Từ điển bệnh lý

Bệnh lý bánh nhau : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 22-09-2021

Tổng quan Bệnh lý bánh nhau

 

1. Bánh nhau là gì?

Bánh nhau là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai của người phụ nữ, giữ vai trò là một nguồn nuôi dưỡng sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Tuy nhiên, có những trường hợp bánh nhau hình thành và phát triển không khỏe mạnh cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe người mẹ. Vì vậy, người phụ nữ khi mang thai phải quan tâm chú ý hơn đến các bệnh lý có thể xảy ra ở nhau thai.

Bánh nhau thường có hình tròn với đường kính khoảng từ 13-15cm, độ dày khoảng 2.5-3cm, trọng lượng nặng tương đương ⅙ trọng lượng của thai nhi. Mỗi bánh nhau bao gồm nhiều múi được xếp sát với nhau tạo thành các rãnh nhỏ, hệ thống mạch máu đến chằng chịt tạo mối liên kết giữa cơ thể người mẹ và thai nhi. Trong mỗi bánh nhau sẽ được chia thành 3 phần chính:

  • Lớp đáy (phần bánh nhau tiếp xúc với cơ tử cung)

  • Lớp đệm (phần bánh nhau tiếp xúc với thai nhi, sự kết dính giữa tổ chức bánh nhau với các màng)

  • Tổ chức bánh nhau

Nhiệm vụ chính của bánh nhau là cung cấp một lượng oxy và các chất dinh dưỡng đầy đủ cho sự phát triển của thai nhi, cụ thể các chất dinh dưỡng được cơ thể mẹ tiếp nhận từ thức ăn, đồ uống sẽ được chuyển hóa thành các loại dịch có thể luân chuyển từ cơ thể mẹ tới thai nhi thông qua bánh nhau. Lượng oxy có sẵn trong máu người mẹ cũng được bánh nhau vận chuyển đến cơ thể em bé. Ngoài ra, bánh nhau còn có tác dụng bảo vệ em bé khỏi những tác nhân gây bệnh từ các loại vi khuẩn, vi rút có xu hướng xâm nhập vào cơ thể thai nhi từ cơ thể người mẹ hoặc từ môi trường bên ngoài.

2. Các bệnh lý bánh nhau gây ảnh hưởng đến thai nhi và mẹ bầu

Bánh nhau có thể phát triển bất thường về vị trí bám, mức độ liên kết với thành tử cung hoặc hiện tượng phát triển dày quá mức của bánh nhau. Tất cả các dấu hiệu bánh nhau phát triển không bình thường đều có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của thai nhi và ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của người mẹ. Trong số những nguyên nhân gây sảy thai, thai nhi chậm phát triển, mẹ bầu khó sinh hoặc sức khỏe mẹ bầu bị ảnh hưởng sau sinh đều có thể bắt nguồn từ những bệnh lý về bánh nhau.

Một bánh nhau bình thường sẽ bao gồm các đặc điểm như sau:

  • Bánh nhau thai bám ở đáy tử cung (chứ không phải nằm bên thành tử cung hoặc gần cổ tử cung).

  • Bề dày nhau thai tỉ lệ thuận với tuổi của thai kỳ: Thai 20 tuần tuổi có độ dày bánh nhau khoảng 20mm, thai 30 tuần tuổi độ dày bánh nhau khoảng 30mm và thai 40 tuần tuổi có độ dày bánh nhau khoảng 40mm.

  • Bánh nhau có thể bám tại mặt trước hoặc mặt sau.

  • Độ trưởng thành của bánh nhau được phân loại qua 4 cấp độ (từ cấp độ 0 đến cấp độ 3): Độ 0 (mô nhau đồng nhất, bản đệm nhẵn và phẳng, không điểm vôi hóa thai kỳ); Độ 1 (mô bánh nhau phản âm rải rác, xuất hiện các điểm sáng vôi hóa, bản đệm lượn sóng hoặc nhấp nhô); Độ 2 (Bản đáy có phản âm canxi hóa, từ bản đệm bánh nhau đến mô bánh nhau xuất hiện tăng âm dấu phẩy); Độ 3 (Hình thành các vết hằn bản đệm, dễ dàng phân biệt bản đáy và bản đệm, mô bánh nhau có các vòng tròn canxi hóa, canxi bản đáy, đường tăng âm đi từ bản đệm đến bản đáy).

Bắt đầu từ tuần thứ 10 trở đi, nếu bánh nhau thai có các dấu hiệu phát triển bất thường đều có thể kiểm tra bằng biện pháp siêu âm. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi từ các bất thường về bánh nhau đồng thời xác định các phương hướng xử lý nếu có rủi ro xấu xảy ra.

Hình ảnh mô tả em bé đang nằm trong bụng mẹ và bánh nhau

Hình ảnh mô tả em bé đang nằm trong bụng mẹ và bánh nhau


Các biến chứng Bệnh lý bánh nhau

Vị trí đáy tử cung có rất nhiều mạch máu sẽ giúp nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh, vì vậy vị trí bám lý tưởng nhất của bánh nhau chính là vùng đáy của tử cung. Trong một số trường hợp bánh nhau hình thành và phát triển tại tử cung nhưng không bám vào vùng đáy tử cung mà bám tại thành tử cung hoặc vị trí gần cổ tử cung được gọi là tình trạng nhau thai tiền đạo (rau tiền đạo). Đây là bệnh lý bánh nhau phổ biến nhất có ảnh hưởng đến cả sự phát triển của thai nhi và sức khỏe người mẹ.

  • Nguyên nhân: Tình trạng hình thành rau tiền đạo hiện nay chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển rau tiền đạo như sản phụ bị u xơ tử cung, có sẹo trong thành tử cung (do điều trị bệnh lý hoặc nạo phá thai nhiều lần), tử cung dị dạng, sản phụ đã lớn tuổi,...

  • Triệu chứng bệnh: Mẹ bầu bị ra máu bất thường (đặc biệt ở những tháng cuối trong thai kỳ), đau bụng nhiều hơn khi chuyển dạ, tay chân lạnh, thở nhanh, có thể hạ huyết áp,...

  • Ảnh hưởng: Xuất huyết bất thường trong thai kỳ thường khiến cơ thể mẹ bầu suy yếu, hay lo lắng, nguy cơ thai nhi bị thiếu dinh dưỡng do bánh nhau thai liên kết với vị trí không thuận lợi cho việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, nguy cơ mẹ bầu bị sinh non, em bé sinh ra thường nhẹ cân,...

  • Xử lý trình trạng: Yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo thai nhi lớn thêm trước khi mổ lấy thai, cầm máu cho người mẹ, trường hợp mất máu quá nhiều cần lựa chọn bỏ thai để cứu mẹ.

hình ảnh mô tả nhau thai bình thường và nhau thai bất thường

Hình ảnh mô tả nhau thai bình thường và nhau thai bất thường


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh lý bánh nhau

 

1. Bệnh lý bánh nhau: Rau cài răng lược

Thông thường bánh nhau sẽ tự động bong tróc ra khỏi thành tử cung và được cổ tử cung co bóp đẩy ra ngoài sau khi mẹ bầu vượt cạn thành công. Tuy nhiên, một số trường hợp bánh nhau không những không bị bong tróc ra mà còn có dấu hiệu ăn thủng thành tử cung và xâm lấn các cơ quan tổ chức khác trong bụng người mẹ. Tình trạng này được gọi là nhau cài răng lược (rau cài răng lược).

  • Nguyên nhân: Tình trạng rau cài răng lược có thể là do các thương tổn có sẵn lại thành tử cung người mẹ như các vết sẹo, các vết viêm loét do bệnh lý. Các vết sẹo trong thành tử cung thường là hệ quả của những lần nạo phá thai hoặc trường hợp điều trị bệnh có gây thương tổn đến thành tử cung. Ngoài ra, những sản phụ từng sinh mổ có thể để lại sẹo trên thành tử cung dẫn đến tình trạng bánh nhau bám vào vị trí vết sẹo theo kiểu cài răng lược.

  • Triệu chứng bệnh: Dấu hiệu nhận biết chính của tình trạng rau cài răng lược chính là biểu hiện xuất huyết trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp rau càng răng lược đều có thể phát hiện sớm khi mẹ bầu siêu âm khám thai định kỳ.

  • Ảnh hưởng đến người mẹ: Sản phụ bị rau cài răng lược có thể phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm sinh non, suy thận, xuất huyết nghiêm trọng, các vấn đề về đông máu, suy thai hoặc tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng. Ngoài ra, hầu hết những trường hợp mẹ bầu bị rau cài răng lược đều cần phải sinh mổ và kết hợp loại bỏ bánh nhau ra khỏi cơ thể nhằm bảo vệ sức khỏe người mẹ về sau. Tuy nhiên, một số biến chứng khác có thể xuất hiện khi thực hiện phẫu thuật cho mẹ bầu như: Nhiễm trùng vết mổ, phản ứng với thuốc gây mê, xuất huyết nghiêm trọng, tổn thương các cơ quan lân cận,...

  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Chấn thương do quá trình phẫu thuật lấy thai phức tạp hoặc có thể gặp vấn đề về hô hấp, tuy vậy những rủi ro từ việc sinh mổ thường ít xảy ra.

Mẹ nên nghỉ ngơi thoải mái và thăm khám đúng lịch hẹn của bác sĩ

Mẹ nên nghỉ ngơi thoải mái và thăm khám đúng lịch hẹn của bác sĩ

2. Bệnh lý bánh nhau: Phù nhau thai

Một bánh nhau thông thường sẽ có kích thước từ 2 đến 4cm và có trọng lượng khoảng 400 - 600g. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bánh nhau thai được phát hiện có kích thước tăng gấp đôi so với bình thường, đây được gọi là tình trạng phù nhau thai.

Tương tự như những dạng phù nề khác, tình trạng phù nhau thai là sự tích tụ nước quá nhiều khiến kích thước bánh nhau tăng đột biến, độ dày của bánh nhau cũng từ đó phát triển dày hơn. Nguy cơ làm giảm chất lượng hoạt động thông thường của bánh nhau, lượng dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng cho thai nhi sẽ bị cản trở.

  • Nguyên nhân: Nếu người mẹ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công từ những tháng thai kỳ đầu tiên thì khả năng cao cơ thể mẹ sẽ bị bệnh. Bánh nhau hấp thụ dinh dưỡng từ cơ thể người mẹ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm độc,... có khả năng bị phù nề và mất khả năng hoạt động. Những mẹ bầu có nguy cơ cao bị phù bánh nhau bao gồm: Những người mắc bệnh Rubella thai kỳ, có bất đồng nhóm máu của mẹ và con, bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, mẹ bầu uống rượu bia hoặc tiếp xúc với các loại khói độc hại, những sản phụ có tiền sử bị phù bánh nhau từ lần mang thai trước đó,...

  • Triệu chứng: Người bệnh có thể được phát hiện tình trạng phù nhau thai khi siêu âm khám thai định kỳ, cơ thể người mẹ có thể không xuất hiện triệu chứng bệnh bất thường gì nhưng thai nhi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

  • Mức độ nguy hiểm của tình trạng phù nhau thai: Trường hợp phát hiện sản phụ bị phù nhau thai thì khả năng cao người mẹ không thể giữ lại thai nhi. Khi nhau thai bị phù, chức năng cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi sẽ bị mất nên thai nhi sẽ dần bị chết lưu trong bụng người mẹ. Bác sĩ sẽ chỉ định lấy thai ra khỏi cơ thể người mẹ sớm nhất có thể nhằm loại bỏ các nguy cơ biến chứng cho người mẹ. Một số trường hợp hi hữu trẻ được sinh non có thể tiếp tục sống nhưng phải đối mặt với rất nhiều di chứng nghiêm trọng cả về cấu tạo cơ thể và cấu tạo thần kinh.

3. Bệnh lý bánh nhau: Nhau bong non

Thông thường bánh nhau sẽ tự động bong tróc ra khỏi thành tử cung và được co bóp đẩy ra ngoài cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bánh nhau bị bong tróc một phần hoặc tách hoàn toàn ra khỏi tử thành tử cung trước khi chuyển dạ được gọi là tình trạng nhau bong non. Bánh nhau là cấu nối vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ thể thai nhi vì vậy nếu bánh nhau bị bong khỏi tử cung có nghĩa là thai nhi đã bị tước đi nguồn dinh dưỡng, bác sĩ cần được đưa ra khỏi cơ thể người mẹ sớm nhất có thể nhằm bảo vệ sức khỏe cho người mẹ và cứu sống thai nhi (nếu có thể).

  • Nguyên nhân: Các tác nhân tác động đến cơ thể người mẹ khiến các mạch máu của bánh nhau bị đứt rời tách khỏi thành tử cung đều được coi là nguyên nhân nhau bong non. Hai nhóm nguyên nhân chính gây nhau bong non là: chấn thương bụng người mẹ do bị ngã hoặc bị tai nạn và nguyên nhân do điều trị bệnh sản phụ khoa gây thương tổn đến bánh nhau.

  • Đối tượng dễ bị bong nhau thai sớm: sản phụ có tiền sử bị nhau bong non từ lần sinh trước, thai phụ bị tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ, mắc bệnh liên quan đến đông máu, thiếu axit folic trong cơ thể, những người sử dụng các chất gây nghiện như cocain,...

  • Triệu chứng bệnh: Các biểu hiện thường gặp khi sản phụ bị bong nhau thai sớm có thể là biểu hiện đau bụng đột ngột, cơn đau dữ dội kéo dài, bụng bị căng cứng, xuất huyết từ âm đạo, màu máu sẫm, nhịp thai bất thường, mẹ bầu bị choáng hoặc ngất xỉu.

  • Ảnh hưởng: Tình trạng nhau bong non có thể gây chết thai trong bụng người mẹ nếu thai sinh non không thể phát triển hoặc sản phụ không được cấp cứu xử lý kịp thời. Ngoài ra, cơ thể người mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tình trạng nhau bong non không được xử lý kịp thời, nguy cơ xuất huyết khiến cơ thể mất máu nhiều, có thể chảy máu ở các cơ quan trong bụng người mẹ gây tổn thương nghiêm trọng, nguy cơ dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.

Có rất nhiều tình trạng bệnh lý có thể xuất hiện ở bánh nhau, vì vậy mỗi sản phụ cần phải chú ý đến từng chi tiết bất thường trong giai đoạn mang thai nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các rủi ro cho cả người mẹ và thai nhi. Ngoài ra, biện pháp khám thai định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của bánh nhau và quá trình phát triển của thai nhi.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.