm ngưng kết phản ứng ngưng kết Martin- Petit, còn gọi là phản ứng ngưng kết tan. Phản ứng Martin- Petit làm hai lần cách nhau 7 ngày. Trộn huyết thanh bệnh nhân với hỗn dịch có vi khuẩn Leptospira, nếu huyết thanh bệnh nhân có kháng thể tương ứng, các vi khuẩn sẽ ngưng kết sau đó vi khuẩn bị ly giải. Sự gia tăng đáng kể nồng độ kháng thể trong huyết thanh được coi là chẩn đoán. Phản ứng dương tính khi hiệu giá kháng thể tăng gấp 4 lần so với lần 1 hoặc làm 1 lần hiệu giá kháng thể cao trên 1/1000. 

Các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên đã được phát triển và cho thấy triển vọng trong chẩn đoán bằng huyết thanh, nước tiểu hoặc dịch tủy sống. Xét nghiệm PCR cũng có tại CDC và một số phòng xét nghiệm chuyên khoa. Xét nghiệm này đặc hiệu nhưng phụ thuộc vào sự hiện diện của Leptospira. Xét nghiệm PCR âm tính trong huyết thanh, nước tiểu hoặc dịch não tủy không loại trừ được bệnh leptospirosis vì Leptospira chỉ có trong máu trong những ngày đầu nhiễm trùng và sự hiện diện của vi khuẩn này trong nước tiểu là không liên tục. Leptospira thường không có trong dịch não tủy của bệnh nhân bị viêm màng não. 



Các biện pháp điều trị Bệnh Leptospira

1. Điều trị căn nguyên: kháng sinh

- Trong trường hợp nặng, khuyến cáo điều trị các kháng sinh đường tĩnh mạch sau:

  • Penicillin G 1,5 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ trong 7 ngày
  • Ceftriaxone 1g đường tĩnh mạch ngày 1 lần trong 7 ngày
  • Ampicillin 500-1000mg đường tĩnh mạch mỗi 6 giờ trong 7 ngày

Với bệnh leptospirosis nặng, chăm sóc hỗ trợ là rất quan trọng, với chạy thận nhân tạo và hỗ trợ thở máy khi cần thiết. Với chăm sóc hỗ trợ thích hợp, tổn thương cơ quan đích thường có thể phục hồi.

- Thể nhẹ hơn, có thể dùng đường uống

  • Doxycycline 100mg uống mỗi 12 giờ trong 5-7 ngày.
  • Ampicillin 500-750mg uống mỗi 6 giờ trong 5-7 ngày.
  • Amoxicillin 500mg uống mỗi 6 giờ trong 5-7 ngày.
  • Erythromycin 15 mg/kg/ngày trong 5-7 ngày.

Phản ứng Jarisch-Herxheimer thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi bắt đầu liệu pháp kháng sinh trong các trường hợp bệnh gây ra bởi xoắn khuẩn. Phản ứng thoáng qua và thường không gây nguy hiểm. Phản ứng cấp tính này được cho là phản ứng viêm với sự giải phóng cytokine do xoắn khuẩn bị phá hủy, đặc trưng bằng IL-6, TNF-alpha và IL-10 cao.. Nó được biểu hiện bằng sốt đột ngột và hạ huyết áp. 

2.Điều trị triệu chứng:

  • Paracetamol: giảm đau hạ sốt, cẩn trọng khi có suy gan.
  • Bù nước, điện giải.
  • Điều trị chống suy thận, chống suy tuần hoàn, chống tăng K+ máu, chống toan chuyển hóa, chống suy hô hấp.

Leptospirosis là một bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người trên toàn thế giới đã được phát hiện trong nhiều thập kỷ qua, nhưng vấn đề về căn bệnh này vẫn chưa được giải quyết đầy đủ. Nhiều trường hợp Leptospirosis có thể bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác trong giai đoạn đầu như cúm, sốt xuất huyết, làm người bệnh đến viện muộn và bỏ qua giai đoạn điều trị thích hợp ngay từ sớm. Hệ thống y tế MEDLATEC với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền nhiễm cùng thế mạnh về xét nghiệm sẽ hỗ trợ bạn chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời giúp tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Hãy gọi điện đến tổng đài 1900.56.56.56 của MEDLATECđể được tư vấn bởi các chuyên gia truyền nhiễm ngay khi bạn có các biểu hiện đã đề cập như trong bài viết trên.


Tài liệu tham khảo:

  1. https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-662-45059-8_5
  2. https://www.healio.com/news/infectious-disease/20191114/leptospirosis-a-challenging-diagnosis
  3. https://www.healio.com/news/infectious-disease/20120225/a-closer-look-at-leptospirosis-part-1
  4. https://www.wjgnet.com/2220-3176/full/v6/i4/61.htm
  5. https://emed.bvbnd.vn/wiki/phac-do/pd-dt/nhim-leptospira/
  6. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-5659-QD-BYT-2017-giam-sat-va-phong-chong-benh-xoan-khuan-vang-da-tren-nguoi-431826.aspx
  7. https://vncdc.gov.vn/benh-xoan-khuan-vang-da-nd14522.html#:~:text=Con%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20c%C3%B3%20th%E1%BB%83%20b%E1%BB%8B,n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20ti%E1%BB%83u%20kho%E1%BA%A3ng%201%20th%C3%A1ng.
  8. https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-662-45059-8_5
  9. https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/benh-do-leptospira-nghe-nghiep-nguy-co-phong-va-tri?inheritRedirect=false


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ