Bác sĩ: ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân
Chuyên khoa: Chuyên khoa Nội
Năm kinh nghiệm: 10 năm
Bệnh Addíon hay còn goi là suy tuyến thượng thận nguyên phát (suy tuyến thượng thận tiên phát) là tình trạng bệnh lý do phá hủy lớp vỏ của tuyến thượng thận do nhiều nguyê nhân khác nhau gây sự giảm sút nồng độ của Glucocorticoid hoặc mineralcorticoid hoặc cả hai.
Bệnh lý được lấy theo tên của bác sĩ Thomas
Addison, một bác sĩ y khoa người Anh, là người đầu tiên mô tả các triệu chứng của bệnh lý này vào năm 1855 khi ông theo dõi và điều trị 06 bệnh nhân có sự phá hủy tuyến thượng thận do lao. Lúc đầu bệnh lý này được gọi là “ bệnh nám da”, về sau bệnh lý được đặt theo tên bác sĩ Addison
Bệnh có thể gặp ở hầu hết mọi lứa tuổi, cả nam và nữ nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ tuổi trung niên với tỷ lệ khoảng 0.9-1.4/10.000 người.
Hình ảnh mô tả tuyến thượng thận trong cơ thể con người
Vào những năm 1855 khi bác sĩ Addison lần đầu tiên mô tả bệnh thì nguyên nhân chủ yếu là do lao tuyến thượng thận. Tuy nhiên, như hiện nay lao tuyến thượng thận chỉ chiếm 7 - 20% các trường hợp, còn lại 70 - 90% các trường họp là do bệnh lý tự miễn. Một số nhỏ trường hợp xuất hiện bệnh do ung thư tuyến thượng thận hoặc ung thư di căn đến tuyến, do các nguyên nhân bệnh lý truyền nhiễm khác hoặc do xuất huyết, nhồi máu tuyến thượng thận. Một số thuốc cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
1. Phá hủy tuyến thượng thận do bệnh lý tự miễn
- Đây là nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý này, chiếm 70-90% các trường hợp. Cơ chế miễn dịch tham gia vào quá trình bệnh lý này bao gồm cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.
- Hệ thống miễn dịch thường tấn công vào các enzym . Enzym thường gặp nhất là 21- hydroxylase.
- 50 - 65% các bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do nguyên nhân tự miễn có mắc một hay nhiều bệnh lý tự miễn khác. Đa số các rối loạn này nằm trong hội chứng tự miễn đa tuyến type 1 và type 2. Các bệnh nhân mắc bệnh Celiac có nguy cơ mắc suy tuyến thượng thận cao gấp 11 lần những bệnh nhân khỏe mạnh bình thường khác. Tuy nhiên, một số bệnh có tính chất tự miễn thường gặp như đái tháo đường type 1, bệnh Basedow hay viêm tuyến giáp Hashimoto dường như rất ít liên quan đến bệnh lý này.
2. Nguyên nhân do lao tuyến thượng thận
- Lao tuyến thượng thận thường là tổn thương thứ phát sau lao ở các cơ quan khác như lao phổi, lao màng phổi,…
- Đây là nguyên nhân cơ bản gây bệnh Addison trong giai đoạn thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên hiện nay, bệnh lý lao đã được kiểm soát tốt ở đa số các nước phát triển nên nguyên nhân suy tuyến thượng thận do lao hiện rất ít gặp.
- Ở các bệnh nhân lao tuyến thượng thận thường thấy kích thước tuyến to hơn bình thường và vôi hóa trong tuyến. Tuy nhiên, việc không phì đại tuyến và không có vôi hóa cũng không loại trừ được nhiễm lao tuyến thượng thận.
- Việc phục hồi lại chức năng tuyến thượng thận sau điều trị lao ổn định tỷ lệ thấp. Đa số là tổn thương không hồi phục.
3. Nhiễm nấm
- Nhiễm một số loại nấm có thể gây nên tình trạng phá hủy tuyến thượng thận và gây bệnh Addison. Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm nấm Histoplasmosis và blastomycosis.
- Trong tổn thương do nấm tuyến thượng thận cũng phì đại và có vôi hóa.
- Chức năng tuyến có thể phục hồi sau điều trị nấm.
4. Nhiễm HIV
- Tổn thương tuyến thượng thận trong HIV có thể do virus, do nhiễm trùng cơ hội.
5. Một số nhiễm trùng khác
- Giang mai
- Sán máng
6. Tổn thương mạch máu tuyến thượng thận
- Một nguyên nhân có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận nguyên phát chính là nguyên nhân liên quan đến mạch máu nuôi dưỡng.Tình trạng xuất huyết tuyến thượng thận, nhồi máu tuyến thượng thận hoặc huyết khối tĩnh mạch của tuyến thượng thận. Trong những nguyên nhân này thì xuất huyết tại tuyến thượng thận là nguyên nhân hay gặp nhất
- Xuất huyết tuyến thượng thận thường hay gặp nhất trong hội chứng Hội chứng Waterhouse-Friderichse. Đây là một nhiễm khuẩn nặng, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, đông máu rải rác trong lòng mạch, suy vỏ tuyến thượng thận và cuối cùng là tử vong. Tác nhân thường gặp nhất của hội chứng này là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Ngoài ra một số vi khuẩn khác cũng có thể gây nên hội chứng này như trưc khuẩn mủ xanh, E.coli, H.Influenzae.
- Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết tại tuyến thượng thận như tình trạng sử dụng thuốc chống đông, chấn thương vùng bụng, sau phẫu thuật hay sau nhiễm khuẩn huyết,…
- Cơ chế của xuất huyết tuyến thượng thận hiện vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu cho rằng hiện tượng này liên quan đến tình trạng gia tăng lượng máu đến tuyến thượng thận do đáp ứng với tình trạng tăng ACTH do stress bệnh lý.
7. Do ung thư di căn
- Tỷ lệ các bệnh lý ác tính gây di căn tại tuyến thượng thận là khá cao. Khoàng 40 - 60% các bệnh nhân ung thư phổi và ung thư vú có di căn đến tuyến thượng thận, tỷ lệ này khoảng 14 - 20% ở các bệnh nhân ung thư dạ dày.
- Một đặc điểm chung của các bệnh nhân suy tuyến thượng thận do ung thư di căn là các triệu chứng thường không rõ ràng, bệnh nhân cũng nhầm tưởng rằng đấy là các triệu chứng do ung thư.
8. Do thuốc
- Một số thuốc có thể gây nên tình trạng suy tuyến thượng thận tiên phát, tuy nhiên chủ yếu trên những đối tượng có dự trữ cortisol thấp.
- Một số thuốc làm giảm tổng hợp cortisol như thuốc chống nấm: ketoconazol, fluconazol…
- Một số thuốc làm đẩy nhanh quá trình thoái giáng của cortisol như rifampicin, metotane…
9. Nguyên nhân di truyền
- Một số trường hợp suy tuyến thượng thận có liên quan đến đột biến gen gây rối loạn hoạt động của enzym Hydroxylase.
- Thiếu hụt enzym 21-Hydroxylase liên quan đến đột biến gen CYP21A2.
- Thiếu hụt enzym 11- beta Hydroxylase do đột biến gen CYP11B1.
- Thiếu hụt enzym 17-alpha Hydroxylase do đột biến gen CYP17A1.
Suy tuyến thượng thận nguyên phát cần được phát hiện và điều trị từ sớm
1. Triệu chứng lâm sàng
Bệnh lý thường diễn biến từ từ trong giai đoạn đầu. Thông thường, khi tuyến thượng thận bị tổn thương khoảng 90%, mất khả năng làm việc bù trừ thì các triệu chứng mới rõ ràng hoặc trong một số trường hợp có các bệnh lý cấp tính, cơ thể cần huy đông một lượng cortisol nhiều hơn để cơ thể chống lại stress bệnh tật.
- Mệt mỏi: là triệu chứng thường gặp nhất. Mệt cả ngày, tăng lên về chiều tối hoặc gắng sức. Người luôn có cảm giác uể oải, không muốn hoạt động.
- Gày sút cân: tùy từng người mà mức độ gày sút cân khác nhau. Gày sút cân do nguyên nhân mất nước, do ăn kém vì mệt mỏi, do tình trạng rối loạn tiêu hóa.
- Rối loạn tiêu hóa:
+ Chán ăn, ăn kém ngon miệng
+ Đau bụng, vị trí đau thường không rõ ràng, có trường hợp đau bụng dữ dội.
+ Buồn nôn, nôn ra thức ăn lẫn dịch dạ dày.
- Xạm da, niêm mạc:
+ Xạm da gây cảm giác răng trắng hơn so với bình thường
+ Tình trạng xạm xuất hiện ở cả da và niêm mạc. Trên da thường xuất hiện nhiều hơn, sậm hơn ở những vùng da hở có tiếp xúc với ánh nắng, vùng nếp gấp, vùng da hay cọ sát. Những bệnh nhân này thường có màu da nâu đồng khá điển hình.
+ Các vị trí niêm mạc như niêm mạc má, lợi cũng có những điểm đen.
- Hạ huyết áp:
+ Đây là triệu chứng thường gặp nhưng khá khó nhận biết và chẩn đoán. Muốn chẩn đoán đôi khi phải dựa trên huyết áp nền của bệnh nhân trước đó.
+ Các bệnh nhân thường có cơn hạ huyết áp tư thế.
- Các triệu chứng khác:
+ Trầm cảm
+ Lãnh cảm ở phụ nữ, suy sinh dục ở nam giới
+ Kém tập trung, giảm khả năng làm việc
+ Đau cơ, chuột rút.
+ Hạ đường máu: thường gặp ở trẻ em.
2. Cận lâm sàng
2.1. Xét nghiệm chung
- Công thức máu: thiếu máu nhẹ, thiếu máu nhược sắc, bạch cầu trung tính giảm, bạch cầu ái toan tăng.
- Điện giải đồ: natri máu giảm, Kali máu tăng
- Glucose máu giảm
- Chức năng thận: ure và creatinin tăng nhẹ, thường do cô đặc máu
- Điện tâm đồ: điện thế ở các chuyển đạo thấp
- Xquang tim phổi: tim kích thước nhỏ hơn bình thường, tim có hình giọt nước
- Xquang ổ bụng: hình ảnh vôi hóa tuyến thượng thận (thường gặp trong lao tuyến thượng thận)
2.2. Xét nghiệm hormon tuyến thượng thận
- Cortisol máu 8h giảm
- 17-OH corticosteroid trong nước tiểu giảm, thường thấp hơn 3mg/24h (xét nghiệm nước tiểu 24h)
- 17 cetosteroid nước tiểu thấp hơn 5mg/24h ở nam và 3mg/24h ở nữ.
- Aldosterol máu giảm
- ACTH máu tăng
2.3. Một số nghiệm pháp
- Nghiệm pháp Synacthen nhanh:
+ Lấy máu định lượng Cortisol lúc 8h
+ Tiêm bắp cho bệnh nhân 1 ống synacthen 250 microgam
+ Kiểm tra lại Cortisol sau 1 giờ
+ Kết quả: cortisol máu không tăng hoặc tăng rất ít=>suy tuyến thượng thận nguyên phát.
- Nghiệm pháp Synacthen chậm
+ Lấy máu định lượng Cortisol lúc 8h
+ Tiêm bắp cho bệnh nhân 1 ống synacthen 1 mg
+ Kiểm tra lại Cortisol sau 30 phút, 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ và 5 giờ
+ Kết quả: nếu Cortisol không tăng => suy tuyến thượng thận ngyên phát.
- Nghiệm pháp Robinson
+ Bệnh nhân không ăn uống sau 12h đêm, sáng hôm sau đi tiểu hết hoặc đặt sonde tiểu
+ Bệnh nhân được uống 15ml/kg lúc 8h
+ Đo số lượng nước tiểu các thời điểm 8h-11h-12h, đo tỷ trọng nước tiểu
+ Kết quả: sau 3 giờ lượng nước tiểu <2/3 lượng nước uống vào và tỷ trọng nước tiểu >1.005=>Addison.
- Một số nghiệm pháp ít dùng: Test ức chế tiết cortisol, test gây hạ đường máu.
Tuyến thượng thận cần được bảo vệ
1. Điều trị suy tuyến thượng thận mạn, mức độ nhẹ và trung bình
- Sử dụng thuốc nhằm thay thế lượng cortisol thiếu hụt
- Hydrocortisol viên 10mg liều 0.5-1mg/kg, chia liều 1/3 sáng, 1/3 chiều. Cần tăng ít nhất 10% liều khi có bệnh lý cấp tính, stress.
- 9 alpha fluorohydrocortison, viên 50 microgam. Uống 1-2 viên/ ngày vào buổi sáng
2. Điều trị suy tuyến thượng thận cấp
- Sử dụng Hydrocortisol lọ tiêm 100mg, tiêm tĩnh mạch 100mg mỗi 6 giờ. Khi ổn định giảm liều còn 50mg mỗi 6h.
- Khi hết tình trạng suy thượng thận cấp, chuyển sang điều trị duy trì như suy tuyến thượng thận mạn thể nhẹ và trung bình.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!