Từ điển bệnh lý

Bệnh thấp khớp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 23-04-2025

Tổng quan Bệnh thấp khớp

Thấp khớp không phải là một bệnh mà là một thuật ngữ chỉ nhóm bệnh ảnh hưởng đa dạng đến hệ thống vận động của cơ thể, bao gồm cả khớp, gân, dây chằng, xương và cơ. Bệnh thấp khớp là một nhóm các bệnh lý mạn tính, gây ra những tổn thương lâu dài và tàn tật cho người bệnh, đặc trưng bởi tình trạng viêm, mất chức năng và có thể gây ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng trong cơ thể.


Nguyên nhân Bệnh thấp khớp

Hầu hết các bệnh lý thấp khớp xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số yếu tố nguy cơ nhất định có thể khiến bạn có nhiều khả năng mắc bệnh thấp khớp hơn, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: gen di truyền đóng vai trò như một yếu tố nguy cơ, tăng khả năng mắc bệnh thấp khớp Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh này, nguy cơ bạn mắc bệnh cũng sẽ tăng lên đáng kể.
  • Tuổi: nhiều bệnh thấp khớp thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên, tuy nhiên, một số loại khác lại phổ biến hơn ở người trẻ tuổi như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp. Trong khi bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp có tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi.
  • Giới tính: cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh thấp khớp. Phụ nữ thường dễ mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp (RA), lupus, xơ cứng bì hơn nam giới. Ngược lại, nam giới lại có nguy cơ cao hơn đối với bệnh gút và viêm cột sống dính khớp (AS).
  • Nhiễm trùng cũng có thể là một trong những nguyên nhân khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm một số bệnh thấp khớp, đặc biệt là lupus, xơ cứng bì và đau đa cơ. 
  • Các bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì... cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thấp khớp, đặc biệt là bệnh gút.
  • Ngoài ra, mắc các bệnh thấp khớp như viêm khớp dạng thấp, lupus hoặc xơ cứng bì có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh khác, chẳng hạn như hội chứng Sjogren hoặc viêm mạch máu.
  • Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thấp khớp mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, gây đau nhức và hạn chế vận động. Hút thuốc là một trong những thủ phạm chính gây ra các bệnh thấp khớp.

Phân loại bệnh thấp khớp

Việc phân loại các bệnh thấp khớp gặp nhiều khó khăn do thiếu bằng chứng nguyên nhân chắc chắn cho hầu hết các bệnh. Thuật ngữ bệnh thấp khớp không có ranh giới rõ ràng với hơn 100 tình trạng khác nhau được dán nhãn bệnh thấp khớp. Sự chồng chéo trong triệu chứng lâm sàng cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán và phân loại bệnh đặc biệt là trong giai đoạn đầu.

Bệnh thấp khớp có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, nhưng một dạng phân loại đơn giản dựa trên bản chất của chúng. Bệnh thấp khớp được chia thành các rối loạn tự miễn, tự viêm và thoái hóa/chuyển hóa

  • Các bệnh tự miễn bao gồm: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm cơ vô căn, hội chứng kháng phospholipid, hội chứng Sjogren, viêm mạch tự phát.
  • Các bệnh tự viêm bao gồm: bệnh Still khởi phát ở người lớn, viêm tủy xương đa ổ mãn tính tái phát, hội chứng Nomid, sốt Địa trung hải có tính chất gia đình,...
  • Các bệnh liên quan đến chuyển hóa: loãng xương, bệnh Paget, rối loạn canxi và phospho, loạn dưỡng xương do thận, Gút,...
  • Bệnh liên quan đến thoái hóa: thoái hóa khớp.

Triệu chứng Bệnh thấp khớp

Người bệnh thấp khớp thường gặp phải các triệu chứng như:

  • Cảm giác đau nhức ê ẩm ở các khớp người bệnh luôn trong trạng thái khó chịu, mệt mỏi. 
  • Các khớp bị viêm, nóng rát, sưng đỏ.
  • Khớp cứng đờ, khó cử động, khiến người bệnh phải mất một lúc mới có thể cử động được.
  • Các khớp có vẻ "dễ chịu" hơn sau khi vận động nhẹ nhàng, nhưng lại trở nên đau nhức hơn sau khi hoạt động mạnh. 
  • Các khớp thường đau tăng khi thay đổi thời tiết
  • Cảm giác mệt mỏi thường xuyên.
  • Người bệnh có thể sụt cân, sốt.

Tuy nhiên trên thực tế các loại bệnh thấp khớp khác nhau sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau, không chỉ về vị trí mà còn về mức độ nghiêm trọng.

Bệnh nhân có biểu hiện đau khớp

Bệnh nhân có biểu hiện đau khớp



Các biện pháp chẩn đoán Bệnh thấp khớp

Xét nghiệm máu:

Người bệnh mắc bệnh thấp khớp cần được khảo sát hội chứng viêm sinh học do sự xuất hiện các protein trong quá trình viêm và hội chứng thiếu máu:

  • Hội chứng viêm sinh học biểu hiện bằng các thông số:
  • Tốc độ máu lắng tăng trong các đợt tiến triển.
  • Tăng các protein viêm như protein C phản ứng (CRP), gamma globulin.
  • Hội chứng thiếu máu do quá trình viêm mạn tính.

Xét nghiệm miễn dịch:

  • Kháng thể kháng nhân ANA có tỉ lệ dương tính cao nhưng không đặc hiệu, gợi ý bệnh thấp khớp do nguyên nhân tự miễn.
  • Yếu tố dạng thấp RF và anti CCP có giá trị chẩn đoán và tiên lượng viêm khớp dạng thấp.
  • Kháng thể kháng ADN, kháng Sm, kháng thể antiphospholipid giúp chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống.
  • Kháng thể anti -Mi-2, anti Jo-1 giúp chẩn đoán viêm đa cơ và viêm đa cơ.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang tại vị trí khớp tổn thương giúp đánh giá và phân loại các tổn thương. Tổn thương bào mòn xương trên X-quang là tổn thương đặc hiệu trên viêm khớp dạng thấp, trong khi lupus ban đỏ không có hình ảnh hủy hoại khớp.

Hình ảnh bào mòn xương trong viêm khớp dạng thấp

Hình ảnh bào mòn xương trong viêm khớp dạng thấp

  • Chụp cộng hưởng từ: tại khớp tổn thương có thể thấy hình ảnh bào mòn và phù xương trong viêm khớp dạng thấp, tại cơ bị tổn thương thấy hình ảnh thâm nhiễm cơ trong viêm đa cơ.
  • Ngoài ra có thể làm thêm sinh thiết da đối với bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì và sinh thiết cơ được coi là tiêu chuẩn vàng trên bệnh nhân viêm da cơ và viêm đa cơ.



Các biện pháp điều trị Bệnh thấp khớp

Dựa vào triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trên từng bệnh nhân cụ thể mà người thầy thuốc sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được dùng để điều trị thấp khớp như:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) giúp giảm đau và giảm viêm cho người bệnh
  • Thuốc corticoid liều dùng và đường dùng tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh
  • Các thuốc chống sốt rét tổng hợp
  • Thuốc ức chế miễn dịch
  • Thuốc điều trị sinh học

Sống chung với bệnh thấp khớp có thể là một hành trình đầy thử thách, nhưng với một chút thay đổi trong lối sống và sự hỗ trợ từ chuyên gia, bạn hoàn toàn có thể sống một cuộc sống trọn vẹn.

  • Trở thành người đồng hành cùng bác sĩ: Luôn chia sẻ với bác sĩ về những thay đổi trong tình trạng sức khỏe của bạn để được tư vấn kịp thời, dành thời gian tìm hiểu về kế hoạch điều trị và tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Đối với bệnh nhân mắc lupus, viêm da cơ cần có biện pháp tránh ánh nắng mặt trời.
  • Giảm cân là một trong những cách hiệu quả để cải thiện tình trạng viêm và giảm đau.
  • Vận động giúp giảm đau, giảm cứng và chống dính khớp, tăng cường sức khỏe và nâng cao tinh thần. 
  • Sức khỏe tinh thần cũng cần được chú trọng. Người bệnh có thể học các bộ môn thiền, yoga, nghe nhạc,... giúp thư giãn, giảm stress.

Thấp khớp không chỉ đơn thuần là một bệnh mà nó bao gồm hàng trăm bệnh khác nhau, với biểu hiện từng bệnh hết sức đa dạng. Chính vì thế khi có bất cứ dấu hiệu nào trên cơ, xương, khớp, dây chằng bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp. Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi là địa chỉ đáng tin cậy để bệnh nhân an tâm chữa bệnh.



Tài liệu tham khảo:

  1. Chapter 1: The Spectrum of Rheumatic Diseases - Surgery in Rheumatic and Musculoskeletal Disease. 2018. Estefanía Calle ∗, José A. Gómez-Puerta https://doi.org/10.1016/B978-0-444-63887-8.00001-3
  2. Sangha, O.. (2000). Epidemiology of rheumatic diseases. Rheumatology, 39(suppl 2), 3–12. doi:10.1093/rheumatology/39.suppl_2.3 
  3. https://www.healthline.com/health/rheumatic-diseases#scleroderma
  4. https://www.niams.nih.gov/health-topics/arthritis-and-rheumatic-diseases
  5. https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/an-overview-of-rheumatic-diseases


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ